Đấu tranh chống lại luận điệu sai trái cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời

(Mặt trận) - Chủ nghĩa Mác-Lênin từ khi ra đời đã trải qua thử thách hơn 170 năm, không ngừng bị đánh phá, xuyên tạc bởi các thế lực thù địch, bị cho rằng đã lỗi thời, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đứng vững, còn nguyên giá trị và không ngừng được bổ sung, phát triển.
V.I. Lênin vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể của nước Nga _Nguồn: Tạp chí Cộng sản 
Chủ nghĩa Mác-Lênin ngay từ khi ra đời đến tận ngày nay luôn cho thấy rõ bản chất khoa học và cách mạng, thể hiện giá trị và sức sống bền vững của mình. Hiện nay, đã sang thế kỷ XXI, trải qua hơn 170 năm nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn giữ nguyên sự đúng đắn, ý nghĩa và tầm quan trọng, vẫn tỏa sáng và khẳng định mình..., vẫn là cơ sở khoa học để giải thích thỏa đáng hiện trạng của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại.

Từ ngày ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin đã không ngừng bị các thế lực thù địch chống đối, xuyên tạc, bóp méo… Thế nhưng càng đánh phá thì các thế lực thù địch càng bộc lộ rõ những mặt hạn chế của mình, trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng khẳng định tính đúng đắn, khoa học và sức sống lâu bền của mình.

Trước sự chống phá, xuyên tạc của các lực lượng chống phá, thù địch, chủ nghĩa Mác-Lênin với những khái niệm, nguyên lý, phạm trù, quy luật và phương pháp luận cơ bản vẫn hiên ngang đứng vững và trở thành cơ sở khoa học vững chắc để lý giải những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, con người và toàn bộ đời sống thực tiễn của nhân loại. Sở dĩ chủ nghĩa Mác-Lênin có sức sống mạnh mẽ và giá trị bền vững, cùng tính thời đại trong nhiều hoàn cảnh, bởi bản thân nó là một học thuyết mở, nhân văn và liên tục được phát triển bởi những người cộng sản chân chính. Hơn thế, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đi vào lòng dân chúng lao động bởi nó luôn hướng tới sự văn minh, tiến bộ và nhân văn, hướng tới đấu tranh xóa bỏ mọi bất công xã hội, tình trạng người bóc lột người, chỉ ra cho những người lao động phương pháp đấu tranh, chỉ ra sứ mệnh của giai cấp vô sản là đánh đổ giai cấp tư sản, đập tan nhà nước tư bản, xây dựng xã hội mới, nhà nước của giai cấp vô sản, ở đó không còn người bóc lột người, tất cả mọi người đều bình đẳng, có cơ hội phát triển toàn diện: chân - thiện - mỹ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết mở, không ngừng được phát triển, nó mang bản chất khoa học và cách mạng triệt để nhất. Ph.Ăng-ghen từng nói rằng: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc[1]. V.I. Lê-nin khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống[2].

Thế kỷ XXI, dù thế giới có quá nhiều đổi thay, bản thân các nước tư bản cũng có hàng loạt các điều chỉnh để thích nghi với điều kiện mới, nhưng chủ nghĩa tư bản không thể thay đổi được bản chất bóc lột của nó và nó không bao giờ dám hi sinh chế độ tư hữu ích kỷ của thiểu số tư sản. Một loạt những nhược điểm, yếu điểm, hạn chế, khuyết tật vốn có của chủ nghĩa tư bản, như mâu thuẫn xã hội, xung đột, khủng bố, bạo lực, bất ổn xã hội, khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội,... vẫn không ngừng diễn ra, ngày càng gay gắt, phức tạp và đa dạng. Tất cả những điều đó đã được chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra, cảnh báo và luận chứng một cách khoa học, khách quan và cách mạng. Điều này, cho thấy luận chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ mang tính hiện tại, mà còn mang tính dự báo tương lai và dự báo một cách chính xác sau hơn 170 năm thử thách, chiêm nghiệm.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng là tổng kết vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã dựng lại phép biện chứng “đi bằng đôi chân của mình” từ phép biện chứng duy tâm “đứng lộn ngược đầu” của Heghen, làm cho phép biện chứng trở lên sống động, khoa học và cách mạng.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử là phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồn cốt của chủ nghĩa duy vật lịch sử là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội. Hình thái kinh tế - xã hội làm sáng tỏ quy luật phát triển của xã hội loài người. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra rằng, quy luật phát triển của xã hội loài người không phải là cái gì khó hiểu và phức tạp, đó chính là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội bởi các cuộc cách mạng xã hội. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội là một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh, phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Lịch sử xã hội loại người cho thấy, sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng sẽ tồn tại trong khoảng thời gian dài nhất định, cho tới khi mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không còn phù hợp nữa. Đó là do lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, còn quan hệ sản xuất phát triển chậm hơn nên nó ngày càng không phù hợp với lực lượng sản xuất nữa, lúc đó xã hội đòi hỏi một quan hệ sản xuất mới phù hợp với lực lượng sản xuất, và để đáp ứng sự phù hợp này thường là các cuộc cách mạng xã hội.

Từ việc luận chứng cho quy luật khách quan đó, chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, chủ nghĩa tư bản dù thay đổi, thích nghi như thế nào cũng không thể thay đổi được bản chất bóc lột của mình, không thể thay đổi được những mâu thuẫn vốn có của nó, và tất yếu đến một giai đoạn lịch sử nào đó, chủ nghĩa tư bản sẽ bị đào thải, thay vào đó là một xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra những mâu thuẫn cũng như khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản, đồng thời cung cấp căn cứ lý luận xác đáng để đi đến khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau[3].

Với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin có sức sống và phát triển mạnh mẽ, lâu dài và vững chãi, không một thế lực chống phá nào có thể đáng đổ được. Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng như vũ bão, kinh tế thị trường toàn cầu phát triển không ngừng, đem lại cho loài người rất nhiều cơ hội phát triển, lợi ích, giá trị cao quý, tích cực, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức, tiêu cực, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn, nhiều giá trị mới vô định giữa đúng - sai, chân - giả, thiện - ác... Trong bối cảnh đó, các thế lực thù định lợi dụng để đánh phá, xuyên tạc, bóp méo các lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với với thế kỷ XXI, từ đó cho rằng Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho ý chí và hành động là sai lầm, là lỗi thời… 

Nhưng thực tế tại Việt Nam, Đảng ta vẫn không ngừng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Và trên nền tảng đó, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước ta từ đói nghèo, lạc hậu thành một nước có “thương hiệu” trên trường quốc tế. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiệm cận phát triển, chính trị - xã hội ổn định, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày càng trở nên hiện thực.

Tóm lại, dù liên tục bị chống phá, bóp méo, xuyên tạc, nhưng hơn 170 năm qua, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là một lý thuyết xã hội tiến bộ, khoa học và cách mạng. Bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lý giải và luận chứng hùng hồn cho những vấn đề lớn của xã hội loài người, đặc biệt là sự vận động của xã hội loài người qua các hình thái kinh tế - xã hội, và tất yếu loài người tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, còn chủ nghĩa tư bản tất yếu bị xóa bỏ. Do vậy, không một thế lực nào có thể chống phá được chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết mở, phát triển không ngừng, có sức sống bất diệt.

ThS. Bùi Quốc Tuấn, Học viện Chính trị khu vực I


[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.36, tr.796.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.4, tr.232.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.4, tr.613.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều