Vai trò của truyền thông đối ngoại đối với việc triển khai chính sách đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Thông tin, tuyên truyền đối ngoại là một cầu nối giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác, là lực lượng quan trọng quảng bá và nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam, góp phần thu hút các nguồn lực để phát triển đất nước. Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, gắn bó mật thiết hơn đối với việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh các tác phẩm đoạt giải tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII_Ảnh: TTXVN

Từ đầu năm 2020 đến nay là quãng thời gian rất đặc biệt đối với công tác đối ngoại cũng như thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Lần đầu tiên, Việt Nam đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế trong cùng một thời điểm; đồng thời, nhiều hoạt động ngoại giao song phương diễn ra rất sôi động. Ở trong nước, hai năm qua là thời gian quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổ chức thành công và tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng. Đáng chú ý là, các nhiệm vụ đối ngoại và đối nội quan trọng đó được triển khai trong một bối cảnh đặc biệt chưa từng có, với những tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19. Chính trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đã được đẩy mạnh với nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần quan trọng cho việc triển khai chính sách đối ngoại đạt nhiều thành công rực rỡ. Những nỗ lực của công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã cho thấy những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn đối với cả công tác truyền thông, cũng như công tác đối ngoại.

Đại dịch COVID-19 đã và đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến các khía cạnh của đời sống nhân loại theo những cách thức chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt là, công tác đối ngoại của mỗi quốc gia đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Thứ nhất, việc các quốc gia đều tập trung ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đã tạo ra khó khăn trong việc định hướng và gắn kết trên các diễn đàn đa phương. Thứ hai, đại dịch COVID-19 làm sâu sắc hơn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặt ra cho các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, những bài toán khó trong thực thi chính sách đối ngoại nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Thứ ba, trước tình hình giãn cách xã hội, cách ly trên diện rộng, việc triển khai các hoạt động đối ngoại theo phương thức truyền thống gặp nhiều khó khăn. Khi các quốc gia trên thế giới đều lần lượt hạn chế mở cửa nhằm kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động đối ngoại, như chuyến thăm cấp cao, hội nghị quốc tế, giao lưu gặp gỡ,... đều bị gián đoạn. Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức lớn đối với quan hệ quốc tế nói chung và việc triển khai hoạt động đối ngoại của các quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nước nâng cao tính thích ứng và phát triển nền ngoại giao mới, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tương tác ngoại giao, cũng như truyền thông đối ngoại. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, hai năm qua, truyền thông đối ngoại của Việt Nam đã đồng hành với công tác triển khai chính sách đối ngoại, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo và linh hoạt thích ứng, góp phần quan trọng vào các thành tựu đối ngoại của đất nước.

Một là, truyền thông đối ngoại đẩy mạnh thông tin về các hoạt động đối ngoại của Việt Nam trên bình diện đa phương, tận dụng cơ hội nâng cao hình ảnh đất nước. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận các nhiệm vụ quốc tế quan trọng khi đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA-41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Xuyên suốt từ năm 2020 đến nay, truyền thông đối ngoại đã kịp thời cập nhật toàn diện các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam. Qua đó, truyền thông đối ngoại đã nêu bật được vai trò định hướng, gắn kết của Việt Nam khi đảm nhận trọng trách quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương gặp nhiều khó khăn. Với cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; tăng cường vai trò của ASEAN trong quan hệ với các đối tác lớn; đoàn kết Cộng đồng ASEAN (AC) ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19. Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam chọn cho Năm ASEAN 2020 trở nên rất phù hợp với tình hình thực tế và đã trở thành “thương hiệu” truyền thông của Việt Nam, cũng như AC. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã thể hiện hình ảnh một nước Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Trên cơ sở sáng kiến của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thông qua Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN. Dấu ấn lịch sử là việc Việt Nam đề xuất và thúc đẩy Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Nghị quyết này có số lượng nước đồng bảo trợ đạt kỷ lục (112 nước). Sự tham gia tích cực, trách nhiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tiếp tục được tăng cường, ghi đậm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đầy tính nhân văn sâu sắc. Có thể nói, với tần suất đưa tin liên tục, diện lan tỏa rộng khắp, truyền thông đối ngoại đã xây dựng một bức tranh toàn cảnh rất tích cực về công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, với sự biến chuyển rất nhanh của tình hình thế giới, tính sôi động, mật độ dày đặc của các sự kiện quốc tế và đối ngoại, các cơ quan truyền thông đối ngoại chủ lực của Việt Nam đã bảo đảm tốc độ đưa tin kịp thời, đúng thời điểm, có tính thời sự đến với công chúng quốc tế. Đồng thời, nhanh chóng ứng dụng các hình thức truyền thông mới. Truyền thông đối ngoại đã sử dụng nền tảng mạng xã hội, truyền thông kỹ thuật số để cập nhật các buổi hội nghị theo thời gian thực. Đơn cử như, trang Facebook “ASEAN 2020 Việt Nam” cập nhật đầy đủ tất cả các hoạt động liên quan đến Năm ASEAN của Việt Nam, mỗi bài đăng đều có chuỗi ký tự/ký hiệu (hashtag) kèm với tiêu đề cụ thể về nội dung, như ASEAN 2020 VN, Gắn kết Và Chủ Động Thích Ứng, 37 ASEAN Summit, ASEAN Z45... Bằng cách sử dụng các hình thức truyền thông mới, truyền thông đối ngoại không chỉ đưa các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam tiếp cận với công chúng quốc tế nhanh hơn, kịp thời hơn, rộng rãi hơn mà còn nâng cao hình ảnh Việt Nam như một đất nước có tầm nhìn và sáng tạo trong việc sử dụng linh hoạt công nghệ số trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Hai là, truyền thông đối ngoại góp phần giúp Việt Nam tăng cường lòng tin, đưa quan hệ đối ngoại song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, phát triển ổn định, bền vững. Trong năm 2020, Việt Nam kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều đối tác lớn, như Trung Quốc, Cu-ba, Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... Truyền thông đối ngoại đã tích cực thông tin về tiến trình hợp tác phát triển của Việt Nam với bạn bè truyền thống, đối tác lớn. Qua đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam là một đối tác tin cậy, bền vững của các nước, trong đó có các cường quốc trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại đến chính trị, quốc phòng - an ninh, giao lưu văn hóa. Việc đưa tin kịp thời, có chiều sâu về các hoạt động của nguyên thủ và lãnh đạo các nước đến Việt Nam(1) đã tô đậm hình ảnh một đất nước an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả và tích cực góp phần vào duy trì, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Truyền thông đối ngoại còn góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, trong đó có Lào, Cam-pu-chia và Trung Quốc. Thông qua việc đưa tin kịp thời các hoạt động tiếp xúc, hội đàm trực tiếp và trực tuyến, điện đàm giữa các lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành, địa phương, các tuyến bài viết về lịch sử, tình hữu nghị, mối quan hệ giữa các dân tộc, các cơ quan truyền thông chủ lực đã tập trung xây dựng hình ảnh mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào được quốc tế đánh giá là “mối quan hệ mẫu mực”; quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; mối quan hệ “vàng đã qua thử lửa” giữa Việt Nam và Cam-pu-chia.

Ba là, truyền thông đối ngoại đẩy mạnh lan tỏa thông điệp đối ngoại của Việt Nam, góp phần định vị hình ảnh Việt Nam trên truyền thông quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực, truyền thông đối ngoại đã tập trung lan tỏa các thông điệp đối ngoại mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Thứ nhất, thông điệp về một quốc gia minh bạch, an toàn khi kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Trước diễn biến phức tạp và số lượng ca nhiễm ngày càng tăng trên thế giới, truyền thông đối ngoại Việt Nam đã tập trung làm rõ tính minh bạch của diễn biến dịch bệnh thông qua việc cập nhật liên tục các bản tin về tình hình ca mắc mới mỗi ngày. Bên cạnh đó, việc triển khai các chiến dịch truyền thông, như Chiến dịch 5K, Dự án âm nhạc “Ghen Cô vy”... đã lan tỏa thông điệp không chỉ tới người dân trong nước mà cả bạn bè trên khắp thế giới. Thứ hai, thông điệp về một quốc gia với tinh thần đoàn kết, nhân văn, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là một trong những thông điệp ngoại giao tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế. Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, truyền thông đối ngoại đã góp phần thông tin kịp thời về sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với người ngoại quốc đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, truyền thông tích cực cập nhật những nỗ lực vượt bậc trong việc hỗ trợ công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn cho các công dân nước ngoài. Bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ về kinh tế, phác đồ điều trị, sự động viên về mặt tinh thần, tình cảm hữu nghị là những giá trị đáng trân quý hơn bao giờ hết. Thông điệp ấy đã được truyền thông đối ngoại lan tỏa mạnh mẽ như một lời nhắn nhủ đến bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam luôn sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai, dù mang bất kỳ quốc tịch nào, luôn lấy con người làm gốc trong mọi chính sách. Thứ ba, thông điệp về một quốc gia với tinh thần trách nhiệm, hữu nghị với bạn bè quốc tế. Mặc dù gặp nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ổn định nền kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm quốc tế cao. Truyền thông đối ngoại đã kịp thời đưa tin về những hành động thiết thực của Việt Nam trong việc hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế. Dù nguồn lực hạn chế, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với các nước ngay từ những ngày đầu chống dịch bệnh COVID-19.

Việt Nam trao 550.000 khẩu trang hỗ trợ phòng, chống COVID-19 tặng một số nước châu Âu, tháng 4-2020_Ảnh: baoquocte.vn 

Những nỗ lực đồng hành cùng mặt trận đối ngoại trong một giai đoạn đầy thách thức đã mang lại một số bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác truyền thông đối ngoại.

Một là, trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin, đa dạng nguồn thông tin, tính thông điệp cần được coi trọng. Nhìn chung, nội dung thông điệp đối ngoại được lan tỏa trong thời gian qua đã đáp ứng được nhiệm vụ triển khai chính sách đối ngoại. Trong đó, hiệu quả được đánh giá dựa trên hai khía cạnh chính: 1- Thông điệp sát với thực tế, phản ánh đúng những gì đang diễn ra; điều này thu hút sự quan tâm và lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với những thông tin phát ra từ Việt Nam; 2- Nội dung thông điệp có dấu ấn, lôi cuốn, hấp dẫn về một Việt Nam nhân văn, tự chủ, tự cường, quản trị xã hội và phòng, chống dịch hiệu quả, tinh thần trách nhiệm quốc tế cao. Có thể nói, truyền thông trong bối cảnh khủng hoảng cần nhiều yếu tố để thành công và một trong số đó chính là việc xác định và truyền thông điệp phù hợp với cộng đồng quốc tế. Nhờ những thông điệp chính xác đó, chính trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đầy thách thức, Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trên hành trình chinh phục công chúng toàn cầu về một “câu chuyện Việt Nam” mới mẻ, hấp dẫn, lôi cuốn.

Hai là, vấn đề quan trọng không kém là tính kịp thời, đúng lúc, đúng thời điểm trong hoạt động truyền thông. Trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao đa phương không được tiến hành trực tiếp, lực lượng báo chí nước ngoài không được vào Việt Nam tác nghiệp, việc kịp thời cập nhật tin tức về các sự kiện đa phương quan trọng do Việt Nam chủ trì đã bảo đảm tính thời sự, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận quốc tế. Một số đánh giá cho thấy, nỗ lực truyền tải thông tin, nhất là bằng các hình thức truyền thông mới, đã góp phần giúp  các hoạt động đối ngoại trực tuyến của Việt Nam có số lượng theo dõi, quan tâm trên thế giới thậm chí cao hơn một số sự kiện tổ chức trực tiếp trước đó. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới hoang mang về tính minh bạch về thông tin dịch bệnh COVID-19, việc truyền thông đối ngoại Việt Nam cập nhật kịp thời diễn biến dịch bệnh đã gây dựng được lòng tin trong công chúng quốc tế. Việc nắm bắt được xu hướng và đưa tin nhanh chóng kịp thời của truyền thông đối ngoại đã giúp công tác đối ngoại nâng cao hiệu quả, đưa tên gọi “Việt Nam” trở thành từ khóa tìm kiếm hàng đầu (“top trending”) trong truyền thông quốc tế.

Ba là, những nỗ lực của truyền thông đối ngoại đã góp phần lan tỏa rộng rãi hình ảnh Việt Nam, tạo được ảnh hưởng tích cực đến truyền thông và bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động tác nghiệp của truyền thông, các hãng thông tấn quốc tế, truyền thông các nước hầu như chỉ tiếp cận được thông tin về Việt Nam thông qua truyền thông đối ngoại của ta. Trên cơ sở các thông điệp minh bạch, thông tin kịp thời, mang tính thời sự, lượng thông tin dồi dào, đa dạng, truyền thông quốc tế đã đánh giá đúng, đầy đủ và nhìn nhận khách quan về Việt Nam. Có thể nói, những nhìn nhận mang tính khách quan của các kênh truyền thông trên toàn cầu đã góp phần khẳng định tính hiệu quả của truyền thông đối ngoại Việt Nam trong một bối cảnh đầy thách thức.

Bốn là, một trong những yếu tố góp phần giúp truyền thông đối ngoại vượt qua thách thức là nỗ lực chủ động, sáng tạo sử dụng các hình thức truyền thông mới. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều giải pháp sản xuất tin bài, tác nghiệp trực tuyến hiệu quả, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại trên internet, nhất là trên mạng xã hội đã mang đến cho truyền thông đối ngoại Việt Nam một diện mạo mới mẻ, hiện đại. Trước hết, phải kể đến xu hướng truyền thông mạng xã hội, trong đó nội dung trực tiếp (live content) đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Nghiên cứu về các “video” của Facebook Live, Youtube Live và Instagram Live cho thấy, số lượng giờ xem nội dung video trực tiếp tăng 65% từ năm 2019 đến năm 2020(2). Truyền thông đối ngoại Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này khi linh hoạt cập nhật các cuộc họp ASEAN trên Facebook Live, vừa thể hiện được khả năng thích nghi, vừa khẳng định một đất nước đổi mới và sáng tạo trong việc sử dụng linh hoạt công nghệ số trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Có thể nói, bên cạnh thông điệp, nội dung thì phương thức truyền thông là yếu tố quan trọng giúp cho thông tin đến gần hơn với công chúng. Việc sử dụng phương tiện phù hợp, hiện đại mang lại hiệu quả cao cho công tác truyền tin, góp phần đưa truyền thông đối ngoại Việt Nam hòa với dòng chảy chung của truyền thông thế giới.

Các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế tác nghiệp tại một sự kiện_Ảnh: TTXVN 

Tuy nhiên, bên cạnh các nỗ lực và thành công đáng khích lệ, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế. Thứ nhất, về tính thống nhất thông điệp. Truyền thông hiện nay không chỉ là phương tiện giao tiếp đơn thuần mà là phương tiện quan trọng để mỗi quốc gia khẳng định hình ảnh, thương hiệu. Do đó, những nội dung truyền tải trên các phương tiện truyền thông đối ngoại cần bám sát đường lối, chính sách đối ngoại và đặc biệt là có tính nhất quán giữa các nội dung với nhau để triển khai hiệu quả giá trị thông điệp đối ngoại cần truyền tải. Thực tiễn cho thấy, giữa các kênh truyền thông đối ngoại có lúc chưa thể hiện được sự thống nhất về nội dung thông điệp đối ngoại. Bên cạnh đó, tính thống nhất còn thể hiện ở hệ thống nhận diện trên các nền tảng truyền thông. Nghĩa là, dù ở trên nền tảng nào, thông tin truyền tải đều phải nhất quán về thông điệp, nội dung cho đến biểu tượng thiết kế đặc trưng. Điều này không những giúp thúc đẩy mức độ nhận diện cao mà còn tăng khả năng tiếp cận, tăng mức độ ảnh hưởng thông điệp đối với công chúng quốc tế. Nói cách khác, để tối ưu hóa, thông điệp phải có sự thống nhất về mặt nội dung cũng như hình thức, đặc biệt cần mang tính bản sắc để mỗi đối tượng công chúng quốc tế khi tiếp nhận thông điệp đều nhận biết được rằng đó là những thông điệp đến từ Việt Nam, là giá trị Việt Nam. Thứ hai, việc vận dụng truyền thông mới, truyền thông xã hội còn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nói riêng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) nói chung, hiệu ứng lan tỏa của truyền thông xã hội là rất lớn với các đặc tính, như dễ dàng tiếp nhận thông tin phản hồi, tốc độ lan truyền thông điệp nhanh chóng và xuyên biên giới, tiếp cận được số lượng lớn công chúng, tạo ra hiệu ứng lan truyền (viral effect). Truyền thông đối ngoại Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận và triển khai truyền thông mới, tuy nhiên vẫn chưa phát huy được tối đa sức mạnh của phương thức truyền thông này. Số lượng các bài viết sử dụng đồ họa thông tin (infographic), đoạn phim ngắn (clip), nhất là bài viết theo hình thức báo chí với dung lượng dài (long-form) còn hạn chế. Bên cạnh đó, mặc dù các nền tảng mạng xã hội đã được tận dụng, tuy nhiên số lượng người tiếp cận, chia sẻ tin tức vẫn chưa cao. Một phần vì số lượng tin bài tiếng nước ngoài cập nhật chưa đều, hạn chế về số lượng ngôn ngữ, đưa tin còn rải rác và chưa có chiến lược tăng KPI - chỉ số đánh giá hiệu suất, như số lượng lượt thích một trang thông tin nào đó (like fanpage), số lượng lượt bình luận hay chia sẻ tin bài... Một số cơ quan truyền thông đối ngoại đã có tài khoản mạng xã hội riêng, tuy nhiên số lượng tương tác chưa cao, số lượng người theo dõi chưa lớn và đặc biệt là chưa thu hút được số lượng lượt theo dõi của các hãng thông tấn quốc tế, lãnh đạo của các nước lớn... Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông đối ngoại chủ lực còn chưa đồng bộ. Với việc sử dụng đa dạng hình thức từ truyền thông nhà nước cho đến truyền thông cá nhân, từ phương pháp truyền thống cho đến truyền thông kiểu mới, đa dạng thể loại từ báo chí, truyền hình cho đến phát thanh và đa dạng nền tảng, từ Facebook, Twitter cho đến Youtube thì việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và các loại hình với nhau là điều đặc biệt cần thiết. Trong công tác truyền thông đối ngoại, tính phối hợp sẽ giúp cộng hưởng sức mạnh lan tỏa, nâng cao hiệu quả truyền tin, đồng thời cho thấy một bộ máy truyền thông hoạt động theo một chiến lược quốc gia tổng thể.

Có thể nói, trong bối cảnh đầy khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, công tác truyền thông đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhanh chóng thích ứng, chủ động đổi mới, sáng tạo, góp phần quan trọng vào các thành tựu đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, thách thức đối với truyền thông đối ngoại còn rất lớn. Tốc độ hiện đại hóa, chuyển đổi số trong truyền thông quốc tế ngày càng cao. Trong tình hình mới, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra là phải “đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”(3), góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại. Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, nhìn nhận sâu sắc các hạn chế, yếu kém, công tác truyền thông đối ngoại trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo và chủ động thích ứng, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là việc quảng bá cơ đồ, tiềm năng của đất nước, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Trong đó, cần tích cực khai thác thế mạnh của các nền tảng truyền thông mới trong hoạt động truyền thông đối ngoại; sáng tạo trong sản xuất sản phẩm truyền thông đối ngoại; tăng cường tính phối hợp trong hoạch định chủ trương, cũng như triển khai hoạt động cụ thể về truyền thông đối ngoại. Hiện nay, lực lượng truyền thông đối ngoại của Việt Nam ngày càng đông đảo và đa dạng, từ các cơ quan nhà nước các cấp đến các cơ quan truyền thông chủ lực, các tổ chức truyền thông... Để tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả truyền thông, cần tăng cường sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng truyền thông đối ngoại. Có thể khẳng định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang có những tác động sâu rộng đối với mỗi quốc gia, việc đổi mới công tác truyền thông đối ngoại là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm góp phần xứng đáng vào quá trình triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Theo TS. LÊ HẢI BÌNH - PHẠM MỸ LỆ/Tạp chí Cộng sản

------------

(1) Trong đó có sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Xư-ga Y-ô-si-hi-đê (Suga Yoshihide) chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên (tháng 10-2020) trong chuyến công du nước ngoài sau một tháng nhậm chức (tháng 9-2020)
(2) Xem: Anjali Lai, Elizabeth Velasquez: “The Data digest: US Consumers say Twitter and Facebook are equally entertaining, yet Twitter
is more informative”, https://www.forrester.com/fn/4uwx474TlRWp0Q5PAjDpZk, truy cập ngày 24-4-2021
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 164 - 165

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều