Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào ở Tây Nguyên, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn lực lớn để phát triển. Nhiều chính sách mang tính đột phá được ban hành nhằm tập trung giải quyết vấn đề đất đai, nhà ở, giao đất, giao rừng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới Tây Nguyên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, hệ thống chính trị các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực trong tất cả các lĩnh vực.

Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở các địa phương trong vùng, hệ thống Mặt trận và các thành viên đã chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tích cực tham mưu các cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp vận động đồng bào trong vùng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt ở các địa bàn trọng điểm, góp phần vào việc ngăn chặn làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX, XI, ngày 6/10/2022 Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị” nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên, đồng thời phối hợp liên kết với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ trong công tác xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng, đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Nghị quyết 152 của Chính phủ đặt mục tiêu phát triển các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%. Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỉ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%. Đến năm 2030, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỉ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỉ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỉ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định1.

Tuy nhiên, hiện các tỉnh trong vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại trong nhiều năm qua là: Phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, toàn vùng vẫn còn 129.160 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,39%. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,99% với 107.487 hộ; nguy cơ tái nghèo còn cao, đầu năm 2023, Chính phủ đã xuất cấp không thu tiền 478,305 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Gia Lai; và 400,56 tấn gạo cho tỉnh Đắk Nông; 1.015,11 tấn gạo cho tỉnh Đắk Lắk để hỗ trợ Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và 591,495 tấn gạo cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ Nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 20232. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc, nhất là của nhóm các dân tộc bản địa, chậm được thu hẹp; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết; vẫn còn 2.233 người sống du canh, du cư, trong đó Đắk Nông là 773 người, Đắk Lắk là 505 người, Lâm Đồng là 484 người, Kon Tum là 105 người3. Công tác xử lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt được mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên bị xuống cấp cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ suy giảm. Nhiều di sản văn hoá dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức. Giáo dục - đào tạo chuyển biến còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình của cả nước. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, vấn đề tôn giáo, dân tộc vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp trong cuộc đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, nếu không chú ý làm tốt công tác vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì các thế lực thù địch sẽ có cơ hội lợi dụng, lôi kéo đồng bào thành lực lượng đối trọng với chính quyền như đã từng xảy ra tại một số địa phương trong vùng. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số địa phương còn hình thức, chưa sâu sát quần chúng theo tiêu chí: "Lấy đoàn viên, hội viên làm đối tượng, lấy hộ gia đình, thôn buôn làm địa bàn cơ sở" để vận động đồng bào. Cán bộ làm công tác vận động quần chúng đã được học tiếng dân tộc nhưng chất lượng hạn chế, nhiều thành viên các tổ, đội công tác vận động quần chúng không biết tiếng dân tộc, nên không hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân, nắm tình hình ở cơ sở không chắc nên khi xảy ra biểu tình, bạo loạn thì bị động, bất ngờ, lúng túng trong xử lý.

Để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên trong thời gian tới, hệ thống Mặt trận các cấp vùng Tây Nguyên cần tiếp tục phối hợp thực hiện các nhiệm vụ như sau:

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại
Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, bày tỏ niềm xúc động, tự hào khi được nhận huy hiệu
30 năm tuổi Đảng, tháng 1/2023.
ẢNH: QUANG VINH
Một là, tăng cường công tác phối hợp quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong đồng bào các dân tộc tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ; công tác tuyên truyền vận động đồng bào cần được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào hiểu được chính sách ưu việt và sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, từ đó tạo sự đồng thuận, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm cùng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần thường xuyên đi sâu tìm hiểu, nắm rõ được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra. Trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với tâm lý, đặc điểm của đồng bào giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, không để xảy ra mâu thuẫn; nhất là những vấn đề liên quan đến nhu cầu tôn giáo, tranh chấp đất đai.

Hai là, tăng cường công tác tập hợp, vận động quần chúng vào các hình thức tổ chức thích hợp, chú trọng công tác xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, đủ sức làm công tác tập hợp, vận động quần chúng có hiệu quả. Vì vậy, Mặt trận các cấp cần chủ động tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xây dựng, củng cố tổ chức, tập hợp quần chúng vào tổ chức đoàn thể là nhiệm vụ cấp thiết đối với xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng Tây Nguyên.

Ba là, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia thực hiện công tác giám sát các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước ở các địa bàn khu dân cư, đảm bảo các mục tiêu đề ra nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho Nhân dân các dân tộc thấy rõ không khí dân chủ tại buôn, làng, từ đó tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức chính trị phát động, phát huy tính tích cực, sáng tạo của đồng bào tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở các địa phương; thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa. Vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá, giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số, nhất là các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, phối hợp thực hiện công tác lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc sinh sống ở các khu dân cư, hiểu rõ sự quan tâm và chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây kích động, chia rẽ giữa các dân tộc, các tôn giáo; chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, tự ti, mặc cảm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Xây dựng tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa Nhân dân trong vùng với Nhân dân vùng biên giới các nước bạn láng giềng.

Chú thích:

1.  Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 “Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị”.

2. Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 18/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023.

3. Báo cáo Tổng Cục Thống kê năm 2020.

Nguyễn Hữu Dũng

Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều