Hương ước, lệ làng với chiến lược tăng tốc của đất nước

(Mặt trận) - Hương ước, lệ làng là di sản văn hóa lâu đời và có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Lịch sử tồn tại, phát triển của hương ước, lệ làng đã trải qua nhiều bước thăng, trầm. Kế thừa và phát huy giá trị của hương ước, quy ước để tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp và chiến lược tăng tốc là một trong những định hướng phát triển của đất nước.
Khái quát về lịch sử ra đời của hương ước, lệ làng

Khác với nền canh tác chăn thả gia súc, hoặc đốt rừng làm rẫy, nền canh tác lúa nước rất phù hợp với việc bảo vệ, làm giàu môi trường, môi sinh và đảm bảo cân bằng sinh thái. Với cách đắp bờ giữ nước, bón phân hữu cơ, luân canh, nền canh tác lúa nước đã làm cho đất đai canh tác ngày càng thêm phì nhiêu. Nền canh tác lúa nước đòi hỏi có sự hợp tác gắn bó giữa người với người. Đắp đê, phòng lũ, đào sông và lấn biển, cày cấy, gặt hái cho kịp thời vụ,… tất cả đều đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng cả về sức lực lẫn tinh thần của nhiều người, mới có thể đấu tranh khắc phục được những bất lợi để giành lấy những thuận lợi của thiên nhiên. Sức mạnh đoàn kết trong đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh xã hội của các dân tộc Việt Nam không phải bỗng nhiên mà có. Nó bắt nguồn từ thói quen được hun đúc bởi nếp sống của nền canh tác lúa nước từ ngàn năm nay.

Bên cạnh những thuận lợi về thời tiết, khí hậu, Việt Nam lại ở vào vị trí đầu mối giao thông có ý nghĩa chiến lược từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây và ngược lại. Chính hai yếu tố về thiên thời và địa lợi ấy đã làm nảy sinh lòng tham của các thế lực xâm lược nước ngoài. Để đối phó với trộm cướp và giặc ngoại xâm, các khu định cư của người Việt Nam đã được cấu trúc thành các “ổ đề kháng”, có lũy tre gai dày đặc bao quanh, có lối ra vào qua các cổng làng, có người canh gác cả ngày lẫn đêm. Trên thế giới, không nơi nào có cấu trúc làng xóm vừa là khu định cư, vừa là “ổ đề kháng” như ở Việt Nam.

Nhiều nhà sử học Việt Nam, đến nay, vẫn chưa tìm ra được câu trả lời: Hương ước, lệ làng có từ bao giờ? Nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước gián tiếp khẳng định, hương ước, lệ làng Việt Nam có lịch sử tồn tại ít nhất từ thế kỷ I sau Công nguyên. Đến thế kỷ thứ XIII, đời nhà Trần, đã có tư liệu nói về khoán ước được khắc chạm trên chuông đồng. Sử liệu rõ ràng nhất khẳng định sự tồn tại và phát triển của hương ước, lệ làng là Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông vào giữa thế kỷ thứ XV (1460-1497). Sắc dụ nêu rõ: “Các làng xã không nên có khoán ước riêng vì đã có pháp luật chung của Nhà nước. Làng nào có phong tục khác lạ thì có thể cho lập khoán. Những người thảo ra hương ước là những người có trình độ nho học, có đức hạnh, có chức phận chính thức, có tuổi tác. Khoán ước thảo xong phải được quan trên kiến duyệt cho phép hoặc bãi bỏ. Khi khoán ước đã được cho phép áp dụng, ai không tuân theo, quan trên sẽ trị tội”. Hương ước, lệ làng không được trái với quốc pháp. Khi đã được quan trên xét duyệt, ai không tuân theo thì bị xử phạt. Hương ước, lệ làng vốn là “luật của dân, do dân và vì dân” đã được Nhà nước công nhận. Hai loại luật pháp này không mâu thuẫn nhau mà hỗ trợ rất đắc lực cho nhau trong xây dựng một nền pháp trị nghiêm minh của đất nước.

Hương ước, lệ làng không phải là sản phẩm của một cá nhân nào mà là thành quả lâu đời được gieo mầm, chăm bẵm vun trồng trên nền tảng vật chất là nền văn hóa lúa nước và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sự sáng tạo, nuôi dưỡng, thực hành hương ước, lệ làng là một trong những đặc trưng của nền “văn hóa làng xã”, đồng thời là một thành phần quan trọng của nền văn hóa Việt Nam.

Tác dụng của hương ước, lệ làng

Hương ước, lệ làng của Việt Nam cũng có nguồn gốc từ phong tục, nhưng đã được chính quyền xét duyệt trước khi thi hành. Ai không tuân theo thì bị xử phạt. Hương ước, lệ làng không còn là phong tục truyền miệng, mà là luật thành văn với các chương, điều mang tính hệ thống, có cả chế tài đối với trường hợp vi phạm. Hương ước, lệ làng song hành, hỗ trợ, bổ sung và cụ thể hóa những điều mà luật pháp nhà nước còn thiếu. Hương ước các làng khác nhau thì có tên gọi khác nhau, như: hương ước, hương đoan, hương khoán, tục lệ, khoán lệ, lệ làng... Tùy đặc điểm của từng làng xã mà số lượng chương, điều trong các hương ước nhiều, ít khác nhau, nhưng nhìn chung đều có các chương điều chỉnh quan hệ trong nhiều lĩnh vực. Trong các hương ước đều có các chương, như: Tổ chức bộ máy hành chính và tổ chức dân sự làng xã (dòng, họ, phe, giáp, hội, phường, các hạng đinh); Đảm bảo an ninh làng xã; Đảm bảo vệ sinh, môi trường; Thực hiện nghĩa vụ với làng xã, với Nhà nước; Bảo vệ, nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan (các quy định về lễ, hội, cưới hỏi, ma chay), bảo vệ môi trường, chống dịch bệnh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng,… Trong cuộc sống hàng ngày, người dân ở nông thôn đều tìm thấy các hướng dẫn xử sự của hương ước, lệ làng. Người tuân thủ đầy đủ các quy định của hương ước được coi là tuân thủ nghiêm kỷ cương phép nước, cho dù họ ít hiểu biết về pháp luật nhà nước. Văn phong của hương ước giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thi hành, dễ tuân theo. Hàng năm, trong các dịp lễ hội, hương ước được đem ra đọc cho cả dân làng nghe. Người dân ít học vẫn có thể thuộc lòng hương ước của làng xã họ.

Hương ước, lệ làng là công cụ để toàn dân chung sức với chính quyền giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Quản lý xã hội không còn là việc riêng của chính quyền. Mỗi khi Nhà nước được nhân dân hết lòng ủng hộ, thì năng lực quản lý nhà nước của chính quyền không ngừng được tăng lên. Không một thế lực nào có thể khuất phục nổi sức mạnh chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Điều này giải thích tại sao những đội quân xâm lược với quân số đông áp đảo, với vũ khí tối tân vẫn không thể đột nhập vào các làng chiến đấu.

Hương ước, lệ làng đã giúp hình thành những phong cách sống của người Việt Nam. Người Việt coi lợi ích giống nòi, lợi ích quốc gia, dân tộc, làng xã, dòng họ lên trên hết. Với người Việt Nam, vai trò của tập thể luôn được đề cao hơn vai trò của cá nhân. Hương ước, lệ làng trở thành công cụ rèn luyện, hun đúc nên những đức tính quý báu của con người Việt Nam như: lòng dũng cảm trong chiến đấu, tính cần cù trong lao động, tính hòa nhã, thân thiện, mến khách trong giao tiếp,… Người xưa không ai muốn đem tiếng xấu về làng. Mọi người trong làng đều tự hào và ngẩng cao đầu về những cái hay, cái đẹp của làng. Tự hào về bản thân, tự hào về gia đình, tự hào về dòng họ, tự hào về xóm làng, tự hào về dân tộc… Tất cả những tự hào ấy là chất men, là động cơ thúc đẩy con người Việt Nam luôn phấn đấu nâng cao bản lĩnh, hoàn thiện nhân tính con người Việt Nam.

Hương ước, lệ làng của dân tộc Việt Nam là con đẻ của nền văn hóa vật thể: văn hóa lúa nước và của sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm của các cộng đồng cư dân Việt. Như C.Mác đã nói, hạ tầng cơ sở là nền móng tạo dựng nên thượng tầng kiến trúc hoặc có thể nói khác đi, thượng tầng kiến trúc bắt nguồn và lệ thuộc vào hạ tầng cơ sở.

Khôi phục và đổi mới hương ước

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hương ước, lệ làng bị đặt ra bên lề cuộc sống. Không ít người cho rằng, hương ước, lệ làng là di sản của chế độ phong kiến, thực dân. Nhưng có một điều ít ai ngờ đến là những ảnh hưởng tích cực của nó vẫn tiếp tục tác động sâu rộng vào trong lao động và chiến đấu của nhân dân Việt Nam: Tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, đồng thuận trong sinh hoạt đã giúp người dân vượt qua được mọi thiếu thốn, gian khổ, nguy hiểm của thời kỳ chiến tranh; đàn bà, con gái ra đường không sợ bị làm nhục, người yếu thế không sợ kẻ mạnh uy hiếp, đêm đến, nhà nhà không phải đóng cửa cài then. Điều đặc biệt quý giá, dễ nhận thấy nhất là di sản quý báu của hương ước được kế thừa và phát huy tác dụng cao trong thời kỳ kháng chiến. Nghĩa vụ quân sự vẫn được các làng, xã chấp hành với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cuộc kháng chiến trường kỳ luôn có đủ tài lực, nhân lực cung cấp cho chiến trường. Làng chiến đấu - sản phẩm nổi bật của tinh thần bất khuất và nghệ thuật đấu tranh vũ trang của các dân tộc Việt Nam. Không nơi đâu như ở Việt Nam, khi có giặc đến, toàn dân đều là lính, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”... Mọi cuộc chiến tranh xâm lược của nước ngoài đều vấp phải thất bại nặng nề trước các cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện của nhân dân Việt Nam.

Năm 1958, trong một lần về thăm tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rằng, “Hương ước là quy ước của làng,… đó là những phong tục tốt đẹp trong nông thôn ta trước đây. Từ sau Cách mạng, các chú xóa bỏ hết tất cả, thế là không đúng. Cách mạng chỉ xóa đi cái dở, cái xấu, còn cái tốt, cái hay cần phải giữ gìn và phát huy”. Vào tháng 6/1993, sau khi có Nghị quyết 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), việc tái lập hương ước được tiến hành tương đối rộng khắp trên toàn quốc và đem lại một số kết quả rõ nét. Nó khơi dậy tính chủ động, tự quản, tự giác trong phát triển sản xuất, bảo vệ an toàn, an ninh ở nông thôn. Nhưng phong trào không duy trì được lâu và chìm dần vì thiếu sự chỉ đạo thống nhất, thiếu sự hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, đặc biệt là thiếu sự nghiên cứu kỹ về nguồn gốc nảy sinh, tồn tại và phát triển, nên chưa phát huy được đầy đủ các mặt tích cực, hạn chế các mặt tiêu cực của hương ước.

Việt Nam hiện phải đối mặt với vấn nạn mất an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái xảy ra một cách phổ biến. Buôn lậu, đặc biệt là buôn bán ma túy, cùng các vụ giết người, đâm thuê, chém mướn, có những vụ cướp giật ngang nhiên xảy ra ban ngày ở nơi đông người,… Bất chấp những cấm đoán của pháp luật, bất chấp những lời kêu gọi về đạo đức, nhưng sai trái vẫn không hề giảm. Tại sao lại xảy ra tình trạng nhiều người dân ngần ngại lên tiếng trước những vụ việc tiêu cực? Tình làng, nghĩa xóm, quan hệ bà con ruột thịt… đã khiến họ nhắm mắt làm ngơ. Không ít viên chức cho rằng nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do thiếu nhân lực và phương tiện để tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rộng khắp. Yêu cầu tăng thêm biên chế luôn được nêu ra. Kết quả là bộ máy nhà nước ngày càng phình to, nhưng công việc quản lý vẫn chưa được cải thiện. Như thực tiễn đã chỉ rõ, mỗi khi các hiện tượng tiêu cực đã trở nên phổ biến trong dân thì việc dùng cưỡng chế nhiều sẽ trở nên kém tác dụng. Càng lạm dụng cưỡng chế thì càng tạo thêm những bất bình trong xã hội.

Việc xã hội hóa công việc quản lý của Nhà nước đem lại nhiều lợi ích. Xã hội hóa công việc quản lý nhà nước, thực chất là huy động đông đảo nhân dân tham gia công việc quản lý nhà nước. Trước hết, nó khơi dậy được tinh thần chủ động, tự quản của làng xã trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trong dân. Không một hành vi thù địch, không một kẻ địch nào có thể xâm nhập, trà trộn vào trong dân, không một hành vi tội phạm, hành vi bất lương nào lọt qua cặp mắt của dân khi mọi người dân tham gia kiểm tra, giám sát theo những quy ước do họ tự xây dựng nên. Xã hội hóa càng mở rộng thì việc tinh giản bộ máy nhà nước càng trở nên dễ dàng hơn. Ngân sách đài thọ cho bộ máy quản lý sẽ đỡ tốn kém hơn. Nếu biết rút ra những kinh nghiệm hay trước đây để xây dựng nên những hương ước, quy ước mới thì việc xã hội hóa công việc quản lý nhà nước sẽ được thuận lợi hơn nhiều. Cho nên khôi phục và đổi mới các hương ước, quy ước là điều cấp bách cần làm trong tình hình hiện nay của đất nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng, thi hành hương ước, quy ước mới

Năng suất, hiệu suất lao động thấp, công nghệ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực là mối quan tâm của nhân dân Việt Nam.

Ngày 18/5/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ/TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước mới. Quyết định 22 gồm có 5 chương với 20 điều với nội dung hướng dẫn thực hiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhiệm vụ mới. Việc thực hiện Quyết định đòi hỏi phải có nhiều sáng tạo và không lặp lại những thiếu sót như khi phát động phong trào khôi phục Hương ước, quy ước từ năm 1993.

Để cuộc vận động xây dựng hương ước, quy ước mới thành công không thể thiếu vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc các cấp. Với tư cách là người đại diện rộng rãi nhất, lớn nhất của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc là nơi thích hợp trong việc hướng dẫn xây dựng các quy ước mới và đảm bảo cho mọi tổ chức ở cơ sở đều có quy ước của họ. Các thôn xóm, bản làng, các khối phố, các trường học, các bệnh viện, các trung tâm buôn bán,… đều phải có hương ước, quy ước chung của làng xã, khu phố, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần hướng dẫn xây dựng quy ước của người Việt đang mưu sinh ở nước ngoài. Nếu làm được thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với đời sống của gần 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.

Lê Đức Tiết

Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều