Lòng dân, thế trận lòng dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

(Mặt trận) - Nói đến thế trận lòng dân là nói đến lòng yêu nước, niềm tin vào tiền đồ quốc gia dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường của cả dân tộc được khơi dậy và phát huy tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Ngày nay, việc phát huy yếu tố lòng dân, thế trận lòng dân, ý chí, khát vọng phát triển, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Đắk Lắk, tháng 11/2018. Ảnh Báo Yên Bái. 
Lòng dân, thế trận lòng dân trong lịch sử Việt Nam

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, khi lòng dân được quan tâm xây dựng trở thành thế trận lòng dân, sẽ tạo cơ sở nền tảng tinh thần vững chắc để khơi dậy, thúc đẩy và phát huy các yếu tố khác trong xã hội, từ đó chuyển hóa thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì thế, lòng dân là cội nguồn sức mạnh của đất nước, của dân tộc. Nói đến lòng dân là nói đến tinh thần, niềm tin, đoàn kết, đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội. Nói đến thế trận lòng dân là nói đến lòng yêu nước, niềm tin vào tiền đồ quốc gia dân tộc, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường của cả dân tộc được khơi dậy và phát huy tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng được huy động để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ buổi đầu của nước Văn Lang, các Vua Hùng đã tập hợp muôn dân, phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường dân tộc, bước đầu hình thành thế trận lòng dân để dựng nước và giữ nước. Kế tục thành quả dựng nước và giữ nước thời kỳ Văn Lang - Vua Hùng, An Dương Vương đã quy tụ cư dân Âu Lạc xây dựng đất nước với nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Thành Cổ Loa được xây dựng mà đến nay được coi là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Đây là công trình thể hiện thế trận lòng dân của cư dân Âu Lạc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhà Tần và sau đó Triệu Đà đã nhiều lần đưa quân sang xâm lược Âu Lạc nhưng đều thất bại.

Có thể nói thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, với cơ sở ban đầu của thế trận lòng dân, đã tạo cho cộng đồng cư dân người Việt có sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh lịch sử.

Thời kỳ Bắc thuộc từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ X, mặc dù dưới ách thống trị, đô hộ tàn khốc của các triều đại phong kiến phương Bắc, song Nhân dân ta vẫn nung nấu tinh thần yêu nước, đoàn kết, hun đúc ý chí kiên cường chống ngoại xâm. Thế trận lòng dân luôn là điểm tựa cho các cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị, giành độc lập. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo chống lại sự thống trị của nhà Hán (40-43); cuộc khởi nghĩa lớn của Bà Triệu lãnh đạo chống lại sự đô hộ của nhà Ngô (248); cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (542); cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Triệu Quang Phục (550); cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan lãnh đạo (722); khởi nghĩa của Phùng Hưng (766); khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ (905); khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ nhất (931). Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ 2 với chiến thắng Bạch Đằng (938) của Ngô Quyền, giành lại quyền làm chủ đất nước, mở ra thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, kết thúc hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc.

Giai đoạn từ cuối thế kỷ X (939) cho đến đầu thế kỷ XX, lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng các triều đại phong kiến đã ý thức khá đầy đủ vị trí, vai trò và phát huy được lòng dân trong giữ nước và dựng nước. Xây dựng thế trận lòng dân trong thời kỳ này thể hiện tập trung trước hết ở khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ, hùng cường của toàn dân, tạo thành sức mạnh toàn dân tộc trong giữ nước và dựng nước. Lòng dân, thế trận lòng dân được thể hiện rõ nhất qua các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: Cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất của Lê Hoàn (981); kháng chiến chống quân xâm lược Tống lần thứ hai (1075-1077) của nhà Lý; 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần ở thế kỷ XIII; kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV; phong trào Tây Sơn chống quân Thanh ở thế kỷ XVIII; các phong trào chống thực dân Pháp xâm lược khắp từ Bắc chí Nam ở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Lịch sử một lần nữa đã chứng minh, khi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí, khát vọng độc lập, tự chủ, hùng cường của toàn dân được huy động, hình thành thế trận lòng dân vững chắc, sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước. Những lúc nào thế trận lòng dân được xây dựng, củng cố và phát huy tốt thì lúc đó các triều đại phong kiến lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi và xây dựng đất nước phát triển, tiêu biểu như các giai đoạn lịch sử của Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn. Ngược lại, lúc nào lòng dân không yên, xây dựng và củng cố thế trận lòng dân không tốt thì lúc đó đất nước lâm nguy: nhà Hồ (đầu thế kỷ XV) đã thực hiện chế độ lao dịch nặng nề, làm cho lòng dân không theo nên đã để đất nước rơi vào tay giặc Minh; giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XV-XVIII) luôn tranh giành quyền lực, đất nước bị chia cắt, khiến dân chúng lầm than oán giận, không tạo được sức mạnh của thế trận lòng dân để phát triển đất nước; giai đoạn nhà Nguyễn thời kỳ nửa cuối thế kỷ XIX, đã không coi trọng lòng dân, không xây dựng thế trận lòng dân, do đó đất nước đã nhanh chóng bị thực dân Pháp xâm lược.

Lòng dân, thế trận lòng dân từ khi có Đảng

Thắm tình quân dân_Ảnh: TTXVN 
Kế thừa truyền thống của cha ông về lòng dân và xây dựng thế trận lòng dân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ngay từ buổi đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thức sâu sắc vai trò của lòng dân và thế trận lòng dân trong lịch sử: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”, “chúng chí thành thành”... Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số Nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng. Đó chính là quan điểm của Đảng ta về lòng dân và thế trận lòng dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chống đế quốc thực dân, phát huy cao nhất bài học lòng dân và thế trận lòng dân của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào Nhân dân, luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của Nhân dân thông qua xây dựng thế trận lòng dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh, khát vọng giành độc lập tự do, trên cơ sở đó, xây dựng mặt trận thống nhất đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu cấp bách của cách mạng là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá và sự đồng lòng của toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”1 đã phát huy cao độ sức mạnh thế trận toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ, để cuối cùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của sự hội tụ của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh kiên cường, bất khuất, niềm tin, ý chí và khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam; là thành quả lãnh đạo việc xây dựng và phát huy sức mạnh thế trận lòng dân của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng vĩ đại đó đã mở ra kỷ nguyên mới chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, coi trọng yếu tố lòng dân, Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, Đảng quán triệt: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”2. Trên cơ sở đó, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục phát triển. Đường lối đổi mới của Đảng thể hiện rõ ý Đảng hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn quán triệt bài học: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII thông qua đã khẳng định: “Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”4. Đó chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đến yếu tố lòng dân, bởi lòng dân chính là cơ sở, nền tảng chủ yếu để tạo nên thế trận lòng dân; được lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất hết.

Nhìn lại hơn 35 năm đổi mới cho thấy đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, hợp lòng dân, là sự nghiệp cách mạng to lớn của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn 35 năm đổi mới đã chứng minh sự đúng đắn của quan điểm coi trọng yếu tố lòng dân, xây dựng thế trận lòng dân nên đã phát huy được sức mạnh to lớn của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khơi dậy và phát huy yếu tố lòng dân, xây dựng thế trận lòng dân hiện nay

Một là, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân là quyền làm chủ chính quyền nhà nước, quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, Nhân dân làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước. Bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng để có được lòng dân, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”5. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện quan điểm của Đảng về bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Điều đó yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng hệ thống chính trị phải thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân thực sự là chủ thể của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; thực hiện có hiệu quả quan điểm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng nhân dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Hai là, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đây chính là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong 35 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Để tiếp tục thực hiện tốt vấn đề này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thi đua lao động sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các chính sách xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”... Bên cạnh đó, phải tăng cường phát triển hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ người dân có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện việc làm; đẩy mạnh phong trào “xóa đói, giảm nghèo”, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ nguồn lực về sản xuất để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về đời sống và tiếp cận dịch vụ xã hội.

Ba là, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”6. Để thực hiện mục tiêu đó chúng ta cần huy động sức mạnh của toàn dân tộc bằng lòng dân và thế trận lòng dân, trong đó công tác vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng. Trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về công cuộc đổi mới, làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của của Nhà nước đều được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tạo nên sức mạnh trong tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị cần phải tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, hướng mạnh về cơ sở, nơi còn nhiều khó khăn, phức tạp; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, chăm lo toàn diện đời sống Nhân dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước Nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung tuyên truyền giáo dục và phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu cao ý thức tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân đúng với chính sách và luật pháp. Đồng thời, tuyên truyền cho Nhân dân hiểu rõ âm mưu thủ đoạn chia rẽ các dân tộc, tôn giáo của thế lực thù địch; qua đó, đề cao cảnh giác không để bị lừa gạt, kích động, lôi kéo; nâng cao năng lực đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nhiều chính sách để ổn định, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân. Quan tâm thực hiện chính sách chăm sóc người có công. Thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khoẻ cho người dân đồng thời tạo điều kiện để người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro trong đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường. Đời sống và thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên.

Năm là, tiếp tục củng cố và giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn thể dân tộc. Đảng là tổ chức đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của toàn thể Nhân dân, vì thế tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự giác, vai trò chủ động, tích cực lòng nhiệt tình cách mạng của Nhân dân; tạo điều kiện cho người dân thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của mình để làm tốt hơn nữa việc củng cố và giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, phát huy vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các giai tầng xã hội, các giới, các tôn giáo, các cá nhân tiêu biểu ở trong và ngoài nước để góp phần thực hiện đồng thuận xã hội. Mặt trận là nơi trực tiếp để Nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình tới Đảng và Nhà nước, là trung tâm của khối đại đoàn kết của dân tộc. Vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý nghĩa chính trị lớn lao với đất nước và dân tộc qua nhiều thời kỳ cách mạng. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành đã khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực sự là nhân tố trung tâm phát huy vai trò nòng cốt chính trị, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chú thích:

1.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 4, Hà Nội, 2011, tr. 534.

2,3,4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, Phần I, tr.30, 425, 425.

5,6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.173, 112.

Trần Quốc Dân

Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều