Đẩy mạnh công tác giám sát của MTTQ Việt Nam đối với việc thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương


(Mặt trận) - Trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực. Để bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy ngày càng tốt hơn chức năng giám sát trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của mình, mặt khác, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng giám sát.

Đoàn kiểm tra số 140 của Ban Bí thư do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định số 08 - QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu: “Khẩn trương hoàn thành việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực”. Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII khẳng định: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”. Văn kiện Đại hội XIII đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát và giám sát thực hiện, tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất”1.

Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền tảng cho cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương thông qua quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”2. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có bước tiến quan trọng trong phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước. Trong đó khẳng định thẩm quyền của Chính phủ trong thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Thực tế cũng cho thấy, nhờ được phân cấp, phân quyền, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương nâng cao tính chủ động trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, có cơ chế điều hành sát hơn với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều thủ tục hành chính được bộ, ngành Trung ương phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian, khâu trung gian, phục vụ kịp thời hơn, tốt hơn doanh nghiệp và Nhân dân. Tuy nhiên, chính sách phân cấp, phân quyền cần thiết phải được tổ chức, thực thi nghiêm túc ở các cấp và cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát quyền lực để hạn chế tình trạng “lạm quyền” của các cơ quan công quyền.

Chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết hiện nay. Việc giám sát của Mặt trận góp phần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đề cao dân chủ trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Trong thời gian gần đây, Mặt trận đã quan tâm hướng tới giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị, giám sát việc tổ chức thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước như: Giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước3; giám sát việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân4; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ công vụ và giám sát công tác cán bộ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị5... Đây là những nội dung, lĩnh vực giám sát liên quan trực tiếp đến trách nhiệm, thẩm quyền của cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là liên quan đến yếu tố "kiểm soát quyền lực" của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp.

 Cụ thể trong năm 2021, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện 2 hoạt động giám sát có liên quan trực tiếp đến quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, cụ thể: Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp năm 2021 và giám sát việc thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương có trách nhiệm hơn trong thực thi nhiệm vụ, quan tâm đến công tác tiếp công dân, tăng cường hoạt động tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết ngay những khiếu nại phát sinh từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Sau giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo giám sát và có những kiến nghị gửi cơ quan Trung ương quan tâm chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, thông qua việc giám sát, Mặt trận cũng có những kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện sửa đổi chính sách, pháp luật liên quan.

Việc giám sát thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy các địa phương trong công tác triển khai thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ; việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác cán bộ như tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai tài sản đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp6... Việc giám sát của Mặt trận đã phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú....

Ngoài ra, trong tình hình đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khảo sát, giám sát thực tế tại các địa phương, Mặt trận cũng đã tăng cường hoạt động giám sát bằng hình thức giám sát văn bản. Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện giám sát bằng hình thức giám sát văn bản đối với Luật Đất đai năm 2013. Tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về những nội dung trọng tâm cần giám sát trong Luật Đất đai, đề nghị một số tổ chức thành viên, cơ quan tư pháp và Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo làm rõ hơn một số bất cập trong các quy định của Luật Đất đai; đề xuất các quy định cần sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Ở địa phương, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn cũng là một trong những hoạt động giám sát hiệu quả của Mặt trận ở cấp cơ sở. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được tổ chức và hoạt động ở các địa phương thực hiện tốt chức năng giám sát hoạt động của chính quyền, việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ sở, giám sát các dự án triển khai tại cộng đồng. Qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị với chính quyền xử lý kịp thời nhiều vi phạm, góp phần hạn chế tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở cơ sở7, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, với sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lắng nghe phản ánh của Nhân dân từ cơ sở đã giúp cho lãnh đạo chính quyền địa phương nắm bắt được tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị chính đáng của người dân, tránh phát sinh "điểm nóng", góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Như vậy, trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi để kịp thời sửa đổi cho phù hợp, góp phần xây dựng các chính sách của chính quyền các cấp, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát của Mặt trận chất lượng tốt, có tác dụng tốt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, kịp thời giải quyết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các địa phương hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình Nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển của các địa phương và cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện giám sát, Mặt trận cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: Nhận thức về công tác giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một vài nơi chưa thật sự đúng đắn, vì vậy việc tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận ở một số địa phương còn chưa hiểu đúng bản chất của hoạt động giám sát, còn có tư tưởng phụ thuộc vào cấp ủy, chính quyền; việc thực hiện quá trình giám sát còn lúng túng. Cơ chế quy định về giải trình, tiếp thu, trả lời kiến nghị "hậu giám sát" của Mặt trận còn thiếu, nhiều văn bản trả lời kiến nghị của các cơ quan, tổ chức được giám sát còn chung chung, thậm chí không phản hồi, chậm giải quyết. Cán bộ làm công tác giám sát còn mỏng, trình độ, năng lực chưa đồng đều, nhất là ở cấp cơ sở nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu và hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện. Kinh phí cho hoạt động giám sát ở một số địa phương chưa thật sự bảo đảm, mức chi theo quy định cho giám sát còn thấp.

Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” vừa qua đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai khá đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đã giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động thực thi nhiệm vụ, linh hoạt trong xử lý nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao năng lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ công vụ... đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, việc thực hiện phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương còn bộc lộ một số thiếu sót, bất cập như: Việc phân cấp, phân quyền không rõ ràng, chồng chéo, chưa triệt để; nhiều nội dung đã được phân cấp, phân quyền nhưng người thực hiện thiếu quyết đoán nên vẫn báo cáo xin ý kiến, sinh ra nhiều cấp trung gian, làm giảm hiệu quả điều hành, quản lý. Nhiều địa phương đã được phân cấp, phân quyền rồi nhưng lại sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, gây ách tắc trong công việc. Cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cũng chưa cụ thể, việc phân cấp nhưng chưa đồng bộ với phân quyền, các quy định khác có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp nên khi thực hiện thẩm quyền gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Năng lực thực thi nhiệm vụ của người thực hiện công vụ còn yếu kém, chưa đảm bảo chất lượng công tác và hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ được giao…

Trong bối cảnh đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy sự chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quyền lực, bảo đảm thực hiện thực thi đúng quy định, đúng chức năng đồng thời phát huy được thế mạnh của chính quyền các địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò, trách nhiệm là giám sát hoạt động của chính quyền các cấp, góp phần "kiểm soát quyền lực", bảo đảm cho việc phân cấp, phân quyền phát huy hiệu quả cao nhất, hạn chế tình trạng lạm quyền và khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy ngày càng tốt hơn chức năng giám sát trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, một mặt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của mình, mặt khác, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, với những yêu cầu cụ thể như sau:

Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, trong đó tập trung giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, về cải cách thể chế, thủ tục hành chính, góp phần đề cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp, hạn chế tình trạng lạm quyền trong quá trình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Mặt trận đẩy mạnh giám sát cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước để đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên có thái độ nghiêm túc khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, Mặt trận cần rà soát các quy định còn bất cập trong các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước để đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế, thể chế về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề xuất chế tài quy định về trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến và thời hạn trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát đối với những nội dung kiến nghị sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giám sát Nhà nước, giám sát của Đảng với giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tăng cường sự phối hợp giữa giám sát Mặt trận Tổ quốc với hoạt động kiểm tra của Đảng, hoạt động giám sát quyền lực của Quốc hội, hoạt động thanh tra của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Thứ ba, xây dựng cơ chế công khai về việc tiếp thu, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung của cơ quan và người có thẩm quyền đối với các kiến nghị của Mặt trận; các chế tài đối với trường hợp không tiếp nhận, hoặc tiếp nhận nhưng trả lời không đúng thời gian luật định của cơ quan, người có thẩm quyền; bổ sung các biện pháp theo dõi quá trình tiếp nhận, xử lý và trả lời việc tiếp nhận kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đối với các kiến nghị giám sát của Mặt trận, nhằm nâng cao trách nhiệm giải quyết, giải trình của cơ quan nhà nước.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó cần quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc công khai, minh bạch, quy định rõ về trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tạo cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động giám sát ở cơ sở.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định các quy định liên quan đến kinh phí theo hướng nâng các mức chi cho phù hợp với tính chất, bảo đảm hiệu quả của công tác giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, bảo đảm về nguồn lực, bảo đảm kinh phí cho hoạt động giám sát của Mặt trận, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Thứ sáu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới, nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, góp phần vào xây dựng bộ máy chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chú thích:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr 284.

2. Hiến pháp năm 2013 (Điều 112).

3. Chương trình phối hợp số: 02/CTPH-BNV-TWMTTQVN-TWHCCB, ngày 24/7/2018, phối hợp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước giai đoạn 2018 - 2020.

4. Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở.

5. Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTW-TCTV ngày 30/10/2018 về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

6. Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 101 - QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị khoá XII "về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú";

7. Theo báo cáo từ năm 2016 - 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì phối hợp giám sát được 531.411 cuộc; trong đó, cấp tỉnh: 7821 cuộc; cấp huyện: 48.303 cuộc; cấp xã: 475.287 cuộc.

Quản Thị Thanh Hải

ThS, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều