VISACO - Công ty tiên phong trong bổ sung I-ốt vào muối ăn, vì sức khỏe cộng đồng

(Mặt trận) - Công ty Cổ phần VISACO là một trong những công ty đi đầu thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm ở Việt Nam ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20. Đến nay, dù trải qua những thăng trầm của nền kinh tế, song Công ty vẫn kiên trì đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, từ chỗ chỉ bổ sung I-ốt vào muối ăn, hiện Công ty đã thực hiện bổ sung I-ốt vào các loại thực phẩm khác như: bột canh, hạt súp nêm, muối tiêu, muối ớt,… Những sản phẩm có bổ sung vi chất của Công ty hiện có mặt trong hệ thống siêu thị của hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trụ sở Công ty Cổ phần VISACO.  Ảnh: Nguồn internet

Đầu những năm 90, trước ảnh hưởng của các chứng bệnh thiếu hụt I-ốt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 481/TTg-1994 về việc phổ cập toàn dân sử dụng muối I-ốt phòng, chống bướu cổ và các chứng bệnh do thiếu hụt I-ốt gây ra. Khi đó, Xí nghiệp Muối I-ốt Thanh Hóa - tiền thân của Công ty Cổ phần VISACO ngày nay đã thực hiện bổ sung I-ốt vào muối ăn với sự tài trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Những năm đầu thực hiện chương trình, Công ty gặp không ít khó khăn thách thức, đó là nhận thức chưa đầy đủ của người dân về bổ sung vi chất I-ốt vào thực phẩm nói chung và muối ăn nói riêng, mạng lưới phân phối chưa nhiệt tình với việc bán muối bổ sung I-ốt, giá thành, giá bán tăng so với muối không bổ sung I-ốt, vì chi phí tăng thêm do phải mua vi chất…

Nhưng trước tác hại của các rối loạn do thiếu hụt I-ốt gây ra, ngoài các chứng bệnh có thể quan sát được như: bướu cổ, sảy thai, đẻ non, thiểu năng trí tuệ,… còn là các hậu quả khó nhận biết như giảm thể lực, chậm tăng trưởng, nhận thức suy giảm, mất khả năng tập trung, giảm năng suất lao động… gây ảnh hưởng tới sức khỏe nguồn nhân lực, tầm vóc người Việt và nền kinh tế quốc gia, cùng với sự quan tâm của Bộ Y tế, lãnh đạo chính quyền tỉnh Thanh Hóa, Công ty (Xí nghiệp Muối I-ốt Thanh Hóa) đã kiên trì thực hiện chương trình, hàng năm cung cấp cho người dân các tỉnh phía Bắc từ 15.000tấn - 20.000 tấn muối bổ sung vi chất I-ốt.

Những sản phẩm muối bổ sung I-ốt của VISACO hiện có mặt trong hệ thống siêu thị của hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Nguồn internet.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, nước ta đã cơ bản đẩy lùi các căn bệnh do thiếu hụt I-ốt trên địa bàn cả nước nói chung và các tỉnh miền núi nói riêng. Nhớ về quãng thời gian đầy gian khó này, Giám đốc Công ty Cổ phần VISACO Nguyễn Tác Lư cho biết: Trước khi thực hiện chương trình, nhiều vùng, đặc biệt là vùng miền núi có tỷ lệ thiếu hụt I-ốt rất cao, gây nên bệnh bướu cổ tới 45-50%, đến năm 2005, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 6-8%. Năm 2005, Chính phủ tuyên bố Việt Nam cơ bản hoàn thành chương trình phòng, chống các bệnh do thiếu hụt I-ốt. Trong thời gian này, mặc dù Chính phủ tuyên bố đã hoàn thành chương trình phòng, chống các bệnh do thiếu hụt I-ốt gây ra, nhưng Công ty Cổ phần VISACO vẫn tiếp tục bổ sung I-ốt vào muối và các sản phẩm khác.

Hiện nay, Công ty Cổ Phần VISACO mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh muối nguyên liệu sạch tại các đồng muối trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; sản xuất chế biến muối sạch xuất khẩu các loại muối thương phẩm tiêu dùng trực tiếp cung cấp cho thị trường trong nước muối nguyên liệu sạch sử dụng trong công nghiệp chế biến mỳ tôm, bột canh, nước chấm, dược dụng, các sản phẩm bột canh, muối tiêu, muối ớt, hạt súp nêm…

Công ty có hệ thống kho tàng chứa muối với tích lượng 15.000 tấn/vòng, quay 2 vòng/năm tương đương 30.000 tấn. Hàng năm, Công ty đã chế biến và cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn tấn sản phẩm muối sạch các loại và các sản phẩm liên quan đến muối. Hệ thống phân phối của công ty bao gồm bốn trung tâm lớn gồm: Trung tâm Phân phối sản phẩm tại Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Hà Nội tại Hà Nội (công ty con), Chi nhánh công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện của Công ty tại thành phố Huế.

Các khách hàng của Công ty ở trong nước là toàn bộ các hệ thống siêu thị lớn như: Metro, BigC, Co.op mart, Vinatex. Các nhà phân phối thương mại lớn thuộc các tỉnh trên địa bàn toàn quốc. Các công ty lớn như: Công ty TNHH MIWON Việt Nam, Công ty Thực phẩm Á Châu Bình Dương, Công ty Cổ phần Việt Nam - Thái Lan,… Đối với nước ngoài, sản phẩm muối sạch của Công ty được xuất khẩu sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Muối I-ốt của VISACO  - sản phẩm quen thuộc trong bữa ăn của các gia đình Ảnh: Nguồn intermet.

Nói về các rào cản dẫn tới triển khai chưa hiệu quả Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn và muối dùng cho thực phẩm chế biến trong 3 năm qua, Giám đốc Nguyễn Tác Lư cho biết: “Hiện nay, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm như bột canh, nước mắm, hạt súp nêm, muối ăn, muối chế biến công nghiệp thực phẩm (kể cả muối cho công nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm)… không gặp khó khăn về công nghệ, dây chuyền sản xuất hay mua sắm vi chất. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 09 trên địa bàn cả nước không đồng đều, không đầy đủ do nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm sợ tốn thêm chi phí. Điều này dẫn tới hiện tượng trên thị trường đang tồn tại hai loại muối, muối có I-ốt và muối không có I-ốt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc thiếu chế tài xử lý các vi phạm còn tạo ra một môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, các doanh nghiệp tuân thủ tốt Nghị định 09 không những không được khuyến khích, bảo vệ, mà còn mất lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp không tuân thủ, vì lý do tốn chi phí bổ sung vi chất nên sản phẩm có giá thành cao hơn sản phẩm cùng loại mà không có vi chất. Trong khi đó, công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được sự cần thiết của vi chất dinh dưỡng chưa được coi trọng, nên họ chưa có ý thức lựa chọn các sản phẩm có bổ sung vi chất”.

Qua đó, ông kiến nghị các giải pháp cần được thực hiện để thúc đẩy việc thực thi Nghị định 09 vào cuộc sống, đó là:

Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương cho người dân biết về tầm quan trọng của vi chất và sử dụng dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Thứ hai, việc sản xuất, cung ứng, phân phối các thực phẩm có bổ sung vi chất được thực hiện theo cơ chế thị trường và xã hội hóa. Nhà nước cần tăng cường quản lý, giao cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện chặt chẽ quy trình trong việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra nếu doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất không thực hiện đúng quy định thì rút giấy phép hoạt động; còn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có giấy phép mà sản xuất trái phép cần có chế tài xử lý nghiêm.

Thứ ba, đi đôi với việc kiểm tra, kiểm soát ở những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ quan quản lý thị trường trên cả nước cần thường xuyên kiểm tra quá trình lưu thông, tiêu thụ thực phẩm, nếu phát hiện các nhà phân phối, các đại lý bán lẻ tiêu thụ thực phẩm không có bổ sung vi chất dinh dưỡng cũng cần được xử lý theo quy định.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ là sự tiếp tục trong Chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì vậy cần được triển khai đầy đủ và chặt chẽ để thanh toán bền vững tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Những khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể có thể được thực hiện dễ dàng, trước hết là từ mỗi bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng của mỗi gia đình.

Đặng Hồng Vân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều