Trung tướng Trần Đình Nhã: Tướng của VNA được điều sang nhưng Jetstar vẫn lỗ, cách dùng người của VNA có vấn đề?

Tiếp tục câu chuyện lãnh đạo Vietnam Airline (VNA) được thăng chức cho dù trong thời gian lãnh đạo Hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) đã góp phần tạo nên khoản lỗ lũy kế hơn 4000 tỷ đồng, PV có cuộc trao đổi với PGS.TS Trung tướng Trần Đình Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội về vấn đề này.

Thưa ông, liên quan đến Jetstar Pacific (JPA), Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã cho rằng “có thể đang có sai phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA)”, ông có đồng tình với nhận định nêu trên của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về vấn đề này không?

Trong “câu chuyện” lỗ triền miên hơn 20 năm qua của JPA, cần phải nhìn nhận một cách khách quan là câu chuyện lỗ của JPA đã tồn tại từ trước khi VNA tiếp nhận quyền quản lý. Nhưng, tôi cũng đồng tình với quan điểm của ông Lê Thanh Vân. Bởi lẽ, vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong “câu chuyện” lỗ của JPA là cách sử dụng nhân sự của VNA tại JPA chứ không phải con số lỗ bao nhiêu và lỗ từ khi nào.

Tôi cho rằng, sẽ là một câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng cho quyết định sử dụng nhân sự cấp cao của VNA tại thởi điểm hiện tại. Sở dĩ như vậy là do, tại thời điểm VNA tiếp nhận quyền quản lý JPA, VNA đã sử dụng những “tướng” mạnh nhất của VNA như ông Dương Chí Thành, Lê Hồng Hà để biệt phái sang lãnh đạo, điều hành JPA.

Thế nhưng, sau một vài năm, khi nhiệm vụ mà các vị “tướng” được tín nhiệm biệt phái sang JPA còn chưa có căn cứ để đánh giá, và dấu hiệu bên ngoài JPA vẫn ngập chìm trong các khoản lỗ thì các vị “tướng” này lại được đưa trở về VNA và thăng chức lên các vị trí quan trọng hơn, tôi đặc biệt nhấn mạnh điểm này. Việc “điều quân” như trên của VNA chính là mấu chốt khiến tôi quan ngại và tôi tin rằng Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đang tiếp cận vấn đề dưới góc độ này.

Mặc dù JPA lỗ kéo dài nhưng có ý kiến cho rằng, sau khi VNA tiếp nhận đến nay, JPA đã có lãi trong 03 năm 2014, 2015 và 2018. Số lỗ trung bình trong giai đoạn 2012-2018 của JPA ở mức 254 tỷ/năm và đã có những thay đổi và cải thiện rõ rệt. Thậm chí, JPA còn được đánh giá là đã đóng góp lớn vào thành công của VNA trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như tôi đã khẳng định, vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong câu chuyện “lỗ” của JPA là cách sử dụng nhân sự của VNA tại JPA chứ không phải con số lỗ bao nhiêu và lỗ từ khi nào.

Còn nếu ai đó bao biện về việc JPA đã lỗ 2400 trước khi về với VNA thì càng không thể chấp nhận được chiến lược về nhân sự của VNA. Nói vậy chẳng khác gì bản thân trước khi về với VNA,  JPA đã được khẳng định là một “cơ thể bệnh tật mãn tính”. Vậy việc bổ nhiệm các lãnh đạo chủ chốt của JPA vào các vị trí tối quan trọng của VNA khác gì việc lấy các “tế bào” chủ đạo của “cơ thể bệnh mãn tính” rồi cấy trực tiếp vào các bộ phận quan trọng nhất của một cơ thể khoẻ mạnh. Hậu quả thế nào, chắc không phải mất nhiều thời gian tranh luận hay bàn cãi.

Cũng liên quan đến việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng hàng không giá rẻ khó "kiếm lãi", việc JPA báo lãi là do chiến lược sử dụng thương hiệu kép từ VNA, trong đó JPA là công cụ cạnh tranh cho VNA, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Đúng, hàng không giá rẻ khó "kiếm lãi" nhưng không phải là không thể. Sự thành công của các hãng hàng không 100% vốn tư nhân Vietjet Air (VJA) là một minh chứng cho cơ hội phát triển của hàng không giá rẻ. Cùng với đó, sự lớn nhanh theo cấp số nhân của tân binh Bamboo Airways, một hãng hàng không lai giữa hàng không truyền thống và hàng không bình dân đã chứng minh các hãng tư nhân hoàn toàn có thể phát triển và thậm chí là có lợi nhuận tốt từ phân khúc hàng không giá rẻ.

Trong khi đó, trên cùng phân khúc hàng không giá rẻ, JPA lại nhận được quá nhiều ưu thế so với các hãng hàng không tư nhân, phải kể đến sự bảo trợ trực tiếp từ VNA với một hệ thống các công ty cung cấp dịch vụ “trong nhà” thì việc JPA “bật lên” có lãi trong 1 vài năm sau khi về với VNA là điều hiển nhiên. Và tôi cho rằng, JPA có lãi là do được hậu thuẫn sẵn có chứ không phải do chiến lược thương hiệu kép của VNA.

Tôi cũng được nghe thông tin rằng, ở những đường bay mà khách không có khả năng chi trả cao, VNA sử dụng JPA cạnh tranh nhằm giảm lỗ, tức là cùng đường bay, những giờ bay trong ngày mà khách không muốn trả cao, VNA không bay mà để Jetstar bay để cạnh tranh. Tôi cho rằng cách giải thích này chưa hợp lý. Bởi lẽ, xét về đối tượng khách hàng, rõ ràng phân khúc khách hàng của VNA và JPA là khác nhau; xét về tư cách pháp nhân, mặc dù có quan hệ quản lý/sở hữu nhưng VNA và JPA là hai pháp nhân độc lập.

Việc JPA “chấp nhận lỗ” để thực hiện chuyến bay giá rẻ nhằm ngăn chặn sự gia nhập của các hãng hàng không khác là một hình thức cạnh tranh kém văn minh. Lại một câu hỏi đặt ra, ai là người dám đứng trên mọi nguyên tắc của nền kinh tế thị trường cho phép VNA biến JPA thành “vật hy sinh” để VNA ghi những dấu ấn vàng trong báo cáo tài chính như vậy?

Có ý kiến cho rằng “việc VNA phải tiếp nhận JPA là một gánh nặng cho VNA” vì lỗ luỹ kế của JPA trước thời điểm VNA nhận về đã là -2440 tỷ đòng và khi JPA lỗ thì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất của VNA, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Trước tiên, cần phải nhìn nhận lại một cách chính xác về tư cách của VNA đối với JPA. JPA là doanh nghiệp do Nhà nước bỏ vốn thành lập chứ không phải do VNA đầu tư vốn. VNA chỉ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ SCIC chứ không phải VNA buộc phải đầu tư thêm vốn vào JPA. Theo đó, trách nhiệm của VNA là đại diện để quản lý và bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại JPA. 

Bên cạnh đó, như tôi đã nhấn mạnh, JPA và VNA là hai pháp nhân độc lập, VNA không phải là nhà tài trợ hay buộc phải cấp tiền cho JPA hoạt động. Hơn nữa, với hệ thống hạ tầng vốn có, được đầu tư bởi Nhà nước, VNA để JPA được quyền sử dụng trên cơ sở JPA phải trả phí thì không thể nói JPA “là gánh nặng của VNA”. Không ai gọi đối tác sử dụng dịch vụ và trả tiền cho dịch vụ đó là “gánh nặng” của mình cả.

JPA chỉ trở thành “gánh nặng” của VNA khi các lãnh đạo VNA phải đối mặt với câu hỏi về khoản lỗ lên tới nhiều ngàn tỷ mà thôi. Tôi đã từng ngạc nhiên về khoản lỗ của JPA, nhưng với những phân tích trên báo chí, tôi lại nghĩ, chiến lược biến JPA thành vật hy sinh của VNA mà có thật thì con số lỗ ấy là điều dễ hiểu.

VNA hàng năm vẫn biểu quyết, thông qua các kế hoạch, chiến lược kinh doanh của JPA, vốn Nhà nước nước tại JPA đến nay được bảo toàn và phát triển như thế nào thì hãy nhìn vào báo cáo tài chính của JPA.

Xin cảm ơn ông!

Theo PV/Báo Pháp luật Việt Nam ​

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều