Góp phần nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta thường xuyên quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Những thành tựu của đất nước đạt được trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã khẳng định đội ngũ cán bộ, đảng viên phần lớn luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không ngừng rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp lần thứ 16, ngày 26/7/2019 (Ảnh: https://vov.vn). 
Tuy vậy, nhìn thẳng vào thực tế công tác xây dựng Đảng những năm qua vẫn nổi lên nhiều vấn đề bức xúc, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp,...”; “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chưa thực sự đi vào chiều sâu, ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, làm theo chưa đạt yêu cầu”; “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”; “Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt”(1). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) chỉ rõ thêm: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(2). Những hiện tượng đó nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ dẫn đến nguy cơ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến công tác xây dựng Đảng, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Trước thực tế đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định rõ 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng ta hiện nay, đó là: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”(3). Đây là ba nội dung có ý nghĩa rất quan trọng và cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay; trong đó nội dung thứ nhất là ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, được xác định là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi đây là nhiệm vụ cấp bách nhất, liên quan đến sự sống còn của Đảng ta, của chế độ ta.

Như vậy, so với các văn kiện của Đảng trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) không những chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà còn nhấn mạnh sự suy thoái đó diễn ra ở “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Vì thế, phạm vi ảnh hưởng và tác hại của sự suy thoái càng sâu rộng, nghiêm trọng, là mầm mống gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, bên trên nội bộ ta.

Lúc sinh thời, V.I.Lê-nin đã cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta… Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”(4). Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trọng tâm là 3 vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần phải thực hiện tốt phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật; nói đi đôi với làm. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện những biện pháp xây dựng và chỉnh đốn Đảng; phát huy tính chiến đấu, tự giác, gương mẫu trong tự phê bình và phê bình không chừa một ai và được duy trì thường xuyên “như rửa mặt hằng ngày”.

Thực tiễn cho thấy, những năm qua việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên chưa đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là không ít cấp ủy, tổ chức đảng còn “dĩ hòa vi quí”, chưa thực sự chú trọng vấn đề nhận diện sự suy thoái đó; việc đánh giá, nhận định rất chung chung, thiếu cụ thể, chưa chỉ rõ từng đối tượng trong cơ quan, đơn vị mình xem ai có biểu hiện suy thoái, bộ phận nào suy thoái và suy thoái về mặt nào, ở mức độ nào? Có những cấp ủy, tổ chức đảng cho rằng, tổ chức của mình hằng năm luôn đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh” thì không thể có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được, nên chỉ cần sinh hoạt nhắc nhở đề phòng chung là đủ. Chính thực tế đó đã làm giảm động lực cũng như tính hiệu quả của đấu tranh tự phê bình và phê bình trong mỗi tổ chức; là nguyên nhân làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, dẫn đến sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do đó, việc nhận diện chính xác, kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có ý nghĩa rất quan trọng và cấp thiết. Việc nhận diện đó có thể trên hai phương diện: Nhận diện các mặt suy thoái và nhận diện các đối tượng suy thoái.

Nhận diện các mặt suy thoái: bao gồm mặt suy thoái về tư tưởng chính trị và mặt suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Suy thoái về tư tưởng chính trị: biểu hiện rõ nhất đó là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về lập trường, quan điểm chính trị, sa sút ý chí chiến đấu, mơ hồ, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa; phủ nhận các giá trị truyền thống cách mạng, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nói và làm trái với đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm những điều quy định đảng viên không được làm; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, ngăn chặn; thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, phụ họa, cổ súy cho những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc, chống phá sự nghiệp cách mạng, gây tổn hại đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước ta…

Suy thoái về đạo đức, lối sốngbiểu hiện rõ nhất ở chỗ là sa vào chủ nghĩa cá nhân, lạm dụng chức quyền, vụ lợi, sống xa hoa, hưởng lạc, tham nhũng, lãng phí tài sản công, cơ hội, thực dụng, hám danh, hối lộ, quan liêu cửa quyền, bè phái, xa dân, gây mất đoàn kết nội bộ; nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, thiếu trách nhiệm trong công việc; ngại học tập, phấn đấu, rèn luyện, sống buông thả, sa vào các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, buôn lậu...; tha hóa trong các quan hệ gia đình, vợ chồng, quan hệ xã hội; không muốn người khác phê bình khuyết điểm, sai lầm; luôn tìm mọi cách để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp”, “chạy tuổi”,“chạy chỗ”, “chạy lợi”, “chạy tội”,...

Những biểu hiện sự suy thoái ở trên không những xảy ra trong các cơ quan, các lĩnh vực, ngành nghề nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, điều tra, xét xử… mà thực tế phát sinh cả trong nhiều cơ quan, đơn vị tưởng như tình hình yên ổn bình thường, thậm chí hằng năm được xếp loại trong sạch, vững mạnh. Có thể khẳng định, hầu như ngành nào, lĩnh vực nào, chỗ nào cũng có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở mức độ này hay mức độ khác, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở những nơi có nhiều quyền, nhiều tiền và ở những cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nhận diện các đối tượng suy thoái: bao gồm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý (kể cả một số cán bộ cao cấp).

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cả hai đối tượng đều có một trong những biểu hiện như đã khái quát ở phần nhận diện mặt suy thoái ở trên, song có điểm chung mà mọi người trong cơ quan, đơn vị và từ dư luận xã hội có thể đánh giá được là, họ không làm tròn bổn phận, chức trách của người đảng viên cộng sản, nhiều người không còn giữ được vai trò tiền phong gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Đối với nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý là những người có chức, có quyền, có người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cao cấp trong hệ thống chính trị. Nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong đối tượng này nổi lên một số điểm là: khi đã có quyền lực chính trị (hoặc quyền lực kinh tế), họ tự cho mình quyền đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức, coi thường pháp luật Nhà nước cũng như các quy định của cơ quan, đơn vị, buông lỏng thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; mắc bệnh quan liêu, xa dân, rất ít bám, nắm cơ sở, có lắng nghe ý kiến cấp dưới chỉ là hình thức. Trong nội bộ thì mắc bệnh bè phái, cục bộ, độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng… Đáng chú ý, sự suy thoái còn thể hiện ở việc hình thành “cơ chế ngầm”, bảo vệ, bao che, dung túng cho nhau; luôn tìm cách triệt hạ những người trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh phê bình, bảo vệ lẽ phải. Với đối tượng này, những tri thức, kinh nghiệm thực tiễn mà họ tích lũy được chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm” và họ lại tìm mọi cách để chui sâu, leo cao hơn. Điều đó nếu không phát hiện được và vạch rõ chân tướng sẽ gây nguy hại khôn lường cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng. Trong thực thi chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đặc biệt tìm cách mua chuộc, lôi kéo đối tượng cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhất là những cán bộ cao cấp có biểu hiện thoái hóa, biến chất nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, bên trên nội bộ ta hòng làm tan rã Đảng ta.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống bao giờ cũng mang tính hệ thống, tính tổng thể, từ suy thoái về mặt này dẫn đến suy thoái về mặt khác, làm biến chất cán bộ, đảng viên. Suy thoái về đạo đức, lối sống thường xuất hiện trước, dễ nhận thấy hơn và nếu chậm ngăn chặn, đẩy lùi sẽ dẫn đến hệ lụy suy thoái về tư tưởng chính trị; ngược lại, có khi suy thoái về tư tưởng chính trị trở thành căn nguyên của suy thoái về đạo đức, lối sống. Trong các loại đối tượng suy thoái, nếu cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, đặc biệt là người giữ vị trí cao cấp, người đứng đầu, bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sẽ có ảnh hưởng, tác động không tốt đến tổ chức, đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho các chủ trương, chính sách đề ra không đưa được vào cuộc sống.

Như vậy, việc nhận dạng cụ thể, chính xác các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhằm giúp các cấp ủy ở mỗi cấp trong hệ thống chính trị có định hướng lãnh đạo phù hợp và có chủ trương nhất quán trong công tác cán bộ phù hợp với tình hình mới của cách mạng, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, sức sống và sức chiến đấu của từng tổ chức Đảng. Điều cốt yếu và quyết định đến thành công trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo yêu cầu, mục đích của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra là, mỗi cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cần có sự phân tích thấu đáo, nhận diện đúng, kịp thời từng đối tượng trong tổ chức của mình xem ai có biểu hiện suy thoái, suy thoái về mặt nào, ở mức độ nào và suy thoái như thế nào. Đồng thời, từng cán bộ, đảng viên phải dũng cảm tự nhận diện chính mình có biểu hiện suy thoái không? Người có chức vụ lãnh đạo, quản lý càng cao càng phải gương mẫu tự nhận diện trước và không nên cho rằng suy thoái chỉ có ở cán bộ, đảng viên khác, ở cấp dưới trực thuộc của mình.

Trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống hiện nay cần phải phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, của dư luận, các cơ quan báo chí để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, phát hiện kịp thời những cán bộ, đảng viên suy thoái để có biện pháp khắc phục và giải quyết triệt để. Mỗi cán bộ, đảng viên phải chiến thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp, qua đó mới tạo được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

Theo ĐẠI TÁ, THS NGUYỄN ĐỨC THẮNG/Tạp chí Cộng sản

-------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội, 2011, tr.173-175

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội, 2012, tr.22

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 12-NQ/TN-Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Ngày 16-01-2012; nguồn: www.cpv.org.vn

(4) V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tập 42, tr.311

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều