MTTQ Việt Nam góp phần quan trọng vào công tác cải cách hành chính

(Mặt trận) - Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tiền lương, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Với vai trò giám sát, phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từng bước nâng cao chất lượng trong chương trình giám sát, cụ thể: Chương trình giám sát cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đưa ra những kiến nghị, quan điểm rõ ràng thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính ở nước ta.

Đoàn giám sát của MTTQ tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế về công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 13/9/2018.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, với phương châm xây dựng Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực trọng tâm, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (như Nghị quyết 35/NQ-CP); cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (như Nghị quyết 19/NQ-CP)…

Tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng về sự phục vụ hành chính và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp?

1. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc là xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát cải cách hành chính là việc làm cụ thể góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Muốn đoàn kết phải phát huy dân chủ, cải cách hành chính là để công khai, minh bạch, là để phát huy dân chủ. Phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là một trong chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Có thể khẳng định, nhân dân là đối tượng chịu tác động trực tiếp của mọi chính sách, giải pháp về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đồng thời là người hưởng lợi từ cải cách hành chính mang lại. Vì vậy, với vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò giám sát của mình trong công tác cải cách hành chính, góp phần cùng người dân tạo áp lực, thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đạt các mục tiêu đề ra.

3. Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị Khóa XI); Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các Nghị quyết Trung ương Đảng 4,5,6,7 khóa XII, các Quyết định số 99/QĐ-TW và 124/QĐ-TW của Ban Bí thư đều đặt ra nhiệm vụ giám sát cải cách hành chính, giám sát cán bộ, đảng viên.

Để góp phần đánh giá kết quả công cuộc cải cách của Chính phủ, hiện nay có một loạt các chỉ số đánh giá, xếp hạng một số mặt đối với hoạt động của bộ máy chính quyền như: Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính)… Về cơ bản, các chỉ số đều được lượng hóa nhờ những tiêu chí đánh giá cụ thể, việc đánh giá phụ thuộc vào quy mô mẫu, lựa chọn phạm vi, đối tượng, thời gian nhất định… Đây là kênh thông tin tham khảo quan trọng để lãnh đạo các cấp đưa ra các biện pháp thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải thiện những mặt có chỉ số hài lòng thấp.

Nội dung cơ bản của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020

Thứ nhất: Từ thực tiễn yêu cầu quản lý xã hội, từ yêu cầu bức thiết của đổi mới, hội nhập quốc tế, thực hiện đồng bộ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, ngày 8/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Nghị quyết đưa ra 5 mục tiêu của cải cách hành chính. Mục tiêu trọng tâm cải cách hành chính là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.

Thứ hai: Từ 5 mục tiêu, Nghị quyết đưa ra 6 nhiệm vụ và cụ thể hóa từng nhiệm vụ một cách chi tiết, bao gồm: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) Cải cách tài chính công; (6) Hiện đại hóa hành chính.

Thứ ba: Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2010-2020 được chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2016-2020). Mỗi giai đoạn lại có những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Ngoài ra, ban hành kèm theo Nghị quyết có phần phụ lục về danh mục 16 đề án, dự án về cải cách hành chính quy mô quốc gia.

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ra đời tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiệu quả và có hiệu suất cao thông qua việc đơn giản hóa, loại bớt những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, cắt giảm đáng kể chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Những vấn đề đặt ra cần quan tâm thực hiện

1. Hiện tại Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 2 chương trình giám sát về cải cách hành chính:

Một là, Chương trình giám sát cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, được ký phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ năm 2014. Nội dung còn hẹp, tập trung vào giám sát thực hiện Chỉ số SIPAS, thực tế Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương đã giám sát nhiều nội dung của cải cách hành chính: một cửa, một cửa liên thông từ cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố; hoạt động của trung tâm hành chính công; theo dõi, kiến nghị giải pháp để nâng cao chỉ số của địa phương sau công bố Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính)… Chương trình này cần có đánh giá kết quả giám sát trong thời gian qua; chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, phương pháp, cách làm giám sát có hiệu quả thời gian tới (Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức tháng 5 và 7 vừa qua, đã chỉ ra những nội dung cần quan tâm, đã có văn bản hướng dẫn, phổ biến đến 63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các tỉnh, thành phố, dự kiến trước khi triển khai trong quí IV/2018 sẽ tổ chức tập huấn.

Hai là, Chương trình phối hợp giám sát cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan, ký phối hợp từ năm 2014 giữa 5 cơ quan, tổ chức (Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh các HTX Việt Nam và 2 hiệp hội doanh nghiệp). Chương trình này cũng cần đổi mới phương pháp, cách làm, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở 63 tỉnh, thành phố. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký chương trình giai đoạn 2018 - 2020 và có văn bản hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các địa phương.

Vấn đề đặt ra là, vẫn chương trình đó, nhưng trọng tâm hàng năm tập trung giám sát nội dung việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh (50%); giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết, tăng khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp. Phương pháp, cách làm có sự đổi mới, có sự vào cuộc thực sự của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy cải cách hành chính.

2. Vấn đề lớn liên quan đến đông đảo người dân hiện nay là chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế được người dân quan tâm, có nhiều ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, gửi đến các cấp, nhất là trong các kỳ họp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Người dân quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ; giá dịch vụ, học phí, giá thuốc; lợi dụng, lãng phí trong sử dụng bảo hiểm y tế; vấn đề đạo đức nghề nghiệp… Hội nghị Trung ương 6 khóa XII có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát thực hiện Nghị quyết. Hiện nay Nghị quyết số 08/NQ-CP2018 của Chính phủ đã ban hành, nhưng tổ chức thực hiện còn rất chậm.

Kinh nghiệm và qui định đã chỉ rõ, muốn giám sát được phải có kế hoạch và chương trình phối hợp. Rõ nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, giám sát. Ba chương trình giám sát nghị quyết về Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo, Y tế hiện nay của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được đánh giá rút kinh nghiệm, đưa nội dung mới vào triển khai trong thời gian tới cho phù hợp. Các ban, Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì chương trình, phải thực hiện đánh giá kết quả thực hiện chương trình, đề xuất nội dung mới trước tổng kết 5 chương trình hành động Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước tháng 12/2018.

3. Cải cách hành chính có 6 nội dung, thực tế 11 chương trình giám sát hiện nay của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều liên quan trực tiếp đến cải cách hành chính. Như vậy, nội dung, phạm vi giám sát rất rộng. Vấn đề đặt ra là, nên đi sâu vào nội dung gì phù hợp với khả năng và điều kiện hiện nay của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, vừa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước đặt ra và nhân dân đòi hỏi?

Nên tập trung giám sát thực hiện các nội dung, hình thức công khai để biết đâu là hình thức, đâu là thực chất, phát huy dân chủ và giám sát của người dân, kiến nghị mở rộng công khai bằng những hình thức thiết thực, hiệu quả. Công khai, minh bạch là chìa khóa để chống tham nhũng, phiền hà, quan liêu, tiêu cực, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí, tăng khả năng tiếp cận của người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công và dịch vụ sự nghiệp sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chỉ số hài lòng một cách thực chất.

4. Từ những phản ánh, ý kiến kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, những vấn đề nhân dân đang bức xúc liên quan đến chương trình giám sát của cả giai đoạn, bằng các hình thức giám sát phù hợp tiến hành giám sát các nội dung cụ thể để phát hiện vi phạm, vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện.

Giám sát chỉ số hài lòng, nên tập trung giám sát việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức (góp ý kiến trước khi ban hành); các hình thức lấy ý kiến hài lòng của người dân thuận tiện và khách quan (hòm thư góp ý không hiệu quả, biểu hiện sự hài lòng của từng người dân với từng dịch vụ thông qua điện tử nhiều nơi làm tác dụng tốt); giám sát cách lấy ý kiến bảo đảm khách quan (đối tượng, thành phần lấy ý kiến); giám sát phương pháp tổng hợp đánh giá bằng báo cáo giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trước khi công bố, đưa ra kiến nghị giải pháp để nâng cao sự hài lòng của người dân một cách thực chất.

5. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải thể hiện chính kiến, quan điểm rõ ràng, để thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, dịch vụ công, dịch vụ đơn vị sự nghiệp.

Ngô Sách Thực

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều