Tăng cường quản lý tài nguyên nước để phát triển bền vững

Nước là tài nguyên quan trọng đối với sản xuất và đời sống, cần phải được quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020" đề ra yêu cầu quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

 Ảnh minh họa.

Tài nguyên nước của Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Nước có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Vai trò của nước thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người; đảm bảo an ninh lương thực cho xã hội và cần thiết trong mọi hoạt động kinh tế. Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nước tạo ra năng lượng điện để cung cấp cho hoạt động của nền kinh tế, là nguồn năng lượng sạch và chiếm 20% lượng điện của thế giới. Nước tham gia vào phần lớn việc sản xuất ra các sản phẩm để trao đổi, mua bán trên thị trường.

Đối với nước ta, nước có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Hiện nay, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, chiếm tỷ lệ 70% lượng nước sử dụng. Nước cũng đóng vai trò quyết định trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su... Trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng, nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam. Tiềm năng thuỷ điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai và các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên. Dự báo tổng công suất thủy điện đến năm 2025 là 33.310MW, trong đó trên 80% trong số này là từ các nhà máy thuỷ điện xây dựng trên các sông của Việt Nam.

Nước cũng có vai trò rất quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm của ngành nuôi trồng thủy sản đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Nước cũng đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế cao và ổn định thời gian qua.

Trong đời sống, đến nay hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung. Nhu cầu cấp nước cho cư dân đô thị cùng với nước cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các đô thị cần khoảng từ 8 đến 10 triệu m3/ngày. Đối với khu vực nông thôn, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều khu vực dân cư đã được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Mặc dù là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, tuy nhiên Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có trên 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.

Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ. Các nước đã xây dựng nhiều hồ chứa theo bậc thang thủy điện để tích nước, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa thực sự hiệu quả. Nguồn nước về đến nước ta giảm dần và phụ thuộc vào điều tiết của các quốc gia phía thượng nguồn. Hơn nữa, việc xây dựng nhiều bậc thang thủy điện làm giảm lượng phù sa, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp cũng như sự đa dạng sinh học của lưu vực sông, đặc biệt phía hạ nguồn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do phát triển công nghiệp, sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, kiểm soát các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu cũng là thách thức trong quản lý tài nguyên nước.

Nguồn nước phân bổ không đều theo địa hình và theo mùa: mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Đây cũng là một thách thức to lớn. Vào mùa mưa chúng ta phải đối phó với thiên tai bão, lũ, lụt, còn mùa khô thì lại phải chống hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,... Những hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế-xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và kết cấu hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu; sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo theo nhu cầu về nước tăng lên cũng là thách thức lớn đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Tăng cường quản lý tài nguyên nước

Từ vai trò quan trọng của nước với cuộc sống và từ những thách thức trong quản lý tài nguyên nước đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Theo đó, cần phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Quán triệt tinh thần đó, Việt Nam đề cao việc bảo vệ và quản lý nguồn nước, coi đây là một nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020" và triển khai "Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020." Chiến lược đề ra yêu cầu quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác: “quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hoá các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”. Phương thức quản lý này được thể hiện thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

Để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới, ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13. Hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước từ trung ương đến địa phương. Cụ thể, đã triển khai xây dựng, ban hành 6 Nghị định của Chính phủ, 21 Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước,...

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ thể chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên các địa bàn; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Sê San; xây dựng Đề án điều tra, đánh giá việc khai thác sử dụng nước ngầm tác động đến sụt, lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long; triển khai xây dựng lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình; xây dựng Đề án thành lập các Ủy ban Lưu vực sông; triển khai việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… Giám sát việc tuân thủ quy trình vận hành của các hồ chứa nhằm điều tiết nước hồ chứa, đảm bảo cắt, giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ và đảm bảo cấp nước, duy trì dòng chảy tối thiểu phía hạ du trong mùa cạn và đảm bảo an toàn công trình.

Triển khai thực hiện chính sách thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 82/2017/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện việc tính toán, xác định mức thu cụ thể đối với từng đơn vị để phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt số tiền phải nộp hằng năm; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc UBND các tỉnh tập trung triển khai công tác tính, thẩm định, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định.

Giải pháp trọng tâm thời gian tới

Quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước dần đi vào nề nếp đã góp phần khắc phục tình trạng lãng phí trong sử dụng tài nguyên nước, hình thành ý thức coi tài nguyên nước là hàng hóa, người sử dụng phải trả phí, tài nguyên nước là nguồn lực để phát triển. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tập trung nỗ lực vào một số nhiệm vụ trong tâm sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Tài nguyên nước, công tác giáo dục, truyền thông nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhất là trong việc chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để nâng cao ý thức của người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí nguồn nước.

Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo.

Tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động các Ủy ban Lưu vực sông để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ lưu vực sông, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Cụ thể, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước; bảo vệ nước ngầm, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá... để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa.

Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi để bảo đảm các cơ chế, chính sách về bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả được triển khai trên thực tế, nhất là các cơ chế mới như thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, xử lý vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong khai thác tài nguyên nước... theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cách quản trị vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa. Nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào vận hành hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa.

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác về quản lý nguồn nước xuyên biên giới; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ dữ liệu về nguồn nước đối với các quốc gia có chung nguồn nước, nghiên cứu đề xuất cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước chung của các quốc gia trên các lưu vực sông và bảo đảm tinh thần chủ đạo của pháp luật quốc tế là việc sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác.

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền/Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều