Phát triển thương mại, thị trường góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi

Thương mại được coi là khâu nối quan trọng, quyết định sự vận hành của thị trường và của cả nền kinh tế. Thương mại đưa những thành tựu, sản phẩm của quá trình phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ của cả nước đến các vùng, miền, địa phương, kết nối cung cầu, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển thương mại là giải pháp căn bản để người dân có động lực và điều kiện gia tăng sản xuất, tiếp cận các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ từ nền sản xuất hàng hóa của các vùng, miền, tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập, nhờ đó cải thiện đời sống.
 

Khu bán gia súc tại chợ phiên Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai)_Ảnh: Tư liệu

Hơn 30 năm kể từ khi đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, thị trường và thương mại ở nông thôn, miền núi thông qua những định hướng chiến lược, chính sách và nhiều chương trình phát triển thương mại và thị trường. Tuy nhiên đến nay, thương mại và các loại hình thị trường ở nông thôn, miền núi vẫn chưa đạt được mong muốn và mục tiêu đã định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thương mại chưa phát huy được vai trò và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ thị trường hàng hóa chậm phát triển, mà các thị trường dịch vụ quan trọng, như thị trường lao động, tài chính, khoa học - công nghệ, lô-gi-stíc... còn sơ khai. Chênh lệch phát triển thị trường và thương mại với các khu vực trong cả nước đang kéo giãn với tốc độ ngày càng nhanh.

Tình hình phát triển thương mại và thị trường vùng nông thôn, miền núi thời gian qua

Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, thương mại và thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao và biên giới đã từng bước phát triển gắn kết với thị trường cả nước. Tốc độ tăng trưởng của tổng cầu về hàng hóa tiêu dùng trên thị trường tăng nhanh, bình quân trên 20%/năm trong thập niên gần đây nhờ sự cải thiện về thu nhập và xu hướng tăng chi mua hàng hóa, giảm tỷ lệ tự cấp, tự túc, cũng như các biện pháp kích cầu của Chính phủ và các bộ, ngành.

Kết cấu hạ tầng thương mại trên nhiều địa bàn được nâng cấp, cải tạo, xây mới với loại hình ngày càng đa dạng, làm phong phú thêm diện mạo thương mại và thị trường. So với tổng số chợ hiện có trên địa bàn cả nước và số chợ tính trên 1.000 dân thì Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vẫn là vùng đứng đầu với 28,1 chợ và 11,9 chợ. Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ thấp nhất với 6,6 chợ. Tuy loại hình siêu thị và trung tâm thương mại tại các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc đã phát triển, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp so với cả nước (siêu thị là 3 và 10%; trung tâm thương mại là 2,9 và 13,3%).

Với những thành tựu đạt được trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và xu hướng gia tăng việc làm do tác động từ các chính sách của Đảng và Nhà nước ta và sự nỗ lực của từng địa phương, cho nên, mặc dù thu nhập của người dân chưa cao, song đã từng bước được cải thiện.

Trong giai đoạn 2010 - 2018, thu nhập bình quân đầu người/tháng của dân cư nông thôn (giá hiện hành) tăng từ 1.070,5 nghìn đồng (năm 2010) lên 2.990 nghìn đồng năm 2018. Ở một số địa bàn, như Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên, thu nhập bình quân đầu người/tháng gia tăng, khoảng cách giữa các vùng dần được thu hẹp, song tốc độ còn khá chậm. Nhìn chung, điều kiện sống của một bộ phận không nhỏ của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, nhất là dân cư vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

 

Đồ họa: Thanh Hải

Thu nhập của phần lớn người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi nước ta thấp hơn khá xa so với khu vực thành thị. So với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng của cả nước, năm cao nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 63,4%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 77,8%; Tây Nguyên đạt 82,2%.

Trên bình diện toàn cảnh thực trạng thị trường các khu vực, có thể thấy, thị trường nông thôn, miền núi nước ta vẫn là một thị trường chậm phát triển với sức mua bình quân đầu người thấp. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê vào tháng 8-2019 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đạt mốc 3.000 USD/năm (tương đương 65 triệu đồng - 70 triệu đồng/người/năm). Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thu nhập thực tế bình quân một người vùng dân tộc thiểu số và miền núi khoảng 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương với 13 triệu đồng - 14 triệu đồng/năm. Như vậy, mức thu nhập của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số hiện mới chỉ bằng 1/5 mức thu nhập chung cả nước.

Số liệu thống kê cho thấy, ở vùng nông thôn và miền núi, mức chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng vẫn có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu (91,9% đến 93,4%). Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là các địa bàn có tỷ trọng chi tiêu cho đời sống cao nhất (tương ứng là 93,4% và 93%). Khoản chi tiêu khác chiếm tỷ trọng thấp (dao động từ 6,6% đến 8,1%). Quỹ mua nhỏ, mang tính phân tán, phản ánh thu nhập và trình độ mua sắm của cư dân chưa đạt đến mức đủ lớn để có thể làm thay đổi về chất của thị trường nông thôn, miền núi hiện nay. Khuynh hướng tự cấp, tự túc không những không được khắc phục mà ngược lại, càng được củng cố thêm, cộng với tư tưởng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp truyền thống đã ngự trị lâu dài, mang tính phổ biến trong mọi vùng nông thôn, miền núi vẫn sẽ là một trong những tác nhân lớn kìm hãm sự phát triển thương mại và thị trường.

 

Đồ họa: Thanh Hải

Thời gian qua, một số huyện miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Tây Nam Bộ là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, giá hàng công nghiệp (đặc biệt là hàng nhập khẩu) và hàng nông sản còn tương đối cao đối với nông dân. Bên cạnh đó, do tốc độ tăng thu nhập còn thấp so với các bộ phận dân cư khác nên tỷ trọng giữa quỹ mua của dân cư trong tổng quỹ mua xã hội có xu hướng giảm. Quy luật lợi nhuận sẽ thúc đẩy tập trung mạng lưới thương mại, thị trường ở các nơi hội tụ các điều kiện thuận tiện, bỏ qua nhu cầu ở những khu vực khó khăn, khiến cho hàng hóa lưu thông vòng vèo qua nhiều khâu trung gian, không đến tay người có nhu cầu thực sự theo con đường ngắn nhất.

 

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2018

Do vị trí địa lý của nước ta, lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến, bề ngang hẹp, địa hình phức tạp,... nên ở nhiều địa bàn tỷ suất hàng hóa nhỏ, thu nhập thấp, chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Sự thay đổi độ cao về địa hình lớn đã tạo cho các tỉnh vùng cao, biên giới có nhiều tiểu vùng khí hậu, làm tăng tính đa dạng của các sản vật địa phương. Tuy nhiên, do địa bàn nhiều nơi bị chia cắt mạnh, với độ dốc thay đổi lớn, trong đó địa hình nghiêng và dốc chiếm phần lớn diện tích đất tự nhiên là yếu tố gây trở ngại lớn đến quá trình phát triển kinh tế hàng hóa của các tỉnh, vùng nông thôn, miền núi và biên giới trên nhiều phương diện khác nhau: Khó mở rộng quy mô sản xuất, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp - chế biến; làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa; làm tăng lượng vốn đầu tư cũng như chi phí ở các khâu của quá trình sản xuất xã hội... Trên các dải núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới từ Bắc vào Nam, nhiều nơi sản xuất vẫn mang tính chất kinh tế tự nhiên, tự cung, tự cấp.

Tính liên kết trong và giữa các chủ thể kinh tế, thương nhân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đại bộ phận doanh nghiệp thương mại và hộ kinh doanh cá thể quy mô nhỏ bé trong điều kiện nguồn vốn rất hạn hẹp, hiệu quả kinh doanh thấp. Khả năng tích tụ và tập trung các nguồn lực của các doanh nhân nhìn chung chưa bảo đảm đủ sức để cạnh tranh và hợp tác. Phương thức kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ đội ngũ quản lý chưa bắt kịp yêu cầu phát triển thương mại và thị trường theo xu hướng hiện đại và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng thương mại nói riêng còn yếu, thiếu đồng bộ, mạng lưới thương mại bán lẻ (chợ, hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành thương mại (đặc biệt là mạng lưới chợ) do xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, cần được nâng cấp. Tỷ lệ chợ bán kiên cố, chợ lán, tạm, chợ cóc, khá cao (trên 70%), cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế, trong khi nhu cầu mua bán, trao đổi của người dân ngày một tăng. Loại hình cửa hàng tự chọn và siêu thị chỉ chiếm 0,42% tổng số lượng cơ sở bán lẻ. Hơn nữa, quy mô của các cửa hàng bán lẻ phổ biến là quy mô hộ gia đình, sử dụng ít lao động và thiếu tính chuyên nghiệp.

Những đặc điểm trên đã có ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến việc phát triển và làm thay đổi bộ mặt thương mại và thị trường cũng như công cuộc xóa đói, giảm nghèo đang được thực hiện. Kết quả là thị trường nông thôn, miền núi đang có khuynh hướng bị khu vực hóa với một số vùng hết sức khó khăn, có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết cho kinh tế hàng hóa. Thị trường miền núi - vùng cao - biên giới - nơi tập trung sự yếu kém sơ khai của nền thương mại nhỏ đang trong giai đoạn quá độ đi lên sản xuất hàng hóa vẫn được xem là bộ phận kém phát triển nhất của thị trường cả nước.

Để phát triển thương mại và thị trường vùng nông thôn, miền núi

Thị trường là “phong vũ biểu” của đời sống kinh tế - xã hội, nơi phản ánh tập trung kết quả và hiệu quả của những chiến lược và chính sách phát triển một cách nhanh nhạy nhất. Là thị trường chiến lược trong hệ thống thị trường nội địa thống nhất của quốc gia với đa phần dân số là người các dân tộc thiểu số, phát triển thương mại và thị trường nông thôn, miền núi không chỉ là tác nhân kích thích sản xuất hàng hóa, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để ổn định đời sống, sản xuất, xã hội, an ninh biên giới và hội nhập quốc tế thành công. Vì thế, cần nhanh chóng tổ chức lại lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông, lâm nghiệp theo hướng mở rộng các ngành, nghề dịch vụ, đồng thời tạo ra các tiền đề bên ngoài để đưa nhanh sản xuất ở nông thôn, miền núi lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, từng bước tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, cần chú trọng và thực thi những giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn, bao gồm:

 

Chuyên gia hướng dẫn đồng bào dân tộc trồng dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn GACP-WHO_Ảnh: Tư liệu

Một là, phát triển đa dạng và gắn kết các thị trường cốt yếu là thị trường hàng hóa và các thị trường dịch vụ (thị trường sức lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường dịch vụ lô-gi-stíc...).

Hai là, giai đoạn 2020 - 2030, không gian phát triển thị trường sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, hội nhập quốc tế, khu vực. Hướng tổ chức không gian thị trường và thương mại được khuyến nghị:Thứ nhất, lấy đơn vị thôn, xóm, làng, bản làm không gian cơ sở để phát triển mạng lưới trên địa bàn, trong đó, chủ yếu tập trung phát triển các cơ sở bán lẻ những hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và đời sống hằng ngày cho cư dân. Thứ hai, lấy các trục giao thông liên thôn, liên xã có điều kiện và tiềm năng phát triển thương mại và thị trường, nhất là đối với các thôn, xã ở xa khu vực thị trấn huyện lỵ để hình thành các trục thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản và nhu cầu mua hàng tiêu dùng của dân cư. Thứ ba, bên cạnh địa bàn thị trấn huyện lỵ, tiếp tục phát triển các khu vực thị tứ (hoặc có điều kiện trở thành thị tứ) thành các điểm sáng trên thị trường cả về tiêu thụ sản phẩm (nông sản và sản phẩm làng nghề), bán lẻ hàng tiêu dùng và vật tư nông nghiệp. Trong đó, tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa cần phát triển các khu vực bán lẻ tập trung, với nhiều loại hình đa dạng. Các khu vực này có thể tách rời, hoặc liền kề với khu vực xây dựng các chợ đầu mối thu mua, phát luồng bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp. Đối với những vùng sản xuất nông sản chưa phát triển, chủ yếu phát triển chợ vừa phục vụ tiêu thụ nông sản, vừa bán lẻ hàng tiêu dùng, do tiêu thụ nông sản ở khu vực này chủ yếu để phục vụ cho tiêu dùng của dân cư trong vùng.

Ba là, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ cần bám sát quá trình sản xuất hàng hóa ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến... theo mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm. Tại các khu thương mại dịch vụ trên địa bàn các huyện, phát triển các cơ sở thu mua, phân loại, sơ chế, đóng gói, thu gom hàng hóa từ các hộ sản xuất cung cấp cho các nhà máy chế biến hoặc các doanh nghiệp lớn.

Bốn là, cơ cấu lại kinh tế vùng và liên vùng để xây dựng và triển khai thực hiện phát triển các chuỗi cung ứng như chuỗi cung ứng rau quả, thịt gia súc (vùng Tây Bắc); chuỗi cung ứng thủy sản (cá chép giòn Hải Dương, cá hồi Sa Pa...); chuỗi cung ứng thịt gà (vùng Trung du và miền núi phía Bắc); chuỗi cung ứng thịt lợn (vùng Bắc Trung Bộ, Nam Bộ); chuỗi cung ứng hải sản (vùng Nam Trung Bộ); chuỗi cung ứng hoa (tỉnh Lâm Đồng)...

Năm là, phát huy khả năng và tính tích cực của các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng biên giới theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dần mô hình kinh tế từ nông - lâm nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang mô hình công nghiệp - dịch vụ và du lịch - nông - lâm nghiệp.

Sáu là, chú trọng và tạo điều kiện phát triển thị trường vùng biên giới trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa phù hợp với các cam kết đã ký giữa Việt Nam và các quốc gia. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa giữa hai bên nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường khối lượng hàng hóa lưu chuyển xuất, nhập khẩu, quá cảnh qua địa bàn.

Bảy là, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn theo hướng xã hội hóa. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại ở nông thôn cần được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư, như các dự án về nông nghiệp theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 4-6-2010, của Chính phủ, về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mở rộng cơ sở kinh doanh trực thuộc ở địa bàn nông thôn hoặc sử dụng các hợp tác xã, hộ kinh doanh (ở mức độ nhất định) trên địa bàn nông thôn làm đại lý mua hàng nông sản và bán vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có tính đến khả năng mở rộng mạng lưới, địa bàn hoạt động và thời gian áp dụng chính sách phù hợp với thực tiễn.

Cần có chính sách về đất đai, hạ tầng, trụ sở, thuế VAT đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hợp tác xã, đặc biệt là các hợp tác xã   cung ứng vật tư, kỹ thuật phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho các hộ nông dân là xã viên hợp tác xã.

Tám là, các hộ kinh doanh cá thể, với số lượng đông đảo so với các loại hình kinh doanh khác cần trở thành đại lý mua hàng nông sản và đại lý bán vật tư sản xuất nông nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã,... nên được xem xét để có thể hưởng những ưu đãi về thuế, tín dụng và thông tin một cách phù hợp.

Chín là, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ gồm nhiều chủ thể kinh doanh, với các hình thức sở hữu đa dạng được xem là khâu quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường nông thôn và miền núi. Vì vậy, tạo điều kiện cho tầng lớp doanh nhân kiểu mới - doanh nhân nông nghiệp cũng là lựa chọn để phát triển thị trường ở địa bàn này.

Mười là, tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ cụ thể để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam trên khắp các địa bàn, đi đôi với việc đổi mới cách thức tuyên truyền, quảng bá về hàng Việt Nam và thực thi quyết liệt các hoạt động phòng, chống hàng giả, hàng lậu, cũng như phòng, chống buôn lậu, thẩm lậu qua biên giới.

Theo TS. TRỊNH THỊ THANH THỦY/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều