Một số vấn đề lý luận về ngoại giao đa phương và quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam

(Mặt trận) - Ngoại giao đa phương là một xu thế ngày càng nổi bật trong bối cảnh quan hệ quốc tế đương đại có ảnh hưởng sâu rộng tới nền ngoại giao thế giới. Đối với Việt Nam, ngoại giao đa phương được Đảng và Nhà nước ta nhận định là một bộ phận quan trọng của đối ngoại Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN 
Lý luận chung về chủ nghĩa đa phương và ngoại giao đa phương

Chủ nghĩa đa phương (Multilateralism) là một thuật ngữ không còn mới trong quan hệ quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, do chưa có sự thừa nhận chung vì có nhiều cách tiếp cận khác nhau cũng như sự đa dạng trong thực tiễn hoạt động (cả về số lượng, chất lượng, lẫn cấp độ và hiệu quả) nên cho đến thời điểm hiện tại, chủ nghĩa đa phương vẫn là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau song tựu chung lại, chủ nghĩa đa phương được các nhà nghiên cứu lý luận quan hệ quốc tế trên thế giới hiểu chung là: “Một hay nhiều bộ nguyên tắc, luật lệ và các dàn xếp mang tính thể chế được thỏa thuận để điều chỉnh và định hướng hành vi của các quốc gia và các thực thể quốc tế khác trong quá trình tạo dựng luật chơi và đàm phán các giải pháp có sự tham gia của ba bên trở lên để phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu, khu vực và của từng quốc gia”[1].

Ngoại giao đa phương hoặc đối ngoại đa phương (Multilateral Diplomacy) được định nghĩa là hoạt động ngoại giao liên quan đến ba chủ thể trở lên. Cụ thể: “Ngoại giao đa phương có thể hiểu là việc đàm phán để đạt được thỏa thuận và triển khai các hoạt động hợp tác tập thể giữa các chủ thể nhà nước và phi nhà nước trong các khuôn khổ đa phương. Ngoại giao đa phương do đó còn được định nghĩa là hoạt động bởi nhiều hơn hai bên hoặc hai quốc gia trong quá trình tìm và đạt giải pháp ngoại giao trong các thể chế đa phương nhằm giải quyết các vấn đề chung giữa các quốc gia/chủ thể đó”[2].

Như vậy, hoạt động ngoại giao đa phương bị chi phối bởi các nguyên tắc của các thể chế đa phương. Điều đó có nghĩa là các khuôn khổ đa phương (với những luật chơi, thông lệ đặc thù, và quy trình của các tổ chức đa phương cụ thể) vừa điều chỉnh, vừa định hướng hành vi của tất cả các chủ thể tham gia ngoại giao đa phương. Ở một góc độ khác, các nước tham gia các cơ chế đa phương là nhằm phối hợp chính sách quốc gia để xử lý các thách thức và vấn đề chung. Do đó, ngoại giao đa phương là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của một quốc gia có liên quan mật thiết với sự vận động và phát triển của hệ thống các thể chế quốc tế và khu vực. Thông qua việc tham gia tích cực, chủ động vào hệ thống quốc tế, đóng góp xây dựng và tuân thủ các luật chơi chung tại các thể chế đa phương (như tự do hóa thương mại, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường…), các quốc gia có thêm nhiều cơ hội để có thể thúc đẩy các lợi ích của mình trong tương quan với lợi ích của các nước khác.

Quá trình đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về ngoại giao đa phương từ Đại hội VI đến nay 

Ngoại giao đa phương Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam phát động sự nghiệp đổi mới năm 1986, tư duy về đối ngoại của Đảng thực sự được định hình rõ nét, phát triển có hệ thống và liên tục được hoàn thiện. Điều này thể hiện trong văn kiện của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Cụ thể:

Từ Đại hội VI đến Đại hội VII

Những năm 80 của thế kỷ XX cũng là giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội không chỉ đặt nền móng cho quá trình đổi mới tư tuy nói chung mà trong lĩnh vực đối ngoại, đã tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tư duy “mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế… mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”[3].

Tiếp đó, Hội nghị 13 khoá VI làm rõ nét hơn tư duy đối ngoại theo định hướng đa phương của Việt Nam khi lần đầu tiên đưa cụm từ “đa dạng hoá quan hệ” trên cơ sở “thêm bạn bớt thù” vào Nghị quyết số 13/BCT (ngày 20/5/1988). Điều này cho thấy, Nghị quyết 13/BCT là văn kiện đầu tiên của Đảng mang ý nghĩa nền tảng cho chủ trương “đa dạng hoá, đa phương hoá” sau này; đồng thời thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Việt Nam.

Quan điểm “thêm bạn, bớt thù” là phù hợp với phương thức tập hợp lực lượng mới giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh. Từ chủ trương và phương châm đối ngoại này, những năm 1986 đến năm 1990, Việt Nam bắt đầu triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương tại một số diễn đàn đa phương trên thế giới, trong đó có Liên hợp quốc; tham gia phong trào Không liên kết nhằm từng bước cải thiện mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ với các nước không thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây.

Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm (1986 - 1990), sự thay đổi vượt bậc trong nhận thức đã diễn ra liên quan đến tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về thế giới và các mối quan hệ của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Có thể xem đây là bước đi quan trọng định hình chính sách ngoại giao đa phương, tiền đề cho việc triển khai công tác đối ngoại đa phương sau này của Việt Nam.   

Từ Đại hội VII đến Đại hội IX

Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn. Năm 1991, việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến cho chỗ dựa của Việt Nam là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn nữa.

Bối cảnh đó cùng năm hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã là cơ sở để chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng “đa phương”.

Quan điểm, chủ trương “thêm bạn, bớt thù” trong quá trình thực thi đã làm xuất hiện những tình huống mới mà trong đó khái niệm “bạn”, “thù” đòi hỏi được hiểu rộng hơn. Đại hội VII khẳng định “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”[4] và từ chủ trương đó, hình thành nên chính sách đối ngoại theo hướng “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại”. Nhận thức mới trong tư duy lý luận về nội hàm khái niệm “bạn” và “thù” được thể hiện cụ thể trong việc thực thi chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực, các phong trào chính trị thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong nhiệm kỳ Đại hội VII, quá trình đổi mới tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện rất rõ tại Hội nghị lần thứ 3 Bán Chấp hành Trung ương diễn ra năm 1992.

Tại Hội nghị này, Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ trước mắt cần làm ngay cho cách mạng Việt Nam là khai thông mối quan hệ với các cơ chế đa phương trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…[5]; mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực, trước hết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trước tiên là ASEAN. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá VII đã đánh dấu bước tiến mới trong tư duy về ngoại giao đa phương của Đảng, đó là mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhiều tổ chức khu vực và thế giới, không phân biệt chế độ chính trị cũng như trình độ phát triển.

Từ những thành công trong thực tiễn triển khai chủ trương “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” tại Đại hội VII, cụ thể là việc khai thông quan hệ với các thiết chế kinh tế - tài chính thế giới; các tổ chức quốc tế, khu vực; đặc biệt là một số nước lớn có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…; cuối tháng 6 đầu tháng 7/1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII được triệu tập tại Thủ đô Hà Nội đã tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, cụ thể trong việc thực hiện chủ trương “sẵn sàng làm bạn”. Đại hội đã thông qua văn kiện với những định hướng rất cụ thể về đối ngoại đa phương, theo đó tiếp tục chú trọng việc thiết lập quan hệ với các thiết chế đa phương trên thế giới ở những cấp độ khác nhau như: Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Thương mại Thế giới; Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương… Từ Đại hội này, văn kiện của Đảng cũng chỉ ra cần chú trong hơn việc mở rộng đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ… nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước của Việt Nam.

Đại hội IX của Đảng (2001) đánh dấu thêm bước tiến trong tư duy của Đảng về đối ngoại đa phương khi quyết định thay cụm từ “muốn làm bạn” bằng cụm từ “sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế,…”[6] trong chủ trương đối ngoại của Đảng giai đoạn này. Việc thay thế cụm từ này cho thấy sự chủ động, tích cực, đồng thời thể hiện vị thế, vai trò ngày càng được khẳng định của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.

Cùng với quá trình triển khai các nội dung cụ thể trong đường lối đối ngoại với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, tư duy của Đảng về “bạn”, “thù” dần được hoàn thiện, thay thế bằng cụm từ “đối tác”, “đối tượng” với những giải thích cụ thể hơn. Nghị quyết Trung ương 8, khoá IX khẳng định rằng: “Đối tác của chúng ta là bất kể ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, mong muốn thiết lập và xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam; đối tượng ta cần kiên quyết đấu tranh là những ai tìm cách chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ta. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có những mặt cần tranh thủ và trong một số đối tác vẫn có thể có những khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”[7]. Nghị quyết này chính là cơ sở cốt lõi trong tư duy của Đảng về công tác đối ngoại nói chung, là cơ sở then chốt triển khai đối ngoại đa phương trong thực tế.

Như vậy, từ Đại hội VII đến Đại hội IX là giai đoạn mà tư duy đối ngoại đa phương của Đảng được định hình ngày càng rõ nét và chính thức hoá trong các văn kiện của Đảng. Qua thực tế triển khai, tư duy về đối ngoại đa phương ngày càng được bổ sung, điều chỉnh và ngày càng hoàn thiện hơn. Điểm dễ thấy là trong giai đoạn này, tư duy về đối ngoại đa phương mới chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, với đặc trưng là hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đối ngoại nhân dân.

Từ Đại hội X đến Đại hội XIII

Thực tiễn triển khai chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế trong các kỳ Đại hội trước đã mang đến những thành công bước đầu rất quan trọng trong việc thực hiện “đa dạng hoá, đa phương hoá” quan hệ quốc tế. Chúng ta không chỉ khai thông quan hệ với những quốc gia, những tổ chức lớn trên thế giới mà ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các mối quan hệ đó. Đây là những nhân tố thực tiễn thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, đồng thời đổi mới sâu sắc hơn trong tư duy lý luận của Đảng về đối ngoại đa phương.

Không dừng lại ở việc khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế…”, “hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương”[8], Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) lần đầu tiên đề cập đến cụm từ “hợp tác quốc tế” trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ hạn chế trong lĩnh vực kinh tế: “tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực khác”[9]. Điểm nhấn thể hiện quá trình đổi mới trong tư duy đối ngoại đa phương của Đảng chính là ở chỗ đưa ra phương châm cụ thể cho công tác đối ngoại nhân dân “… chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới”[10].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) đánh dấu bước chuyển quan trong trong tư duy về đối ngoại đa phương khi đưa ra định hướng “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…”[11]. Đại hội cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế đa phương trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tất cả những điểm trên cho thấy, cùng với thực tiễn của quá trình hội nhập quốc tế, tư duy đối ngoại đa phương cũng có những bước chuyển biến lớn, theo đó có sự kết hợp chặt chẽ gữa hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương với yêu cầu giữ vững an ninh quốc phòng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, lần đầu tiên khái niệm “đối ngoại đa phương” được chính thức đưa vào văn kiện. Kể từ đây, đối ngoại đa phương trở thành một định hướng chiến lược của Đảng trong đường lối đối ngoại chứ không còn là công cụ thực hiện công tác đối ngoại như trước kia.

Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ, định hướng lớn “nâng cao chất lượng công tác đối ngoại đa phương”, theo đó Việt Nam cần “chủ động tham gia và phát huy vai trò trong cá cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”[12]. Định hướng này đòi hỏi công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn trong việc góp phần xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ của các cơ chế đa phương chứ không chỉ dừng lại ở việc tham gia. Bởi lẽ đó, Văn kiện Đại hội XII cũng đặt ra yêu cầu mới đới với công tác da phương giai đoạn này là phải chuyển mạnh từ “ký kết, gia nhập, tham gia” sang “chủ động và tích cực góp phần xây dựng, định hình” các quy tắc, luật lệ mới của các cơ chế đa phương mà chúng ta hiện đang tham gia.

Tại Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở  xác định định hướng đối ngoại cho giai đoạn 2021- 2030 là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả…[13]; Đảng ta chỉ rõ, về đối ngoại đa phương cần thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân[14]. Trong đó nội hàm “toàn diện” thể hiện triển khai đối ngoại của nước ta qua các chủ thể, đối tượng và các địa bàn, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục  khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh…; nội hàm “hiện đại” là trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, thích ứng linh hoạt trước những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực.

Từ sau Đổi mới đến nay, tư duy về ngoại giao đa phương của Đảng được định hình ngày một rõ nét, phát triển có hệ thống và liên tục được hoàn thiện. Có thể thấy, quá trình đổi mới tư duy và tầm nhìn đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn ba thập kỷ qua là nhân tố then chốt tạo nên những thành công của đối ngoại Việt Nam. Cùng với thay đổi về tư duy, các hoạt động đối ngoại đa phương cũng được triển khai một cách sâu rộng, đều khắp trên các kênh và trên các lĩnh vực khác nhau. Đối ngoại đa phương đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của công tác đối ngoại và đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền và từng bước nâng cao vị thế của đất nước.

                                                                          ThS. Trần Thị Huyền Trang

                                                                          Học viện Chính trị khu vực 1

 


[1] Đặng Đình Qúy (2019): Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tr.41.

[2] Andrew F.Cooper, Jorge Heine, Kishore Mabuhbani, and Thamesh Rakur (eds) (2013): The Oxford Handbook of Modern Diplomacy, p.1.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.47, tr.561.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.50, tr.495, tập 51, tr.48.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.52, tr.147.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.60, tr.416

[7] Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2003.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.65, tr.209, 211.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.65, tr.209, 210.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2001, t.65, tr.210.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.138.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2016, tr.156.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2021, t. 1, tr.117-118.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2021, t. 1, tr.162.

 

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều