Triết lí phục vụ ở đâu mà để dân bị “làm khó” ở đăng kiểm?

Con số hơn 15.000 phương tiện bị từ chối đăng kiểm vì… chưa đóng tiền phạt nguội đã gây phiền hà không ít cho người dân. Đã quá rõ là không phải người vi phạm không chịu đóng phạt mà đa phần do họ không biết.

 Sau sự bức xúc của các chủ phương tiện bị phạt nguội bị từ chối cho đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm vừa lập đường dây nóng để giải đáp thắc mắc (ảnh:Laodong.vn).

Phạt nguội, cùng với phương thức phạt nóng, phạt ngay tại chỗ…, giúp cho việc thực thi pháp luật nghiêm khắt hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương thức phạt nguội không có nghĩa là lực lượng chức năng, cơ quan quản lí cứ ghi nhận sự vi phạm rồi âm thầm để đó, người vi phạm sẽ tự đến đóng tiền phạt. Người vi phạm bị phạt nguội có biết không? Đa phần là không biết nếu không nhận được thông báo bằng giấy báo, email hay điện thoại, tin nhắn, hoặc đọc được trên website…

Vậy thì vấn đề ở đây là, họ đã sai rồi, nhưng có đáng bị thêm một lần bị hành khi mang phương tiện đi đăng kiểm, vì chưa đóng tiền phạt hay không? Không. Khi cơ quan quản lí, lực lượng chức năng đã không công bố, thông báo người vi phạm, phương tiện vi phạm với hành vi vi phạm cụ thể như thế nào trên các phương tiện thì lỗi thuộc về cơ quan quản lí, lực lượng chức năng.

Ngày nay có quá nhiều phương tiện thông tin và truyền thông. Với đối tượng vi phạm không nắm được số điện thoại, email thì có thể thông báo trên website công hoặc lập đường dây nóng, nhưng đối với đối tượng vi phạm mà cơ quan chức năng nắm rõ địa chỉ, số điện thoại, email… thì càng dễ dàng hơn trong việc thông tin trực tiếp tới họ để thực hiện nghĩa vụ nộp phạt. Họ nộp phạt sớm, thì cơ quan chức năng sớm hoàn thành nhiệm vụ, sớm có nguồn thu cho ngân sách và cũng giúp giải phóng nhanh công việc để tránh tồn đọng.

Người vi phạm, dù họ đang mắc lỗi bị xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan nhà nước/lực lượng chức năng cũng nên tạo điều kiện cho họ theo phương châm phục vụ để hoàn hoàn thành sớm việc đóng phạt, chứ đừng nhìn họ với một thái độ dè chừng như những kẻ tội phạm.

Là “đầy tớ của nhân dân”, khi người dân mắc lỗi, thì những người “đầy tớ” vẫn phải thể hiện sự phục vụ tốt nhất, thậm chí ân cần hơn để giúp người dân không bị mặc cảm tội lỗi, sớm khắc phục lỗi sai và  tránh tái phạm. Bởi suy cho cùng, tiền phạt đó cũng góp phần trong việc trả lương cho bộ máy “đầy tớ”. Nếu phục vụ theo triết lí này, thì có lẽ đã không đến nỗi xảy ra tình trạng ách tắc, bực bội, khó chịu vì mất thời gian của hơn 15.000 trường hợp phương tiện bị từ chối đăng kiểm như những ngày qua.

Các cơ quan chức năng đã rút kinh nghiệm và đã thông báo danh sách vi phạm trên website. Nhưng chừng đó có lẽ chưa đủ, mà nên sử dụng nhiều phương tiện truyền thông hiệu quả hơn để thông báo tới người dân.

Theo Thế Lâm/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều