Vai trò kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới

(Mặt trận) - Hội nghị Trung ương lần 5 (khóa XII) của Đảng đã xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Trải qua hơn 30 năm đất nước đổi mới (1986-2017) Việt Nam mới có sự nhìn nhận đúng về vai trò của kinh tế tư nhân. Đây là sự thay đổi về nhận thức. Để kinh tế tư nhân thật sự trở thành động lực quan trọng thì còn rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm sáng tỏ thêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017.
Cuộc trường chinh đi tìm nguồn gốc và cách xóa bỏ bất bình đẳng xã hội

Năm 1753, Viện Hàn lâm khoa học Đi-Giong (Pháp) tổ chức cuộc thi với chủ đề “Nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa người và người là gì? Nó có phù hợp với luật tự nhiên hay không?”. Giăng Giắc Rút-xô (1712-1778), nhà Triết học Khai sáng Pháp đã tham gia cuộc thi. Trong luận văn của mình, ông khẳng định rằng nguồn gốc của sự bất bình đẳng xã hội là ở chế độ tư hữu về đất đai. Ông cho rằng nếu như thuở ban đầu có nhà tiên tri đến nhổ phăng đi cái cột mốc của một kẻ nào đó dựng lên để đánh dấu vùng đất thuộc quyền sở hữu của nó và tuyên bố rằng đấy là trò bịp bợm! Quả đất này là quà tặng của thiên nhiên cho loài người. Đất không phải của riêng ai. Nó là tài sản chung của nhân loại, thì các thế hệ hậu sinh sẽ tránh đi được biết bao tội ác, thảm họa xảy ra. Những cuộc chiến tranh nhằm mục đích cướp đoạt đất đai, tài nguyên đã không còn lý do để nảy sinh. Rút-xô kịch liệt phản đối chế độ tư hữu tài sản và lên án mạnh mẽ những kẻ quyền thế đã ra sức bênh vực cho sự bất bình đẳng đó. Những kẻ quyền thế biện minh rằng, bất bình đẳng là một quy luật tự nhiên như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài. Theo Rút-xô, bất bình đẳng không phải là một quy luật tự nhiên, mà là sản phẩm của xã hội. Nó tồn tại và phát triển từ khi xuất hiện chế độ tư hữu tài sản. Con người đã tạo ra sự bất bình đẳng thì con người cũng có thể xóa bỏ nó. Ông phân biệt rõ hai loại bất bình đẳng giữa người với người. Đó là bất bình đẳng tự nhiên như người cao, kẻ thấp; người thông minh, kẻ đần độn và bất bình đẳng xã hội do cơ chế xã hội tạo nên, như kẻ giàu, người nghèo. Luận văn của Rút-xô bị giới quý tộc, nhà giàu căm ghét đến tận xương tủy. Bộ máy đàn áp ráo triết truy lùng đến mức sau khi chết, người thân phải bí mật đem chôn ông tại góc rừng dương liễu hẻo lánh ở miền Nam nước Ý. Trái ngược với giới quý tộc, quan điểm của Rút-xô được nhân dân lao động đón chào nhiệt liệt. Giới quý tộc càng cấm đoán thì luận điểm của Rút-xô càng nhanh chóng lan rộng và truyền cảm hứng sôi sục cho phong trào cách mạng nhiều nước. Cách mạng tư sản Pháp thành công, di hài của ông được bốc đem về an táng tại điện Panthéon (Paris), nơi an nghỉ của các danh nhân nước Pháp.  

Xóa bỏ bất công, thiết lập xã hội tự do, bình đẳng, bác ái là nguyện vọng tha thiết nhất của loài người. Nhưng bằng cách nào thì chưa có lời giải đáp. Luận văn của Rút-xô đã làm nảy sinh quan điểm cho rằng xóa bỏ tư hữu đất đai, thiết lập nền công hữu tài sản là có thể chữa lành tận gốc mọi tệ nạn xã hội. Những người theo quan điểm này muốn nhanh chóng triệt tiêu quyền tư hữu - cái mà họ gọi là ung nhọt của xã hội, là nguyên nhân làm sản sinh ra muôn vàn tội ác (!). Họ nóng lòng tạo ra bài thuốc trường sinh cho loài người bằng cách thiết lập chế độ công hữu. Những đại diện cho quan điểm cấp tiến nêu trên, đã có nhiều hiến kế. Các mô hình xã hội “làm chung, hưởng chung, còn được gọi là thiên đường ở hạ giới” do họ khởi xướng chưa bao giờ trở thành hiện thực. Vì vậy họ được gọi là không tưởng.

Những quyền cơ bản của con người

Cho đến nay nhân loại, vẫn chưa tìm ra câu trả lời là làm gì và làm như thế nào để xây dựng nên một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, làm thế nào để xây dựng xã hội không có chiến tranh, làm thế nào để xóa bỏ đi các tệ nạn trộm cướp, đĩ điếm, tham nhũng, giết người và không biết bao nhiêu tệ nạn xã hội khác. Ngọn cờ “nhân quyền” được tung hô khắp nơi. Nhưng cho đến nay, chưa có ai đưa ra được một mô hình nhà nước có khả năng xây dựng được một xã hội như các nhà không tưởng mơ ước, như những con buôn chính trị thường lớn tiếng rêu rao.     

Giôn Lốc (John Loke), triết gia người Anh (1632-1704), là một trong những vĩ nhân đã có những phát kiến mang nhiều tính hiện thực hơn cả. Ông đã phác họa ra những nét chính về xây dựng nhà nước phân quyền nhằm loại bỏ nền cai trị độc tài, chuyên chế. Điều nổi bật là Giôn Lốc cho rằng quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu là những quyền tự nhiên không thể bị tước đoạt của con người. Các quyền này không do chính quyền hay cá nhân nào ban phát. Đó là các quyền do tạo hóa ban tặng. Không ai được phép tước đi một cách trái pháp luật các quyền đó của con người. Giôn Lốc sắp xếp các quyền tự nhiên của con người theo thứ tự: Trước hết là quyền sống. Tiếp đến là quyền tự do. Sau cùng là quyền sở hữu. Đó là các quyền cơ bản của con người. Quả đúng vậy. Chết là hết. Khi quyền sống bị tước đoạt thì nói đến các quyền khác là vô nghĩa. Tiếp đến là quyền tự do. Sống mà không có tự do là sống thực vật, sống mà như chết. Quyền sở hữu được Giôn Lốc sắp xếp vào cuối không phải là nó kém quan trọng hơn hai quyền đã nêu, mà có lẽ con người phải có quyền sống, quyền tự do trước rồi mới có “chủ thể” của quyền sở hữu. Tuy xuất hiện sau, nhưng quyền sở hữu là động lực, mục đích, phương tiện, điều kiện để đảm bảo cho quyền sống và quyền tự do được tồn tại và phát triển. Pháp luật có thể nêu ra nhiều điều về quyền con người nhưng lại bóp nghẹt, tước đoạt đi quyền sở hữu đất đai của con người thì đó chỉ là “bánh vẽ”. 

Tô-mát Giép-phéc-sơn, Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ được lịch sử vinh danh vì ông là người đầu tiên đã đưa các quyền cơ bản của con người do Giôn Lốc khởi xướng vào trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Nhưng Giép-phéc-sơn đã thay thế quyền sở hữu bằng quyền mưu cầu hạnh phúc. Đã có những ý kiến đánh giá khác nhau đối với việc thay đổi của Giép-phéc-sơn. Có ý kiến cho rằng nội hàm của quyền mưu cầu hạnh phúc là quá rộng và có phần trừu tượng. Mọi quyền công dân như: quyền học tập, quyền được thông tin, quyền cư trú, quyền lựa chọn nghề nghiệp, quyền bầu cử, ứng cử… cũng đều nhắm đến đích mưu cầu hạnh phúc. Nhưng các quyền này không thể trở thành hiện thực nếu quyền sở hữu bị xóa bỏ. Quyền công dân, còn gọi là “dân quyền” ở các nước khác nhau thì rộng, hẹp, cao, thấp khác nhau. Nhưng quyền cơ bản con người, còn gọi là “nhân quyền” của vị Tổng thống của nước giàu mạnh nhất cũng bình đẳng với quyền con người của em bé nơi thâm sơn cùng cốc. Công lao lớn nhất của Giép-phéc-sơn là đã tìm ra cách pháp luật hóa để mở đường cho các quyền cơ bản con người do Giôn Lốc nêu ra thâm nhập được vào cuộc sống. Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ trở thành văn kiện có sức cuốn hút, động viên nhiều triệu sinh linh trên trái đất đứng lên đấu tranh giành quyền làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dùng câu mở đầu của Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ năm 1776 làm câu mở đầu Tuyên ngôn Độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.

Hậu quả của những ngộ nhận, định kiến về vai trò kinh tế tư nhân

Chế độ tư bản ở giai đoạn đầu với quan điểm: “mục đích biện minh cho phương tiện” và vì “siêu lợi nhuận”, giai cấp tư bản không dừng lại trước bất kỳ tội ác nào. Đó là lý do khiến giai cấp vô sản và đông đảo nhân dân lao động căm ghét chế độ tư hữu. Phong trào cách mạng vô sản, cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ở các nước khi chính quyền của giai cấp vô sản và nhân dân lao động được thành lập, xu thế thiết lập chế độ công hữu được đẩy nhanh với các hình thức ép buộc hợp tác hóa trong nông nghiệp và công tư hợp doanh trong cải tạo công thương nghiệp được thực thi. Kinh tế tư nhân bị hạn chế. Công bằng mà nói, kinh tế hợp tác xã đã phát huy tác dụng của nó trong thời kỳ chiến tranh. Vì mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, người dân sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Nhưng trong thời bình, chế độ bao cấp đã không còn thích hợp nữa. 

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Ngân khố eo hẹp. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 1981, Bộ Chính trị (khóa VI) ban hành Nghị quyết 10 cho phép được khoán hộ trong nông nghiệp theo sáng kiến từ năm 1968 của đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Từ khi có Nghị quyết 10, nền kinh tế Việt Nam có những nét khởi sắc nhanh chóng. Đất nước từ chỗ thiếu đói triền miên, trong thời gian ngắn đã trở thành nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới. Câu hỏi được nhiều người nêu ra trong thời kỳ này là điều gì khiến 95% công hữu đất đai không đảm bảo nổi mức sống tối thiểu của người dân? Vì sao chỉ với đất 5%, người dân vẫn xoay xở được để đảm bảo cho cuộc sống bình thường của họ? Việc thực hiện Nghị quyết khoán 10 đã cung cấp câu trả lời rõ ràng nhất cho các nhà hoạch định chính sách. Dưới thời bao cấp, người dân không được toàn quyền hưởng thụ sản phẩm do họ làm ra. Tất cả đều tập trung về “kho” hợp tác xã và được phân phối lại theo phương thức bình quân. Người giỏi, người siêng năng cũng hưởng như người lười nhác. Chính điều này đã triệt tiêu động cơ, mục đích sản xuất của người dân. Câu chuyện “lợn chung thì gầy, lợn riêng thì béo”, như một truyện cười ra nước mắt được truyền tai râm ran trong nhân dân. Mặt trời đã lên cao, xã viên hợp tác xã còn chưa ra đồng, khi mặt trời chưa khuất bóng, xã viên đã hối thúc nhau ra về. Nhưng khi được giao đất, giao rừng, khi được quyền làm chủ sản phẩm của mình thì mọi năng lực sản xuất được huy động đến tối đa. Người người làm việc không kể giờ giấc, thời tiết. Cũng là mảnh đất ấy nhưng khi nằm dưới quyền quản lý của hợp tác xã thì khô cằn, bạc màu, khi giao cho nông dân làm chủ thì nó trở nên màu mỡ. Kinh tế chung cả nước trở nên phồn thịnh. Nạn khan hiếm lương thực và hàng tiêu dùng được cải thiện rõ rệt và tăng lên theo năm tháng.   Lê-nin có nói rằng, chính năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của các chế độ chính trị, xã hội khác nhau. Sự khủng hoảng và tan rã của hệ thống các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa xét đến cùng là do năng suất, hiệu suất lao động thấp kém và công nghệ lạc hậu hơn các nước phương Tây. Một trong những nguyên nhân gây ra hậu quả này là do chỉ thấy mặt xấu, mặt bất cập của chế độ tư hữu dẫn đến những định kiến và những chính sách hạn chế, cấm đoán một cách võ đoán đối với kinh tế tư nhân.  Phát huy vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế tư nhân

Tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cho đến nay không ai phủ nhận vai trò của kinh tế tư nhân, kể cả những người bảo thủ nhất. Nhưng những hành vi phân biệt đối xử, gây cản trở hoạt động của kinh tế tư nhân còn xảy ra khá nhiều, trong cả hai lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Những quan điểm bảo thủ, những định kiến sai lệch đối với kinh tế tư nhân không bỗng nhiên mất đi. Nó đòi hỏi phải có thời gian. Trải qua 31 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thực thi nhiều chủ trương biện pháp để khắc phục những hậu quả do định kiến đối với vai trò kinh tế tư nhân gây ra. Về mặt chính trị xã hội, vai trò của giới kinh doanh đã được chú ý đến. Về mặt kinh tế, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đầu tư, về thuế, về vay vốn… Những chính sách nêu trên đem lại nhiều kết quả, kinh tế tư nhân trong nước đã phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia. Nhưng nhìn chung vai trò kinh tế tư nhân ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tuyệt đại bộ phận là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Xí nghiệp tư nhân tầm cỡ quốc gia, quốc tế không nhiều. Các cuộc điều tra khảo sát của VCCI cho biết các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thuế cao gấp 4 lần so với các nước ASEAN. Có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp tư nhân được khảo sát thừa nhận là phải trả các chi phí không chính thức. Nghị quyết 35 của Chính phủ quy định mỗi năm xí nghiệp chỉ kiểm tra một lần. Nhưng trong thực tế có nhiều xí nghiệp trong một năm phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra. Chủ trương xây dựng “Nhà nước phục vụ” rất khó được thực thi nếu như không có những thay đổi cơ bản về chính sách, luật pháp và về biện pháp quản lý. 

Kiến nghị:

Để phát huy được vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hai bên: Nhà nước và các doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước: Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết về hỗ trợ cho xí nghiệp tư nhân. Nhưng thiếu sót cơ bản của các văn bản đã ban hành là thiếu chế tài xử phạt các trường hợp gây khó dễ, vòi vĩnh của quan chức thoái hóa.  Về phía các doanh nghiệp: Gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, nợ thuế, nợ đóng bảo hiểm, sản xuất hàng giả, hàng nhái, sản phẩm có chứa chất độc hại… là điều còn xảy ra trong khu vực kinh tế tư nhân. Cùng với việc siết chặt kỷ cương, phép nước, cần đề cao đạo đức kinh doanh trong khu vực này. Các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được tổ chức lại thành phường, hội, nhóm và có Quy ước bảo vệ thương hiệu hàng hóa, phòng và chống các hành vi gian lận. Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể tổ chức những lớp tập huấn về đạo đức kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là những đối tượng thuộc diện yếu thế về pháp luật. Do vậy họ rất cần đến sự giúp đỡ của đội ngũ luật sư, đặc biệt là luật sư tư vấn, để giúp họ cách kinh doanh, dịch vụ, sản xuất đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho họ khi có những tranh chấp. Các xí nghiệp tư nhân có thể chung nhau thuê luật sư làm việc không thường xuyên cho họ. Luật sư sẽ đảm bảo có mặt khi họ cần tư vấn hoặc cần có những dịch vụ cụ thể. Như vậy, chi phí trả cho luật sư sẽ là điều mà các xí nghiệp vừa và nhỏ có thể chịu được. Để phát huy được đầy đủ vai trò của kinh tế tư nhân, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp mang tính cơ bản, toàn diện hơn.

Lê Đức Tiết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều