Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và ý nghĩa đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay

(Mặt trận) - Trong các bài nói, bài viết của mình, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân trong xã hội. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay.
Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII) khai mạc ngày 4/5 và bế mạc ngày 10/5 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác cán bộ bởi Người luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì thế, Người luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Một trong những cách thức, biện pháp mà Người luôn nhắc đến khi xây dựng đội ngũ cán bộ là “nêu gương”.

Trước hết, theo Người, sở dĩ cần phải “nêu gương” là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1. Do đó, ngay từ khi bắt tay vào công tác huấn luyện cán bộ, Người đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927), Người đặt lên hàng đầu tư cách một người cách mệnh với 23 điểm. Theo Bác, người cách mạng tư cách phải chuẩn mực; thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác, với công việc. Bác đã nêu rõ những yêu cầu có tính chuẩn mực đó: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”2.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Tư cách ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”3. Do đó, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”4. Người đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam... Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mọi cán bộ, đảng viên là: cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Người cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những “đầu tầu gương mẫu”.

 Trong “Bài nói với cán bộ tỉnh Hà Tây”, Người nói về sự cần thiết phải nêu gương: “Muốn đẩy mạnh các mặt sản xuất, chiến đấu, văn hoá và các mặt khác, thì trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Được thế thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên cùng với quần chúng nhân dân càng đoàn kết, các công việc đều sẽ trôi chảy, trước hết là công việc sản xuất và chiến đấu”5. Như vậy, theo Người nêu gương là một việc làm thường xuyên, liên tục và nghiêm túc của mỗi cán bộ, đảng viên.

Không chỉ nói về việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung; ngay từ lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao cần phải tiên phong trong việc nêu gương. Trong “Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ” năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”6.

Không chỉ nói về sự cần thiết của việc nêu gương, làm gương đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra cách thức, phương pháp nêu gương. Theo Người, nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo. Bản chất của phương pháp nêu gương, xét ở góc độ tâm lý, nó chính là sự “bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Vì thế, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ ra cách thức nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ ta”7. Vì lẽ đó, Người kiên quyết phê phán những cán bộ không tốt, làm gương xấu cho Nhân dân, bôi nhọ danh dự của Đảng. Người yêu cầu: “Đảng viên và đoàn viên nào còn lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, thiếu đạo đức cách mạng, nêu gương xấu trong nhân dân, thì phải quyết tâm sửa đổi để trở thành đảng viên và đoàn viên tốt. Nếu không thì sẽ bị loại ra ngoài phong trào cách mạng”8.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Vì thế, Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”9.

Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước Nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì Nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bản thân Người luôn ca ngợi và tự răn mình phải học tập tấm gương của các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”10. Một dẫn chứng cụ thể và cảm động nhất, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất về phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc Người tiên phong đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho Nhân dân trong những năm tháng nước nhà rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo tiết kiệm đó cứu những người bị đói và chính Người đã làm gương, nghiêm túc thực hiện mặc dù Người luôn phải làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút vì vừa trải qua một trận ốm nặng… Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói phải như thế nào? Với bút danh C.T trên Báo Cứu quốc,  số 105, ngày 30/11/1945 Người viết: “Hồ Chủ tịch đã nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời”11. Vì là hiện thân cao đẹp nhất của việc nêu gương trong mọi hành động, việc làm nên tư tưởng của Người về nêu gương, làm gương không chỉ dừng lại ở những quan điểm mang tính lý luận mà còn có sức thuyết phục, lôi cuốn và lan tỏa rộng rãi đến toàn thể Nhân dân và mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, ở Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất, hòa quyện giữa “tri” và “hành”, giữa tư tưởng và hành động. Đó cũng chính là sức lôi cuốn, hấp dẫn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà không phải nhà lý luận, nhà chính trị nào cũng có được.

Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về “nêu gương” với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020. 

Tại Đại hội XIII, trong Báo cáo tổng kết Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã nhận định sau hơn 2 năm thực hiện Quy chế nêu gương (năm 2018), việc xây dựng Đảng về đạo đức đã có nhiều chuyển biến tích cực: “Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”12. Quy chế nêu gương không chỉ tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp chiến lược mà còn cả đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”13.

Nhận định này tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh thêm tại Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết luận đã nhấn mạnh lý giải thêm sở dĩ trong thời gian qua, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực là do việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã từng bước đi vào nền nếp, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó đã “góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”14. Đây là nhận định khách quan, xuất phát từ những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức nói chung và thực hiện Quy chế nêu gương nói riêng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, Đảng ta cũng nhận định: “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... còn diễn biến phức tạp”15. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, “cấp ủy, ủy ban các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu”16. Sở dĩ có tình trạng đó là vì “Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao”. Điều này được Đảng ta nhấn mạnh thêm tại Kết luận số 01-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 18/5/2021: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”17. Nhận định trên đã cho thấy rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật của Đảng trong công tác xây dựng Đảng nói chung và thực hiện quy định về nêu gương trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng “nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về vấn đề “nêu gương”. Mỗi Đảng bộ, Chi bộ cần đưa vấn đề “nêu gương” của cán bộ, đảng viên vào trong Nghị quyết thường kỳ. Trong mỗi cuộc họp hay sinh hoạt, Đảng bộ, Chi bộ cần tăng cường quán triệt cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của họ trong mọi tổ chức và hoạt động của tổ chức mình. Đặc biệt, cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vào việc bình xét, đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm cũng như việc xem xét quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt như lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; đặc biệt chú trọng đến việc nêu gương về đạo đức... Nêu gương về đạo đức đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “Học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân.

Thứ ba, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có bất cứ hành động hay phát ngôn trái với đường lối, quan điểm của Đảng, gây tổn hại đến uy tín và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; hoàn thành tốt nhất trọng trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, có lối sống khiêm tốn, giản dị, gần dân, hiểu dân, hòa đồng và thấu hiểu con người; có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, ăn ở với nhau có tình có nghĩa như Bác Hồ căn dặn.

Đối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo phải ra sức rèn luyện, nêu cao bản lĩnh chính trị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo. Từ trí tuệ, năng lực và nhân cách của mình mà phấn đấu, cống hiến cho Đảng, đất nước và xã hội, không cơ hội chính trị, không chạy chức, chạy quyền, không tham vọng quyền lực hoặc lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, xếp đặt chức quyền cho người nhà, người thân. Khi tự mình thấy không có đủ năng lực và uy tín hoặc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý thì nên chủ động từ chức.

Thứ tư, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên sẽ không thể có kết quả tốt, không thể được thực hiện nghiêm túc nếu thiếu sự giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi Đảng bộ, Chi bộ cần xây dựng cơ chế để phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đối với việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong việc bình xét, đánh giá, quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ, đảng viên; cần có sự tham khảo ý kiến phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Việc giám sát, phản biện cần được tiến hành thường xuyên, khách quan, công khai với mục đích trong sáng giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trưởng thành, giúp cho mỗi cơ quan, tổ chức vững mạnh.

Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương chính là “kim chỉ nam”, là những chỉ dẫn rất cần thiết và quý báu cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng “nêu gương”, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về “nêu gương” để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” đúng như lời căn dặn của Bác.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 1, tr. 284.

2,3,4,11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 2, tr.280-281, 289, 290, 126.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15, tr.393.

6,8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 14, tr.223, 183.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 5, tr.291.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 10, tr.494.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 11, tr.602.

12,13,15,16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.174-175, 164, 208.

14,17. http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-day-manh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-133448

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tập 2, tập 4, tập 5, tập 6, tập 12, tập 14, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

6. Nguyễn Phú Trọng (2019), Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Lê Thị Chiên

TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Phạm Thị Thái Hòa

ThS, Học viện Cảnh sát nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều