Bài học về ứng phó đối với an ninh phi truyền thống của Việt Nam từ đại dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay

(Mặt trận) - Đại dịch Covid-19 đang là mối đe dọa đến an ninh phi truyền thống nghiêm trọng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết phản ánh một khía cạnh đến tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 về đời sống xã hội, đồng thời rút ra một số bài học về an ninh phi truyền thống trong giai đoạn hiện nay.
Đại dịch Covid-19 thách thức nghiêm trọng với toàn cầu(Ảnh minh họa:Mạnh Hùng - dangcongsan.vn) 

Những vấn đề đặt ra để đối phó với an ninh phi truyền thống

Về an ninh y tế

Đại dịch Covid-19 tác động lớn đến sức khỏe của con người, đến tính mạng và sự tồn tại của mỗi cá nhân trong xã hội. Sau gần 2 năm đến nay, đại dịch Covid -19 đã xuất hiện và lây lan ở 229 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến ngày 14/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu lên đến hơn 253,8 triệu ca với hơn 5,1 triệu người tử vong1. Riêng ngày 15/10, số ca mắc trên toàn cầu tăng 444.258 ca và khu vực châu Á vẫn là khu vực có người nhiễm cao nhất lên đến hơn 73 triệu ca. Tại Việt Nam, kể từ khi dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm (đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.336 ca nhiễm), 855.237 người khỏi bệnh và 23.018 ca tử vong chiếm tỉ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm2. Rõ ràng con số tử vong từ số người nhiễm Covid-19 trên thế giới là rất nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thời gian sắp tới, khi mà xuất hiện biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm.

Vấn đề an ninh sức khỏe hay an ninh y tế đang đặt ra nhiều vấn đề cho toàn thế giới trong ứng phó với dịch bệnh. Một bài học “xương máu”, việc xây dựng hệ thống phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ là vấn đề có tính quyết định đến thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vấn đề quan trọng không kém việc củng cố hệ thống quốc phòng và an ninh của mỗi nước. Mức độ thành công trong cuộc chiến chống dịch không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng, sức mạnh của hệ thống y tế, khi mà trong thời gian vừa qua các cường quốc có chỉ số an ninh, an toàn về y tế cao như: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… lại là những nước đang phải gánh chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến chống đại dịch.

Về an ninh kinh tế

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường do sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới. IMF chỉ rõ, tình trạng lạm phát gia tăng gần đây là hậu quả của tình hình dịch bệnh tái bùng phát và việc giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang có thể còn kéo dài. Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath cảnh báo, biến thể siêu lây nhiễm Delta, Lambda, MU có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2025. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) công bố tháng 4/2021, IMF nhận định, sự suy giảm của các hoạt động năm 2020 là chưa từng thấy trong lịch sử nhưng nó có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều (ước tính gấp 3 lần) nếu không có các chính sách hỗ trợ đặc biệt. Sau khi giảm 3,3% trong năm 2020, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi mạnh đạt mức 6% vào năm 2021 và tăng vừa phải ở mức 4,4% vào năm 2022. Cũng trong tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,6%3. Ngoài ra IMF cũng nhận định, sự phát triển trong tương lai sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng y tế Covid-19, bao gồm: việc liệu các biến chủng mới có cho thấy phản ứng tích cực với vaccine hay đại dịch không hay đại dịch vẫn sẽ tiếp tục kéo dài; hiệu quả của các chính sách để hạn chế các thiệt hại kinh tế dai dẳng; sự phát triển của tình hình tài chính và giá cả hàng hóa; và năng lực điều chỉnh của nền kinh tế. Diến biến của các yếu tố này và sự tương tác của chúng với các đặc điểm cụ thể của từng nước sẽ quyết định tốc độ phục hồi và mức độ tổn thất trong trung hạn trên khắp các quốc gia.

 Không nằm ngoài tác động đó, nền kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô…

Về an ninh lương thực

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát đặt ra cho an ninh lương thực nhiều vấn đề khó khăn, thách thức. Khi mà các nước buộc phải đóng cửa đường biên, dừng các hoạt động giao thương, khiến hàng loạt các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị kìm hãm đến mức tối đa, dẫn đến tình trạng khan hiếm sản lượng lương thực cũng như hàng hóa, nhu yếu phẩm. Việc đóng cửa xuất khẩu có thể dẫn đến nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá lương thực. Theo dự báo mới nhất của Liên Hợp quốc, suy giảm kinh tế do tác động của đại dịch khiến thế giới có thêm 132 triệu người rơi tình cảnh thiếu đói bên cạnh 690 triệu người đã thuộc diện này từ trước. Cùng lúc, sẽ có khoảng 135 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Đại dịch Covid-19 và thiên tai đã khiến con số người mất an ninh lương thực tăng thêm gần ba triệu người trong năm 2021. “Một năm sau khi đại dịch Covid-19 được công bố, triển vọng rất ảm đạm cho năm 2021 và hơn thế nữa. Xung đột, các hạn chế liên quan đến đại dịch, những khó khăn kinh tế và mối đe dọa kéo dài của điều kiện thời tiết khắc nghiệt có khả năng tiếp tục gây ra khủng hoảng lương thực”. “Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự mong manh của hệ thống lương thực toàn cầu và nhu cầu làm cho các hệ thống trở nên công bằng, bền vững và linh hoạt hơn để chúng liên tục cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho 8,5 tỷ người vào năm 2030”4.

Về an ninh chính trị

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh từ tháng 12/2019 đến nay, tình hình chính trị trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Quan hệ chính trị, kinh tế giữa các nước trên thế giới đang có biến động, tâm điểm là căng thẳng chính trị giữa Mỹ - Trung Quốc. Tại khu vực Đông Nam Á, quan hệ đối ngoại, chính trị giữa Việt Nam và các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong khi năm 2020, Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò, trách nhiệm quốc tế và khu vực như: Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021… Việc điều phối, duy trì các hoạt động đối ngoại trong nhiệm kỳ của Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, với sự bùng phát của dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động trong nước gia tăng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá gây ra những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại Việt Nam.

Về an ninh mạng và an ninh thông tin

Đại dịch lần này bùng nổ trong giai đoạn thế giới và Việt Nam đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 với sự hội nhập, kết nối internet toàn cầu, cùng với nhiều công nghệ tiên tiến, kỹ thuật cao phục vụ con người trong thế giới số. Trong đó, công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực y tế là sự hỗ trợ quyết định trong cuộc chiến chống dịch của các quốc gia. Song với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ mà đặc biệt là internet đã trở thành điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để tuyên truyền sai sự thật liên quan đến bệnh dịch, gây tâm lý bất an, hoang mang trong dư luận, tạo tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có hơn 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn. Hơn 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đến nay, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với hơn 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người8. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng lừa đảo người dùng Việt Nam nổi lên ở 2 lĩnh vực: ngân hàng, tài chính và điện lực: Theo thống kê từ hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) có 66 website giả mạo được lập ra để giả mạo cơ quan, tổ chức trong 2 lĩnh vực này nhằm mục đích lừa đảo người dùng Việt Nam.

Thành tựu bước đầu trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã được dư luận quốc tế đánh giá cao. Những thành tựu đó cũng chính là những kinh nghiệm quý báu trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của Việt Nam hiện nay.

Bài học rút ra từ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống

Công tác phòng, chống dịch bệnh phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng

Khoảng cuối tháng 11/2019 khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) đến ngày 23/1/2020, tại Việt Nam phát hiện hai ca bệnh đầu tiên người Trung Quốc. Thời điểm đó, trong khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố “chưa có bằng chứng rõ ràng” bệnh lây nhiễm từ người sang người thì tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngay trong đêm ngày 23/1/2020, Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để kích hoạt cả hệ thống chính trị bắt đầu cuộc chiến chống dịch. Tới thời điểm hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai hàng trăm cuộc họp và ban hành hàng loạt các chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống dịch bệnh hết sức cụ thể và áp dụng linh hoạt cho từng giai đoạn chống dịch. Chính sự kịp thời, phản ứng mau lẹ trong công tác ứng phó với dịch bệnh của Đảng và Nhà nước ta đã có được thời điểm vàng để bảo đảm bệnh dịch không lan rộng và khó kiểm soát.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc vào nhiệm vụ phòng, chống dịch

Ngay thời gian đầu khi tình hình dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo rất quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào phòng, chống dịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của Nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

Vận dụng tư tưởng và phương châm ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng tư tưởng và phương châm ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Đây chính là sự thể hiện rõ nét của tư tưởng an ninh chủ động trong ứng phó với thách thức từ dịch bệnh đến an ninh quốc gia Việt Nam. Theo đó, Đảng ta đã chỉ đạo: chống dịch Covid-19 đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ với phương châm “3 sẵn sàng” (chống dịch Covid-19 như chống giặc, chủ động phòng tránh dịch Covid-19, đối phó kịp thời dịch Covid-19 và khắc phục khẩn trương có hiệu quả dịch Covid-19); “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Làm tốt công tác thông tin truyền thông trong phòng, chống dịch

Ngay từ thời gian đầu khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch cho mọi tầng lớp Nhân dân. Đây là công tác quan trọng, vừa góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, định hướng dư luận vừa hướng dẫn quần chúng Nhân dân, các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách; kịp thời công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, trao đổi và kiểm tra, giám sát, củng cố niềm tin mạnh mẽ vào sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước trước đại dịch Covid-19.

Chính công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện đã tạo ra hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch.

Thắng lợi bước đầu trong công cuộc phòng, chống dịch tại Việt Nam thời gian qua là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Ðảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của Nhân dân cả nước. Ðiều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:

1. https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-the-gioi.

2. https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-viet-nam.

3. https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/imf-du-bao-tang-truong-kinh-te-toan-cau-2021-586609.html.

4. Tuyên bố chung được công bố cùng với báo cáo, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/canh-bao-tinh-trang-mat-an-ninh-luong-thuc-tren-the-gioi-579887.html.

5. https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/bao-dam-an-toan-thong-tin-tren-khong-gian-mang-trong-dai-dich-589677.html.

Nguyễn Thắng Cảnh

TS, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều