Vai trò của giám sát, phản biện xã hội trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Giám sát, phản biện xã hội là một hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ thể chế chính trị, góp phần vào thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
 Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  cùng các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh Khối đại đoàn kết dân tộc và kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2014 - 2019_Ảnh: TTXVN
Thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

Ngày 16-11-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Thông báo số 161-TB/TW, về “Đề án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư”. Để triển khai thực hiện Thông báo này, ngày 21-4-2006, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã ký Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN, ban hành "Quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư" (Quy chế 05).

Đối tượng giám sát là đảng viên, cán bộ, công chức làm việc và cư trú ở cấp xã… Việc giám sát dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan nhà nước; tiến hành theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... MTTQVN cấp xã thực hiện giám sát dưới sự lãnh đạo của ban thường vụ đảng ủy cấp xã. Khi cần thiết, ban thường trực ủy ban MTTQVN cấp xã thành lập tổ giám sát. Nội dung giám sát, thành phần tổ giám sát, kế hoạch giám sát do ban thường trực ủy ban MTTQVN cấp xã quyết định sau khi thống nhất với thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp… Quy chế 05 được thực hiện ở một số xã, phường, thị trấn của 5 tỉnh, thành phố là Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Nội.

Đại hội X của Đảng chỉ rõ những hạn chế khi quần chúng nhân dân bước đầu thực hiện hoạt động giám sát, cũng như những nguyên nhân của tình trạng đó. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là “chưa có cơ chế giám sát trong Ðảng và giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Ðảng”; vì thế, một trong những phương hướng được Đại hội X đề ra để khắc phục những hạn chế nói trên là: “Xây dựng các quy chế và biện pháp thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Ðảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”(1).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, ngày 16-1-2012, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đề ra giải pháp: “Ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”(2).

Triển khai thực hiện Nghị quyết trên, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” - Quy chế 217 và Quyết định số 218-QĐ/TW, “Ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Những thành công cùng hạn chế từ việc thực hiện Quy chế 05 ở 5 địa phương nói trên là những kinh nghiệm quý, là căn cứ quan trọng để từ đó Bộ Chính trị khóa XI xây dựng và ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW; qua đó, đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GSPBXH) cũng như tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân ngày càng hiệu quả, mở rộng và thực chất.

Bước tiến lớn trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Sau khi được ban hành năm 2014, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện theo những nội dung được quy định. Đến ngày 15-6-2017, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo Quy chế 217, việc giám sát, phản biện xã hội do MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tác động tới các chủ thể có liên quan nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh... Điểm mới của Quy chế 217 so với Quy chế 05 chính là đối tượng của giám sát xã hội đã mở rộng hơn, không chỉ là đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương (cấp phường); đồng thời, nội dung GSPBXH bao gồm việc xây dựng cũng như thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp... Chính vì thế mà việc MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết đơn, thư phản ánh cũng sẽ công phu, phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì thảo luận về chủ đề: "Thực hiện dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh_Ảnh: TTXVN 
Một điểm đáng chú ý là, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội có thể tiến hành giám sát dựa trên đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nhận được và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Ủy ban Trung ương MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp Trung ương báo cáo kết quả giám sát với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội các địa phương báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp để các cơ quan, tổ chức được báo cáo cho ý kiến về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và cơ quan thông tin đại chúng phổ biến các điển hình tiên tiến, góp phần tạo phong trào thi đua học tập các điển hình tiên tiến.

Việc ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW thể hiện bước tiến lớn, làm phong phú hơn hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, khi phát huy quyền GSPBXH của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Điều này đã đánh dấu việc GSPBXH của quần chúng nhân dân được chính thức ghi nhận và kèm theo đó là các điều khoản cụ thể để hiện thực hóa hoạt động này dưới sự chủ trì của MTTQVN. Thực hiện GSPBXH đã góp phần phản ánh tâm tư, thái độ, nguyện vọng của quần chúng nhân dân về những chủ trương, đường lối của Đảng; về kết quả hành động, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thực hiện giám sát, phản biện xã hội: Kết quả và bài học kinh nghiệm

Việc thực hiện Quy chế 05 ở 5 tỉnh, thành phố đã thu được các kết quả đáng ghi nhận. Các đơn, thư tập trung chủ yếu vào những vi phạm của đối tượng giám sát trong thực thi công vụ khi thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, về tư cách và phẩm chất đạo đức cá nhân cũng như đạo đức công vụ, thái độ tiếp xúc với nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện Quy chế 05, các địa phương đã bước đầu chấn chỉnh thái độ làm việc, ý thức tuân thủ các quy định, hướng dẫn cũng như nâng cao thái độ, ý thức phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, một bộ phận nhân dân đã hiểu được quyền giám sát của mình nên chủ động phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn. Đây là sự thay đổi quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm công vụ của công chức cấp xã. Hạn chế rút ra qua thời gian thực hiện Quy chế 05 là, đối tượng giám sát chủ yếu chỉ là cán bộ, đảng viên đang công tác ở chính quyền cấp xã và thôn; với đối tượng là cán bộ, đảng viên các cơ quan đóng trên địa bàn thì hầu như không giám sát được do nhiều nguyên nhân, cả về khách quan cũng như chủ quan.

Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã đánh giá: “Chưa thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát, tham gia của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng”, đồng thời đề ra phương hướng khắc phục: “Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”(3). Đây là đánh giá chung được rút ra từ quá trình thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trên toàn quốc, cũng như từ kết quả thực hiện thí điểm Quy chế 05 tại 5 tỉnh, thành phố trên đây.

Quy định số 217-QĐ/TW và Quy định số 218-QĐ/TW đã phát huy sự tham gia của quần chúng nhân dân, MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Ủy ban MTTQVN các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thực hiện nhiệm vụ GSPBXH... Đồng thời, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, ủy viên ủy ban MTTQVN, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực để thực hiện GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, “Qua các hoạt động GSPBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQVN đã giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước”(4).

Một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong phát huy dân chủ một cách thực chất đã được MTTQVN các cấp tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp là tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp. Kết quả của hoạt động này là: “Đối thoại trực tiếp đã góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, kết hợp đối thoại với nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia... Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại cấp ủy, chính quyền, cá nhân người có trách nhiệm, thẩm quyền đã trực tiếp trả lời, tiếp thu và giải quyết những vấn đề liên quan đến từng tổ chức, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân”(5).

Cụ thể hơn, MTTQVN đã đi đầu trong thực hiện việc giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương, bước đầu đã đạt được một số kết quả, như thu hút sự quan tâm, vào cuộc của quần chúng nhân dân; qua đó, đã có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Qua triển khai bước đầu đã tạo nên sự quan tâm của người dân trong theo dõi, nhận xét, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng với các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bằng nhiều hình thức, MTTQVN đã phản ánh trực tiếp với người đứng đầu hoặc thông qua các cuộc họp, hội nghị, một số vụ, việc gửi phản ánh hoặc đề nghị bằng văn bản… có tác dụng tốt cho việc phòng ngừa vi phạm. Qua thông tin, phản ánh đã giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tự thấy, tự sửa”(6).

Tuy nhiên, việc thực hiện GSPBXH vẫn còn những hạn chế, cả về nhận thức cũng như thái độ trong thực hiện nhiệm vụ GSPBXH của các bên có liên quan, cũng như các quy định cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ này: “Nhận thức của một số cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền về chức năng, nhiệm vụ GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQVN và các tổ chức thành viên còn chưa đầy đủ, chưa sâu sắc và toàn diện, dẫn đến coi nhẹ công tác GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng của các tổ chức này, chưa quan tâm bố trí cán bộ bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, do đó hạn chế tác dụng và hiệu quả hoạt động của MTTQVN các cấp. Trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, góp ý ở một số địa phương, lãnh đạo MTTQVN chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong quá trình GSPBXH và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Chính sách và pháp luật về công tác GSPBXH của MTTQVN hiện nay vẫn còn cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện rất nhiều thì mới đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp luật cho hoạt động giám sát của MTTQVN. Tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự cũng như các điều kiện khác để bảo đảm cho hoạt động giám sát của MTTQVN còn rất hạn chế”(7).

Khi thực hiện giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương còn gặp phải một số hạn chế và khó khăn, do nhiều nguyên nhân, như “quy định còn có điểm không thực tế, thiếu tính khả thi?... là do căn bệnh nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, dễ người, dễ ta, bệnh hình thức, hành chính, thành tích trong tổ chức đảng và ngoài xã hội vẫn còn nặng?... do thiếu cơ chế để nhân dân tham gia ý kiến?”(8) . Để phát huy vai trò giám sát của nhân dân về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cần “phải thực hiện công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập; thái độ của người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, lắng nghe, thực hiện trách nhiệm phản hồi các phản ánh, thông tin; phải có phong cách sâu sát, gần gũi với nhân dân, nói đi đôi với làm. Người đứng đầu phải giữ vững nguyên tắc, thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm các vi phạm, thực hiện dân chủ, kỷ cương; không tham nhũng, không xa hoa, lãng phí”(9). Tóm lại, để GSPBXH thực sự đạt kết quả như mong muốn, cần phải có nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng với đó là tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa nội dung các quy định, nâng cao hiệu lực thực thi, bảo đảm tính bắt buộc,…

Từ thực tiễn thực hiện GSPBXH qua những nhiệm kỳ gần đây của Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhấtthực hiện GSPBXH phải đặt trong quá trình dân chủ hóa xã hội có lộ trìnhvới bước đi thích hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua sự quản lý của Nhà nước và phát huy tính tích cực của quần chúng nhân dân.

Việc mở rộng thực hành GSPBXH phải phù hợp với trình độ dân chủ, đặt trong tổng thể trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí,… tương thích với những sự thử nghiệm, bước đi thích hợp. Từ thực tế có thể thấy rõ điều này, khi trong nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998, “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Để thể chế hóa Chỉ thị số 30-CT/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, ngày 11-5-1998, về “Quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 8-9-1998, về “Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số 07/1999/NĐ-CP, ngày 13-2-1999, về “Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước”. Những quy định đó đã thúc đẩy việc thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực, chỉ rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên có liên quan. Từ những bước đi đó, mới dẫn đến sự ra đời của Quy chế 05, thực hiện thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố; thể hiện sự thận trọng cần thiết, để có thể thực hiện được nhiệm vụ quan trọng, mới mẻ này.

Đồng thời, chỉ khi thực hiện GSPBXH dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thì mới có thể tập trung hết tiềm lực, phát huy hết khả năng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân; tránh những sự xung đột, tự phát có thể làm chệch hướng hoặc giảm hiệu quả của công tác GSPBXH.

Thứ haikết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các mặt tỷ lệ thuận với kết quả thực hiện GSPBXH.

Làm tốt GSPBXH sẽ góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là công việc nội bộ của Đảng, không chỉ là việc thực hiện những nguyên tắc, quy định, hướng dẫn,… trong sinh hoạt định kỳ, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng các cấp; mà cũng chính là thực hiện việc giữ gìn, củng cố và phát huy mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; muốn vậy, phải huy động mọi tâm huyết, đóng góp của quần chúng nhân dân, trong đó có hoạt động GSPBXH. 

Nhìn lại những nhiệm kỳ Đại hội Đảng từ khi đất nước ta tiến hành đổi mới toàn diện đến nay có thể thấy rõ điều đó. Đại hội VI của Đảng đã đề ra: “Cần đưa công khai trên báo, đài, hoặc qua các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất. Điều đó chỉ làm tăng lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(10). Đây chính là thể hiện ý tưởng về quan hệ khăng khít giữa giám sát của quần chúng nhân dân với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà sau này được hiện thực hóa qua các nhiệm kỳ kế tiếp. Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những thói hư, tật xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cùng 4 nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, làm giảm lòng tin với Đảng của quần chúng nhân dân; đồng thời, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW để thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Hội nghị Trung ương 4 khóa XI ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời, Bộ Chính trị khóa XI ban hành các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, để đẩy mạnh hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thông qua GSPBXH.

Thứ basự quyết tâm của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả của hoạt động GSPBXH.

Giám sát, phản biện của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân mang tính chất xã hội, nghĩa là tính bắt buộc không cao; hiệu quả của nó chỉ có thể phát huy tốt nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tác động của GSPBXH cần nhìn nhận qua thời gian dài, đồng thời kết quả của nó cũng chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Nếu không có sự quyết tâm lâu dài, sự vào cuộc quyết liệt, sự nhiệt tình vì sự nghiệp chung của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thì GSPBXH khó có thể có kết quả như mong muốn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức hội thảo: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”_Ảnh: TTXVN 
Các giải pháp để thực hiện tốt giám sát, phản biện xã hội thời gian tới

Một là, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong đời sống chính trị - xã hội đất nước.

Chỉ khi vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy, dân chủ trong Đảng, trong xã hội được thực hành thực chất và rộng rãi, thì việc huy động tính tích cực cách mạng của quần chúng nhân dân trong GSPBXH mới hiệu quả, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đòi hỏi phải thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, các quy chế, hướng dẫn trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thời gian tới, tập trung thực hiện việc “tăng cường phối hợp giữa giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả… Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”(11).

Hai là, kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để thực hiện có hiệu quả hoạt động GSPBXH.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ thúc đẩy việc thực hiện GSPBXH một cách có hiệu quả và ngược lại. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải bắt đầu từ việc thực hiện những quy định về xây dựng chương trình hành động bám sát nội dung các nhiệm vụ được đại hội đảng các cấp đề ra; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các thành viên hệ thống chính trị…; và quan trọng hơn cả là việc kiểm tra, giám sát các hoạt động nói trên, gắn với thực hiện tốt công tác GSPBXH của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. “Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương”(12). Đồng thời, thực hiện tốt công tác GSPBXH sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng tha hóa về quyền lực, lạm dụng quyền lực vì mục đích, lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hoạt động GSPBXH.

Trong Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tổ chức tiền thân của MTTQVN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao những đóng góp của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta hiện nay. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của các tổ chức này thời gian qua: “Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát; còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả. Sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; công tác giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế”(13). Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng đã đánh giá: “Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp, nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”, “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn thụ động, hiệu quả thấp”(14). Để khắc phục những hạn chế nói trên, các giải pháp được đưa ra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong hoạt động GSPBXH là: “Hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp”(15), “Mặt trận cần thực sự tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật chứ không chỉ làm nhiệm vụ động viên, kêu gọi, tổ chức các phong trào. Đó chính là cách làm cho Mặt trận mới hơn, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn”(16)./.

--------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 275, 281
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 35
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 198, tr. 203
(4),(5),(7) Trần Thanh Mẫn: “Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội - Tiếp cận từ yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, Tạp chí Cộng sản số 925 (9-2019), tr. 11-12,12,13
(6),(8),(9) Ngô Sách Thực:“Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương”, Tạp chí Cộng sản số 919 (5- 2019), tr. 27,27-28

(10)Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 150
(11),(12),(14),(15)Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, 10-2020
https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/820106/toan-van-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang.aspx

(13),(16) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-mat-tran-to-quoc-viet-nam, ngày 18-11-2020.

Theo NGUYỄN HOÀNG VIỆT/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều