Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia

Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia. Giá trị quốc gia là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo. Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại.
 Cần dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. (Ảnh: Quang Hưng)

Hệ giá trị quốc gia là tổng hợp các giá trị của quốc gia được sắp xếp, liên kết với nhau theo một logic nhất định và đảm nhận những chức năng xã hội nhất định. Chức năng xã hội của hệ giá trị quốc gia là: nhận thức, định hướng và điều chỉnh. Trên cơ sở nhận thức, định hướng đúng các giá trị sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của cá nhân, cộng đồng xã hội, cả quốc gia trong thực hiện hướng tới hệ giá trị quốc gia.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng rất quan tâm chú ý tới xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng trong nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải nghiên cứu, xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người trong sự gắn kết với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới". Đây là điểm mới, bởi lẽ chỉ trên cơ sở xác định các hệ giá trị này chúng ta mới khơi dậy, phát huy, phát triển nguồn động lực to lớn này cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Để xây dựng hệ giá trị quốc gia, trước hết, cần xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia. Đối với nước ta "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử". Hệ giá trị quốc gia Việt Nam phải thống nhất với hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng.

Hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay sẽ bao gồm các thành tố mà Cương lĩnh 2011 đã nêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Trong đó, nhân dân là chủ thể, là vị trí trung tâm trong xã hội xã hội chủ nghĩa, là đối tượng mà Đảng và Nhà nước ta phục vụ. Giàu phải được hiểu toàn diện, giàu về vật chất, giàu về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, giàu về tình thương yêu, nhân ái, bao dung, độ lượng, vị tha, giàu về trí tuệ.

Nghĩa là giàu đa chiều, toàn diện. Dân giàu gắn liền với nước mạnh. Mạnh ở đây cũng là mạnh toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, về uy tín và vị thế quốc tế. Dân giàu, nước mạnh phải gắn liền với một chế độ xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi lẽ, dân chủ, công bằng, văn minh vừa là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội vừa là xu thế, ước vọng, giá trị cốt lõi mà nhân loại hướng tới. Do vậy, những thành tố của hệ giá trị quốc gia Việt Nam không mâu thuẫn mà còn thống nhất với các giá trị cốt lõi của nhân loại tiến bộ.

Cần dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, bốn hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, hệ giá trị con người là trung tâm; hệ giá trị văn hóa là cơ sở, nền tảng; hệ giá trị gia đình là bệ đỡ.

Theo chúng tôi, có thể bổ sung thêm thành tố "hạnh phúc" vào hệ giá trị quốc gia thành "Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Bởi lẽ, trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định "Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc". Hạnh phúc như một chỉ số tổng hợp của mọi sự giàu có và thành công, thành đạt, sự thỏa mãn tâm lý với xúc cảm tích cực.

Đưa thêm thành tố "hạnh phúc" vào hệ giá trị quốc gia cũng tiếp tục kế thừa di sản, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". "Hạnh phúc" cũng là tiêu chí mà nhiều quốc gia đưa vào hệ giá trị quốc gia của mình. Chỉ số hạnh phúc của các quốc gia này được tính toán dựa trên các tiêu chí như tổng sản phẩm quốc nội, tuổi thọ trung bình, tình trạng tham nhũng, sự bình đẳng, tự do cá nhân, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe.

Các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao thường có nền kinh tế khá phát triển, tuổi thọ trung bình của người dân cao, mức tham nhũng thấp, mức an sinh xã hội cao, an ninh con người tốt... Do vậy, theo chúng tôi, hệ giá trị quốc gia Việt Nam sẽ bao gồm "Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Cần dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, bốn hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, hệ giá trị con người là trung tâm; hệ giá trị văn hóa là cơ sở, nền tảng; hệ giá trị gia đình là bệ đỡ. Hơn nữa, những con người trong xã hội xã hội chủ nghĩa là nhân dân, là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là chủ thể sáng tạo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, đồng thời là chủ thể được hưởng thụ và hướng tới xây dựng, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị gia đình.

Cần quán triệt tốt quan điểm của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, trong xây dựng hệ giá trị quốc gia nói riêng. Thấm nhuần bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII đã rút ra "trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc". Nếu phát huy được vai trò của nhân dân chúng ta sẽ từng bước xây dựng, củng cố được hệ giá trị quốc gia.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả dân tộc, không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ. Do vậy, cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cũng cần "Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thật sự trong sạch.

Tăng cường tuyên truyền, lan tỏa hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng ngành có chương trình, kế hoạch, lộ trình xây dựng các hệ giá trị phù hợp.

Cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam trong xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đồng thời phải tích cực, chủ động phòng, chống những biểu hiện lệch lạc về văn hóa; nâng cao sức đề kháng của nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai, độc hại.

Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam trước hết phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng các thành tố trong hệ giá trị quốc gia. Đối với mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, vùng miền, xuất phát từ điều kiện thực tiễn mà xác định tiêu chí, chuẩn mực của các thành tố "dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" cho phù hợp.

Các yêu cầu trên phải được quán triệt và thực hiện đồng bộ, toàn diện thì việc xây dựng hệ giá trị quốc gia mới hiệu quả, thiết thực, tránh được giáo điều cũng như thành tích và hình thức.

Theo GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều