Đổi mới cơ chế vận hành của hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Cơ chế vận hành của hành chính nhà nước (HCNN) là hệ thống trình tự và phương pháp để HCNN thực hiện tốt chức năng của mình, thực hiện quản lý có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những định hướng về điều chỉnh chức năng của HCNN, về cải cách tổ chức bộ máy, công tác cán bộ công chức, về xây dựng và hoàn thiện thể chế, về đổi mới phương thức phục vụ, Đại hội XII của Đảng còn đề ra những định hướng quan trọng về đổi mới cơ chế vận hành của HCNN.

Ở Việt Nam, việc đổi mới cơ chế vận hành của HCNN là một yêu cầu luôn được đặt ra xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu xây dựng một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm, hiệu quả và phục vụ tốt nhân dân. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thông tin hóa, dân chủ hóa và tri thức hóa, cùng với việc chuyển đổi chức năng hành chính và đổi mới cơ cấu tổ chức hành chính, các nước trên thế giới rất chú trọng vào việc đổi mới cơ chế vận hành của HCNN. Việc đổi mới cơ chế vận hành của HCNN ở các nước trên thế giới được thể hiện trên các phương diện như cơ chế quyết sách, cơ chế trách nhiệm, cơ chế phối hợp, cơ chế đánh giá hiệu quả của Chính phủ và cơ chế tham gia của xã hội, qua đó nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính công dân chủ hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn1.

Ở Việt Nam, việc đổi mới cơ chế vận hành của HCNN là một yêu cầu luôn được đặt ra xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu xây dựng một nền hành chính dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm, hiệu quả và phục vụ tốt nhân dân. Trên cơ sở kế thừa và phát triển tinh thần của các kỳ Đại hội trước, Đại hội XII của Đảng đã đề ra những định hướng quan trọng về đổi mới cơ chế vận hành của HCNN. Những định hướng, chủ trương về đổi mới cơ chế vận hành của HCNN được nêu trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng có thể khái quát thành một số nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới cơ chế quyết sách của Chính phủ.

Việc đổi mới cơ chế quyết sách hay quá trình hoạch định các chính sách theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường sự tham gia của xã hội và công dân là một đòi hỏi nhằm góp phần nâng cao chất lượng chính sách. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định hai nội dung quan trọng: Một là, về cơ chế tư vấn chính sách, nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cũng như các cơ quan khoa học trong việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách khi khẳng định: "Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học"2 và "Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội"3. Hai là, về cơ chế tham gia của công dân: "Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến". Lần đầu tiên, từ góc độ quá trình chính sách công, Đảng ta chủ trương thực hiện sự tham gia của công dân vào chu trình chính sách, nhất là việc hoạch định và thực thi chính sách: "Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện"4; đồng thời nhấn mạnh: "Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; khăc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội"5; tổ chức thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, về cơ chế đối thoại giữa chính quyền các cấp với nhân dân.

Dưới góc nhìn của lý thuyết kiến tạo xã hội của hành chính công, sự tương tác và đối thoại giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân là để khăc phục tình trạng xa cách giữa "quan" với "dân", tương tác và đối thoại giúp cả hai hiểu biết nhau, giúp cho chính quyền hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó chuyển những nguyện vọng chính đáng đó thành chính sách hoặc chương trình hành động cụ thể; đây cũng là quá trình giúp người làm chính sách có được "tri thức mang tính kinh nghiệm", "tri thức bản địa" hay "tri thức địa phương" để bổ sung cho tri thức của người làm chính sách, từ đó hạn chế được sự sai lầm về chính sách. Tương tác và đối thoại còn là phương thức để làm cho chính quyền trở nên gần dân hơn, dễ tiếp cận với người dân. Chính vì lẽ đó, Đảng ta yêu cầu: "Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác"6; đồng thời yêu cầu "Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân"7. Điều này đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền cần coi việc đối thoại với nhân dân là một nội dung công việc quan trọng của mình, cần định kỳ tiếp xúc, đối thoại với người dân; cần phải thay đổi tác phong làm việc theo hướng gần dân hơn; cần có thái độ tin tưởng nhân dân, tôn trọng nhân dân và có trách nhiệm với nhân dân.

Thứ ba, về cơ chế đánh giá hiệu quả và chất lượng phục vụ.

Đánh giá hiệu quả là hoạt động đánh giá và đo lường đối với hiệu quả, chất lượng hoạt động của Chính phủ và các cơ quan HCNN trong giai đoạn nhất định và từ kết quả đánh giá để đề xuất các biện pháp nhằm cải thiện hiệu quả và chất lượng hoạt động của Chính phủ cũng như các cơ quan HCNN. Việc thiết lập cơ chế đánh giá hiệu quả đối với Chính phủ là nhằm nhấn mạnh kết quả đầu ra trong hoạt động quản trị của Chính phủ, mà không phải là nhấn mạnh về quá trình hay trình tự quản lý như trước đây. Bởi vì, trước đây Chính phủ thường nhấn mạnh "đầu vào" và "quá trình", mà không coi trọng kết quả đầu ra hay hiệu quả thực tế. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, đánh giá hiệu quả Chính phủ với tư cách là một măt khâu của quản lý hiệu quả khu vực công đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Trong thời gian qua, nhằm góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của khu vực công và hoạt động cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính, Việt Nam cũng đã từng bước thực hiện nhiều phương thức đánh giá khác nhau, trong đó điển hình là:

1) Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển. Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện;

2) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và thực hiện;

3) Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp thực hiện;

4) Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) theo Quyết định số 1294/QĐ- BNV ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Điều cần ghi nhận là, trong thời gian qua, các tổ chức bên ngoài các cơ quan HCNN đã tham gia tích cực hơn, đầy đủ hơn vào hoạt động đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN. Trước yêu cầu mới đối với việc nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các cơ quan HCNN, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: "Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá"9. Điều này cũng có nghĩa là, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để phát huy tốt hơn sự tham gia của các tổ chức của công dân, doanh nghiệp và người dân vào việc đánh giá hiệu quả và chất lượng phục vụ của các cơ quan HCNN. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định cụ thể hơn, rõ hơn về vấn đề đánh giá hiệu quả: "Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp"10.

Thứ tư, về cơ chế trách nhiệm và giám sát việc thực hiện trách nhiệm.

Frederickson đã viết: "Trong điều kiện chính trị dân chủ, nhà quản lý công cần chịu trách nhiệm đến cùng trước công dân. Cũng chính vì trách nhiệm này mà công việc của chúng ta mới thể hiện sự thiêng liêng cao cả"11. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế trách nhiệm nhằm đảm bảo để đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp luật, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm đạo đức là một trong những nội dung cốt lõi của cải cách hành chính hiện nay. Bên cạnh việc nhấn mạnh, cần "tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp", Văn kiện Đại hội XII còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Văn kiện Đại hội chỉ rõ: "xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính" và "người đứng đầu cơ quan trong bộ máy nhà nước phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao"; "có chế tài xử lý thích đáng những cán bộ vi phạm pháp luật, nhất là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý".

Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh việc "quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước" cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong bộ máy HCNN và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của các cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, truyền thông đại chúng và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính. Văn kiện Đại hội chỉ rõ: "Tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân". Cùng với việc nhấn mạnh hoàn thiện cơ chế trách nhiệm và cơ chế giám sát việc thực hiện trách nhiệm, Văn kiện Đại hội Đảng còn nhấn mạnh vấn đề xây dựng đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, theo đó, "đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức". Để góp phần xây dựng đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, Đại hội nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm"12.

Thứ năm, về cơ chế hợp tác giữa các cơ quan HCNN với các chủ thể khác trong cung ứng dịch vụ công.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã rất coi trọng việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như doanh nghiệp vào quá trình quản lý công. Thực tiễn cho thấy, thông qua các hoạt động khác nhau, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội đã có đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển, chăm lo cho quyền và lợi ích chính đáng của thành viên, hội viên và đoàn viên. Đặc biệt, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước bước đầu có tác dụng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, tạo điều kiện phát huy sức mạnh của xã hội và thị trường vào hoạt động cung ứng dịch vụ công. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: "Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong tham gia xây dựng, phản biện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật"; đồng thời chỉ rõ: "Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nhất là các hình thức hợp tác công - tư"13, "Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công - tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế".

TS. Nguyễn Trọng Bình1 - NCS. Nguyễn Trọng Hòa2

1. Học viện Chính trị khu vực IV

                   2. Học viện Quản lý Chính phủ, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Trọng Bình (2016), Xu thế đổi mới cơ chế vận hành của Chính phủ ở các nước phát triển hiện nay, Thông tin Khoa học xã hội, số 6 năm 2016.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB. CTQG, H. 2016, tr. 169, 122, 161-162, 159, 160, 210, 309, 202, 277.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

11. George Frederickson (1997), The Spirit of Public Administration, Jossey - Bass Press, p.234.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều