Tấm lòng của Hồ Chủ tịch đối với thương binh, liệt sĩ và việc phát huy giá trị trong điều kiện hiện nay

(Mặt trận) - Tổ quốc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm đã ghi dấu công lao của những người con nước Việt đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Lịch sử đó đã hun đúc nên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Chính phủ thể chế hóa đạo lý đó thành chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; đồng thời, Người là một tấm gương sáng thể hiện tấm lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ. Hiện nay, tư tưởng đó của Người đang được Đảng, Nhà nước ta quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đại biểu Quân đội, thương binh và quân nhân phục viên sau buổi gặp tại Phủ Chủ tịch, ngày 29/1/1957. Ảnh: Tư liệu 

Tấm lòng cao cả của Hồ Chủ tịch với thương binh, liệt sĩ

Để bày tỏ sự quan tâm, cảm thông đến những người con của gia đình liệt sĩ, ngay từ tháng 11/1946, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể đồng bào cảm ơn những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”1.

Người đã cùng Trung ương chỉ đạo thành phố Hà Nội thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam để giúp đỡ thương binh, liệt sĩ. Ngày 17/11/1946, Hội tổ chức lễ “Mùa đông binh sĩ”, tại buổi lễ ra mắt của Hội, Hồ Chủ tịch đã tặng chiếc áo rét Người đang mặc, một chiếc áo lụa, một tháng lương và đề nghị Chính phủ chọn một ngày để tỏ lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Hội nghị Chính phủ vào tháng 6/1947, tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chọn ngày 27/7 hằng năm là ngày Thương binh, liệt sĩ. Người viết thư kêu gọi đồng bào giúp đỡ thương binh, liệt sĩ đăng trên báo Vệ Quốc quân số 11 ra ngày 27/7/1947, bức thư có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh. Tôi kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ những người con anh dũng ấy”2.

Đã 75 năm trôi qua (27/7/1947 - 27/7/2022), song tình thương yêu, sự cảm thông chia sẻ của Người với những người con thân yêu đã mất một phần thân thể, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân thì vẫn còn sâu đậm mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Trước những hy sinh, mất mát của thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Người nói: Trong lúc Tổ quốc lâm nguy... đã có rất nhiều những người con quyết đem xương máu của mình hiến dâng cho Tổ quốc, cho đồng bào…, hy sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Trong số đó, có người đã bỏ một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là những thương binh, những tử sĩ. Vậy là, vì nghĩa lớn, bố mẹ đã mất một người con yêu quý. Vợ thơ trở nên bà góa, con dại trở nên mồ côi. Tất cả họ đã vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà chịu ốm yếu, què quặt, chịu mất mát, hy sinh. Bởi vậy, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thấm đẫm chất nhân văn trong mỗi tâm hồn người Việt, Người nhấn mạnh: Để tỏ lòng biết ơn những người con anh dũng ấy, đồng bào hãy sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần với tấm lòng bác ái “không có hạn”. Tấm thịnh tình, lòng nhân ái của Người như đã an ủi linh hồn những người đã khuất, đồng thời làm ấm lòng những con trẻ đã bị mất đi người thân của mình.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, khi nhận được tin con trai út của bác sĩ Vũ Đình Tụng (một trí thức công giáo yêu nước) là Vũ Đình Thành, một chiến sĩ tự vệ “Sao Vuông” của Thủ đô đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa Đông năm 1946, Người đã bày tỏ lòng mình, chia sẻ nỗi đau với một người cha khi mất đi đứa con thân yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, người “thanh niên Thiên Chúa giáo” đó cùng biết bao liệt sĩ khác đã sẵn sàng xả thân cho đất nước ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”3. Họ không chỉ là con thảo của Đức Chúa, họ còn là người con hiếu của Tổ quốc, vì vậy “đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”4. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cảm động trước tấm gương hy sinh của các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản... đã có biết bao anh hùng liệt sĩ... và hàng vạn đảng viên gương mẫu, “trung với nước, hiếu với dân”, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng”5. Chí khí lẫm liệt của các anh hùng, liệt sĩ là tấm gương cách mạng sáng ngời cho chúng ta học tập, noi theo.

Còn với những thương bệnh binh, những người vì lợi ích chung của Tổ quốc đã bị thương hoặc mất đi một phần thân thể của mình cho đất mẹ vẫn một lòng sẵn sàng xin ra mặt trận, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do, Người khẳng định: “Lòng yêu nước, chí kiên quyết của các chiến sĩ thật là đáng quý!... thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”6. Cũng theo Người, dù vẫn còn cơ hội gặp lại người thân, song những phần thân thể đã mất của những thương binh cũng không thể mọc lại được, vì vậy, dù đã rất cố gắng, song họ vẫn rất cần sự giúp đỡ của mọi người. Cảm thông và động viên họ, Người mong họ cố gắng an dưỡng, chữa bệnh để sớm có thể hòa nhập cùng cộng đồng. Tuy nhiên, Người cũng không quên căn dặn họ chớ nên công thần, ỷ lại, tránh mặc cảm tự ti để luôn cố gắng vươn lên, xứng đáng với tinh thần “tàn nhưng không phế”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những người “trước đã ra sức giết giặc trong thời kỳ kháng chiến; nay lại ra sức sản xuất trong thời hòa bình”7. Góp phần giảm bớt khó khăn, cùng Chính phủ chăm sóc thương binh, Người mong “đồng bào các nơi sẵn sàng giúp đỡ anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trong việc sản xuất làm ăn”8, đồng thời đề nghị các cơ quan, đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Không chỉ “nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc”, mong họ “chí quyết thắng ngày càng vững chắc”9, Người còn rất nhiều lần tặng những món quà nhỏ như khăn mặt, quần áo mà đồng bào các nơi đã gửi biếu, hoặc gửi lương của Người, tặng huy hiệu,... đến cho thương bệnh binh, đồng thời nhờ cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh chuyển lời thân ái của Người “an ủi những chiến sĩ và đồng bào hoặc bị thương, hoặc bị địch giam cầm, hoặc đang vì khổ sở nơi địch chiếm đóng”10, chia sẻ động viên gia đình thân nhân của các tử sĩ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng yêu thương con người, đặc biệt là đối với người đã dâng hiến một phần cuộc đời mình cho Tổ quốc và Nhân dân. Người đã gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh “30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương là 45.000 đồng để cụ làm quà cho anh em”11... Đêm giao thừa năm 1956, Người đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội, hỏi tình hình sức khỏe, cuộc sống, công việc của các thương binh và chúc “thương binh tàn nhưng không phế”. Sự khuyến khích, lời động viên của Người đã cổ vũ họ và trở thành khẩu hiệu sống, lao động, học tập của bao thế hệ thương bệnh binh. Tình thương yêu, sự đồng cảm và mối quan tâm thường xuyên của Người đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, với những người có công thật sâu đậm, dung dị nhưng chí tình, ấm áp.

Sau những năm dài chiến tranh, đất nước ta đã hòa bình, độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với thời gian, sự hy sinh quên mình của các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã thấm sâu vào hồn thiêng sông núi. Linh hồn bất diệt của các liệt sĩ, chí khí dũng cảm của thương bệnh binh đã in sâu trong tâm trí của cả dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần cổ vũ toàn dân trong cuộc đấu tranh giải phóng. Dòng máu của những người anh hùng đó đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ, tiếng thơm của các liệt sĩ và tấm gương quên mình của các thương bệnh binh sẽ lưu truyền muôn đời với sử sách. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những dòng tâm huyết để căn dặn về những vấn đề liên quan đến việc quan tâm, chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”12.

Ngoài những bức thư, bài nói, bài viết liên quan đến thương binh, liệt sĩ viết trước ngày 27/7/1947, thì từ bức thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (27/7/1947) cho đến bản Di chúc lịch sử năm 1969, đã có tất cả 46 bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến nội dung này. Thông qua những bức thư, những lời động viên thăm hỏi, những món quà tặng dù nhỏ nhưng chan chứa tình thương yêu của Người, mỗi thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ đều cảm thấy được chia sẻ phần nào, thấy sự hy sinh của mình trở nên có ý nghĩa lớn lao hơn.

Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chăm lo thực hiện hiệu quả chính sách đối với “người có công” hiện nay

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ. 75 năm qua, nhất là hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; Chủ tịch nước cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Bằng những việc làm thiết thực, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, ngành lao động - thương binh và xã hội đã đẩy nhanh tiến độ xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, nhất là giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công, trong đó có triển khai những nội dung, nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017, của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, năm 2020, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào ngày 9/12/2020 tại Phiên họp lần thứ 51. Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 điều đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, bổ sung nhiều chính sách mới nhằm tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng và Nhà nước: Chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng phải được xác định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Có thể khẳng định, hệ thống các chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện và được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai đồng bộ, toàn diện; công tác chăm sóc người có công đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo phong trào Đền ơn đáp nghĩa sâu rộng, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Hiện cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp, đưa trên 580 nghìn lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở.

Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 393.707 hộ người có công trên cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”. Mạng lưới các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng được quy hoạch tổng thể, rộng khắp trong cả nước với 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nhân sự đủ để đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc, điều dưỡng người có công, nhất là thương binh nặng. Đã chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước. Cả nước có 10.467/10.609 xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ đạt 98,66% và 2.312.906/2.336.543 hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú, đạt 98,99%. Cùng với việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ con em người có công với cách mạng phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội; quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công... Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%...”13. “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân…”14. Điều này đã thêm một lần khẳng định an sinh xã hội, an ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước trong thời gian tới. Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng vì hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, chú trọng nâng cao đời sống của người có công và thân nhân người có công với cách mạng, 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư; bảo đảm chính sách ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với các quy định của Hiến pháp và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, quan tâm cùng chăm lo, giúp đỡ người có công và gia đình người có công.

Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hạn chế đến mức thấp nhất sự chồng chéo, mâu thuẫn về chế độ, chính sách và cơ chế, chức năng nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành Trung ương và của các cơ quan trong tổ chức thực hiện chính sách. Tăng cường phối hợp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, khoa học, chặt chẽ, chu đáo, công khai, minh bạch.

Thực hiện hiệu quả những vấn đề trên, chúng ta không chỉ phần nào an ủi anh linh người đã khuất, cổ vũ động viên người còn sống, làm ngời sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đậm chất nhân văn theo đúng phẩm chất và truyền thống, đạo lý của dân tộc như Hồ Chủ tịch đã từng nói và làm, mà còn góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, hoàn thành thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chú thích:

1.        Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 486.

2,4,6,9,10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 204, 49, 16, 248.

3.        Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 401.

5.        Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 468.

7,8.     Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 507, 508.

11.      Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

12.      Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 616.

13,14. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 47, 65.

Đặng Công Thành

ThS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều