Đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Nhìn từ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở nông thôn

Phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là tư duy mới về quản lý và phát triển “tam nông” của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để chuyển đổi căn bản từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” thì đột phá phải bắt đầu từ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị gắn với phát huy dân chủ ở nông thôn.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồi chè tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và hỏi thăm đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số _Ảnh: TTXVN
1- “Tam nông” là vấn đề nghìn đời của một nước nông nghiệp như Việt Nam, còn phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” lại là những nội dung, hình thái và phương thức phát triển hoàn toàn mới. Đây cũng là xuất phát điểm cho nhìn nhận, đổi mới tư duy và cơ cấu lại phương thức quản lý và phát triển các vấn đề “tam nông” trong thời kỳ mới.

Là quốc gia - dân tộc hình thành và phát triển trên nền tảng văn minh nông nghiệp lúa nước, “tam nông” là trụ cột của chính sách quốc gia trong mọi thời kỳ. Nếu như trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nông nghiệp, nông dân, nông thôn biến chuyển chậm chạp, thì trong khoảng thập niên qua lại biến đổi với tốc độ nhanh chóng, cường độ mạnh mẽ, nhịp độ khẩn trương, nhờ sự thúc đẩy bởi động lực nội sinh và đòn bẩy chính sách, lực đẩy của kinh tế thị trường và áp lực của hội nhập quốc tế.

Biến đổi trước hết là chuyển từ một nền sản xuất nhỏ, manh mún, dựa trên các thửa ruộng nhỏ kết hợp với “vườn tạp” của các hộ gia đình, sản xuất theo lối tự cấp, tự túc, sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa; từ nền kinh tế hàng hóa giản đơn chỉ trao đổi sản phẩm dư thừa của nền sản xuất tiểu nông (qua các phiên chợ làng) sang nền kinh tế hàng hóa phát triển với mục tiêu sản xuất để bán ra thị trường; từ mỗi làng/bản như một ốc đảo biệt lập sang liên kết, hợp tác, hội nhập và phát triển. Công cuộc đổi mới đã xác lập những bước đi quan trọng cho phát triển kinh tế nông nghiệp, xã hội nông thôn, đời sống nông dân, đặc biệt hơn thập niên qua đã tạo được sự bứt phá với tốc độ nhanh hơn.

Nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang thích ứng dần với cơ chế thị trường. Đã hình thành khá phổ biến tư duy sản xuất nông nghiệp để bán ra thị trường, nhiều nơi còn tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp cận với thị trường thế giới; vườn chuyên canh thế chỗ dần cho vườn tạp; chợ đầu mối phát triển phục vụ cho chu chuyển hàng hóa khoảng cách xa; tinh chế nông, lâm, thủy sản để bán trong các siêu thị hay xuất khẩu được nhiều địa phương coi trọng. Doanh nghiệp bước đầu trở thành tác nhân quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, thúc đẩy thương mại hóa nông sản, ứng dụng công nghệ, tổ chức lại sản xuất dựa trên liên kết với hộ gia đình, hợp tác xã. Tài nguyên bản địa đã được nhận diện và phát huy hiệu quả bước đầu gắn với “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tạo nên giá trị kinh tế cao hơn, mang lại đời sống khá giả hơn cho nông dân nhiều nơi. Không còn là nền kinh tế thuần nông mà nhiều nơi phát triển kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau, góp phần thúc đẩy đô thị hóa nông thôn. Kết cấu hạ tầng nông thôn thay đổi đáng kể sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đường sá, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình...

Đời sống cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, từ các nhu cầu thiết yếu, như ăn, mặc, ở, đi lại, thông tin liên lạc,... đến tiếp cận các dịch vụ công cộng cơ bản, như giáo dục, y tế, văn hóa... Cơ cấu bữa ăn gia đình nông thôn được cải thiện đáng kể, đáp ứng nhu cầu dưỡng chất, phát triển thể chất và nâng cao chất lượng sống toàn diện. Nhà cửa với kết cấu và kiến trúc hiện đại, các phương tiện đi lại, sinh hoạt gia đình tiếp cận văn minh đô thị (như xe máy, tủ lạnh, ti-vi, nồi cơm điện, công trình vệ sinh hiện đại,...) khá phổ biến ở hầu hết các gia đình khá giả, gia đình có thu nhập vượt qua ngưỡng cận nghèo. Không gian công cộng ở nông thôn ngày nay không chỉ có đường gạch, đình làng, bến nước, cây đa,... mà bổ sung đường bê-tông có điện thắp sáng, nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa mang yếu tố hiện đại, kết nối internet. Thành tựu giáo dục, đào tạo nhân lực có nhiều chuyển biến, giúp người nông dân có điều kiện nâng cao dân trí, rèn luyện tay nghề lao động, kịp thời thích ứng với dịch chuyển cơ cấu ngành, nghề. Bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, hướng đến bao phủ toàn thể cư dân nông thôn mà ở đó người thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh. Số hộ khá giả, làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết, hợp tác, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, thúc đẩy dịch chuyển đất đai, dịch chuyển cơ cấu lao động, ứng dụng công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là lực lượng tiên phong, nhân tố tích cực làm nòng cốt cho hình thành đội ngũ nhà nông thế hệ mới.

Tuy vậy, biến đổi kinh tế - xã hội nông thôn thời gian qua chứa đựng cả mặt tích cực và tiêu cựclực đẩy và lực cản. So với mặt bằng chung của cả nước, trình độ phát triển khu vực nông thôn vẫn thấp hơn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo. Sản xuất nông nghiệp vẫn bấp bênh; tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn tồn tại ở nhiều nơi, chưa dễ gì chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn; đời sống một bộ phận người nông dân còn khó khăn, nhất là khi gặp bất lợi của thị trường, thời tiết. Biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp; có mặt do tính cực đoan của tự nhiên, có mặt do con người gây nên, mà nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Như một tất yếu, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang “hút” một lực lượng lớn lao động khỏi nông nghiệp, nông thôn. Nhiều làng quê chỉ còn lại phần lớn là người già, trẻ em, thiếu lao động trẻ, có tay nghề, được đào tạo bài bản đủ năng lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn bền vững, xây dựng nông thôn mới văn minh. Đất sản xuất nông nghiệp nhiều khu vực đã và đang được chuyển đổi mục đích sử dụng để mở nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị mà bản thân người nông dân lại ít được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển đất đai này. Văn hóa làng/bản, gia đình, lối sống nông thôn thay đổi nhanh chóng, cả tích cực và tiêu cực đan xen, ảnh hưởng nhiều mặt đến bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều tệ nạn xã hội, xung đột xã hội khu vực nông thôn đáng lo ngại, nhất là tranh chấp đất đai, khiếu kiện, “tín dụng đen”, mê tín dị đoan, các hiện tượng “cận tôn giáo”...

Cả mặt tích cực và tiêu cực, lực đẩy và lực cản nêu trên đặt ra những yêu cầu cao hơn và thách thức lớn hơn đối với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phát huy dân chủ ở nông thôn. Đối với mặt tích cực và lực đẩy, đòi hỏi công tác lãnh đạo, quản lý phải nâng tầm với nhịp độ khẩn trương hơn, tư duy đổi mới mạnh mẽ hơn để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy nông thôn phát triển, không lỡ nhịp với xu thế phát triển chung. Đối với mặt tiêu cực và lực cản, cần có tư duy đột phá tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn để đẩy lùi khó khăn, hóa giải các thách thức. Đây là những công việc nặng nề, đòi hỏi cả bản lĩnh, trách nhiệm  tình cảm với người nông dân - một giai tầng đã từng đóng góp nhiều nhất nguồn lực (nhân lực, vật lực, đất đai...) cho cách mạng giải phóng dân tộc, cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng lại chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

2- Phát triển “tam nông” theo tư duy đổi mới trước hết phải giải phóng khỏi những nếp nghĩ, nếp cảm gắn với nền sản xuất tiểu nông đã trở thành quán tính, thói quen cản trở đổi mới sáng tạo, từng bước tiếp cận trình độ phát triển văn minh và nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập quốc tế.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng danh hiệu cho Nhóm các nông dân Việt Nam có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực phát minh, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ an ninh Tổ quốc _Ảnh: TTXVN 
Phát triển “tam nông” trước hết đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tiếp cận tư duy kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ gắn với hội nhập quốc tế, đặt phát triển kinh tế nông nghiệp trong tổng thể phát triển kinh tế nông thôn, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy đô thị hóa, kết nối nông thôn - đô thị. Trên cơ sở tư duy lãnh đạo đó mới khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong nền kinh tế thị trường; xây dựng thể chế quản trị địa phương phù hợp; huy động các nguồn lực và tạo động lực cho phát triển. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ; hình thành nên các mô hình tổ chức sản xuất dựa trên liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, lấy nông dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm động lực quan trọng. Trong chuỗi giá trị đó, doanh nghiệp bảo đảm cho kết nối giữa người sản xuất và thị trường, chịu trách nhiệm các khâu “đầu vào”, “đầu ra”, chuyển giao công nghệ, chế biến nông sản gắn với định hình tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo; hộ nông dân thông qua hợp tác xã hoặc các hình thức liên kết, hợp tác đa dạng để tổ chức sản xuất theo hợp đồng, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm khối lượng và đàm phán có lợi nhất, hạn chế rủi ro trước biến động của thị trường và giảm thiểu thua thiệt cho người nông dân. Phát triển kinh tế nông thôn với tính gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp để làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cần định hình phương châm “hành động địa phương, tầm nhìn toàn cầu” gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm cho sản xuất từng mặt hàng, từng sản phẩm không tách khỏi nhu cầu của thị trường thế giới, nhất là những nhu cầu của các “thị trường khó tính”, bảo đảm sản phẩm an toàn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cơ hội lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng thách thức cũng lớn hơn khi tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, không chỉ hướng vào thỏa mãn các nhu cầu bảo đảm an toàn, sức khỏe, làm đẹp cho người tiêu dùng, mà cả xây dựng thế giới văn minh, tốt đẹp hơn (như bảo vệ môi trường sinh thái, không đánh cá trái phép, không đánh cá hủy diệt, không sử dụng lao động trẻ em, bảo đảm quyền công đoàn của người lao động...). 

Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý về “tam nông” trong điều kiện mới không chỉ cần năng lực mà còn phải xuất phát từ chiều sâu tình cảm với nông dân, trách nhiệm với nông thôn. Có một thực tế là, đầu tư vào nông nghiệp có tác động trực tiếp cải thiện thu nhập cho hộ gia đình nông dân, nhưng nguồn thu ngân sách cho địa phương không giống như đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi tính căn cơ, không chỉ tính đến bài toán nâng cao thu nhập cho người dân mà cả dịch chuyển cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Phát triển công nghiệp, dịch vụ cần chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn với quy hoạch mặt bằng đất đai gắn với chính sách thuế ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính thuận lợi, còn phát triển nông nghiệp dày công và khó khăn hơn rất nhiều. Ở đây cần đến nhiều lời giải cùng lúc của bài toán “tam nông”: Đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, bảo đảm thị trường ổn định; chuyển đổi sinh kế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động; cải thiện thu nhập cho nông dân gắn với nâng cao chất lượng sống tiếp cận văn minh đô thị; bảo vệ và góp phần tái tạo môi trường sinh thái; bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc gắn với tổ chức lại đời sống từng cá nhân, gia đình, ngõ xóm, làng/bản; thúc đẩy đô thị hóa và kết nối nông thôn - đô thị... Đó là cả một sự nghiệp đào tạo lại người nông dân đầy khó khăn, gian khổ. Phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” cần rất nhiều nguồn lực đầu tư công với diện tích phân bố khắp mọi vùng, miền đất nước, nơi càng khó khăn, càng đặt ra những yêu cầu cao về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bình đẳng giữa các dân tộc, càng cần suất đầu tư lớn mà không thể đơn thuần chỉ tính toán hiệu quả kinh tế. Nếu người lãnh đạo thiếu sự thấu hiểu  thấu cảm giai cấp nông dân đã từng đóng góp nhiều nhất cho cách mạng, chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khó có thể định hình được tư duy đổi mới, phát triển “tam nông”. Bởi nguồn lực cho công nghiệp hóa, đô thị hóa hầu như “hút” từ nông thôn (nhân lực, vật lực, tài lực, đất đai,...), trong khi ô nhiễm môi trường thì “đẩy” cho nông thôn hứng chịu (nơi xả nước thải, nơi xây dựng các bãi thải rác công nghiệp, rác sinh hoạt của khu vực đô thị, xây dựng nghĩa trang...). Phải loại trừ những quan điểm phát triển thiếu lương tâm khi đánh đổi lợi ích của nông dân, nông thôn cho công nghiệp hóa, đô thị hóa mà đằng sau luôn có bóng dáng các “nhóm lợi ích”. Vì thế, phát triển “tam nông” cần đến cả tư duy phát triển đi kèm với đạo lý phát triển, cần cả trí tuệ và lương tâm, trách nhiệm từ phía người lãnh đạo - những người luôn phải tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, có lòng yêu thương người nông dân.

Cũng chính trên nền tảng văn hóa đó mới giúp người lãnh đạo thống nhất giữa khai thác các tiềm năng thế mạnh nông thôn với bồi dưỡng sức dân, chăm lo an sinh xã hội nông thôn; lấy tư duy doanh nghiệp làm động lực cho đổi mới kinh tế nông thôn với chăm lo xây dựng các tổ chức kinh tế mang tính xã hội (như: hợp tác xã, ngân hàng chính sách xã hội, doanh nghiệp xã hội...) hay tổ chức chính trị - xã hội (như Hội Nông dân) có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế nông thôn trước thách thức của thị trường; phát triển kinh tế với bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa làng/bản, bảo vệ môi trường sinh thái. Công nghiệp hóa dễ dẫn tới tư duy khai thác, huy động mọi nguồn lực nông thôn, nông dân cho phục vụ xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, đô thị mà quên mất bồi dưỡng, tái tạo nguồn lực từ nông dân, nông thôn. Vì vậy, gắn với thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần phải chú trọng các chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế, phân bổ hài hòa lợi ích thu được từ đất đai, làm cho nông dân thật sự là chủ thể phát triển nông nghiệplàm chủ quá trình xây dựng nông thôn mới, được hưởng lợi từ dịch chuyển đất đai, không bị biến thành những “tá điền mới” hoặc bị gạt ra ngoài lề sự phát triển. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải coi trọng xây dựng, củng cố hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác để liên kết nông dân tạo nên sức mạnh trong đàm phán, ký kết hợp đồng và chủ động tham dự cùng doanh nghiệp vận hành trong các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hạn chế thua thiệt trước cơ chế thị trường, đồng thời qua đó góp phần cải tạo, thay đổi dần những tâm lý, thói quen sản xuất “tiểu nông”. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề lớn của xây dựng nông thôn mới, mà ở đó phải gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp với bài trừ các hủ tục đang cản trở tiến bộ, văn minh. Từ lãnh đạo đến người dân phải ý thức một cách sâu sắc trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, vì một nền nông nghiệp xanh, bền vững, vì chất lượng sống của người dân nông thôn, tạo nên các “vành đai xanh” cho các đô thị đang đứng trước nhiều áp lực “bê tông hóa” và hiệu ứng nhà kính.

3- Sự lãnh đạo của Đảng và phát huy đầy đủ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đóng vai trò quyết định bảo đảm chuyển đổi thành công từ quan niệm “tam nông” truyền thống sang tư duy phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản tại Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái _Ảnh: TTXVN
Đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt trong hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi các quyết định lãnh đạo, quản lý. Với địa bàn nông thôn, vai trò cán bộ càng quan trọng, mà sức mạnh của nó được cấu thành bởi trình độ, phẩm chất từng cá nhân, sức mạnh tập thể với cơ cấu hợp lý cả về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, dân tộc, trong đó cơ cấu độ tuổi, cơ cấu dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ nông thôn là vấn đề cấp bách hiện nay, bao gồm cả đào tạo qua trường lớp và đào tạo thực hành trên hiện trường. Cơ cấu cán bộ phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, nhờ đó củng cố khối đoàn kết nhất trí, phát huy được vai trò, thế mạnh của từng loại cán bộ. Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, khi xây dựng các tiêu chí phải tính đến tính đặc thù, như cử đi đào tạo sớm hơn, thời gian ưu tiên đào tạo có thể dài hơn. Tăng cường cạnh tranh khi lựa chọn bổ nhiệm cán bộ, nhưng phải tạo không gian cạnh tranh riêng trong nội bộ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh luân chuyển theo trục dọc, tức đưa cán bộ địa phương lên Trung ương làm việc một thời gian để nắm chính sách vĩ mô rồi luân chuyển trở lại địa phương làm việc. Trong luân chuyển cán bộ là người dân tộc thiểu số theo trục ngang (giữa các tỉnh, giữa các huyện, giữa các xã), khi thực hiện chủ trương không bố trí người địa phương làm bí thư cấp ủy địa phương, cần đưa đến các địa phương có đặc điểm tương đồng về thành phần tộc người, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán. Coi trọng phát triển đảng viên khu vực nông thôn, khắc phục tình trạng giảm sút đảng viên do xuất cư làm ăn tại các khu công nghiệp, đô thị. Có chính sách tạo nguồn, đào tạo, sử dụng đảng viên hết thời gian nghĩa vụ quân sự, công an trở về nông thôn cư trú, sinh sống để làm nòng cốt xây dựng cốt cán đoàn thể và cán bộ hệ thống chính trị cấp cơ sở. Đào tạo cán bộ nông thôn phải rất thiết thực, hiệu quả, coi trọng thực hành, hạn chế lý thuyết dài dòng, xa rời thực tế.

Do nông thôn mỗi nơi có đặc điểm rất khác nhau về điều kiện địa lý, địa mạo, địa hình, thủy văn, dân cư, phong tục, tập quán nên phải phân cấp mạnh mẽ, tạo dư địa đủ rộng cho phát huy quyền tự chủ của địa phương trong hoạch định các chính sách địa phương, đổi mới quản trị địa phương. Trong điều kiện kinh tế thị trường càng phải chú ý phân cấp, phân quyền, lấy tín hiệu thị trường làm một căn cứ quan trọng ra quyết định lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình. Đặc biệt, các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo xa xôi, rất cần đến phân cấp, phân quyền đủ rộng để có đủ thẩm quyền giải quyết những vấn đề đặc thù phát sinh trên địa bàn. Đi đôi với phân cấp, phân quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, hành vi sai phạm, chống cục bộ, phân tán, tùy tiện kiểu “phép vua thua lệ làng”. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, nhưng khâu kiểm tra, thanh tra chưa tương xứng, để xảy ra nhiều sai phạm, khiến phải xử lý kỷ luật, hình sự, mất mát cán bộ. Cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra của Trung ương đối với địa phương phải nâng cao hiệu quả tự kiểm tra nội bộ; kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh đối với cấp huyện, cấp huyện đối với cấp xã, xử lý nghiêm các sai phạm để cảnh tỉnh, răn đe, chống các biểu hiện tùy tiện, cục bộ địa phương, tham nhũng, tiêu cực.

Kết hợp giữa luật pháp với luật tục, giữa tri thức khoa học với tri thức địa phương trong quản lý xã hội nông thôn là một đặc điểm nổi bật cần được chú trọng. Tuyệt đối hóa luật tục dễ dẫn tới tùy tiện, xa rời luật pháp, nhưng không coi trọng đúng mức luật tục thì luật pháp khó đi vào cuộc sống. Cán bộ công tác ở nông thôn phải nắm vững luật tục không chỉ phục vụ có hiệu quả cho công tác vận động quần chúng, mà kể cả hoạch định chính sách địa phương thuận lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cùng với đó phải coi trọng kết hợp ứng dụng khoa học, công nghệ với phát huy vai trò của tri thức địa phương trên tất cả các lĩnh vực quản lý tài nguyên, môi trường, phương thức tổ chức sản xuất, quản lý xã hội,... Tri thức địa phương được chung đúc từ chính môi trường sống, lao động, sản xuất, được thử thách qua nhiều thế hệ, được lưu giữ và trao truyền qua trí nhớ, thực hành, nên nó phù hợp với thực tiễn đa dạng của từng tộc người, từng địa bàn. Tính không hiệu quả của một số chính sách khi tổ chức thực hiện ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguyên nhân sâu xa từ thiếu hiểu biết tri thức địa phương, áp đặt cứng nhắc chính sách chung vào từng địa bàn đặc thù. Các sản phẩm thuộc “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có giá trị cao khi bán trên thị trường, sâu xa chính là sự kết tinh các giá trị tài nguyên bản địa và tri thức địa phương. Chính tri thức địa phương tạo nên những sản phẩm độc đáo phục vụ cho du lịch, khiến cho tính đa dạng của bản sắc văn hóa vùng, miền, tộc người, địa phương được khẳng định. Tài nguyên bản địa và tri thức địa phương tạo nên những sản phẩm độc đáo, tính khác biệt, nhờ đó mang lại giá trị vượt trội khi thương mại hóa trên thị trường.

Đối với địa bàn nông thôn cần chú trọng phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết là trách nhiệm nêu gương. Bất cứ nơi nào nêu gương cũng được đề cao, nhưng với khu vực nông thôn nêu gương càng quan trọng hơn khi người nông dân trọng làm hơn nóitrọng thực hành hơn lý thuyết. Vì vậy, điều quan trọng là phải cải cách hành chính đảng, cải cách hành chính nhà nước mạnh mẽ ở nông thôn, khắc phục bệnh văn bản dài dòng khiến cho cán bộ cấp dưới và người dân khó tiếp nhận, thậm chí rất mệt mỏi với “báo cáo”. Văn bản phải thật ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ làm, đúc kết thành phương châm rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ, rõ cách làm, rõ sản phẩm. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo phải thật sự gương mẫu thì mới thuyết phục được cấp dưới, khiến quần chúng tin và làm theo. Khẩn trương hoàn thiện lý luận về lãnh đạo địa phương và quản trị địa phương; xây dựng những quy định khung cho các địa phương định hình phương thức lãnh đạo, quản lý đặc thù cho riêng mình; xây dựng các bộ quy tắc ứng xử của cán bộ với cấp dưới, với người dân, được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân đối với lãnh đạo, nhất là cán bộ hệ thống chính trị cơ sở nông thôn.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) _Nguồn: danviet.vn
4- Phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết nông thôn, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân bắt đầu từ chăm lo những vấn đề thiết thực của đời sống dân sinh, phát triển nông thôn, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ gốc, từ xa các yếu tố tiềm ẩn gây nguy cơ xung đột xã hội nông thôn.

Phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết nông thôn dựa trên mẫu số chung là cùng chung tay xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đó là hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao đời sống nông dân khá giả, văn minh; phát triển nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, vận động nông dân chuyển mạnh từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sinh thái, tiếp cận với thị trường theo chuỗi giá trị, sản xuất “xanh”, an toàn, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đoàn kết và dân chủ phải dựa trên cơ sở không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, xây dựng đội ngũ nhà nông thế hệ mới chuyên nghiệp, thích ứng với nền kinh tế thị trường hiện đại. Xây dựng nông dân văn minh và nông thôn hiện đại trên cơ sở kế thừa chọn lọc các giá trị truyền thống tốt đẹp và gạn lọc, loại bỏ các hủ tục đè nặng lên người nông dân, từ ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh, ma chay, cưới hỏi, tổ chức gia đình, ngõ xóm, làng/bản gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách về phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đầu tư hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, dạy nghề, bảo đảm tiếp cận trình độ khu vực đô thị, bao gồm cả điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện nuôi - dạy và chất lượng giáo viên, đặc biệt phải tạo được đột phá mạnh mẽ trong phát triển giáo dục mầm non và tiểu học. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn bảo đảm phát triển bền vững, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có kiến thức và kỹ năng phục vụ cho phát triển kinh tế và quản lý xã hội nông thôn. Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức tín dụng có truyền thống gắn bó, hiểu biết, chia sẻ với điều kiện thực tế của nông dân, nông thôn (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân) để bảo đảm nguồn vốn cho khu vực nông thôn, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”. Phát triển mô hình trung tâm đấu giá nông sản để bảo đảm giá cả nông sản ổn định, mang lại lợi ích cao nhất cho nông dân. Tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp mua bảo hiểm y tế, mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Coi trọng củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng gắn với xây dựng đội ngũ bác sĩ cộng đồng đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, hướng tới quản lý hồ sơ sức khỏe đến từng cá nhân, hộ gia đình gắn với phát triển y học gia đình và chuyển đổi số. Thực hiện phát miễn phí một số tờ báo đến tận nhà văn hóa thôn/bản; đặt lộ trình miễn phí internet tại các không gian công cộng nông thôn. Đổi mới cơ chế gắn với tạo nguồn lực bảo đảm cho mở rộng bảo hiểm nông nghiệp, nghiên cứu các mô hình lương hưu cho nông dân.

Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ được bảo đảm khi năng lực chủ thể được nâng lên tương ứng, bao gồm cả năng lực cá nhân (kiến thức, văn hóa, khoa học, kỹ thuật...) và năng lực tổ chức thông qua các pháp nhân, các hình thức liên kết, hợp tác (như hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hiệp hội các ngành, nghề, hội nông dân...), tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng mà nếu chỉ tồn tại từng hộ gia đình riêng lẻ, tách biệt bao giờ cũng gặp thua thiệt, khó đủ khả năng ứng phó với thách thức và tận dụng được cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế. Xây dựng quan hệ giai cấp tại nông thôn hướng vào tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và dẫn dắt người dân nâng cao năng lực làm chủ. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở. Đó là đội ngũ những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu. Thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học - công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời thông qua đó tạo nguồn cho cán bộ hệ thống chính trị cơ sở. Ưu tiên đầu tư phát triển các trường đào tạo kỹ sư thực hành trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mà ở đó phải dành từ 30% đến 40% thời gian đào tạo cho xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp (đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ ứng dụng, thị trường, chuỗi cung ứng, nhân lực, lao động, địa chỉ cung cấp nguồn vốn, địa chỉ bảo lãnh... và thực nghiệm đề án đó).

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam ứng dụng hệ thống công nghệ nhà màng, điều khiển lưu lượng tưới, dinh dưỡng qua smartphone và đều có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ và quy trình sản xuất _Ảnh: TTXVN 
Kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở gắn với nâng cao hiệu quả thực hành dân chủ trong sinh hoạt cấp ủy, chính quyền. Củng cố, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối đoàn kết nông thôn. Nâng cao năng lực và chủ động tham dự của Hội Nông dân trong những vấn đề thiết thực của giai cấp nông dân; đổi mới, tăng cường liên minh công - nông - trí và mở rộng hợp tác hiệu quả với doanh nhân. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, làm tốt công tác dân vận. Khai thác, sử dụng hợp lý giá trị của luật tục, của tri thức địa phương trong quản lý xã hội nông thôn, kết hợp giữa cơ chế quản lý hành chính nhà nước với cơ chế tự quản của cộng đồng gắn với phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín. Tập trung củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng tại các vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến. Chú trọng năng lực tham dự của Ngân hàng Chính sách xã hội vào phát triển nông thôn gắn với những chương trình hành động, việc làm thiết thực, cụ thể. Củng cố, nhân rộng các mô hình hội quán, thiết chế văn hóa ở làng/bản kết hợp giữa sinh hoạt chính trị với chia sẻ kinh nghiệm quản lý cộng đồng, kinh nghiệm làm ăn, sinh hoạt văn hóa. Cần đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt chi bộ; triển khai các chủ trương của Đảng ở cộng đồng dân cư bảo đảm dung dị, gần gũi với nhu cầu thiết thân của người dân; mở rộng việc nhất thể hóa bí thư chi bộ và trưởng thôn/bản. Các chi hội, chi đoàn, câu lạc bộ của các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh) tại cơ sở nông thôn cần vận hành theo cơ chế cộng đồng, bảo đảm tính cộng đồng sâu sắc, đủ sức hấp dẫn lôi cuốn đoàn viên, hội viên giải quyết những vấn đề cấp bách do cuộc sống đặt ra tại cộng đồng, như giảm nghèo, làm giàu chính đáng, chuyển đổi sinh kế, đào tạo nghề, thúc đẩy bình đẳng giới, nuôi dạy con cái, phòng, chống tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn xóm...

Phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc những nhân tố tiềm ẩn có nguy cơ gây mất ổn định nông thôn dựa trên vai trò cộng đồng kết hợp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các lực lượng chức năng nòng cốt, nhất là ở những nơi có điểm nóng về tranh chấp đất đai, “tín dụng đen”, ô nhiễm môi trường, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số,... bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động, chia rẽ khối đoàn kết nông thôn. Cần đặc biệt coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở những địa bàn phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, trở thành “điểm nóng”, kể cả tăng cường cán bộ từ cấp trên trong một thời gian nhất định. Sớm sơ kết, đánh giá hiệu quả việc sáp nhập xã, đặt trong mối liên thông với cơ cấu lại cấp huyện. Kết hợp tốt giữa phát huy vai trò của lực lượng công an cấp xã với thực hiện tự quản trong bảo vệ an ninh, trật tự thôn xóm, bảo đảm môi trường cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19./.

PGS, TS. ĐOÀN MINH HUẤN

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều