Tìm hiểu chính sách tôn giáo dưới góc độ chính sách công trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay

(Mặt trận) - Ở nước ta, thuật ngữ “chính sách tôn giáo” thường được dùng với hàm ý như một chính sách xã hội, giống như chính sách dân tộc, an sinh xã hội... Cũng từ lâu, chính sách tôn giáo ở nước ta vốn được coi là một “chính sách xã hội quan trọng”. Bài viết tìm hiểu chính sách tôn giáo dưới góc độ một chính sách công, đặt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, tháng 10/2022.  
1. Những vấn đề xung quanh “chính sách tôn giáo”

1.1. Chính sách tôn giáo - một chính sách công

Cho đến nay, cuốn sách Tìm hiểu về khoa học chính sách công (lưu hành nội bộ) của Viện Khoa học chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vẫn được coi là tập sách đầu tiên và cơ bản các vấn đề khoa học về chính sách công. Các tác giả tập sách cũng bắt đầu từ việc tổng hợp ý kiến của các tác giả quen thuộc như James Anderson (Hoạch định chính sách công, Houghton Mifflin, 1990) hoặc H. Lasswell (Khái quát về khoa học chính sách, American Elsevier, 1971) để đưa ra cái nhìn chung của các nhóm định nghĩa chính sách công với tư cách là một tập hợp các bước giải quyết các vấn đề cộng đồng. Từ đó các tác giả đã rút ra 6 điểm quan trọng khi nói về chính sách công, đó là: (1) Chính sách công là sản phẩm một quá trình thực thi quyền lực chính trị; (2) Quá trình hoạch định chính sách chủ yếu được diễn ra trong bộ máy nhà nước; (3) Quá trình hoạch định chính sách bao hàm sự trao đổi thông tin và các nguồn lực, thảo luận, thương thuyết giữa và trong các thể chế nhà nước; (4) Quá trình hoạch định chính sách cũng bao hàm sự tương tác với các tổ chức bên ngoài nhà nước; (5) Mục đích căn bản của chính sách công là hướng tới việc làm tăng khả năng có thể xảy ra của một hiện thực xã hội mà con người mong muốn; (6) Các thể chế nhà nước thường chính thống hóa các hoạt động của mình bằng cách tuyên bố những chính sách là vì lợi ích chung chứ không vì một nhóm hay một cá nhân nào[1].

Nói chung, khi bàn đến “chính sách tôn giáo - một chính sách công” chúng ta cần lưu ý: thứ nhất, lĩnh vực của chính sách công liên quan trước hết đến việc nghiên cứu những vấn đề chính sách riêng biệt và những đối ứng của chính phủ với chúng; thứ hai, trong bất kỳ một xã hội nào, các thể chế chính phủ thực thi luật pháp đều phải coi chính sách công trước hết như một hệ thống luật pháp, những biện pháp điều chỉnh, hướng đi của hành động, và sự tài trợ cho những quan tâm đến một chủ đề định sẵn được chính phủ hay tổ chức đại diện ban hành; thứ ba, theo nghĩa chung, khía cạnh luật pháp trong chính sách công bao gồm những quy định riêng và những điều khoản được xác định rộng hơn của hiến pháp hay luật pháp quốc tế; thứ tư, chính sách công được coi như hành động của chính phủ nói chung là sự hướng dẫn nguyên tắc thực hiện hành chính hay điều hành của nhà nước với sự tôn trọng vấn đề xã hội nào đó trên cơ sở luật pháp, hiến pháp quốc gia.

1.2. Chính sách xã hội và chính sách tôn giáo

Một công trình có thể nói là căn bản về phương diện lý thuyết “chính sách xã hội” là cuốn sách của tác giả Bùi Thế Cường (Chính sách xã hội và công tác xã hội ở Việt Nam thập niên 90), khi tác giả nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn an sinh xã hội, chính sách xã hội ở nước ta, theo góc nhìn xã hội học. Tác giả lưu ý rằng, ở nước ta, trong bất cứ chính sách xã hội nào cũng thường chưa bóc tách được các yếu tố liên quan với “cái xã hội” trong chính sách ấy, thậm chí người ta còn đồng nhất hai khái niệm ấy trong những mệnh đề chính sách cụ thể.

Nói đến “chính sách xã hội” người ta thường bắt gặp những mệnh đề tương ứng, có tính “cặp đôi”, đó là “tiến bộ xã hội” và “công bằng xã hội”, bởi vì các khái niệm này đã chứa đựng “tính chất của những hoạt động góp phần vào việc cải thiện những điều kiện sống của con người cũng như nâng cao phẩm giá con người với tư cách là thành viên xã hội. Với ý nghĩa như vậy thì sự tiến bộ xã hội luôn đi đôi với lý tưởng công bằng xã hội và bình đẳng xã hội[2]. Đặt trong khuôn khổ logic của những khái niệm này, có thể thấy, chính sách tôn giáo ở nước ta thực sự cũng là một dấu chứng của sự “tiến bộ xã hội”, so với ngay vài thập kỷ trước đây.

1.3. Chính sách tôn giáo là gì?

Cuốn sách Tôn giáo quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam của Nguyễn Đức Lữ, đã góp phần hệ thống hóa các quan điểm, “chính sách tôn giáo” của Đảng từ năm 1930 đến nay; cuốn sách cũng đã dành Chương IV cho chủ đề “Quản lý nhà nước đối với tôn giáo của Nhà nước Việt Nam hiện nay”. Đây là những trang viết khá bao quát về vấn đề này, từ lý luận đến thực tiễn, tác giả đã đưa ra định nghĩa về quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo được hiểu theo hai nghĩa:

Theo nghĩa rộng, là quá trình dùng quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp) của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật để tác động điều chỉnh hướng các quy trình tôn giáo và hành vi hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra phù hợp với pháp luật, đạt được mục tiêu cụ thể quản lý.

Theo nghĩa hẹp, là quá trình chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan trong hệ thống hành pháp (Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp) để điều chỉnh các quá trình tôn giáo và mọi hành vi hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra theo quy định của pháp luật[3].

Với trường hợp Việt Nam, trong những năm đổi mới đất nước, thực tiễn trải nghiệm cho các cơ quan công quyền, các chủ thể quyền lực, giới quản lý, chừng mực nào đó là các nhà chuyên môn tham gia hoạch định chính sách này. Ý kiến của một nhà nghiên cứu chính trị học, trực tiếp là khoa học chính sách, Vũ Hoàng Công cho rằng: “Đứng từ góc độ dấu hiệu của chính sách, phải khẳng định Việt Nam hiện nay có chính sách tôn giáo... Một chính sách công tốt là chính sách trong quy trình hoạch định thể hiện được hai yêu cầu là chuyên nghiệp và dân chủ”.

Cả hai khía cạnh này của chính sách tôn giáo đã được bảo đảm ở mức độ nhất định. Các văn bản đã được các chuyên gia am hiểu về tôn giáo và quản lý nhà nước về tôn giáo soạn thảo, xây dựng. Sau đó đã được tư vấn, phản biện bởi đại diện nhiều tổ chức tôn giáo, một số đoàn thể chính trị  - xã hội, một số nhân sĩ có uy tín.

2. Tôn giáo trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một chính sách công về tôn giáo

Jonathan Turner (1997) đã định nghĩa về thể chế xã hội, như sau: “Thể chế xã hội là “một phức hợp các vị trí, vai trò, chuẩn mực và giá trị gắn kết trong những loại cơ cấu xã hội nhất định và tổ chức ra các loại hoạt động của con người tương đối ổn định trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản để tạo ra các nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đời sống, trong việc cải tạo các cá nhân, và trong việc duy trì các cơ cấu xã hội trong một môi trường nhất định[4].

Định nghĩa ấy có thể giúp chúng ta mường tượng cấu trúc của một thể chế xã hội (Social insititution) bao gồm: bên cạnh các cơ quan quyền lực của nhà nước, các đảng phái chính trị, các doanh nghiệp, gia đình… thì có bộ phận quan trọng ngoài nhà nước mà chúng ta quen gọi là khu vực “xã hội dân sự” trong đó có các tổ chức tôn giáo.

Trong hơn 30 năm thực hiện đổi mới chính sách tôn giáo (từ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị năm 1990 đến nay), trải qua nhiều đại hội của Đảng, quá trình đổi mới “chính sách tôn giáo” luôn luôn được đặt trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo. Con đường đúng đắn này ngày càng làm rõ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn trong phạm vi vốn quen thuộc, nhưng chứa đựng những nội dung hết sức mới mẻ.

Sự chuyển biến của sự nghiệp đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay có thể chia ra làm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Tiếp tục hoàn thiện những “chính sách tôn giáo” quen thuộc mà các giai đoạn trước năm 1990 vẫn quan tâm, trong đó rất chú trọng đến những nhu cầu mới của đời sống tôn giáo, điều này rõ nét nhất trong việc Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (2004).

Những thành tựu chủ yếu trong công tác tôn giáo giai đoạn này có thể kể đến như việc mở rộng bước đầu công nhận các tổ chức tôn giáo đủ điều kiện pháp lý. Từ chỗ Nhà nước chỉ công nhận 6 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài và Phật giáo Hoà Hảo), sau Chỉ thị về công tác Tin Lành (tháng 1/ 2005), con số này đã dần dần nâng lên và cho đến nay, đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với trên 25 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số được công nhận.

Bên cạnh đó là hàng loạt chính sách mới về việc các tổ chức tôn giáo được phép mở rộng đào tạo chức sắc, sự thay đổi thuận lợi về việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đất đai tôn giáo. Đặc biệt lần đầu tiên nhà nước đã quan tâm đến mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo. Nhưng cũng không thể bỏ qua một thành tựu quan trọng khác đó là việc ngăn chặn, hoá giải những hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta (các vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên 2001, 2008; “Vương quốc Mông” ở Tây Bắc; diễn biến hoà bình về tôn giáo và nhân quyền).

Giai đoạn thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện từng bước nhà nước pháp quyền về tôn giáo, mà điểm nhấn là từ sau khi có Hiến pháp sửa đổi 2013, lần đầu tiên vấn đề nhân quyền được chính thức khẳng định. Đây là giai đoạn Đảng và Nhà nước ta có những thay đổi quan trọng trong việc tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước; thúc đẩy luật pháp tôn giáo, hoàn thiện chính sách công về tôn giáo, xem như một trong những chân đế quan trọng nhất để xây dựng một mô hình nhà nước thế tục ở nước ta. Những thành tựu quan trọng trong chính sách này chính là việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (tháng 11/2016), nhiều nghị định, chỉ thị quan trọng khác của Đảng và Nhà nước, sự cải thiện công tác tôn giáo của cả hệ thống chính trị đã dẫn đến những thành công mới, bên cạnh việc thể chế hoá tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo Hiến pháp 2013, thì việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của tôn giáo, tín ngưỡng; tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia sâu rộng hơn vào lĩnh vực xã hội; chính sách bảo hộ tài sản, cơ sở thờ tự, điều chỉnh tốt hơn sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Có thể nói, cho đến nay một chính sách công về tôn giáo đã hiện rõ, hoặc rộng hơn, đó là một mô hình nhà nước thế tục xã hội chủ nghĩa về tôn giáo ở nước ta đã hình thành và đang từng bước được hoàn thiện khá cơ bản.

3. Kết luận

Việc xây dựng chính sách tôn giáo dưới góc độ chính sách công là một dấu chứng của sự tiến bộ xã hội. Việc thể chế hóa các vấn đề tôn giáo thành các quy định làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoạt động, hành vi tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ở nước ta, một đất nước đa dân tộc, đa văn hoá, đa tôn giáo vốn có truyền thống hài hoà tôn giáo và xã hội, cộng đồng các tôn giáo nói chung gắn bó với dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong điều kiện đổi mới hiện nay của đất nước, truyền thống ấy đã và đang được nâng cao trên một bình diện mới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu hướng tới một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó cũng là điểm đồng thuận chung nhất với chính những lý tưởng tiến bộ của các tôn giáo, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã căn dặn. Đó là những đảm bảo cần thiết cho một nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện.

ĐỖ THỊ THỤY VŨ

Khoa Khoa học Chính trị

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn


[1] Viện Khoa học Chính trị, Hồ Văn Thông (chủ biên), Nguyễn Đăng Thành, Hồ Ngọc Minh, 1999, Tìm hiểu về khoa học chính sách công, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, tr. 13-14.

[2] Xem Trần Hữu Quang (chủ nhiệm đề tài), Hệ thống phúc lợi ở Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội (bản phúc trình tổng kết đề tài nghiên cứu), TP Hồ Chí Minh, 4/2009, tr. 29.

[3] Xem Nguyễn Đức Lữ, Tôn giáo quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009, tr. 270-271.

[4] Standford Encyclopedia of Philosophy (mục Social institutions):  www.plato.standford.edu/emtries/social-institutions.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều