Hậu Giang với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) - Từ năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã đưa nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào Chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm. Đồng thời, Mặt trận tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp xây dựng nhiều mô hình phù hợp với từng đối tượng quần chúng nhân dân và nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn.
Hậu Giang là tỉnh được tái thành lập vào năm 2004, có diện tích tự nhiên hơn 1.600 km2, dân số khoảng 774 ngàn người. Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 76 xã, phường, thị trấn và 539 khu dân cư. Hậu Giang hiện có 6 chợ loại 1; 7 chợ loại 2 và 59 chợ loại 3. Là tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nên Hậu Giang hầu như chưa có doanh nghiệp sản xuất đầu mối qui mô lớn, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất mang tính chất hộ gia đình, những cơ sở kinh doanh làm dịch vụ trung chuyển hàng hoá. Ở địa bàn nông thôn, còn rất nhiều nơi giao lưu hàng hoá qua dịch vụ ghe hàng, chợ nhóm... nên chất lượng, giá cả, nguồn gốc hàng tiêu dùng khó kiểm soát và người tiêu dùng chưa hiểu hết để chọn lựa hàng Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn cho cuộc sống gia đình. Từ tình hình đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh đã tăng cường các nội dung chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động theo phương châm: “Nắm chắc chủ trương; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; bám sát cơ sở”. Theo đó, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Hậu Giang còn được vận động bằng nhiều hình thức, xây dựng đa dạng các mô hình để hướng dẫn cho nhân dân.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Cuộc vận động

Trong năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Chỉ đạo và các tổ chức thành viên tỉnh Hậu Giang đã đưa nội dung Cuộc vận động vào Chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp xây dựng nhiều mô hình phù hợp với từng đối tượng quần chúng nhân dân và nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn. Theo đó, đã hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động phối hợp với các văn phòng cơ quan xây dựng tổ liên kết ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm... Giám sát mô hình này thông qua các hóa đơn mua sắm và kiểm tra thực tế sản phẩm được sử dụng tại cơ quan nhà nước. Đồng thời, xây dựng 2 mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” và nhân rộng các “Điểm bán hàng Việt”, 139 điểm tại các chợ xã tham gia mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, đặc biệt là khu chợ đêm thành phố Vị Thanh có 33 hộ tiểu thương với 117 gian hàng tham gia. Tại cửa hàng có logo Cuộc vận động, có bảng hiệu ghi tên mô hình do Mặt trận phát động. Trong cửa hàng có bảng cam kết ít nhất 80% hàng hóa là hàng Việt được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và niêm yết giá hợp lý... Đối với hộ sản xuất nông nghiệp thì vận động, hỗ trợ các điều kiện thành lập các câu lạc bộ, tổ liên kết chế biến sản phẩm từ nông sản và phối hợp với các ngành giới thiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất cho từng loại nông sản… Ban Chỉ đạo tăng cường phối hợp tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn và quảng bá thương hiệu Việt. Trong đó, tổ chức được 16 cuộc hội chợ “Hàng Việt chất lượng cao” tại các địa phương trong tỉnh, với hơn 1.200 lượt doanh nghiệp tham gia, giới thiệu, quảng bá nhiều thương hiệu hàng Việt đến trên 250.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Tổ chức 40 chuyến hàng Việt bằng xe tải nhỏ, đoàn xe ô tô về vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn trong tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ký kết liên tịch về công tác tuyên truyền theo phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực” đến đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Tổ chức treo 210 băng rôn, cờ phướn nội dung “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tổ chức xe phóng thanh cổ động giáp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; thực hiện tuyên truyền Cuộc vận động tại các hội chợ, phiên chợ hàng Việt về nông thôn...

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng mô hình “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt” với mục tiêu vận động ít nhất 60% hộ dân ở mỗi khu dân cư tham gia.

Với đặc thù đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong khi việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược cao và vốn đầu tư lớn, nên Hậu Giang gặp nhiều khó khăn khi triển khai Cuộc vận động. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Để khắc phục khó khăn này, thời gian qua, ngành đã phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp tuyên truyền phối hợp với các tỉnh trong việc kết nối cung cầu, tạo đầu ra cho các sản phẩm ở địa phương. Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chia sẻ: Địa phương có nhiều đặc sản, thời gian qua, ngành đã chú trọng đầu tư để sản phẩm địa phương có thể hội nhập thị trường. Vì vậy, ngành đã hướng dẫn các hộ dân, cơ sở kinh doanh đăng ký sản phẩm, bao bì, tạo dựng thương hiệu để người tiêu dùng có thể ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam nói chung và hàng địa phương nói riêng có chất lượng.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, thế nhưng, công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động ở một số địa phương đôi lúc còn theo vụ việc chưa được thường xuyên, liên tục; trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền một số địa phương trong vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chưa thể hiện rõ theo chức năng, nhiệm vụ. Mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với doanh nghiệp đôi lúc chưa chặt chẽ nên còn tình trạng tuyên truyền chưa phù hợp. Công tác vận động doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn còn nhiều khó khăn do đường xa, chi phí vận chuyển lớn; điều kiện sân bãi, chỗ ăn, nghỉ hạn chế. Một số tuyến đường giao thông, cầu khu vực nông thôn ở một số địa phương trong tỉnh chưa đảm bảo về tải trọng, ảnh hưởng đến các chuyến hàng về vùng sâu, vùng xa.

Để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, thông tin đến người tiêu dùng về các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động. Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép tổ chức các phiên chợ hàng Việt kết hợp hội chợ thương mại. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn. Tăng cường công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là hàng tiêu dùng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, gây tâm lý bất an trong dân.

Thực hiện Kế hoạch 519/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 3/4/2018 về triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, ngày 7/9/2018, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do đồng chí Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có buổi kiểm tra kết quả thực hiện tại Hậu Giang. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, để hàng Việt có “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm mà còn cần quảng bá, tiếp thị hình ảnh đến người dân. Có như thế mới đảm bảo mục tiêu từ nay đến năm 2020, thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm trên 80% tại các kênh phân phối; 100% người dân ở các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đều biết về Cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cải tiến mẫu mã, công nghệ, giảm giá thành sản phẩm. Tập trung kiểm soát chất lượng hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả, hàng gian lận thương mại.

Với kế hoạch cùng giải pháp cụ thể, thiết thực và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Hậu Giang từng bước thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động, góp phần giúp cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Trần Anh Tuấn

TS. Phó Trưởng ban Phong trào, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều