Mấy vấn đề cần chú ý trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết 35) đã tổ chức thực hiện được hơn một năm. Với sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy đảng các cấp, bước đầu đã thu được những kết quả thiết thực.

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết 35, chúng tôi nhận thấy còn một số vấn đề cần thống nhất về mặt nhận thức sau đây:

Một là, về mối quan hệ giữa bảo vệ và đấu tranh.

Nghị quyết 35 với tiêu đề “Tăng cường bảo vệ nâng tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” có hai hoạt động cơ bản là bảo vệ và đấu tranh, phù hợp với phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng. Trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết này phải lấy bảo vệ là chính. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này đã được Cương lĩnh và Điều lệ Đảng khẳng định. Bảo vệ nền tảng tư tưởng là việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, trong bảo vệ phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hiện thực hóa hệ tư tưởng của Đảng vào đời sống và đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc phát tán các quan điểm sai trái, thù địch trở nên rất dễ dàng nên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đặt ngang hàng với bảo vệ nền tảng tư tưởng là điều tất yếu. Dù vậy, thực hiện Nghị quyết 35 vẫn phải lấy bảo vệ là chính, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng được tốt hơn. Hiện nay, cấp ủy một số địa phương chỉ coi trọng đấu tranh là chưa đúng tinh thần của Nghị quyết.

Hai là, sự khác nhau giữa quan điểm sai lầm, sai trái, thù địch và mục đích đấu tranh phản bác.

Trong thực hiện Nghị quyết 35, cần phân biệt quan điểm sai lầm và quan điểm sai trái để khoanh vùng đấu tranh cho phù hợp, tránh tình trạng quy kết, chụp mũ. Quan điểm sai trái là những quan điểm phản ánh không đúng hiện thực khách quan, tức là sai lầm nhưng trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Như vậy, quan điểm sai lầm khác với quan điểm sai trái ở mức độ và tính chất của nó. Ai cũng có thể mắc sai lầm vì năng lực tư duy, vì phương pháp nhận thức thiếu khoa học, thiếu dữ kiện, vì chân lý chỉ là tương đối... Trên thực tế, nhận thức sai lầm về sự vật, hiện tượng trong đời sống là khá phổ biến, bởi không phải ai và lúc nào cũng nhận thức đầy đủ, đúng đắn về bản chất và các quy luật của hiện thực khách quan.

Tuy nhiên, những quan điểm sai lầm thông thường chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, một nhóm nhỏ thì không nghiêm trọng, có thể giải quyết bằng các biện pháp thuộc về khoa học. Những quan điểm sai lầm mà đối lập với quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước là sai lầm có phạm vi ảnh hưởng lớn, tính chất nghiêm trọng cần phải đấu tranh phản bác bằng những biện pháp mang tính chính trị, hành chính.

Quan điểm thù địch bao hàm cả những quan điểm sai trái nhưng khác nhau về mục đích và mức độ. Mục đích của quan điểm thù địch là chủ ý, mang tính phá hoại. Người có quan điểm thù địch vẫn sử dụng những kết quả nhận thức đúng đắn, chân thực để chống phá. Có thể họ biết đó là chân lý nhưng vẫn cố tình phủ nhận sạch trơn, không bao giờ thừa nhận một cách công khai.

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động có mục đích của Đảng nhằm vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của chúng và góp phần củng cố niềm tin vào hệ tư tưởng của Đảng. Ở đây cần chú ý, mục đích của đấu tranh là bảo vệ, là củng cố niềm tin. Nếu chúng ta đấu tranh phản bác được nhiều quan điểm sai trái, thù địch nhưng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng, vào sự lãnh đạo của Đảng không tăng lên thì cũng không có ích lợi gì.

Có người thắc mắc, tại sao không đấu tranh chống hoặc xóa bỏ mà lại đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phải chăng, chúng ta “đấu” không được nên bây giờ chỉ “cãi nhau” với họ mà thôi. Chúng tôi cho rằng, sử dụng thuật ngữ phản bác là thỏa đáng vì thực tế, bất cứ ở đâu, thời kỳ nào cũng luôn xuất hiện quan điểm sai trái, thù địch. Trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển của truyền thông xã hội, việc ngăn chặn, xóa bỏ hoàn toàn các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet và mạng xã hội là không khả thi.

Một vấn đề đặt ra là những sản phẩm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (sau đây gọi chung là bài viết) là để cho ai đọc, ai xem, ai nghe? Nếu viết cho kẻ thù của chúng ta thì liệu có thuyết phục được họ, buộc họ thừa nhận hệ tư tưởng của chúng ta, bởi họ vốn không cùng thế giới quan, lập trường, quan điểm, lợi ích với chúng ta. Theo chúng tôi, mục đích của những bài viết phản bác chủ yếu phải hướng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vì đấu tranh là để bảo vệ, giữ vững niềm tin của nhân dân vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu chúng ta đấu tranh phản bác bằng những nội dung, hình thức trừu tượng, hàn lâm, xa lạ, nếu quần chúng không hiểu được thì cuộc đấu tranh đó cũng không mang lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy, nội dung phản bác cần phải phù hợp với nhận thức của từng đối tượng, phải thể hiện bằng những hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp với giới trẻ, phải lựa chọn những kênh thông tin để các bài viết đến được với đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ba là, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như thế nào để không trở thành “tuyên truyền không công” cho địch. 

Hiện nay, trên intrernet và mạng xã hội lan truyền rất nhiều quan điểm sai trái, thù địch. Không ít cán bộ tuyên truyền sử dụng chúng làm nội dung để đấu tranh phản bác. Những quan điểm càng mới, ít người biết, càng cao siêu, mơ hồ lại càng hấp dẫn đối tượng. Trong bối cảnh xã hội có tình trạng suy giảm niềm tin như hiện nay, cách làm này vô tình đã tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Chúng ta nên tập hợp các quan điểm sai trái, thù địch thành các nhóm như sau:

1) Những quan điểm tấn công trực tiếp vào hệ tư tưởng. Đây là những quan điểm hoặc là phủ nhận sạch trơn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc thừa nhận đúng một phần, đúng trong quá khứ, không đúng trong hiện tại, đúng ở  phương Tây, không đúng với Việt Nam. v. v. 

2) Những quan điểm tấn công vào đời tư của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh bằng các thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, đặt sai bối cảnh…

3) Những quan điểm đánh đồng sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực với học thuyết, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

4) Những quan điểm quy những hạn chế, yếu kém của quá trình đổi mới vào sai lầm của hệ tư tưởng.

Phân loại như vậy, chúng ta chỉ cần lấy một vài ví dụ phổ biến để chứng minh, phản bác. Đôi khi trong đấu tranh phản bác, chúng ta chỉ cần chứng minh điều ngược lại với các quan điểm sai trái, thù địch là đủ bởi chúng ta có chính nghĩa và thực tiễn lịch sử rất phong phú.

Bốn là, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch hay với chủ thể của các quan điểm sai trái thù địch.        

Hiện nay, chúng ta thường tập trung vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng của các quan điểm sai trái, thù địch. Theo chúng tôi, đây chỉ là cách đấu tranh ở phần ngọn. Vì nếu chúng ta phản bác được luận điểm này, chúng lại tiếp tục đưa ra các quan điểm khác, ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thâm độc hơn. Mặt khác, trong khi hệ tư tưởng của chúng ta hiện nay cũng chưa hoàn thiện, chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện mới, có những vấn đề đã bị thực tiễn vượt qua; trong khi đó, công cuộc đổi mới vẫn đang còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Như vậy, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch sẽ như “muối bỏ bể”, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta cần truy đến tận gốc, tức là phải xác định chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch để phân loại và có biện pháp đấu tranh phản bác phù hợp.

Theo chúng tôi, chủ thể, nguồn phát các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay có thể chia làm bốn loại sau đây:

Kẻ thù giai cấp

Nền tảng tư tưởng của chúng ta là hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, như  vậy những người theo hệ tư tưởng tư sản sẽ chống đối là điều tất yếu. Đây là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng, mang tính chiến lược lâu dài. Việc giai cấp tư sản huy động các nhà tư tưởng, lý luận để đưa những quan điểm sai trái, thù địch là không cần phải bàn cãi. Vì vậy, chúng ta không hoang mang và nôn nóng trong cuộc đấu tranh này. Mặt khác, đây là cuộc đấu tranh giai cấp trong lĩnh vực tư tưởng trên phạm vi toàn cầu nên giai cấp tư sản đã có chiến lược, có bộ máy, con người, lộ trình, thủ đoạn, kinh phí, phương tiện dồi dào, hiện đại để chống phá. Vì vậy, chúng ta phải nâng tầm cuộc đấu tranh này lên tầm chiến lược, phải đấu tranh ở tầm trí tuệ, tầm lý luận, học thuyết. Một mặt, chúng ta không dao động, không nhân nhượng, luôn kiên định mục tiêu nhưng mặt khác cũng cần “tương kế, tựu kế” giống như chủ nghĩa tư bản đã rất cám ơn bộ tư bản của Mác vì đã chỉ ra khuyết tật của chính họ, nhờ đó họ đã điều chỉnh và tạo ra sức sống cho chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay.

Kẻ thù cách mạng

Chiến thắng của cách mạng đồng thời cũng tạo ra những kẻ thù của cách mạng. Họ là những kẻ đã thất bại trong các cuộc kháng chiến. Sự thất bại luôn đi cùng với mất mát, thiệt hại về sinh mạng, quyền lực chính trị, tinh thần và của cải nên họ rất khó xóa bỏ được tư tưởng thù hận, tham vọng khôi phục những quyền lợi đã mất. Vì vậy, lực lượng này đương nhiên sẽ rất hậm hực khi chứng kiến những thành tựu của công cuộc đổi mới và rất hả hê khi chúng ta gặp khó khăn, thất bại. Mặc dù kẻ thù giai cấp luôn tận dụng, cấu kết với kẻ thù cách mạng để chống phá, nhưng nhìn chung, các quan điểm sai trái, thù địch của lực lượng này thường không sâu sắc, bài bản, hệ thống như kẻ thù giai cấp. Quan điểm chống phá của họ thường nặng về cảm xúc, dễ thay đổi và tính thuyết phục không cao. Lớp người thù hận cũng sẽ dần dần ít đi vì tuổi tác. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ là người Việt nên nắm được tâm lý, tâm linh, văn hóa của người Việt Nam. Các quan điểm sai trái, thù địch của họ dễ thông qua con đường tình cảm gia đình, dòng họ để thẩm thấu vào Việt Nam. Nếu chúng ta biết được nguồn gốc, lịch sử của họ, chúng ta sẽ chỉ cho cán bộ, đảng viên, quần chúng biết họ là ai và lý do vì sao họ lại có quan điểm như vậy, đồng thời chúng ta có thể cảm hóa, lôi kéo họ trở về với dân tộc, đóng góp cho đất nước.

Những kẻ phản bội cách mạng

Đây là những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc là những quần chúng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài nhưng bị lôi kéo, mua chuộc quay lưng lại chống Đảng, chống chế độ. Điều nguy hiểm ở lực lượng này là đa số họ nắm chắc về lý luận chính trị, thực tiễn cách mạng Việt Nam. Một bộ phận trong số họ đã từng giữ cương vị trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đất nước nên nắm được những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta. Quan điểm của họ thường được ngụy trang, núp bóng dưới những kiến nghị, đề xuất, sáng kiến canh tân, cải tổ đất nước, vì vậy dễ được quần chúng tin tưởng. Đây là lực lượng nguy hiểm nhất, chúng ta cần  nghiên cứu sâu về năng lực, sở trường của từng phần tử chống đối. Phải có lực lượng theo dõi thường xuyên, kịp thời đấu tranh bằng những luận chứng, luận cứ thuyết phục, sắc bén cùng với các biện pháp công nghệ, kỹ thuật để phong tỏa thông tin, gắn với làm rõ thân nhân, biểu hiện suy thoái, cơ hội để cán bộ, đảng viên sớm biết rõ bộ mặt thật của họ.

Những kẻ a dua, hoang tưởng về chính trị

Đây là những người bất mãn trong cuộc sống, những người nhẹ dạ cả tin, suy thoái về đạo đức, lối sống, công thần, ngạo mạn, chỉ coi mình là trên hết, coi thường lãnh tụ, coi thường tổ chức, theo thuyết âm mưu. Họ là những người vô tình, hay cố ý tán phát quan điểm sai trái, thù địch hoặc tung tin sai sự thật, suy luận vô căn cứ. Những quan điểm này tuy không có sức công phá mạnh nhưng có thể làm rối loạn xã hội, mất ổn định về tư tưởng chính trị. Những quan điểm của họ thường không chặt chẽ, nhiều sơ hở, cộng với những hạn chế về đạo đức, lối sống nên chúng ta có thể sử dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để cảm hóa, thuyết phục kết hợp các biện pháp quản lý hành chính, kỷ luật và công tác kiểm tra, giám sát.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không thể bằng một vài chiến dịch, cuộc vận động mà có thể thành công. Để giành thắng lợi, đòi hỏi trước tiên là phải có nhận thức đúng mục tiêu, đối tượng, từ đó xác định đúng nội dung, phương thức đấu tranh phù hợp. Điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng nhưng cũng không chủ quan, tuyệt đối không để xảy ra “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức” trong quá trình thực hiện.

Theo TS. Lương Ngọc Vĩnh/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều