Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, do đó, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị(1). Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi công tác cán bộ phải thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong chế độ này, mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. 

Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Ảnh minh họa - Nguồn: enternews.vn

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ là mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò của cá nhân người đứng đầu; giữa tập trung và dân chủ; giữa tập trung và phân cấp, phân quyền; giữa lãnh đạo và quản lý; giữa tập thể và cá nhân. Nhận thức đầy đủ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ này sẽ bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng đắn, hiệu quả; ngược lại giải quyết không đúng sẽ làm công tác cán bộ lệch lạc với nhiều hệ quả tiêu cực. 

Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng, điều chỉnh nhiều quy định về mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, việc giải quyết mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ trên thực tế vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Do mỗi cấp, mỗi loại hình cơ quan, đơn vị có đặc thù riêng nên mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quan hệ công tác nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng có sự khác nhau với nhiều mức độ, thậm chí khác nhau rất lớn. Nếu như trong đơn vị hành chính từ tỉnh đến cơ sở, cơ quan lãnh đạo của Đảng (cấp ủy đảng) có thẩm quyền quyết định trong tất cả các khâu của công tác cán bộ theo phân cấp thì trong đơn vị cơ quan, cấp ủy đảng chỉ có vai trò tham gia lãnh đạo, còn trong đơn vị sự nghiệp, kinh tế ngoài khu vực nhà nước thì cấp ủy đảng chỉ còn có vai trò “tham gia ý kiến”

Tuy nhiên, vấn đề nổi lên trước hết hiện nay là mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp; các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, kinh tế công. Trong khu vực này có thể chia ra các nhóm sau:

1- Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy) và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (bí thư) trong công tác cán bộ ở trong Đảng

Theo quy định và thực tế hiện nay, cấp ủy đảng (chủ yếu là ban thường vụ cấp ủy) quyết định các vấn đề cán bộ thông qua cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; người đứng đầu có trách nhiệm (và thẩm quyền) đề xuất, chủ trì và có một số quyền ưu tiên như khi xảy ra trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 2 người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để quyết định bổ nhiệm hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm. Do quy định về trách nhiệm, chế tài cụ thể khi giới thiệu cán bộ không đúng, còn khá chung chung nên trừ khi người đứng đầu cấp ủy có sai phạm nghiêm trọng, còn không, họ chỉ chịu trách nhiệm cùng tập thể cấp ủy nếu có sai phạm về công tác cán bộ. Sơ hở này làm cho một số người đứng đầu lợi dụng quyền lực “mềm” có được do vị thế là người đề xuất, chủ trì các vấn đề về công tác cán bộ để điều khiển việc bố trí nhân sự theo ý đồ vụ lợi nhưng rất đúng quy trình và không sợ bị xử lý trách nhiệm, dẫn đến hiện tượng trớ trêu là “cá nhân lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm”.

2- Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đơn vị hành chính các cấp

Trong khu vực này, ở cấp Trung ương, chủ yếu là mối quan hệ giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ với người đứng đầu cơ quan hành pháp (Thủ tướng); ở địa phương, chủ yếu là mối quan hệ giữa ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh (thành phố) với người đứng đầu chính quyền (chủ tịch UBND). Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đây được quy định theo tinh thần tập thể lãnh đạo quyết định các vấn đề cán bộ thông qua cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số; người đứng đầu chính quyền luôn là một thành viên trong tập thể lãnh đạo nhưng có trách nhiệm lãnh đạo ban cán sự đảng (Chính phủ hay UBND) thực hiện kết luận của tập thể lãnh đạo về công tác cán bộ. Tuy có quyền đề xuất nhân sự nhưng người đứng đầu không có quyền lựa chọn và thay đổi cấp phó và các cấp dưới trực tiếp của mình. Điều này dẫn đến tình trạng, một mặt, khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi chính quyền yếu kém; mặt khác, người đứng đầu chính quyền không đủ thẩm quyền, công cụ để thực hiện chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình, họ không thể lựa chọn, thay thế cấp dưới của mình khi cấp dưới yếu kém, không đáp ứng yêu cầu. 

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở cơ quan bộ

Ở các cơ quan bộ, tập thể lãnh đạo có hai chủ thể là ban cán sự đảng của bộ và đảng ủy cơ quan bộ. Trong công tác cán bộ, ban cán sự đảng của bộ có thẩm quyền, trách nhiệm quyết định các vấn đề cán bộ theo phân cấp; đảng ủy cơ quan bộ chỉ tham gia lãnh đạo, tức chỉ là thành phần tham gia góp ý về công tác cán bộ. Người đứng đầu ban cán sự đảng (bí thư ban cán sự đảng) và người đứng đầu cơ quan bộ (bộ trưởng) là một, do đó quyền của người đứng đầu ở đây rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài đủ mạnh nên khi có sai phạm cũng khó quy trách nhiệm người đứng đầu vì họ cho rằng đây là quyết định của tập thể ban cán sự đảng, bản thân chỉ là một thành viên (cho đến nay mới chỉ có một bộ trưởng tự nhận trách nhiệm và từ chức khi xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ ở bộ mình quản lý).

Mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở đơn vị sự nghiệp công (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu...)

Ở các đơn vị này, việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ thuộc thẩm quyền của cấp ủy. Người đứng đầu có trách nhiệm (và thẩm quyền) giới thiệu nhân sự để tập thể lãnh đạo xem xét, quyết định, đồng thời có quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất. Ở mô hình này có các vấn đề: một là, người đứng đầu không có đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ quản lý đơn vị vì họ không thể tự chọn và thay đổi cán bộ cấp dưới của mình khi thấy cần thiết (thậm chí còn có chuyện là người đứng đầu chưa thay được cấp dưới thì cấp dưới đã vận động thay được người đứng đầu), đồng thời cũng không thể quy trách nhiệm cao nhất cho người đứng đầu về chất lượng hoạt động của đơn vị; hai là, khi có sai phạm trong công tác cán bộ của đơn vị rất khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu vì họ không phải là người quyết định; ba là, với cương vị là thủ trưởng đơn vị, đồng thời do thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng trong các đơn vị sự nghiệp, nên trong thực tế vai trò của người đứng đầu ở các đơn vị sự nghiệp công lập khá lớn, có thể “lái” tập thể lãnh đạo theo ý mình trong công tác cán bộ. 

Từ thực tế mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ ở một số loại tổ chức trong hệ thống chính trị nêu trên cho thấy một số vấn đề bất cập lớn sau:

Thứ nhất, vẫn có xu hướng đề cao vai trò của lãnh đạo tập thể, xem nhẹ vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. Xu hướng này dẫn đến tình trạng vừa thiếu dân chủ, vừa thiếu tập trung, không xác định được trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra.

Thứ hai, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ không được xác định rõ, chế tài trách nhiệm không đủ mạnh dẫn đến người đứng đầu có thể lợi dụng vai trò của mình và sơ hở trong quy định về trách nhiệm để “lái” các quyết định của tập thể về công tác cán bộ theo ý đồ vụ lợi của mình, khi có sai phạm thì đổ lỗi cho tập thể lãnh đạo. Những sai phạm về công tác cán bộ trong các vụ, việc lớn vừa qua đều cho thấy có tình trạng này.

Thứ ba, quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ không tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao, do đó người đứng đầu không đủ thẩm quyền, quyền uy để thực hiện chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình. Điều đó dẫn đến việc khó quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Thứ tư, tuy đã có khá nhiều quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu và mối quan hệ cụ thể giữa tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong công tác cán bộ nhưng nhìn chung chưa cụ thể, chế tài còn chung chung, chưa đủ mạnh, do đó hiệu lực, hiệu quả thực tế chưa cao, chưa tạo được bước đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ và chưa đủ sức ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Những bất cập nêu trên là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân(2).

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. 

Lãnh đạo tập thể là yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ, là cách để phát huy dân chủ, bảo đảm các quyết định về công tác cán bộ được xem xét toàn diện, chính xác; là nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ. Xa rời chế độ lãnh đạo tập thể là xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất định sẽ dẫn đến sai lầm, mất đoàn kết và từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, do đó phải kiên trì lãnh đạo tập thể trong công tác cán bộ. Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cũng là một yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng trong công tác cán bộ nó không chỉ là trách nhiệm thực hiện các quyết định của lãnh đạo tập thể mà còn là trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu ngay trong quá trình thảo luận ra quyết định về công tác cán bộ của lãnh đạo tập thể, tức là nó không chỉ biểu hiện tính tập trung mà còn là biểu hiện của dân chủ trong công tác cán bộ. Nếu chỉ nhấn mạnh lãnh đạo tập thể, xem nhẹ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì tác hại lớn nhất là không rõ trách nhiệm đối với công tác cán bộ, nhất là khi có sai phạm xảy ra, hệ quả là công tác cán bộ bị trì trệ, rối ren; nhưng nếu đề cao quá mức vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì dễ dẫn đến độc đoán, chủ quan. Nhận thức phù hợp nhất là vừa bảo đảm lãnh đạo tập thể đối với những vấn đề quan trọng, then chốt của công tác cán bộ, vừa mạnh dạn đổi mới, tăng cường phân quyền và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. 

Hai là, đổi mới mạnh mẽ phân cấp quản lý cán bộ, giao trách nhiệm quản lý cán bộ cấp dưới cho người đứng đầu.

Mạnh dạn phân cấp, phân thẩm quyền quản lý cán bộ theo hướng cấp ủy có thẩm quyền chỉ quản lý đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị. Ở Trung ương, Bộ Chính trị chỉ quản lý đối với cấp trưởng các ban, bộ, ngành trung ương và bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố và bí thư đảng ủy trực thuộc; từ cấp phó trở xuống giao cho người đứng đầu và cấp ủy các ban, bộ, ngành, đơn vị quản lý. Ở cấp tỉnh, ban thường vụ tỉnh, thành ủy chỉ quản lý đối với cấp trưởng các ban, sở, ngành, bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và bí thư đảng ủy trực thuộc. Ở cấp huyện cũng tương tự. Áp dụng nguyên tắc cấp trên chỉ quản lý cán bộ cấp dưới một cấp để bảo đảm cấp quản lý phải nắm chắc được cán bộ do mình quản lý, loại trừ tính hình thức trong quản lý cán bộ của nhiều cấp ủy hiện nay.

Phân cấp như vậy, một mặt, vẫn bảo đảm vai trò lãnh đạo của tập thể cấp ủy, tức là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng; mặt khác, tạo bước đột phá nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ, chấm dứt tình trạng không rõ trách nhiệm, không đủ thẩm quyền, và ngăn chặn các tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay. Người đứng đầu muốn là người thực sự “đứng mũi chịu sào”, có và nhận trách nhiệm cao nhất về việc thực hiện thẩm quyền, phải chịu trách nhiệm cao nhất về những gì xảy ra trong tổ chức, ở cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách thì họ phải được phân công trách nhiệm (cũng là thẩm quyền) lựa chọn và thay thế cấp dưới của mình. Đây là cách quản lý cán bộ được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay.

Ba là, xây dựng thể chế quy định rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. 

Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết đúng mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, vừa phát huy tốt trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. 

Điều chỉnh các quy định, quy chế về công tác cán bộ, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng coi trọng đánh giá, lựa chọn của cấp trưởng đối với cấp phó; coi trọng đánh giá của người đứng đầu đối với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, vì người đứng đầu là người giao việc và cũng là người nghiệm thu kết quả công việc, do vậy hơn ai hết, là người hiểu rõ về năng lực công tác của cấp phó và cấp dưới quyền trực tiếp. Nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các khâu khác của công tác cán bộ: trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ,...

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Để phân cấp, phân quyền, trao thẩm quyền và trách nhiệm lớn cho người đứng đầu trong công tác cán bộ thì phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu lực đối với người đứng đầu, bảo đảm quản lý, giám sát, đánh giá và ngăn chặn kịp thời người đứng đầu làm sai trong công tác cán bộ. 

Thiết lập đồng bộ cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong và bên ngoài. Bên trong cần bảo đảm hiệu lực kiểm soát của tập thể lãnh đạo cùng cấp thông qua chế độ chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu; cấp trên có quyền đình chỉ tư cách của người đứng đầu cấp dưới khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong công tác cán bộ. Cơ quan, tổ chức cấp trên có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên công tác cán bộ thuộc trách nhiệm người đứng đầu. Bên ngoài cần thiết lập cơ chế để nhân dân và báo chí giám sát người đứng đầu thuận tiện, hiệu lực, kịp thời.

Năm là, xây dựng văn hóa, phong cách lãnh đạo theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu. 

Đây là cơ sở nền tảng để xử lý đúng mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. Chỉ khi xây dựng được một lề lối làm việc có văn hóa, phong cách lãnh đạo theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu thì mới giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ. Người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành các nguyên tắc công tác đảng và chỉ đạo của cấp trên; tự mình phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chức trách của mình. Muốn vậy, trước hết tự bản thân người đứng đầu phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình trước tập thể; rèn luyện năng lực nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, chính xác những đảng viên, cán bộ, nhân viên thuộc quyền trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

--------------------------------------------

(1) Kết luận số 37-KL/TW, ngày 2-2-2009, của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 23.

Nguyễn Văn Giang

PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều