Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Mặt trận) - Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức, cơ quan, các ngành, các cấp, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm tham gia vào công tác này, góp phần xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thật sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc.

 Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh Báo Chính phủ

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp quyền nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980,1992 và Hiến pháp năm 2013. Trong công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị tham gia, thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, một thành viên quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế… Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”1.

Hơn 76 năm qua từ khi có chính quyền (tháng 9/1945), trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các hoạt động về pháp quyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã góp phần quan trọng tham mưu vào việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của phụ nữ và Nhân dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa hội viên, phụ nữ với Đảng, Nhà nước trong phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước còn nhiều hạn chế như: Nhận thức của các cấp hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ về đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa sâu sắc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Công tác giám sát và phản biện xã hội của Hội về một số chủ trương, chính sách, pháp luật đối với phụ nữ, trẻ em và thực hiện bình đẳng giới chuyển biến chậm, hiệu quả thấp. Chưa phối hợp chặt chẽ, đề xuất các biện pháp mạnh với các cơ quan pháp luật của Nhà nước để xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Trong các nhiệm kỳ gần đây, mặc dù số lượng phụ nữ là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có tăng lên đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt tham gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước, lĩnh vực tư pháp.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Hơn nữa, do tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới, nhất là trong quản lý hoạt động của Nhà nước. Đối với nước ta, dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào, nhưng đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao, chưa bền vững, lại do tác động tiêu cực của dịch bệnh và thiên tai, hạn hán, bão lũ liên tiếp xảy ra, nhất là làn sóng Covid-19 lần thứ tư gây ra thiệt hại rất nặng nề về người và vật chất, tinh thần của xã hội. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”2 đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta cần quan tâm giải quyết, đổi mới làm cho đất nước phát triển.

Trước tình hình đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ vả tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”3. Các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Để phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội cần tập trung tham gia vào các nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, Hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nhận thức, hiểu rõ về việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. “Mọi quyền hành điều ở nơi dân”, cho nên phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh. Giáo dục ý thức tôn trọng và thực hiện pháp luật cho các tầng lớp phụ nữ. Mỗi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ, tôn trọng luật pháp, kỷ cương của Nhà nước trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tích cực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền của phụ nữ.

Hai là, Hội cần chủ động đề xuất xây dựng luật pháp, chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đảm bảo có yếu tố giới và góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, Hội cần nghiên cứu xây dựng các đề án phù hợp để tạo cơ chế, nguồn lực cho các cấp Hội triển khai hoạt động, góp phần thúc đẩy năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ các đối tượng phụ nữ yếu thế, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ phụ nữ, bà mẹ và trẻ em. Các chính sách, đề án, kế hoạch được Hội đề xuất phải bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, phải dựa vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, phù hợp với thực tế các vấn đề của phụ nữ trong điều kiện của từng địa phương, cơ sở. Để chính sách cho phụ nữ thực sự đi vào cuộc sống, các cấp Hội phải chủ động, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, nhu cầu, bức xúc của phụ nữ để tham mưu bổ sung, sửa đổi các chính sách cho phù hợp, hiệu quả, giải quyết các vấn đề của phụ nữ, góp phần xây dựng sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của các tầng lớp phụ nữ.

Ba là, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải tham gia tích cực xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, hiện đại, trong sạch vững mạnh; góp phần cải cách thủ tục hành chính; tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý nhà nước. Gắn kết và đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hệ thống chính trị ở nước ta. Tham gia tích cực có trách nhiệm cao trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ, công chức nữ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Bốn là, thông qua công tác giám sát và phản biện xã hội để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới phải được lồng ghép trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Hội cần chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các Ủy ban của Quốc hội để tham gia giám sát các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước có liên quan đến phụ nữ như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em; việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, buôn bán phụ nữ; giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân; giám sát việc chính quyền các địa phương triển khai hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi môi trường, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid - 19; giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục; giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế… Hội cũng cần tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cần coi trọng việc tham gia giám sát cá nhân là cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức thực hiện Luật Công chức, Luật Viên chức, góp phần nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức phục vụ Nhân dân, tạo dựng lòng tin và sự đồng thuận trong Nhân dân đối với Nhà nước.

Hội cần coi trọng thực hiện, tham gia phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, chính sách để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ và bình đẳng giới trong các quy định pháp luật, các cấp Hội phải chủ động, kiên trì, kết hợp linh hoạt các hình thức phản biện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện phản biện xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước, của địa phương có ảnh hưởng, tác động đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới. Thông qua phản biện xã hội mà các chính sách về bình đẳng giới, chính sách dành cho phụ nữ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn đi vào cuộc sống và đáp ứng nhu cầu các tầng lớp phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai đưa luật, chính sách vào cuộc sống.

Năm là, để phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, thể hiện quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước ở địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với hội viên, phụ nữ về những vấn đề bức xúc có liên quan đến việc thưc hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đến chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân và các tầng lớp phụ nữ là hình thức phát huy dân chủ trong hoạt động của Đảng và chính quyền, phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp Nhân dân, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Các hoạt động này giúp người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, qua đó kịp thời giải giải quyết hợp tình, hợp lý những vấn đề chính đáng của Nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh.

Sáu là, để tham gia có chất lượng, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cấp Hội theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả sát cơ sở, sát với các tầng lớp phụ nữ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng cho công tác phụ nữ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ, trẻ em để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách trong mục tiêu phát triển của đất nước. Thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các nhiệm vụ chính trị - xã hội của tổ chức Hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trong tình hình mới. Tôn trọng vai trò định hướng của tổ chức Hội nhằm cung cấp thông tin đầy đủ giúp chị em phụ nữ nghiên cứu, trao đổi, thảo luận sâu các vấn đề thiết thân liên quan đến phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới. Hội cần đầu tư thoả đáng có hiệu quả đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong nắm bắt tâm tư, phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân, góp phần kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong Nhân dân, tạo sự đồng lòng, nhất trí trong thực hiện các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức, cơ quan, các ngành, các cấp, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm tham gia vào công tác này, góp phần xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thật sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc.

Chú thích:

1,2,3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.169; 89; 174 - 175.

4.  Hiến Pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Nguyễn Văn Hùng

TS, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều