Thực trạng mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Mặt trận) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở Trung ương và các đơn vị hành chính. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, tháng 6/2017. Ảnh: Thành Trung

Thực trạng về tình hình tổ chức bộ máy của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Giai đoạn trước Đổi mới (1986)

Tiếp nối của Mặt trận Liên Việt và sau Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tháng 9/1955 thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 9/5/1962, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 53-NQ/TW thành lập Ban Mặt trận Trung ương và chỉ đạo lập Ban Mặt trận các tỉnh, thành phố. Cấp huyện, thị xã, khu phố (phường sau này) không thành lập cơ quan Ban Mặt trận. Với cấp Trung ương và các tỉnh, thành phố giai đoạn này, do vừa qua bước chuyển giai đoạn nên tổ chức bộ máy Mặt trận chưa được quan tâm thỏa đáng. Biên chế cán bộ Mặt trận chỉ bao gồm một số vị trong Đảng đoàn, Ban Thư ký cùng với một số cán bộ, chuyên viên làm nhiệm vụ tiếp tục kêu gọi, tập hợp khối đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân tham gia phát triển sản xuất và chi viện cho miền Nam đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Năm 1976, trên cơ sở thực tế công tác Dân vận, Mặt trận, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 249-NQ/TW, ngày 29/3/1976 thành lập Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, chỉ đạo các tỉnh, thành phố thành lập Ban Dân vận và Mặt trận các tỉnh, thành phố. Đối với cấp huyện, thị, cấp xã, khu phố, Đảng chưa có chủ trương thành lập Ban Dân vận và Mặt trận, công tác Mặt trận chủ yếu vẫn giao cho cấp ủy Đảng phân công một Ủy viên Thường vụ trực tiếp phụ trách. Tổ chức bộ máy giúp việc của Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương giai đoạn này được cơ cấu gồm: Văn phòng; Vụ Nghiên cứu hoạt động đoàn thể; Vụ Mặt trận (nghiên cứu việc vận động nhân sỹ, trí thức, dân tộc thiểu số, tư sản dân tộc và Việt kiều); Vụ Tôn giáo; Vụ Tổ chức - Cán bộ.

Ngày 17/3/1981, trên cơ sở Quyết định số 93-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương chính thức được tách ra thành 2 tổ chức là: Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như ngày nay, cùng với việc lập Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cơ sở thống nhất định hướng tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, tháng 2/1977, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xúc tiến kiện toàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện; thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, khu phố; đồng thời thí điểm thành lập các ban, tổ công tác Mặt trận ở các khu dân cư, cộng đồng dân cư.

Giai đoạn sau Đổi mới (từ 1986 trở đi)

Từ  “Mặt trận hiệu triệu”, “Mặt trận phong trào” Mặt trận không có tổ chức bộ máy đến ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có tổ chức bộ máy đủ ở 4 cấp và còn xuống các khu dân cư, cộng đồng dân cư là một bước tiến quan trọng không chỉ trong quan điểm, nhận thức mà cả trong thực tế hoạt động. Nhờ tổ chức bộ máy này mà nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn sát cánh cùng với Đảng, Nhà nước đảm đương hoàn thành các nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

Hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 6, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015:

“Điều 6. Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở Trung ương và các đơn vị hành chính. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức như sau:

a) Ở Trung ương có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

b) Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định”1.

Theo đó, cơ cấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, gồm:

- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, do đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương cử ra, có trách nhiệm tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa hai kỳ họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan đại diện của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa hai kỳ họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương giữa hai kỳ họp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với chức năng, nhiệm vụ giúp Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị kiểm nghiệm các chủ trương, chính sách có thực sự hợp quy luật và hợp lòng dân hay không, giúp Đảng và hệ thống chính trị thực sự vì dân để dân tin Đảng, đi theo Đảng. Do đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của mình, nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, giúp không ngừng hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng tốt hơn, từ đó phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn. Người dân tham gia giám sát, phản biện xã hội với tư cách vừa là người chịu sự lãnh đạo, vừa là người làm chủ, vừa là người thực hiện, đồng thời vừa là người được phục vụ và thụ hưởng. Nhận thức được tầm quan trọng của giám sát và phản biện xã hội, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội”. Đảng đã thể hiện sự quan tâm chỉ đạo và phân công các đồng chí Thường vụ tham gia chỉ đạo, lãnh đạo và trực tiếp làm công tác Mặt trận. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 22/11/2007 về việc lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII  có nêu: “các cấp ủy đảng phân công đồng chí Ủy viên Thường vụ cấp ủy làm Bí thư Đảng đoàn Mặt trận và giới thiệu để Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 20/5/2013 về  lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) có nêu: “… Các cấp ủy đảng cần phân công đồng chí trong Ban Thường vụ làm Bí thư Đảng đoàn và giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp”.

 Hội nghị “Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện trong giai đoạn hiện nay”, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung

Theo thống kê, đến tháng 12/2016, nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 712 đơn vị cấp huyện (quận, huyện, thành phố), có 11.162 đơn vị cấp xã (xã, phường, thị trấn) và 110.190 khu dân cư với 103.194 Ban Công tác Mặt trận. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được thể hiện qua tình hình và những số liệu sau đây:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Nhiệm kỳ 2009-2014, tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 355 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu và chuyên gia trên các lĩnh vực là 231 người, còn lại là đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

- Nhiệm kỳ 2014-2019, tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 385 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu và chuyên gia trên các lĩnh vực là 261 người, còn lại là Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

* Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Hiện nay, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngoài Ban Thường trực là cơ quan đại diện của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương giữa hai kỳ họp, với cơ cấu theo quy định (khóa VII gồm 9 người, hiện nay, khóa VIII là 6 người), có 15 đầu mối ban, đơn vị, trong đó có 2 đơn vị là loại hình đơn vị sự nghiệp và 1 công ty trách nhiệm hữu hạn trực thuộc. Tổng biên chế hiện tại của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 185 biên chế.

* Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Ngày 24/8/1981, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Quyết định số 229- QĐ/MTTW thành lập Ban Pháp chế - hình thức tổ chức Hội đồng tư vấn (HĐTV) đầu tiên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Qua các Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, III, IV, V… các HĐTV khác về các nội dung: văn hóa - xã hội, kinh tế, dân tộc, tôn giáo, khoa học - giáo dục và môi trường… của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã lần lượt ra đời. Nhiệm kỳ 2014-2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII thành lập 7 HĐTV theo các lĩnh vực Dân chủ và Pháp luật, Kinh tế, Dân tộc, Tôn giáo, Văn hóa và Xã hội, Khoa học - Giáo dục và Môi trường, Đối ngoại và Kiều bào, tập hợp khoảng trên 130 các vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các nhà khoa học, các chức sắc tôn giáo, người làm công tác quản lý…

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

* Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh:

Trong thời gian trước đây cũng như từ giai đoạn bắt đầu đổi mới của đất nước (1986), thành phần trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh cũng như các cấp khác đều được xây dựng theo đúng cơ cấu, thành phần như Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định.

+ Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 là 5.308 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 2.262 người, còn lại là Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

+ Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 là 5.611 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 2.293 người, còn lại là Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

* Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh:

- Nhiệm kỳ 2009-2014:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực đầu nhiệm kỳ là 509 người, trong đó Chủ tịch là 63 người; Phó Chủ tịch 202 người; Ủy viên Thường trực 244 người. Đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, tổng số là 488 người, trong đó Chủ tịch là 63 người; Phó Chủ tịch 195 người; Ủy viên Thường trực 230 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy là 75 đồng chí (63 đồng chí Chủ tịch và 12 đồng chí Phó Chủ tịch), trong đó tham gia Ban Thường vụ  là 40 đồng chí (39 đồng chí Chủ tịch và 1 đồng chí Phó Chủ tịch).

- Nhiệm kỳ 2014-2019:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực là 565 người, trong đó Chủ tịch là 63 người; Phó Chủ tịch 219 người; Ủy viên Thường trực 283 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy (tính đến tháng 2/2017) là 66 đồng chí (63 đồng chí Chủ tịch và 3 đồng chí Phó Chủ tịch), trong đó tham gia Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy là 56 đồng chí.

* Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh:

Tổng hợp số liệu báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành phố cho thấy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố được sắp xếp, kiện toàn trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Nội vụ và đặc điểm cụ thể từng địa phương. Đặc biệt, việc sắp xếp kiện toàn bộ máy đã quan tâm chú ý gắn với chức năng, nhiệm vụ Mặt trận, bảo đảm tinh gọn và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao. Hiện nay, các tỉnh, thành phố xây dựng bộ máy theo cơ cấu 6 đầu mối gồm 5 ban chuyên môn và 1 văn phòng (theo Quy định 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương), tuy nhiên tính đến hết tháng 12/2016, mới chỉ có 19/63 tỉnh, thành phố thực hiện theo hướng dẫn số 582, còn đa số vẫn đang thực hiện theo mô hình 5 đầu mối gồm 4 ban chuyên môn và 1 văn phòng.

Tính đến tháng 12/2016, tổng số cán bộ, chuyên viên, người lao động của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh là 1.630 người, trong đó biên chế đang sử dụng là 1.395 người, hợp đồng theo Nghị định 68 là 238 người, hợp đồng ngoài biên chế là 244 người.

Có 16/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố có từ 25 biên chế trở lên; 32/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố có từ 21 đến 24 biên chế; 15/63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 17 đến 20 biên chế.

Tổng hợp bình quân chung mỗi đơn vị cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố có 23,17 biên chế; cao nhất là cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh 49 người; thấp nhất là cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long 17 người. Trong tổng số 63 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 244 lao động hợp đồng.

* Tổ chức Hội đồng tư vấn:

Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã thành lập các HĐTV trên các lĩnh vực, như: Dân chủ và Pháp luật; Văn hóa và Xã hội; Khoa học - Giáo dục, Môi trường; Dân tộc; Tôn giáo; Kinh tế; Đối ngoại nhân dân - Kiều bào… Qua tổng hợp (tính đến tháng 12/2016), ở cấp tỉnh, 63/63 tỉnh, thành phố thành lập HĐTV, số HĐTV được thành lập là 168 HĐTV với 1.442 người tham gia.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.

- Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 là 31.032 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 13.140 người, còn lại là Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

- Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 là 40.101 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 11.101 người, còn lại là Mặt trận Tổ quốc cấp dưới trực tiếp, tổ chức thành viên và cán bộ Mặt trận chuyên trách.

* Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện:

- Nhiệm kỳ 2009-2014:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực đầu nhiệm kỳ là 3.072 người, trong đó Chủ tịch là 694 người; Phó Chủ tịch 1.343 người; Ủy viên Thường trực 1.035 người. Đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, tổng số là 2.888 người, trong đó Chủ tịch là 689 người; Phó Chủ tịch 1.323 người; Ủy viên Thường trực 876 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy là 860 đồng chí (721 đồng chí Chủ tịch và 139 đồng chí Phó Chủ tịch), trong đó tham gia Ban Thường vụ  là 434 đồng chí (416 đồng chí Chủ tịch và 18 đồng chí Phó Chủ tịch).

- Nhiệm kỳ 2014-2019:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực là 3.160 người, trong đó Chủ tịch là 712 người; Phó Chủ tịch 1.480 người; Ủy viên Thường trực 968 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy là 834 đồng chí (735 đồng chí Chủ tịch và 99 đồng chí Phó Chủ tịch), trong đó tham gia Ban Thường vụ  là 571 đồng chí.

* Cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện:

Tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện được xây dựng theo Hướng dẫn số 64- HD/MTTW, ngày 4/4/2008 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Để đảm bảo theo dõi hướng dẫn và thực hiện các nội dung công tác, đồng thời cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc nhiều quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh còn đảm nhận nhiệm vụ Văn phòng của khối Dân vận, vì vậy Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định hướng số lượng cán bộ, nhân viên của cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện gồm 2 loại, loại từ 7 đến 9 người và loại từ 5 đến 7 người.

Tính đến tháng 12/2016, tổng số cán bộ, chuyên viên, người lao động của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện là 4.676 người, trong đó biên chế đang sử dụng là 4.194 người, hợp đồng theo Nghị định 68 là 238 người, hợp đồng ngoài biên chế là 244 người.

* Tổ chức Hội đồng tư vấn:

Theo tổng hợp (đến tháng 12/2016), đã có 55/63 tỉnh, thành phố thành lập được HĐTV ở cấp huyện, có 640 Ban tư vấn được thành lập với 5.110 người tham gia.

4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

- Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2009-2014 là 347.510 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 91.377 người.

- Tổng số ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019 là 385.254 người. Trong đó, cá nhân tiêu biểu là 141.309 người.

* Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã:

Theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã gồm có Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ thì Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã là cán bộ chuyên trách ở xã, được hưởng chế độ theo thang, bảng lương quy định, còn các cấp phó thuộc các ngành, trong đó quy định đối với cả Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã là những người hoạt động không chuyên trách.

- Nhiệm kỳ 2009-2014:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực đầu nhiệm kỳ là 42.053 người, trong đó Chủ tịch là 11.050 người; Phó Chủ tịch 18.866 người; Ủy viên Thường trực 12.137 người. Đến thời điểm cuối nhiệm kỳ, tổng số là 42.344 người, trong đó Chủ tịch là 11.090 người; Phó Chủ tịch 18.141 người; Ủy viên Thường trực 12.113 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy là 13.212 đồng chí (10.882 đồng chí Chủ tịch và 2.330 đồng chí Phó Chủ tịch), trong đó tham gia Ban Thường vụ là 5.270 đồng chí (4.283 đồng chí Chủ tịch và 987 đồng chí Phó Chủ tịch).

- Nhiệm kỳ 2014-2019:

+ Tổng số người trong Ban Thường trực là 43.897 người, trong đó Chủ tịch là 11.162 người; Phó Chủ tịch là 18.988 người; Ủy viên Thường trực là 13.747 người.

+ Nhân sự chủ chốt tham gia vào cấp ủy là 13.024 đồng chí, trong đó tham gia Ban Thường vụ  là 4.728 đồng chí; Đảng ủy viên là 8.296 đồng chí (trong đó có 6.254 đồng chí Chủ tịch, 2.042 đồng chí Phó Chủ tịch).

5. Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.

Trước khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 được áp dụng thực hiện thì tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư được quy định theo Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, tổ chức về Ban Công tác Mặt trận đã được ghi cụ thể tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như sau: “…Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định”.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại Hội nghị “Đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện trong giai đoạn hiện nay”, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung

Theo số liệu thống kê đến hết tháng 12/2016, hiện có 103.194 Ban Công tác Mặt trận được bố trí theo các khu dân cư, cộng đồng dân cư. Một khu dân cư là một Ban Công tác Mặt trận có thể tương ứng với một thôn, làng, ấp, bản… hoặc một thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố… tuy nhiên cá biệt tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại có từ hai hay nhiều tổ dân phố cùng một Ban Công tác Mặt trận.

Theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chức danh Trưởng, Phó ban Ban Công tác Mặt trận do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định thành lập. Cơ cấu tổ chức Ban Công tác Mặt trận hiện nay hầu hết thực hiện đúng theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bao gồm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã cư trú tại địa bàn khu dân cư; đại diện chi ủy; những người đứng đầu tổ chức chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi, chi hội chữ thập đỏ; một số người tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo.

Về tổ chức bộ máy, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư hiện nay không được xem là một cấp, nếu xét theo cơ cấu hệ thống chính quyền 4 cấp. Tuy nhiên, trên thực tế Ban Công tác Mặt trận là “cấp thứ 5” trong hệ thống tổ chức bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, đây là cấp gần dân nhất, nơi trực tiếp triển khai thực hiện mọi đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nơi thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định các nhiệm vụ cụ thể cho Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Hiện nay chức danh Trưởng ban, Phó trưởng Ban Công tác Mặt trận số đông do đội ngũ cán bộ hưu trí, người cao tuổi đảm nhận. Các điều kiện và kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ cho Trưởng, Phó ban Ban Công tác Mặt trận còn chưa được thực hiện đồng bộ và thống nhất. Song cơ bản bộ máy Ban Công tác Mặt trận đã đảm đương tốt các yêu cầu, nhiệm vụ, mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử cách mạng của đất nước. Trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, mặc dù có những tên gọi và chương trình hoạt động khác nhau, nhưng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xứng đáng là những tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, liên hệ mật thiết với nhân dân. Đó là những tổ chức có vai trò làm cầu nối nhân dân với Đảng và Nhà nước, có vai trò, chức năng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phản ánh ý nguyện chính đáng của nhân dân; đại diện các tầng lớp nhân dân kiến nghị với Đảng và Nhà nước những vấn đề cần thiết nhằm bổ sung vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển đất nước.

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng ngày càng được mở rộng về tổ chức nội dung hoạt động phong phú và hiệu quả thiết thực, phương thức tập hợp đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân, góp phần đổi mới hệ thống chính trị và thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được khẳng định và từng bước được nâng cao.

Thực tế hơn 30 năm qua cho thấy, đổi mới hệ thống chính trị nước ta là một đòi hỏi khách quan. Các nghị quyết của Đảng về đổi mới hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và thu được những kết quả quan trọng bước đầu. Nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ta cũng nêu rõ: “xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”. Có thể thấy rằng, nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đặt ra đòi hỏi cấp bách phải mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, xác định đúng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ và quyền làm chủ của dân là bản chất của chế độ chủ nghĩa xã hội, là mục tiêu của đổi mới. Đây cũng chính là lý do tồn tại và cũng là sứ mệnh lịch sử của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nước ta hiện nay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thiết chế ngoài Nhà nước không thể thiếu để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của dân. Xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước thực quyền, dân chủ và pháp quyền, vì thế đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới cả tổ chức và phương thức hoạt động của cơ quan chuyên trách để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Bùi Thị Thanh

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều