Nghiên cứu về nội hàm khái niệm lãnh đạo và quản lý

(Mặt trận) - Thuật ngữ “lãnh đạo” và “quản lý” thường được nói đến hàng ngày, tuy nhiên trên thực tế, để phân biệt một cách rạch ròi là không dễ. Những nhà nghiên cứu lý thuyết về “lãnh đạo học” và quản lý học” cũng chưa hoàn toàn thống nhất được về một định nghĩa cho hai thuật ngữ trên, song nhìn chung đều khẳng định, lãnh đạo và quản lý là hai công việc khác nhau. Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính, việc nhìn nhận và phân định rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm trên là cần thiết.


Lãnh đạo và quản lý

 Ảnh minh họa. 

Từ điển Bách khoa Việt nam không có định nghĩa từ lãnh đạo, nhưng đối với từ quản lý thì giải thích là “chức năng và hoạt động của hệ thống có tổ chức thuộc các giới khác nhau (sinh học, kĩ thuật, xã hội), bảo đảm giữ gìn một cơ cấu ổn định nhất định, duy trì sự hoạt động tối ưu và bảo đảm thực hiện những chương trình và mục tiêu của hệ thống đó.”

Từ điển Tiếng Việt của Việt Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên,  giải thích: “Lãnh đạo” là đề ra chủ trương và tổ chức động viên thực hiện, còn “Quản lý” là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu nhất định.

Như vậy, lãnh đạo là chỉ đường, vạch lối, hướng tới mục tiêu cuối cùng, còn quản lý là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo các yêu cầu đó. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối, nguyên lý, sách lược, còn quản lý là tổ chức thực hiện. Lãnh đạo quan tâm đến những vấn đề chiến lược, những mục tiêu lâu dài, còn quản lý chú trọng những yêu cầu có tính chiến thuật, mục tiêu cụ thể và thường là ngắn hạn. Lãnh đạo có thể gắn với các khía cạnh trừu tượng của cuộc sống, còn quản lý thường phải xử lý những vấn đề rất thực tế. Lãnh đạo thuộc lĩnh vực chính trị, người lãnh đạo là nhà chính trị, còn quản lý thuộc lĩnh vực hành chính, người làm quản lý là những “nhà hành chính”.

Lãnh đạo dùng biện pháp động viên, thuyết phục, gây ảnh hưởng dựa vào đạo lý là chính, trái lại quản lý phải sử dụng các biện pháp tổ chức chặt chẽ, dựa vào ràng buộc của pháp chế, thể chế. Lãnh đạo tác động đến ý thức của con người, còn quản lý sử dụng con người như một nguồn lực, nguồn nhân lực bên cạnh nguồn tài lực và vật lực. Lãnh đạo thuộc về phạm trù tư tưởng, lý luận và đạo đức, không có tính cưỡng chế, còn quản lý lại thuộc phạm trù luật pháp, pháp quy, có ý nghĩa cưỡng chế rõ rệt

Nhà lãnh đạo

Dù nhìn nhận theo cách nào, thì một nhà lãnh đạo phải đảm bảo được 3 yếu tố: tầm nhìn, truyền cảm hứng và gây ảnh hưởng. Hiểu một cách đơn giản, nhà lãnh đạo là người có khả năng tạo ra tầm nhìn cho một tổ chức hay một nhóm và biết sử dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng cho những người đi theo thực hiện tầm nhìn đó.  Tùy theo từng khía cạnh nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu có các định nghĩa khác nhau về nhà lãnh đạo.

Lãnh đạo là động từ, chỉ hoạt động, còn nhà lãnh đạo là danh từ chỉ chủ thể thực hiện hành động. Khái niệm “Nhà lãnh đạo” hay bị nhầm lẫn với nhiều khái niệm khác. Người ta thường đánh đồng nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp với nhà lãnh đạo. Nhà lãnh đạo và nhà quản lý: Nhà lãnh đạo được mô tả là người "tìm đường", nhà quản lý là người "đi đường", chức năng lãnh đạo là "bức tranh lớn", chức năng quản lý lại hẹp hơn. Trong doanh nghiệp, người đứng đầu thường giữ cả hai vai trò lãnh đạo và quản lý, trong tình huống này họ thực hiện công việc lãnh đạo, trong tình huống khác họ thực hiện công việc quản lý. Mọi người có thể gọi họ là nhà lãnh đạo hoặc nhà quản lý của doanh nghiệp, và điều này dẫn tới những nhầm lẫn giữa nhà quản lý và nhà lãnh đạo. Phải chú ý rằng, một nhà lãnh đạo cũng là một nhà quản lý chuyên nghiệp, nhưng một nhà quản lý giỏi chưa chắc đã là một nhà lãnh đạo.

Điểm khác biệt thứ hai giữa một nhà lãnh đạo và một nhà quản lý là khả năng tạo ra tầm nhìn. Nhà lãnh đạo có khả năng tạo ra tầm nhìn cho tổ chức, hướng tới mục tiêu tương lai của tổ chức, còn nhà quản lý thì chỉ tập trung vào mục tiêu hiện tại của tổ chức.

Nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp: Chủ doanh nghiệp là người bỏ vốn vào công ty để kinh doanh và bỏ tiền ra để thuê người khác làm việc cho mình. Họ có thể thuê giám đốc lãnh đạo công ty cho mình. Vì vậy, chủ doanh nghiệp có quyền quyết định nhiều vấn đề đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp trong nhiều trường hợp cũng chính là người điều hành doanh nghiệp. Điều này cũng làm người ta nhầm lẫn giữa chủ doanh nghiệp và nhà lãnh đạo.

Sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp cũng chính là sự ảnh hưởng. Chủ doanh nghiệp thuê người khác làm việc cho mình, nhưng không có nghĩa là họ có ảnh hưởng với những người đó. Họ chỉ trả tiền để người lao động thực hiện những công việc yêu cầu. Nhà lãnh đạo bằng ảnh hưởng của mình để cuốn hút, lôi kéo người khác, khiến họ làm việc tốt hơn.

Bản chất của công việc lãnh đạo

Thực chất công việc lãnh đạo là khả năng tạo ra tầm nhìn, cảm hứng và ảnh hưởng trong tổ chức. Ba nhiệm vụ này kết hợp với nhau, tạo nên sự khác biệt của một nhà lãnh đạo với bất kỳ ai. Người nhìn xa trông rộng không phải là người lãnh đạo nếu anh ta không thể truyền cảm hứng. Người tạo ra và duy trì được ảnh hưởng không phải là người lãnh đạo nếu anh ta không thể tạo ra một tầm nhìn. Tầm nhìn, cảm hứng và ảnh hưởng cần phải được thực hiện một cách khéo léo và bài bản, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có những phẩm chất và kỹ năng riêng biệt. Vì vậy, công việc lãnh đạo vừa mang tính chất nghệ thuật, lại vừa mang tính chất khoa học.

Tầm nhìn: là hình ảnh tích cực về tương lai của tổ chức mà tất cả mọi người trong tổ chức đều tin tưởng và mong muốn biến nó thành hiện thực. Tạo ra tầm nhìn là công việc chính của nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo phải biết dẫn dắt tổ chức mình đi tới đâu, phải hình dung ra tương lai chung của tổ chức.

Cảm hứng: Khi xây dựng được tầm nhìn, nhà lãnh đạo phải khơi dậy và truyền được cảm hứng cho người khác để họ đi theo và thực hiện. Nếu tầm nhìn không được truyền đạt tới mọi người và không được thực hiện thì tầm nhìn trở nên vô nghĩa. Vậy công việc thứ hai của nhà lãnh đạo là truyền cảm hứng cho mọi người.

Ảnh hưởng: Lãnh đạo sẽ không thể là lãnh đạo nếu không có ảnh hưởng, và ảnh hưởng được tạo ra từ quyền lực của nhà lãnh đạo. Nói cách khác, tất cả các công việc lãnh đạo đều phải sử dụng đến quyền lực.

 Thuật ngữ “nghệ thuật lãnh đạo” cũng phần nào nói lên bản chất của công việc lãnh đạo. Tuy nhiên, bản chất của công việc lãnh đạo là bao gồm cả nghệ thuật và khoa học. Lãnh đạo cũng được xem là khoa học vì công việc lãnh đạo như một tiến trình và cần phải có những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo hiệu quả. Muốn làm tốt công việc lãnh đạo, bản thân mỗi nhà lãnh đạo cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về việc nghiên cứu lãnh đạo, sẽ giúp họ phân tích được các tình huống lãnh đạo từ các quan điểm học thuật khác nhau và có thể học cách trở thành lãnh đạo hiệu quả hơn.

Kỹ năng của nhà lãnh đạo

Một nhà lãnh đạo tốt phải có được các kỹ năng nhận thức, kỹ năng quan hệ và kỹ năng công việc.

Kỹ năng nhận thức: bao gồm khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề, suy nghĩ logic và toàn diện. Nhà lãnh đạo cần có các kỹ năng này để nhận thức được các xu thế phát triển, những cơ hội và thách thức trong tương lai, dự đoán được những thay đổi, từ đó hình thành nên tầm nhìn cho tổ chức.

Kỹ năng quan hệ xã hội: bao gồm khả năng nhận thức về hành vi của con người và quá trình tạo lập mối quan hệ giữa con người với con người. Cụ thể đó là những hiểu biết về cảm xúc, thái độ, động cơ của con người thông qua lời nói và hành động của họ. Chính kỹ năng “hiểu người” sẽ giúp nhà lãnh đạo có cách truyền cảm hứng và tạo động lực cho cấp dưới một cách hiệu quả.

Kỹ năng công việc: là những kiến thức về phương pháp, tiến trình, kỹ thuật… về một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Người lãnh đạo cần phải là người sở hữu các tri thức và phải là chuyên gia trong lĩnh vực họ đang làm. Một nhà lãnh đạo tốt phải là một nhà quản lý giỏi, vì vậy nhà lãnh đạo phải có được các kỹ năng quản lý, lập kế hoạch…của một nhà quản lý.

Một số phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cán bộ, đảng viên phải thực hiện trách nhiệm nêu gương theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” [4]

Nhận thức đúng về đặc điểm, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo.

Hoạt động lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng hàng đầu đối với hiệu quả, sự phát triển của các tổ chức, địa phương và cả quốc gia. Lãnh đạo là hình thức hoạt động quản lý cấp cao nhất, nhiều thách thức nhất song có khả năng đem lại hiệu quả lớn nhất trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của quản lý. Nhà lãnh đạo phải có các kiến thức, kỹ năng làm việc hiệu quả, có năng lực phát triển cấp dưới để thực hiện các mục tiêu tổ chức và phát triển tổ chức bền vững.
Năng lực lãnh đạo, quản trị quốc gia của Việt Nam hiện được quy định, phụ thuộc vào các nhân tố: Đường lối, chính sách; Thể chế; Tổ chức bộ máy; Điều kiện kinh tế, chính trị; Đội ngũ cán bộ, trong đó cán bộ cấp chiến lược có vai trò quan trọng nhất. 

Chú trọng việc phát hiện, đào tạo cả về lý luận khoa học và thực tiễn.

Lãnh đạo, quản lý là một công việc đòi hỏi người thực hiện phải có những tố chất nghề nghiệp phù hợp và có thái độ, kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp. Việc sớm phát hiện và đào tạo các tố chất, phẩm chất và năng lực lãnh đạo từ sớm và tạo môi trường, điều kiện cho họ phát triển theo một lộ trình khoa học là rất cần thiết. Một số nước tiên tiến đã có các chương trình đào tạo kỹ năng và thái độ, hành vi lãnh đạo ngay từ chương trình giáo dục phổ thông và đại học. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược của nước ta cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Chú trọng năng lực và xếp hạng theo hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi người.

Các nước phát triển chú trọng trước tiên tới năng lực hoạt động thực tiễn của người lãnh đạo, từ đó phân loại, xếp hạng họ theo chất lượng, đẳng cấp. Cách đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ của ta hiện nay vẫn thiên về các chức vụ, vị trí công tác đã kinh qua. Chúng ta cần xây dựng được phương thức đánh giá, sử dụng cán bộ để bảo đảm cán bộ cấp chiến lược phải là những người đạt năng lực cao nhất, là những người xứng đáng được xếp hạng cấp độ cao nhất.

Có cơ chế phát hiện, đánh giá, sử dụng nhân tài từ khu vực tư nhân và từ xã hội một cách khoa học để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chiến lược cho hệ thống chính trị.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước...; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân” [2]; “Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” [3].

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Khu vực này đã và đang xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp tài giỏi, có tầm nhìn và sự ảnh hưởng lớn. Theo cơ chế hiện nay ở nước ta, họ ít có khả năng và ít có mong muốn làm lãnh đạo, quản lý trong khu vực công cũng như trong hệ thống chính trị. Do đó, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần chú ý đến nguồn lãnh đạo tài năng này và có cơ chế, chính sách thu hút để họ cống hiến cho đất nước./

------------------------------------

Tài liệu tham khảo

1. Giáo sư Hoàng Phê; Từ điển Tiếng Việt; Việt Ngôn ngữ học (2020)

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 178 – 179

3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 231

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 96

 

Nguyễn Thị Lương Thiện

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều