Định hướng tuyên truyền và đấu tranh phản bác trên lĩnh vực quyền con người

(Mặt trận) - Công tác chỉ đạo định hướng tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam thời gian qua đã được chú trọng hơn. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của công tác tuyên truyền và đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về nhân quyền ở Việt Nam.

Hội nghị tập huấn “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người ở Việt Nam”. Ảnh: tuyengiao.vn

Những kết quả đạt được

Công tác định hướng, tổ chức thông tin, tuyên truyền vấn đề nhân quyền và phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được chú trọng hơn

 Thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về công tác nhân quyền trong tình hình mới, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền đã chú trọng chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân quyền. Những thành tựu đạt được trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực, đồng thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái về nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch.

Công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền đã từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động triển khai khá đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng Internet và trên các diễn đàn quốc tế; đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng báo chí, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực nhân quyền, những kết quả, thành tựu đạt được, góp phần đấu tranh, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Các cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản đã từng bước tăng cường lãnh đạo, quản lý, định hướng báo chí trong công tác tuyên truyền vấn đề nhân quyền, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, bôi nhọ hình ảnh đất nước, gây phức tạp cho công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền. Các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, quản lý các hoạt động báo chí thuộc sự quản lý  để báo chí tuyên truyền đúng định hướng; thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén trong công tác đấu tranh phản bác các thông tin, luận điểm sai trái, thù địch về quyền con người ở Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã duy trì thường xuyên giao ban báo chí hàng tuần để định hướng hoạt động báo chí, kịp thời chỉ ra những hạn chế, những vấn đề cần quan tâm lưu ý trong việc đưa tin, bài trên báo chí; định hướng thông tin những vấn đề quan trọng, các sự kiện tiêu biểu, các vụ việc nhạy cảm, trong đó có những vấn đề liên quan đến công tác nhân quyền. Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động chỉ đạo, định hướng hệ thống báo chí bám sát thực tiễn sôi động, tập trung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, những kết quả đạt được trong chăm lo và đảm bảo quyền con người, đảm bảo tốt hơn tính toàn diện, tính chính xác, tính nhạy cảm trong thông tin, qua đó phản bác lại các thông tin, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch.

Đối với những sự kiện lớn, có liên quan trực tiếp đến vấn đề quyền con người, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền. Ngay khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 102-HD/BTGTW ngày 17/1/2014 tuyên truyền Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Kế hoạch 233-KH/BTGTW ngày 17/1/2014 “Kế hoạch báo chí tuyên truyền, triển khai thi hành Hiến pháp”.

Trong các cuộc giao ban báo chí hàng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và các Luật liên quan trực tiếp đến nhân quyền, như: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Luật Tố tụng hành chính sửa đổi…, đồng thời chú trọng chỉ đạo báo chí thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tiếp tục tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trong việc thực hiện và bảo đảm quyền con người; tránh đưa các tin, bài nặng về các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng Đề án, trình Ban Bí thư ban hành Quy định 65-QĐ/TW ngày 3/2/2017 về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.

Các nội dung tuyên truyền vấn đề nhân quyền phong phú, đa dạng, thiết thực

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng sát sao của các cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền đã làm rõ những nội dung cơ bản của công tác nhân quyền, đó là:

Tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân quyền, nhất là Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) “về công tác nhân quyền trong tình hình mới” và Hiến pháp nước cộng hòa XHCN Việt Nam 2013. Công tác tuyên truyền đã khẳng định rõ, quan điểm của Đảng ta về quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và xu thế chung của thời đại cũng như bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam phù hợp với chuẩn mực quốc tế và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chính sách nhất quán, xuyên suốt của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; một trong những nội dung và quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992, ban hành Hiến pháp 2013 chính là để tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh bảo vệ nhân quyền, chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Đối với những vấn đề mà các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị thường lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, như dân tộc, tôn giáo, những thiếu sót trong quản lý, điều hành, thực hiện một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí đã tích cực tuyên truyền, làm rõ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách này, qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, vu cáo.

Tập trung tuyên truyền về những thành tựu của nước ta trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực, từ việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, quyền công dân, cũng như các thiết chế về quyền con người. Những thành tựu to lớn của Việt Nam về bảo đảm quyền con người đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền khá đa dạng và nêu bật những kết quả đạt được trong việc đảm bảo quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, các quyền dân sự, chính trị và tự do cơ bản của người dân. Nhiều lĩnh vực đã được báo chí tuyên truyền đậm nét, như: thành tựu trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển của Liên hiệp quốc; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện…; quan tâm đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong đời sống kinh tế, chính trị.

Báo chí cũng đã tuyên truyền những thành tựu của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động, chương trình nghị sự và tham gia xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Đấu tranh trực diện với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, sai trái về nhân quyền của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị

Công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền đã từng bước chuyển từ thế bị động sang chủ động. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động triển khai khá đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet và trên các diễn đàn quốc tế; đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng báo chí, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực nhân quyền, những kết quả, thành tựu đạt được, góp phần đấu tranh, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Một số báo, đài, tạp chí chủ lực ở Trung ương, địa phương đã xây dựng, duy trì nền nếp chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, viết và đăng tải hàng nghìn tin, bài, tập trung đấu tranh phản bác các thông tin bịa đặt, xuyên tạc. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân, báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Quốc phòng, báo Hà Nội mới, báo Sài Gòn giải phóng… là những đơn vị đã làm tốt công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo, trong đó có vấn đề nhân quyền của các thế lực thù địch.

Các cơ quan chức năng đã từng bước củng cố, xây dựng lực lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách có năng lực, trình độ để tiến hành cuộc đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái về nhân quyền; đã có nhiều cố gắng trong việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để thông tin, tuyên truyền phản bác quan điểm sai trái, ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của các trang thông tin có nội dung xấu, độc hại và vô hiệu hóa một số hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên mạng. Từ tháng 2/2017, các cơ quan chức năng đã chủ động mời đại diện của Google, Facebook sang làm việc, đàm phán ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam. Tổng số clip xấu độc bị gỡ, chặn trên Google, Youtube tới thời điểm này là 3.776 clip; Google đã hạ nguyên kênh Tin tức hàng ngày với 501 video, clip phản động. Facebook đã khôi phục 1 fanpage của báo điện tử VTC New và gỡ bỏ 106/106 tài khoản giả mạo; 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 132 link, tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Tăng cường các hoạt động đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái trên mạng Internet; đa dạng hóa các hình thức đấu tranh; huy động đông đảo lực lượng tham gia; chú trọng bồi dưỡng, nghiệp vụ đấu tranh trên mạng Internet. Việc nghiên cứu, tổng hợp, cung cấp thông tin, nhất là thông tin, quan điểm sai trái thù địch trên mạng internet phục vụ công tác chỉ đạo, định hướng đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền của Việt Nam đã được chú trọng hơn. Đã tổ chức đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo, quản lý có kiến thức, kinh nghiêm xây dựng một số luận cứ khoa học phục vụ công tác đấu tranh, bác bỏ những luận điệu thù địch, sai trái, trong đó có lĩnh vực nhân quyền nhằm nâng cao tính chiến đấu, tính khoa học, tính sắc bén, tính loogic, tính thuyết phục trong đấu tranh, phản bác. Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về những thành tựu đạt được của Việt Nam trên các lĩnh vực về bảo đảm quyền con người, để qua đó làm cho bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Các ban, bộ ngành đã từng bước chú trọng mở rộng thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông tin kịp thời, có định hướng là điều kiện quan trọng để nâng cao dân trí, định hướng tư tưởng và dư luận, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những luồng thông tin, quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, phản động.

Các cơ quan, như: Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia, đội ngũ lãnh đạo, quản lý có kiến thức, kinh nghiệm xây dựng một số luận cứ khoa học phục vụ công tác đấu tranh, bác bỏ những luận điệu thù địch, sai trái, trong đó có lĩnh vực nhân quyền.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin tuyên truyền và đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, vu cáo ta về nhân quyền vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Tuyên truyền các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân quyền, trong đó có Chỉ thị 44 và kết quả thực hiện còn chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, liên tục. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương trong chỉ đạo, định hướng đấu tranh, phản bác các luận điệu chống phá ta về nhân quyền chưa thật sự chặt chẽ, nhịp nhàng; có biểu hiện phân tán, chồng chéo, có vụ việc còn bị động, lúng túng. Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm nhân quyền còn chưa chủ động, chưa theo kịp tình hình. 

Tuy còn những hạn chế, yếu kém nhất định, nhưng có thể khẳng định rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của các ban, bộ, ngành, công tác thông tin, tuyên truyền vấn đề nhân quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã được đẩy mạnh hơn, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nâng cao nhận thức về bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người; đồng thời tuyên truyền làm rõ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trên các phương diện trong thực tế.

Giải pháp chủ yếu của công tác tuyên truyền và đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch

Về nội dung thông tin, tuyên truyền

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, nhất là các trang mạng xã hội; qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nâng cao nhận thức về bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người, với các nội dung:

1. Khẳng định rõ, quan điểm của Đảng ta về quyền con người phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và xu thế chung của thời đại. Chính sách nhất quán, xuyên suốt của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo các quyền con người, luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

2. Chú trọng tuyên truyền về các thành tựu to lớn của nước ta trong việc thực hiện và đảm bảo quyền con người trên tất cả các phương diện, từ việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người, quyền công dân cũng như các thiết chế về quyền con người nhằm đảm bảo các chính sách của Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế.

3. Tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh bảo vệ nhân quyền, chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; xác định đây là nội dung không tách rời của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ; từ đó xây dựng cơ chế phân công, phối hợp và chịu trách nhiệm của các cấp, ngành và các thành viên.

4. Thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tiếp tục tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trong việc thực hiện và bảo đảm quyền con người. Đặc biệt lưu ý tránh đưa các tin, bài nặng về các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội. Hiện nay, một trong các thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá ta về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền là chỉ tìm những tin, bài trên báo chí của ta nói về các hiện tượng xấu, có thật trong xã hội để đăng nguyên văn, không bình luận gì. Không thể nói cách đưa tin này là nói xấu, bịa đặt, nhưng rõ ràng, nêu cứ nhìn thấy các thông tin này mà không thấy có tin bài nào về cái tốt, cái hay thì nhiều người sẽ có cái nhìn rất đen tối về xã hội chúng ta.

Về hình thức tuyên truyền

1. Cùng với phát huy vai trò chủ lực của báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền khác, như: Tuyên truyền miệng, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tờ gấp, tờ rơi, tài liệu, băng đĩa, tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác về đề tài này… nhằm phát huy thế mạnh của từng loại hình tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, thời điểm trong công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền.

2. Chú trọng sử dụng hình thức tuyên truyền thành tựu đạt được trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật. Đây là một hình thức tác động tới tư tưởng, tình cảm của con người rất lớn. Thời gian tới cần tăng cường việc xây dựng các bộ phim, kịch bản, nhất là phim tài liệu về bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực của các cấp, ngành. Để có những tác phẩm hay, bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi viết, sáng tác, thành lập các trại sáng tác, cần tạo điều kiện, đưa văn nghệ sĩ tham khảo thực tiễn.

3. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về nhân quyền trên Internet và các trang mạng xã hội. Internet vào Việt Nam từ 1997, đến nay đã có 59 triệu người sử dụng, chiếm 62,7% dân số, xếp thứ 8 châu Á và thứ 18 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao của thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 48 triệu người sử dụng Facebook, trong đó có 30 triệu người sử dụng thường xuyên. Việt Nam cũng là 1 trong top 10 nước có lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới. Chính vì thế, tuyên truyền trên internet và mạng xã hội có hiệu quả rất lớn trong tình hình hiện nay. Ở đây tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính đối thoại với người đọc, người xem có thể cho ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Với khả năng truyền tải nhiều thể loại thông tin như báo viết, báo hình, phim ảnh… và với những ưu điểm vượt trội của truyền thông xã hội, như: tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao... sẽ thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ quản lý và mọi người dân tham gia viết bài, trao đổi, thảo luận về các biện pháp, chính sách về nhân quyền để qua đó, các cơ quan chức năng tham khảo, tiếp thu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm đấu tranh về nhân quyền.

Hà Dũng Hải

Tiến sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều