Đổi mới truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của báo Đảng địa phương ở Tây Bắc giai đoạn hiện nay

 

Truyền thông phục vụ phát triển nông thôn ở Tây Bắc

Thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại ở các quốc gia tiên tiến, cũng như ở Việt Nam, cho thấy vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và với phát triển trong nông nghiệp nói riêng. Với sự áp dụng nhanh chóng các thành tựu mới của công nghệ và kỹ thuật hiện đại, báo chí, truyền thông đã và đang trở thành phương tiện, điều kiện cơ bản quan trọng hợp thành động lực phát triển xã hội.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Việt Nam với diện tích gần 1/3 đất nước và dân số khoảng 11,6 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 63%. Đảng và Nhà nước luôn dành cho Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc, với nhiều chính sách ưu đãi về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện Tây Bắc vẫn là khu vực hết sức khó khăn của cả nước, có tới 43/62 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,6% (cả nước là 10%).

Nền kinh tế chính của đồng bào Tây Bắc là phát triển nông nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng giúp bà con sản xuất, cần nâng cao hiệu quả truyền thông qua hệ thống báo Đảng địa phương. Tuy nhiên, có một thực trạng là truyền thông trên báo in địa phương chậm đổi mới, khiến báo không hấp dẫn, thậm chí xa rời nhân dân. Do đó, sự đổi mới nhằm loại bỏ những bất cập trong tuyên truyền kiểu một chiều, mệnh lệnh; tăng tính chất truyền thông với nông dân, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn là cấp bách hiện nay.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến để hòa mình vào báo chí thế giới hiện đại. Lý luận truyền thông thế giới rất hữu ích để báo chí vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, như: nội dung, hình thức, thời điểm,… thông tin phù hợp với công chúng; tính tương tác, đồng đẳng giữa nguồn phát và nhận - tính phản biện của công chúng. Tiếp thu những yếu tố đó, xuất phát từ đặc điểm tình hình hiện nay, đã có những nghiên cứu về tính hấp dẫn, đúng, trúng hay của báo chí nhưng những điều này chậm được báo chí ở Tây Bắc tiếp thu, cách làm báo vẫn như các giáo trình, quan điểm, tư duy thời kỳ trước đây, nặng tính một chiều.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X đã thể hiện rõ nét quan điểm của Đảng đối với các nhiệm vụ của báo chí trong giai đoạn hiện nay:

+ Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội…

+ Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước đối với hoạt động báo chí.

Nhiệm vụ tuyên truyền phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ khách quan, tất yếu của báo chí Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ thông qua đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết,… đối với hệ thống báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xuyên suốt từ khi Đảng ta ra đời đến nay. Xét từ góc độ công tác tư tưởng, một tác phẩm báo chí khi tới công chúng, muốn thành công, đạt hiệu quả cao thì phải bảo đảm nguyên tắc tính đảng, nguyên tắc tính khoa học, nguyên tắc thống nhất lý luận với thực tiễn. Đối với hệ thống báo chí của Đảng, hiện nay thường khái quát lại cho dễ hiểu, dễ nhớ, đó là tính đúng, trúng và hay.

Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, cần hiểu rõ tính đảng cũng gắn với tính nhân dân, tính khoa học, tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; làm sao cho báo chí phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc điểm tâm lý người nông dân và có hiệu quả truyền thông nhờ những hướng dẫn, chỉ báo, dự đoán.

Một số giải pháp đổi mới truyền thông góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn

1. Đổi mới truyền thông của báo Đảng địa phương vùng Tây Bắc cần bám sát vào thực hiện chủ trương “đúng”, “trúng”, “hay” trên cơ sở những đổi mới về tư duy lãnh đạo báo chí của Đảng, cơ sở lý luận báo chí, truyền thông hiện đại.

Đúng, trúng, hay trong truyền thông nông nghiệp, nông dân, nông thôn của báo Đảng địa phương Tây Bắc thể hiện ở:

+ “Đúng”: Báo Đảng địa phương Tây Bắc trước hết cần đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đúng với các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng bộ địa phương. Phản ánh đúng, chân thực, khách quan thực tiễn đang diễn ra ở nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân; phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, điển hình mới của cuộc sống sinh động. Phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của các giai cấp nông dân nói chung, các nhóm nông dân (phân chia theo đặc thù trình độ, vùng miền, dân tộc…); các nguyên nhân của thuận lợi, khó khăn, không né tránh mặt trái, điểm yếu, mặt chưa làm được.

Báo Đảng địa phương Tây Bắc thực hiện đúng với trách nhiệm và quyền hạn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn trọng sự thật, cân nhắc lợi - hại của sự thật; lấy bảo vệ quyền lợi nhân dân, cụ thể là nông dân, lợi ích quốc gia làm định hướng. Đúng với các chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp báo chí.

+ “Trúng”: Báo Đảng địa phương Tây Bắc cần trúng với ý Đảng. Cụ thể là chủ động thực hiện những nhiệm vụ chính trị được Đảng giao cho báo chí nói chung, mỗi cơ quan báo chí nói riêng. Các bài viết cần rõ, làm sáng tỏ chân dung các nhân tố mới, điển hình tiên tiến của địa phương, tổng kết, phản hồi nhằm làm rõ thêm những lý luận cách mạng - nhất là các chủ trương, đường lối mới, tổng kết thực tiễn, dự báo thực tiễn để phục vụ lý luận; từ phản biện xã hội, dư luận xã hội để tham mưu, đề xuất cho đảng bộ, Trung ương Đảng về những vấn đề mới phát sinh cần giải quyết.

Báo Đảng địa phương Tây Bắc cần trúng với lòng dân. Bài viết là tiếng nói của nhân dân, của cơ sở trong thực tiễn cách mạng. Các tin, bài cần đề cập tới những vấn đề mà nông dân cần biết, liên quan trực tiếp tới đời sống của họ, thích hợp với tâm lý tiếp nhận người nông dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Báo Đảng địa phương Tây Bắc phản ánh trúng với tình hình đất nước, tình hình địa phương; trong đó, dù phản ánh thực tiễn đất nước cũng phải lồng ghép được những vấn đề của địa phương. Ở mỗi giai đoạn phát triển, cách mạng Việt Nam có những nhiệm vụ chiến lược khác nhau, có nhiều vấn đề chúng ta vừa làm, vừa tìm tòi. Vì thế cần thiết chú trọng tới việc phản ánh những cái mới có liên hệ mật thiết với tình hình trong nước, đặt trong bối cảnh quốc tế nhưng phải có ý nghĩa thực tiễn với địa phương thì người dân, nhất là người nông dân, đồng bào dân tộc mới quan tâm. Sự chủ động, tiên phong của bài viết còn là cần từ tổng kết thực tiễn, rút ra những cái mới, dự báo vấn đề mới cho tình hình đất nước, địa phương.

+ “Hay”: Báo Đảng địa phương Tây Bắc bảo đảm các tiêu chí của ngôn ngữ báo chí - truyền thông hiện đại cả về nội dung bài viết cũng như hình thức trình bày để bạn đọc có thể tiếp nhận một cách hiệu quả. Đó chính là phải chú ý tới các yếu tố tâm lý, đặc điểm của nhóm công chúng tiếp nhận để có những cách thức diễn đạt vừa dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện vừa gây hiệu quả tâm lý đồng thuận với người tiếp thu thông tin. Cần phát triển các bài báo có hàm lượng nghiên cứu cao hơn, không nên chỉ dừng ở việc nêu, phản ánh các tấm gương, vấn đề. Do đặc điểm kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc và thói quen tiếp nhận thông tin của bà con nơi đây, hiện nay báo Đảng địa phương, phát thanh vẫn là kênh truyền thông chủ đạo nên báo chí phải phát huy hết thế mạnh của mình. Các bài viết nên phân tích, chỉ ra cách làm giàu, cách thực hiện kỹ thuật nông nghiệp mới, xây dựng nông thôn mới… để bà con đồng thuận nghe và làm theo.

2. Hiệu quả của tính đúng, trúng, hay cần thể hiện qua việc, thông qua các tác phẩm báo chí đó, các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân cần có được những bài học kinh nghiệm quý giá, cách thức áp dụng để thực hiện cho ngành, địa phương, doanh nghiệp bản thân và xã hội. Những bài viết bảo đảm tính chính chính trị cao, kết hợp với khả năng bảo đảm tính lý luận, tùy thuộc vào tính chất, vai trò của cơ quan báo chí, các đặc điểm vùng, miền, dân tộc, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, Chiến lược, nghị quyết của Đảng... Qua phản ánh, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ, sâu sắc hơn các vấn đề mới nảy sinh, nhất là các vấn đề có tính lý luận.

3. Các bài viết cần đầu tư tính nghiên cứu, cơ sở khoa học, tính tổng kết thực tiễn kinh nghiệm sâu sắc của các địa phương, các ngành, những nhân tố mới, điển hình mới ở nước ta, cũng như kinh nghiệm của các địa phương khác, trong nước và trên thế giới, nhưng cần chú trọng những nhân tố là người địa phương, gần gũi với đồng bào. Qua giới thiệu, rút ra những vấn đề phục vụ cho việc bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng; góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; về xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Những bài viết phải thực sự mang “hơi thở của thực tiễn”, khắc phục tình trạng đăng những bài viết về thực tiễn địa phương, các ngành theo kiểu mô tả một cách chung chung và chấm dứt tình trạng “báo chí hóa” báo cáo của các địa phương, các ngành.

4. Truyền thông một cách có hệ thống và kịp thời những vấn đề, chủ trương chính sách mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Bám sát định hướng tuyên truyền các vấn đề chung, các vấn đề đột xuất theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của các bộ, ngành, địa phương. Tính hệ thống là rất quan trọng nhưng nhìn chung báo chí thực hiện chưa hiệu quả, hiện chủ yếu chạy theo thực tiễn đơn lẻ. Do đó, trên tinh thần các chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, các lãnh đạo, chỉ đạo riêng với mỗi địa phương, các chương trình, dự án, của cả Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cần có những kế hoạch truyền thông dài hơi, toàn diện, đề cập nhiều lĩnh vực, vấn đề nhưng vẫn có những sợi dây liên kết chung để tạo ra sự tập hợp; không được để các nhóm đối tượng thấy mình không có mặt trên truyền thông báo Đảng, là người ngoài cuộc, nhưng nội dung truyền thông là hướng tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung.

5. Gắn bó chặt chẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học - thực tiễn với các bài báo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đổi mới công tác tổ chức nghiên cứu khoa học theo hướng hiệu quả, thiết thực và có nền nếp. Gắn việc làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng với tổng kết thực tiễn phong phú trong thực hiện công cuộc đổi mới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Tăng cường lãnh đạo, quản lý tạo điều kiện để báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương (2004), Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đinh Thị Thúy Hằng (2008), Báo chí thế giới - Xu  hướng phát triển, NXB Thông tấn, Hà Nội.

4. Vũ Quang Hào (2003), Ngôn ngữ báo chí, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

5. Lương Khắc Hiếu (2008): Nguyên lý công tác tư tưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

6. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đặng Kim Sơn, Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Hôm nay và mai sau , NXB Chính trị quốc gia

8. Tạ Ngọc Tấn (2001), Truyền thông đại chúng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Minh Hiền​ - NCS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều