Từ khoản nợ thuế của Uber…

Tại diễn đàn Quốc hội, bàn về dự thảo Luật An ninh mạng, có những ý kiến trái chiều về qui định buộc các Cty nước ngoài cung cấp dịch vụ trên Internet vào Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện. Tuy nhiên, các ý kiến chung quy lại là bày tỏ quan điểm, chứ chưa qua tương tác với thực tế để có sự kiểm chứng.

Trên thực tế thị trường gần đây, có một trường hợp điển hình để tham chiếu, đó là trường hợp nợ thuế của Uber tại Việt Nam. Theo Cục Thuế TPHCM, Uber nợ thuế và cộng cả tiền phạt là 66,7 tỉ đồng. Khi còn kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã nộp 13 tỉ đồng, khoản nợ còn lại là hơn 53 tỉ đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế này chưa hoàn tất thì Uber đã bị Grab thâu tóm. Uber rút khỏi Việt Nam, phía Grab không nhận trách nhiệm thanh toán khoản nợ thuế trên, thế là hơn 53 tỉ đồng Uber còn nợ Cục Thuế TPHCM đang bị treo lơ lửng.

Thực tế lúc này là, Uber không còn pháp nhân Cty và cũng chẳng còn văn phòng đại diện hay nhân viên tại Việt Nam, Cục Thuế TPHCM muốn đòi nợ thì đòi ai và đòi ở đâu? Phát email hay công văn sang tận văn phòng Uber tại Singapore đòi nợ cũng chẳng được vì thương hiệu này đã rút khỏi Đông Nam Á. Còn nếu đòi nợ tận Uber BV. Hà Lan hay tổng hành dinh Uber tận bên Mỹ, Uber phớt lờ không hồi âm và không trả nợ thì cũng đành chịu. Lúc này, ngành thuế đang đối mặt với thực tế là không biết “nắm” ai để đòi khoản nợ thuế hơn 53 tỉ đồng kia.

Khác với các ngành nghề kinh doanh truyền thống, ngày nay, những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới qua Internet thường tận dụng thế mạnh công nghệ vào công tác vận hành, quản lý, cung cấp sản phẩm và dịch vụ để tối ưu hiệu quả và lợi nhuận. Trong khi đó, các quốc gia không chỉ Việt Nam, chính quyền sở tại luôn muốn có cơ sở để nắm, để quản các nhà cung cấp dịch vụ này thông qua văn phòng đại diện hay người đại diện chính thức. Đó là chuyện rất bình thường trong quản lý thị trường. Văn phòng đại diện không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý, pháp lý với chính quyền, mà còn để buộc nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm về những sản phẩm và dịch vụ họ cung cấp, để buộc họ phải bảo đảm những quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dùng. Và từ tham chiếu trường hợp Uber, để tránh xảy ra tình trạng phủi trách nhiệm không chỉ về thuế má mà còn về nhiều vấn đề khác liên quan.

Theo Thẩm Hồng Thụy/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều