Từ 1/7/2018, tăng lương cơ sở: Giá xăng, giá dịch vụ y tế nhăm nhe “đè” lương công chức

(Mặt trận) - Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng lên 1.390.000 đồng/tháng. Người hưởng lương chưa kịp mừng thì mối lo về giá xăng, giá dịch vụ y tế sẽ lại tăng cùng thời điểm. Trong đó, giá xăng hôm qua chưa tăng nhưng có thể tăng mạnh sau thời điểm 1/7 nếu gánh thêm 1.000 đồng/lít thuế môi trường.

 Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng lương từ 1/7. Ảnh: A.C

Giá dịch vụ y tế tăng từ 5-8%

Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt đến mục tiêu: Mức lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống cho người hưởng lương. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đó là thu nhập chính, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc tăng lương sẽ đẩy tăng giá lên cao. Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi theo nguồn tin mà chúng tôi được biết, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình, từ ngày 1.7 tới sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế; trong năm 2018 sẽ xây dựng, ban hành mức giá khám-chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương theo lương cơ sở 1.390.000 đồng và chi phí quản lý.

Bộ Y tế đang hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định mức giá khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc, trong đó, mức viện phí sẽ được điều chỉnh tăng so với trước đó.

Theo tính toán, mức giá khám-chữa bệnh mới, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng) và chi phí quản lý làm mức giá tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đồng là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%).

Ngoài các dịch vụ do Nhà nước quy định, thì trên thị trường, thông thường khi lương được điều chỉnh tăng thì giá các loại hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo. Trong đó, khả năng giá xăng gánh thêm 1.000 đồng/lít do thuế môi trường tăng kịch khung từ 1.7 có thể tác động mạnh đến giá cả và ảnh hưởng tới những người hưởng lương.

“Vấn đề tăng lương, tăng giá thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Trách nhiệm của Bộ Công Thương là phải tìm giải pháp để xử lý vấn đề này” - chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nêu ý kiến. TS Lê Đăng Doanh cũng khẳng định: Việc tăng lương là cần thiết, nhưng cần tính những bước đi thế nào cho hợp lý thì cần được bàn bạc và có giải pháp căn cơ để không xảy ra tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng.

Cải cách tiền lương là cấp thiết

Thực tế cho thấy, việc tăng lương cơ sở từ mức 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng không tác động nhiều theo hướng tích cực với người hưởng lương. Bởi vậy việc đẩy nhanh tiến độ, thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 càng trở nên cấp thiết.

Về vấn đề cải cách tiền lương, TS Lê Đăng Doanh khi trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 7.6 cho biết: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến rõ ràng, rằng lương chỉ có thể tăng khi có năng suất lao động tăng. Điều này đúng với các doanh nghiệp. Thế nhưng, đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, thì đây là một câu hỏi lớn. Vấn đề ở đây là phải tăng được nguồn thu mới tăng được chi. Thế nhưng lương công chức phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách. Vấn đề là ngân sách hiện nay đang bội chi. Vậy câu hỏi đặt ra là lấy nguồn nào để có thể tăng lương công chức, viên chức?

“Cần tinh giản bộ máy mới có thể tăng lương được. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách, vì tăng lương cho những người không làm gì sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Còn nếu vì tăng lương mà phải in tiền ra thì sẽ là tai họa cho đất nước. Chính phủ hoàn toàn biết được điều này nên sẽ không có chuyện in thêm tiền, mà sẽ có chương trình hành động, cân đối” - TS Lê Đăng Doanh nhận định. Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, bộ máy của chúng ta đang “quá nhiều vấn đề, vừa cồng kềnh, vừa trùng lắp, lại có thêm quá nhiều cơ quan, đoàn thể, lại không rõ việc, cần được sáp nhập, cơ cấu lại”.

Về vấn đề bảo đảm nguồn thu để tăng lương, chiều 6.6.2018, trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Giải pháp đột phá thứ nhất là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19 của Chính phủ để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tiếp theo là giải pháp đột phá về tài chính, trong đó đặc biệt phải phát triển sản xuất để tăng thu, triệt để chống thất thu, tiết kiệm triệt để chi tiêu, tối thiểu 10% kinh phí thường xuyên cho đến khi ổn định bộ máy tổ chức sẽ dùng nguồn này chi cho tiền lương. Ngoài ra, dùng nguồn tăng thu của ngân sách địa phương. Trước đây quy định 50% chi cho đầu tư, 50% cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư cho phát triển, Trung ương đã quyết định chi 70% tăng thu địa phương và 40% vượt thu của Trung ương để dành nguồn cải cách tiền lương. Chính phủ đã tính toán để đảm bảo trần nợ công vẫn ở mức 65%, tính đến bội chi ngân sách, tính đến chi phí đầu tư hạ tầng giao thông, đầu tư cơ bản ở mức 26% và kiểm soát lạm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, thận trọng cân nhắc lộ trình khi tăng một số mặt hàng về điện, y tế, giáo dục..., để từ 1.7.2018, khi lương cơ sở tăng khiến một số mặt hàng và dịch vụ tăng giá sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu kìm lạm phát năm 2018 dưới 4% như Quốc hội đã đề ra.

Theo Khánh Vũ/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều