Bài 5: MTTQ Việt Nam thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - Thời gian qua, với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng thể hiện là trung tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc là tổ chức liên minh chính trị giữ vai trò chủ trì thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia bầu cử, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đã làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam ngày 20/7/2020. Ảnh: Quang Vinh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”1. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay, quyền làm chủ của nhân dân đang được cụ thể hoá cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2. Như vậy, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ngày càng được thể hiện rõ nét trong các văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy ngày càng rõ nét hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật, thực hiện quyền làm chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Mặt trận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng từ trung ương đến cơ sở, khu dân cư, đến từng nhóm đối tượng, hộ dân, hội viên, đoàn viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, trọng tâm là hoàn thiện về cơ chế, phương thức, củng cố phương tiện, lực lượng làm công tác thông tin, truyền thông từ trung ương đến cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, nhóm nòng cốt nắm tình hình, dư luận trong nhân dân được củng cố và hoạt động hiệu quả hơn. Hệ thống báo chí của Mặt trận và các đoàn thể ở Trung ương, bản tin công tác Mặt trận ở các địa phương được nâng cao về chất lượng và phát hành đến khu dân cư. Thông qua hệ thống truyền thông và lực lượng đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên của Mặt trận và các tổ chức thành viên, kết hợp với các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác của Mặt trận đến với các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban Mặt trận các cấp đã xây dựng chương trình hành động, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai các đợt sinh hoạt chính trị, diễn đàn nhân dân, sinh hoạt chi đoàn, chi hội... theo các trọng tâm, chủ đề như: Triển khai Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết các kỳ họp Trung ương khóa XII của Đảng; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, 50 năm thực hiện Di chúc của Người, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, kỷ niệm các ngày truyền thống và tuyên truyền Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức thành viên.

Mục đích tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật là để nhân dân thấy rõ lợi ích của việc đoàn kết, quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ, lợi ích của cá nhân phải phù hợp với lợi ích của cộng đồng, lợi ích của địa phương phải phù hợp với lợi ích chung của cả nước, của quốc gia, của dân tộc. Đây là điểm cốt lõi để vận động đoàn kết, thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện bất cập trong chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; hài hòa các lợi ích là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết và sáng tạo trong nhân dân, triển khai có hiệu quả các cuộc vận động để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện tốt vai trò chủ trì trong việc phát động và tổ chức thực hiện các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ngày 15/11/2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Được sự quan tâm lãnh đạo kịp thời của Đảng và cấp ủy, sự phối hợp của Chính phủ, chính quyền các địa phương, cuộc vận động nhanh chóng được tổ chức triển khai sâu rộng đến cơ sở. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, Ủy ban Mặt trận các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc. Cuộc vận động đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân, đã đem lại kết quả khá toàn diện. Đến năm 2020, cả nước có trên 60% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Trong 5 năm (2015-2020), hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được 19.703 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội; vận động quỹ "Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, được khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Đồng hành với Mặt trận, các tổ chức thành viên có nhiều chương trình hoạt động, kêu gọi, vận động xã hội chăm lo các đối tượng chính sách, người có công với nước, giúp đỡ đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế trong xã hội; chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và các trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng, tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ. Đặc biệt, đến tháng 9/2020, Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì phát động, kêu gọi, vận động toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19, ủng hộ quỹ phòng chống Covid được trên 2.000 tỷ đồng.

Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc đều có sự phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc, các thành viên có rất nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ của từng tổ chức và thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Như vậy, Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện vai trò đại diện, động viên nhân dân làm những việc tốt, ích nước, lợi nhà.

Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện nề nếp nhiệm vụ nắm tình hình nhân dân, “Mặt trận lắng nghe ý kiến của nhân dân”, thường xuyên, đột xuất, định kỳ phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có chương trình chuyên đề về: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác dân tộc và tôn giáo; thực hiện tiếp xúc, đối thoại. Qua buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với người đứng đầu các tôn giáo ngày 9/8/2019, đã thể hiện niềm tin của các tôn giáo vào Đảng, Nhà nước; trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc đã kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào tôn giáo.

Mặt trận phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp chuẩn bị tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử. Với sự tham gia ngay từ khâu chuẩn bị tổ chức tiếp xúc cử tri của Mặt trận, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; thực hiện đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri, tăng cường mối liên hệ với cử tri; tuyên truyền rộng rãi về các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu, vận động cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, tham gia đầy đủ các hội nghị tiếp xúc, chủ động phát biểu, nêu kiến nghị của mình đối với đại biểu Quốc hội và đề nghị các cấp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc ở địa phương.

Với trách nhiệm chủ trì tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phân công cán bộ tham dự và ghi chép, phối hợp tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị. Đối với tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Hội đồng nhân dân các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện việc tập hợp ý kiến, thực hiện xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, phân loại gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đối với tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với đoàn đại biểu Quốc hội tập hợp, tổng hợp gửi Quốc hội (qua Ban Dân nguyện) để phân loại chuyển đến các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương đề nghị xem xét, giải quyết, trả lời. Kiến nghị đúng tầm, đúng thẩm quyền, có sự trao đổi, phản hồi thông tin của các bộ, ngành được góp ý, kiến nghị, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ ghi nhận, được cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao. Qua đó, Mặt trận đã thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Giám sát và phản biện xã hội

Nhiệm kỳ Đại hội VIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định bước phát triển mới trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Chủ thể giám sát, phản biện xã hội là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đối tượng là các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đại biểu dân cử; Tuy nhiên, nội dung phạm vi giám sát rất rộng nên cần có sự vào cuộc của nhân dân. Từ năm 2018, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm để thấy rõ nội dung công việc Mặt trận chủ trì và những việc 5 đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì.

Công tác giám sát và phản biện xã hội trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc đã chủ trì hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước triển khai 12 chương trình giám sát cấp Trung ương, tập trung vào các lĩnh vực: chính sách đối với người có công với cách mạng; thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ; đổi mới giáo dục và đào tạo; quản lý, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế; bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố đã đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền lựa chọn những chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Nhiều lĩnh vực quản lý phức tạp, khó và nhạy cảm, như: bồi thường tái định cư, thu hồi đất, quản lý sử dụng các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bồi thường sự cố ô nhiễm môi trường biển... đã được Mặt trận các cấp giám sát có hiệu quả. Những báo cáo, kiến nghị sau giám sát của Mặt trận, đặc biệt là những vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được các bộ. ngành ở trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp nhận, kịp thời chỉ đạo giải quyết và thông báo đến các tầng lớp nhân dân. Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh chủ trì và tham gia giám sát liên ngành được 4.093 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp huyện chủ trì giám sát 22.679 cuộc; Ủy ban Mặt trận cấp xã chủ trì giám sát 466.012 cuộc.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ góp ý, phản biện xã hội, cùng với giám sát và thông qua các hoạt động của Mặt trận để tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật; hàng năm, góp ý trên 30 văn bản pháp luật. Ở các địa phương, những chủ trương lớn, cơ chế, chính sách liên quan thiết thực đến số đông người dân đều lấy ý kiến hoặc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trước khi quyết định.

Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước

Mặt trận chủ động đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp ủy địa phương kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định cụ thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Mặt trận; đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ngành địa phương ban hành nhiều chính sách, ký kết các nghị quyết liên tịch, quy chế, chương trình phối hợp… góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận.

Công tác phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan Nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ. Phối hợp giữa các thành viên trong Mặt trận được đổi mới, thể hiện rõ hơn vai trò chủ trì, tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của Mặt trận và phát huy đặc thù, thế mạnh của các tổ chức thành viên. Mặt trận ở cấp trung ương duy trì 5 quy chế phối hợp, 2 nghị quyết liên tịch, 27 chương trình phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, các ban, bộ, ngành và thành viên. Ủy ban Mặt trận 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tổng số 683 chương trình phối hợp (bình quân 11 chương trình/1 tỉnh, thành phố).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018-2020”; phát động và trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm “Thực trạng, giải pháp Mặt trận tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; duy trì việc tổng hợp và xử lý thông tin nhanh hằng tuần phản ánh trên báo chí, tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận đã góp phần tạo dư luận lên án mạnh mẽ, phát huy sức mạnh của nhân dân, nâng cao ý thức của cả cộng đồng trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Việc tham gia bầu cử; tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên và giới thiệu Hội thẩm nhân dân; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu; tham dự các kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân; tham gia góp ý kiến, kiến nghị với Đảng, Nhà nước được quan tâm thực hiện.

Ủy ban Mặt trận các địa phương chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên thực hiện đầy đủ các nội dung Quy chế dân chủ; tích cực tham gia bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; vận động nhân dân tham gia xây dựng hương ước, quy ước ở khu dân cư. Việc tiếp công dân và Mặt trận tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được quan tâm hơn. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào xây dựng Đảng, Nhà nước.

Nhìn chung, với việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã minh chứng đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc là đúng đắn, thiết thực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc thể hiện rõ vai trò là tổ chức liên minh chính trị, vai trò chủ trì trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia bầu cử, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, thể hiện rõ nét hơn tính đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, là cầu nối nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Mặt trận tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước.

Hai là, phối hợp thống nhất hành động trong vận động nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế quốc gia, cải thiện nâng cao chất lượng toàn diện đời sống nhân dân.

Ba là, tiếp tục đề xuất thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước; tham gia hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực; nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến của nhân dân tham gia vào các dự thảo văn kiện và sáng kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vào dịp Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phối hợp thực hiện tốt vai trò hiệp thương bầu cử, vận động cử tri, nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phối hợp hoàn thiện các quy định pháp luật, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận và sức mạnh của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề xuất xây dựng các quy định pháp luật và cơ chế để thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân phản ánh, tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là giám sát hoạt động quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện dân chủ thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện và thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để hoàn thiện cơ chế về sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của cơ quan Nhà nước đảm bảo cho các hoạt động của Mặt trận; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các tổ chức thành viên cùng cấp và các tổ chức không là thành viên của Mặt trận. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy trình tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò và trí tuệ của các vị ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, người uy tín, đoàn viên, hội viên và sự ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, kiện toàn Ủy ban Mặt trận các cấp với thành phần, cơ cấu hợp lý, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực, coi trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động của các thành viên; mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của Ủy viên Ủy ban Mặt trận cấp mình để Mặt trận thực sự là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Ngô Sách Thực

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.5, tr.698.

2. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.7-8.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều