Những vấn đề lý luận về phương thức và đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới

(Mặt trận) - Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Tuy nhiên, việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới. Làm rõ những vấn đề lý luận về đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội hiện nay.
Những vấn đề lý luận về phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

Phương thức là sự kết hợp của cách thức và phương pháp tiến hành một công việc, nhiệm vụ, giải pháp… nào đó của tổ chức, cá nhân trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội mà chủ thể thực hiện nhiệm vụ, giải pháp có phương thức thực hiện tương ứng.

Phương thức hoạt động là cách thức và phương pháp tiến hành những việc có quan hệ với nhau nhằm một mục đích chung, trong một lĩnh vực nhất định. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cách thức và phương pháp mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành những công việc (hoạt động) nhằm mục đích thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình. Ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của mỗi giai đoạn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có phương thức hoạt động tương ứng cụ thể. Việc xác định đúng và thực hiện hiệu quả phương thức hoạt động là yếu tố quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành vai trò, nhiệm vụ. Ngược lại, nếu xác định phương thức hoạt động không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ hoặc thực hiện không hiệu quả thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.

Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một cấu phần của phương thức tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

Thực hiện bình đẳng, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau để đạt mục tiêu thống nhất hành động trong tất cả các thành viên. Tính kỷ luật, chặt chẽ trong phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở sự tự giác, tự nguyện, cam kết của mỗi thành viên.

Đổi mới cách thức, phương pháp hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng là yêu cầu rất quan trọng trong thực hiện đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tùy theo từng nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều phương thức hoạt động khác nhau, trong đó có những phương thức phối hợp, lồng ghép với nhau.

Phương thức quan hệ với nhân dân

Với vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan hệ chặt chẽ với nhân dân. Luôn luôn tiếp xúc, gần gũi, am hiểu tình hình nhân dân. Lắng nghe, tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chịu sự giám sát của nhân dân về trách nhiệm trước nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tính hiệu quả, thiết thực trong tổ chức và hoạt động của mình.

Phương thức quan hệ với các tổ chức trong hệ thống chính trị

Phương thức thực hiện mối quan hệ với Đảng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phương thức quan hệ với Đảng bằng việc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng với tư cách của một tổ chức trong hệ thống chính trị chịu sự lãnh đạo của Đảng (quy định tại Điều 4 Hiến pháp) và khi Đảng thực hiện vai trò “vừa là người lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (thông qua việc chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đã ban hành). Ngược lại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện mối quan hệ với Đảng thông qua trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phương thức quan hệ với Đảng với tư cách người chủ trì tổ chức việc phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà Đảng là một tổ chức thành viên theo quy định của Đảng và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa là người lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”1.

Phương thức thực hiện mối quan hệ với Nhà nước: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quan hệ với Nhà nước với tư cách là một tổ chức trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội có trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ngược lại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thông qua giám sát, phản biện xã hội, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phương thức quan hệ với Nhà nước với tư cách là bộ phận của hệ thống chính trị, phối hợp với Nhà nước để tuyên truyền, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Phương thức quan hệ với các thành viên trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phương thức quan hệ với các thành viên trong Mặt trận với tư cách là người chủ trì tổ chức việc phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên trên cơ sở nguyên tắc: Bình đẳng về vị trí, dân chủ thảo luận đi đến thống nhất và hành động; tôn trọng, phối hợp, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi tổ chức và nhiệm vụ chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phương thức quan hệ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Quan hệ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên với cấp dưới là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động; giữa các Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp là quan hệ phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Phương thức quan hệ với các tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên của Mặt trận và các đoàn thể

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò, nhiệm vụ to lớn, trách nhiệm nặng nề trong việc góp phần cùng hệ thống chính trị tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị, nhưng tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp rất tinh gọn, thiếu lực lượng để tiến hành công việc được giao. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần huy động trí tuệ, sự sáng tạo của các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội; vừa thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa hỗ trợ cho công tác của Mặt trận trên từng lĩnh vực. Vì vậy, trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải có tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên.

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phương thức quan hệ với các tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên bằng việc vận động, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn về công tác Mặt trận để tiếp nhận ý kiến tham mưu, tư vấn trên các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện và động lực thúc đẩy sự tham mưu, tư vấn tích cực của tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên.

Phương thức quan hệ trong bộ máy chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Bộ máy trong cơ quan chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là đơn vị hành chính trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước. Các thành viên trong bộ máy chuyên trách thực hiện các mối quan hệ công tác theo Luật Công chức, Luật Viên chức và các quy định cụ thể khác của pháp luật, của cơ quan chính quyền cùng cấp.

 Phương thức quan hệ giữa bộ máy chuyên trách, giữa cán bộ chuyên trách của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên cùng cấp là quan hệ phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở tham mưu, phục vụ nhiệm vụ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Phương thức công tác, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên trong tiến hành công tác Mặt trận. Từ tính chất là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện phương thức hiệp thương dân chủ, thảo luận, bàn bạc đi đến thống nhất hành động khi triển khai các hoạt động hoặc công tác của Mặt trận trên các lĩnh vực.

Phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không dùng mệnh lệnh, chỉ thị mà sử dụng phương thức tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục khi triển khai các hoạt động, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trên cơ sở đó tạo nên sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương thức giám sát và phản biện xã hội. Để thực hiện vai trò đại diện nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát các cơ quan nhà nước công việc điều hành, quản lý xã hội vừa bảo đảm thực hiện nghiêm minh quy định của Hiến pháp và pháp luật, vừa bảo đảm quyền lợi của nhân dân; giám sát về hiệu quả thực hành công vụ, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ chính quyền các cấp.

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng

Đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải nằm trong tổng thể đổi mới của hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là nhằm làm cho chế độ chính trị ở nước ta đã được thiết lập trước đây ngày càng vững mạnh, ưu việt hơn, bảo đảm sự đúng đắn và đầy đủ hơn bản chất của một thể chế chính trị “của dân, do dân và vì dân”. Phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Bảo đảm cho các bộ phận cấu thành hệ thống hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Thực hiện ngày càng rõ và đúng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Đồng thời, xác lập cơ chế vận hành thông suốt, chặt chẽ của cả hệ thống dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày 8/12/2009, Bộ Chính trị ban hành văn bản số 62-KL/TW, Kết luận của Bộ Chính trị Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nêu rõ sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó: Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng việc ban hành chủ trương, đường lối của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình mới. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Nâng cao hơn nữa tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân; xây dựng và ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Phát huy tính năng động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, định kỳ cấp ủy đảng các cấp làm việc, nghe báo cáo tình hình và định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội2.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011 - 2016) của Đảng tiếp tục nêu rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động...; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội"3.

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) khẳng định: Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội4.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: Tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc5.

Các cấp uỷ đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác Mặt trận và các đoàn thể. Đưa nhiệm vụ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể nhân dân vững mạnh thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.

Các cấp uỷ, người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Xây dựng và ban hành quy chế lãnh đạo, làm việc của cấp uỷ đảng với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để bảo đảm Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cơ sở pháp lý bảo đảm việc đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, trong đó những vấn đề liên quan đến phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được chế định tại Điều 9: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6.

 Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 với 8 chương, 41 điều quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó tại mục 5, Điều 8 về quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhân dân, ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện trách nhiệm của mình với nhân dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”7.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đây là các văn bản pháp luật quan trọng thể chế hóa vai trò, vị trí, nhiệm vụ và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo quan điểm, chủ trương của Đảng.

Lê Bá Trình

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chú thích:

1. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991); Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, số 62- KL/TW, ngày 8/12/2009.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

6. Trích Điều 9, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013.

7. Quốc hội, Luật số 75/2015/QHXIII, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/6/2015.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều