Chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới

(Mặt trận) - Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo thành sức mạnh to lớn, bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài của đất nước, việc đổi mới toàn diện là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra và thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại hội chỉ rõ bốn bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học đầu tiên là: ''Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc''1, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 8b, ngày 27/3/1990 về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Nghị quyết nhấn mạnh: cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân. Nghị quyết khẳng định quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân là truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam; đánh giá nghiêm túc tình hình, thực trạng mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Nghị quyết xác định bốn quan điểm chỉ đạo nhằm đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân: Một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân. Ba là, các hình thức tập hợp Nhân dân phải đa dạng. Bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng nêu khái niệm mới về khối liên minh công - nông - trí thức và khẳng định lấy liên minh công - nông - trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc và công tác xây dựng Mặt trận, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ/TW Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nghị quyết nhấn mạnh: Đất nước ta đang đứng trước thời cơ mới và những thách thức mới. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, làm thất bại âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, chúng ta phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đoàn kết dân tộc trở thành một nội dung quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển xã hội. Vì vậy, phải tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam, thực hiện đoàn kết, xây dựng Mặt trận ở tầm cao mới, chiều sâu mới, tạo ra nguồn lực mới phát triển xã hội, phát triển đất nước, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, khóa VII của Đảng (tháng 1/1994) chủ trương tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mọi năng lực sáng tạo của công nhân, nông dân và trí thức, các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, kể cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) tiếp tục khẳng định tinh thần của Đại hội VII của Đảng và nhấn mạnh: “Để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu lớn hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ở cả trong nước và nước ngoài, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”2. Đảng xác định phương châm: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay đang định cư ở nước ngoài; có cơ chế và cách làm cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Bước sang thế kỷ XXI, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đã nêu cụ thể hơn nữa về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai… trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”4. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX ra Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết xác định đại đoàn kết toàn dân tộc “là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, liên quan đến sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Tại hội nghị này, Đảng ta sử dụng thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân tộc” thay cho thuật ngữ “đại đoàn kết toàn dân” với ý nghĩa mở rộng đại đoàn kết, đoàn kết không chỉ ở trong nước mà còn với cả cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Hội nghị đã đặt vị trí, vai trò của Mặt trận và khối đại đoàn kết toàn dân tộc lên tầm cao mới, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

Tiếp tục chủ trương đại đoàn kết dân tộc đã được xác định trong các Đại hội trước đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc, coi đó là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Để xây dựng xã hội đồng thuận, Đảng ta chủ trương thực hiện đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ tương trợ giữa các dân tộc, giữa các vùng miền nhằm phát huy thế mạnh mỗi vùng miền trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chú trọng thực hiện chiến lược phát triển ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng căn cứ cách mạng. Các chính sách và pháp luật của Nhà nước phải nhằm phát huy mạnh mẽ hơn dân chủ (dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và chế độ tự quản của cộng đồng dân cư). Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo; chú trọng chính sách đối với giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào định cư ở nước ngoài. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, kích động, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết, làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước.

 Tiếp tục khẳng định các quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội XI (năm 2011) của Đảng chỉ rõ mục tiêu đoàn kết: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào Mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng’’6.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”7. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đại hội XII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”8.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta khẳng định chiến lược đó là việc kế thừa, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đại hội đề ra một số biện pháp cụ thể: Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội... Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”9. Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cần đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Phát huy sức mạnh Nhân dân trong thế trận lòng dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để triển khai các Nghị quyết của Đảng, trong thời gian qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cụ thể hóa bằng các chương trình phối hợp và thống nhất hành động. Xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện đúng nguyên tắc của Đại đoàn kết toàn dân tộc là phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Nhân dân, thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát và Dân thụ hưởng”.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và với Chương trình hành động đã được Đại hội lần thứ IX của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua, chúng ta tin tưởng rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả trong xây dựng và phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội, tạo thành sức mạnh to lớn, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Nguyễn Hữu Dũng

TS, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr. 213.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 55, tr. 360.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 43-44.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 60, tr.148.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 48.

6. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.158.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.166.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I. tr. 172.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều