Phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam trong cơ cấu lại nông nghiệp, bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân

(Mặt trận) - Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giai cấp nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến nâng cao vai trò của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi ích cho người nông dân. Phát triển các Hợp tác xã kiểu mới và các Liên hiệp Hợp tác xã, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là 3 trụ cột căn bản để bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã gắn việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước hàng năm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (giữa) dự chỉ đạo Hội nghị tổng kết Cụm thi đua các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức liên hiệp, chiều 22/12. Ảnh: Minh Ngọc 

Sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị TW5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 20/1/2008 của Ban Bí thư về tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX), Luật Hợp tác xã năm 2012, Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và các tổ chức thành viên quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ.

Hàng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đưa nội dung vận động Nhân dân tham gia phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã lồng ghép vào nội dung của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phát động, trong đó hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung nội dung tuyên truyền Nhân dân đoàn kết tương trợ, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế về bản chất là thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường, xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước. Vai trò chủ thể của hộ nông dân Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp được thực hiện về kinh tế qua việc hình thành chuỗi liên kết: hộ nông dân - hợp tác xã - liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã có thể ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp xuất khẩu và tiêu thụ qua chuỗi cửa hàng, siêu thị riêng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với một số tổ chức thành viên của Mặt trận nòng cốt là các đoàn thể chính trị - xã hội: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về phối hợp triển khai thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã năm 2012 và thống nhất nội dung hoạt động của mỗi tổ chức; cùng chính quyền và các đoàn thể đã hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (nhất là trong lĩnh vực Nông nghiệp).

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc tọa đàm bàn giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật Hợp tác xã năm 2012 (Tọa đàm “Giải pháp xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp như thế nào trong giai đoạn 2015 - 2020; tọa đàm “Làng nghề Việt Nam - truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập".

Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ; nhằm nhân rộng các hợp tác xã kiểu mới điển hình trong cả nước, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức tuyển chọn, biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành cuốn sách “Những Hợp tác xã kiểu mới điển hình giai đoạn 2014 - 2016”. Cuốn sách tập trung giới thiệu một số mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình trên cả nước trong giai đoạn 2014 - 2016 nhằm làm rõ phương thức và kết quả hoạt động của hợp tác xã đối với các hộ thành viên, khẳng định vị trí, vai trò của mô hình kinh tế hợp tác trong sự phát triển lâu dài của đất nước; đồng thời phổ biến, cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn hiện nay.

Kết quả qua 20 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức, lồng ghép tuyên truyền được trên 100 ngàn cuộc, với hàng ngàn lượt người tham dự, đối tượng chủ yếu là cán bộ Mặt trận Tổ quốc, cán bộ hội viên, đoàn viên, cán bộ tư vấn... Qua tuyên tuyền đã tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong Nhân dân trong xây dựng phát triển kinh tế hợp tác. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã cùng cấp ban hành văn bản hướng dẫn triển khai tới hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, đồng thời phối hợp cùng Liên minh Hợp tác xã và các sở, ngành liên quan chủ động ký kết Chương trình phối hợp hoạt động.

Cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã đưa nội dung vận động Nhân dân tham gia phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã lồng ghép vào nội dung của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, xem đó là một phương thước hiệu quả để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân. Qua đó, kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Số tổ hợp tác và số hợp tác xã trên địa bàn cả nước đã phát triển nhanh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Hoạt động của các hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị trật tự xã hội tại địa phương. Thông qua 5 nội dung toàn diện của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã góp phần thực hiện có hiệu quả 19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới như: vận động Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia hiến đất, hiến công làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hóa, các khu vui chơi, giải trí; tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng với hàng chục nghìn công trình các loại phục vụ cho xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả đạt được của Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Qua nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp, có thể thấy, nông dân liên kết qua hợp tác xã là mô mình cơ bản nhất để giữ được đất, đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân, từ đó làm cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập liên hiệp hợp tác xã hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Thông qua phương thức sản xuất hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, vị thế của người nông dân trong đàm phán mua bán trên thị trường đầu vào và đầu ra được thay đổi căn bản, là tiền đề để phân phối lại giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đây là xu hướng đúng đắn cần hỗ trợ phát triển.

Việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới là một quá trình tự nguyện của các hộ nông dân, song sự vận động, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp là rất quan trọng. Đặc biệt cần có chương trình phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để phát triển hợp tác xã kiểu mới. Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các hợp tác xã ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất. Qua thực tế hoạt động và phong trào thi đua sản xuất giỏi của Hội Nông dân những năm qua, hiện nay các địa phương trong cả nước đã bình chọn và công nhận hàng năm, hàng triệu nông dân sản xuất giỏi. Đây là các nông dân nắm vững các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có uy tín trong nông dân ở thôn, xã, bản, làng. Họ là lực lượng quan trọng nhất, hiệu quả nhất để đứng ra thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Họ cần được tập huấn, động viên và hỗ trợ để là lực lượng đi đầu thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy, vai trò của Hội Nông dân và phương thức sản xuất hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong cơ cấu lại nông nghiệp, qua đó bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân.

Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đều chủ động xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong đó giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên chủ trì thực hiện nhiệm vụ giám sát có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều mô hình làng nghề, mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, đã kịp thời tuyên truyền nhân rộng, giới thiệu trên kênh thông tin của Mặt trận; đồng thời kịp thời tập hợp ý kiến, kiến nghị của người dân, xã viên hợp tác xã chuyển đến cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và người lao động trong các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động hết sức tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khu vực kinh tế tập thể vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm, nỗ lực thích ứng với với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động, nhất là trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, xu hướng chung của thế giới hướng đến sử dụng hàng hóa an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, đặc biệt là hàng nông sản hữu cơ sạch, an toàn, đòi hỏi các hợp tác xã nông nghiệp luôn hướng đến một nền nông nghiệp đảm bảo theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, thương mại, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hội nhập quốc tế, mở ra cho các hợp tác xã cách thức hoạt động mới, thị trường mới, đối tác mới; tạo cơ hội để các hợp tác xã đổi mới tư duy và vươn lên mạnh mẽ hơn, chấp nhận cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Hơn nữa còn tạo ra cơ hội để các hợp tác xã từ bỏ cách làm cũ, lạc hậu để hướng tới kinh doanh văn minh, hiện đại hơn, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các hợp tác xã có điều kiện để tiếp cận với công nghệ hiện đại, quản lý khoa học để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” trong giai đoạn hiện nay. Qua đó tích cực vận động người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể; tham gia tư vấn, hỗ trợ, thành lập mới hợp tác xã và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới.

Hai là, Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ cho nông dân phát triển bền vững, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường, bảo đảm vai trò chủ thể của người nông dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Hội Nông dân Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ vay vốn, tổ chức phong trào thi đua sản xuất giỏi, góp ý xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giám sát thực hiện chính sách, phản ánh ý kiến của người dân.

Ba là, Liên minh Hợp tác xã tuyên truyền sâu rộng về Luật Hợp tác xã năm 2012, vai trò tích cực của Hợp tác xã kiểu mới để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể và lo đầu ra cho sản phẩm của các thành viên hợp tác xã. Cần phổ biến, giới thiệu sâu rộng các điển hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác để nông dân tự tin, chủ động tự liên kết hình thành các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác để tự lo cho mình và phát huy tốt nhất các hỗ trợ của Nhà nước.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội. Tăng cường hoạt động động giám sát việc thực thi pháp luật về Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Năm là, định kỳ sơ, tổng kết các cuộc vận động, các phong trào và gắn với việc đánh giá, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trịnh Thị Thanh

Phó Trưởng ban Phong trào, UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều