Những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

Ngày 29-12-2021, Hội thảo lý luận lần thứ mười sáu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề: “Những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình lãnh đạo tìm tòi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước” đã được tổ chức. Đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo. Tạp chí  trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng. Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản.

1- Sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực tìm tòi, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi thời kỳ một cách phù hợp; qua đó, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ( 3-2-1930 - 3-2-2022) _Ảnh: TTXVN 
Ngày 16-5-2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết rất quan trọng với tiêu đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết rất đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong bài viết này, được dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, với sự kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là khát vọng của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Hơn 90 năm qua, phát huy bản lĩnh, trí tuệ của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng nhân dân kiên cường vượt qua những chặng đường đấu tranh với muôn vàn khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh, để thực hiện sứ mệnh lịch sử chưa hề có tiền lệ: Tiến hành đồng thời cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; qua đó, lập nên những chiến công oanh liệt, những thắng lợi vẻ vang và đạt được những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, trên cơ sở tổng kết thực tiễn sáng tạo của quần chúng nhân dân, phân tích và dự báo đúng tình hình thế giới và xu thế thời đại, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước chuyển to lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới là sự lựa chọn mang tính lịch sử, là quá trình thay đổi sâu sắc, toàn diện về nhận thức, tư duy lý luận, về chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đã thật sự trở thành sản phẩm sáng tạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, mang lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Nhìn lại hơn 35 năm qua, khẳng định đường lối đổi mới là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam hướng vào khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc; đề ra mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự thể hiện tầm nhìn của Đảng thống nhất với khát vọng của nhân dân; là động lực to lớn phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để Việt Nam lập nên kỳ tích phát triển mới, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay _Ảnh: Tư liệu
Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào, nếu Đảng kiên định, vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thì tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vượt qua được những thử thách cam go, giành được thắng lợi. Nếu Đảng rơi vào giáo điều, vận dụng máy móc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thì tiến trình đó sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí thụt lùi, thất bại. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới; song, cần hiểu đúng rằng, đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, xa dân, xa rời những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; xa rời các nguyên tắc và phương thức lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính; thiếu sự thích ứng với những thay đổi thường xuyên của thực tiễn. Đó còn là hệ quả của những sai lầm về đường lối phát triển kinh tế - xã hội; sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị, nhất là sự buông lỏng công tác chính trị - tư tưởng, công tác cán bộ của các đảng cộng sản cầm quyền trong quá trình cải tổ ở các nước này.

2- Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra năm bài học kinh nghiệm lớn, cũng có thể được coi là năm vấn đề lý luận căn cốt của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đó là: 1- Triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; 2- Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; 3- Có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối; 4- Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 5- Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Đặc biệt, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam thành công, trước hết phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc hết sức quan trọng, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Với nhận thức về chủ nghĩa xã hội vừa mang tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nghiên cứu, tìm tòi mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Thứ nhất, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng có 8 đặc trưng, vừa mang giá trị, ý nguyện và khát vọng của dân tộc Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của nhân loại và tầm nhìn của thời đại, đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Thứ hai, để xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam cần tiến hành 8 phương hướng cơ bản, đó là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong triển khai các phương hướng lớn đó, cần bám sát quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: Phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Thứ ba, chú trọng xây dựng, hoàn thiện ba trụ cột của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình tổng quát của nền kinh tế Việt Nam. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là nền kinh tế lấy nhân dân làm trung tâm, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

2- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; chủ quyền của nhân dân là tối thượng; thực hành sáng tạo nguyên tắc: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, phù hợp với điều kiện thực tế và mô hình hệ thống chính trị Việt Nam.

3- Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa - phương thức hiệu quả nhất để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam có sự thống nhất giữa tính giai cấp với tính nhân dân, giữa tính dân tộc với tính nhân loại. Đó là nền dân chủ mang bản chất nhân văn vì con người, do con người nên không mâu thuẫn mà thống nhất với tính pháp lý: Dân chủ phải luôn bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên thực tế, đồng thời gắn với tính pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Thứ tư, nắm vững, quán triệt sâu sắc và xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn phản ánh những vấn đề mang tính quy luật biện chứng của quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là: 1- Quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; 2- Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; 3- Quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; 4- Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; 5- Quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; 6- Quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; 7- Quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 8- Quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; 9- Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; 10- Quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Thứ năm, một vấn đề có ý nghĩa then chốt là: Sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội luôn được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Luôn quán triệt sâu sắc bài học “dân là gốc”, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân; Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình.

 Đồng chí GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo lý luận lần thứ mười sáu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến _Ảnh: TTXVN
Càng đi sâu vào tiến trình đổi mới, càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng ta càng ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mà nhân dân giao phó. Cụ thể là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, trọng tâm là đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Từ thực tiễn qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành, từng bước hoàn thiện và hiện thực hóa lý luận về đường lối đổi mới Việt Nam, thể hiện tầm nhìn, mục tiêu và các định hướng phát triển đất nước, đúc kết những bài học kinh nghiệm, những quan điểm chỉ đạo, những mối quan hệ lớn phù hợp với quy luật khách quan, để tiếp tục bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh thế giới và nhân loại đứng trước những biến động lớn, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là niềm cổ vũ lớn lao cho sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, to lớn hơn nữa, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.

GS, TS. NGUYỄN XUÂN THẮNG

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều