Vai trò nêu gương, dẫn dắt của cán bộ cấp chiến lược trong khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Lịch sử xã hội loài người từ xưa đến nay cho thấy, mỗi quốc gia, dân tộc muốn phát triển thịnh vượng và bền vững, luôn cần rất nhiều điều kiện, nguồn lực, trong đó không thể thiếu những người lãnh đạo thật sự tài ba, có khả năng quy tụ lòng người, khơi dậy và lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp để tập hợp, dẫn dắt toàn dân tộc đi theo con đường đã lựa chọn. 
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem in tranh dân gian Đông Hồ tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Đô ở khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh _Ảnh: TTXVN
1- Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là lực lượng lãnh đạo, quản lý, hoạch định chiến lược và chương trình hành động; tổ chức thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu trong chương trình đã được đề ra; đề xuất những ý tưởng mới, tư duy chiến lược dài hạn để giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia. Do đó, đội ngũ này phải nắm bắt nhanh, chính xác, dự báo kịp thời, vượt trước số đông quần chúng về xu thế biến động của thế giới và thời đại để định hướng cho từng bước đi của đất nước, điều chỉnh các quyết sách phù hợp với những đổi thay của tình hình trong nước và thế giới. Trên cương vị của mình, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là những người biết tập hợp và đoàn kết rộng rãi toàn thể nhân dân, biết khai thác, vận dụng khéo léo và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc, cùng những bài học lịch sử mà các thế hệ trước đã đúc kết và trao truyền lại phục vụ công cuộc phát triển đất nước; biết khơi dậy và phát huy một cách hiệu quả cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” của quốc gia để đưa đất nước đến phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Đây là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước, những người ở tầm cao trí tuệ, có nền tảng văn hóa vững vàng, sâu sắc, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành đất nước. Họ chính là đội ngũ rường cột, giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của đất nước, mà trước hết là nêu gương, dẫn dắt trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Muốn nêu gương, dẫn dắt, phát huy các giá trị văn hóa để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì cán bộ cấp chiến lược cần tự trang bị một nền tảng văn hóa đủ rộng và đủ sâu về nhiều mặt, như văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa tranh luận và phản biện, văn hóa thực học, tự học, học tập suốt đời; văn hóa tự phê bình và phê bình, tầm nhìn chiến lược, năng lực tự quản trị bản thân, trình độ học vấn, trình độ khoa học, phong cách ứng xử, giao tiếp giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên; nền tảng tri thức triết học vững chắc... Cán bộ cấp chiến lược cũng không thể thiếu sự hiểu biết sâu sắc những giá trị truyền thống và sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc ta từ xưa đến nay. Chính sự hiểu biết sâu sắc này là tiền đề, cơ sở quan trọng để đội ngũ này phát huy được vai trò nêu gương, dẫn dắt trong việc khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin, sau khi đã giành được chính quyền, trong mọi công việc, từ việc cải tạo những thói hư tật xấu của xã hội cũ, cải tạo nền sản xuất tiểu nông đang chiếm ưu thế trong xã hội, cho đến “cải tạo hoàn toàn chế độ xã hội”(1) thì người đảng viên cộng sản, người lãnh đạo, “người đại diện cho đảng nắm chính quyền” đều phải “dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động”(2), và chính mình phải là những “tấm gương”, phải đề cao vai trò nêu gương trước quần chúng. Người lãnh đạo, người cộng sản muốn được quần chúng ủng hộ, tin tưởng và làm theo nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển thì nhất định “không phải bằng bạo lực mà là bằng những tấm gương”(3).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh vai trò nêu gương, Người viết: “... một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4). Trong Bài nói chuyện trong buổi bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu ngày 18-1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn người đảng viên rằng, nếu “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(5).

Như vậy, trách nhiệm nêu gương, “làm mực thước”, hướng dẫn của tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp chiến lược đối với quần chúng, phải thể hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội, từ việc công đến việc tư. Trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ “một ngày bằng 20 năm” như C. Mác đã từng dự báo, thì việc phát huy cao độ trách niệm nêu gương, làm gương trong khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc càng có ý nghĩa đặc biệt để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2- Văn hóa truyền thống của dân tộc ta rất phong phú, bao gồm nhiều giá trị theo các thang bậc và lĩnh vực khác nhau. Đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần xả thân vì cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc; là ý thức tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào tương lai; là tinh thần trọng danh dự, lòng khoan dung, tính vị tha, đức tính kính trọng người già, tình yêu con trẻ, quý trọng giá trị gia đình. Đó là ý thức tiết kiệm, khinh ghét thói xa hoa, phù phiếm; là tinh thần lao động siêng năng, cần cù, lòng kiên trì và sự nhẫn nại; đặc biệt là ý thức tôn sư trọng đạo, tinh thần ham học hỏi, không chùn bước trước những khó khăn; sự thích ứng linh hoạt với những thay đổi của điều kiện tự nhiên - xã hội... Hệ thống các giá trị này luôn được các thế hệ kế tiếp nhau trân trọng, bảo tồn, từng bước bổ sung và nâng lên tầm cao mới trong suốt tiến trình phát triển của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh với các đại biểu của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại buổi làm việc về một số đề án, chương trình phát triển văn học - nghệ thuật trong giai đoạn mới _Ảnh: TTXVN 
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, các cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đã và đang phát huy tinh thần yêu nước bằng việc nêu gương trước toàn dân thông qua những hành động cụ thể, thiết thực, gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa nhằm chuyển hóa chủ nghĩa yêu nước thành khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước, thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của quốc gia - dân tộc.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng đòi hỏi cao hơn sự nêu gương của cán bộ cấp chiến lược trong việc phát huy cao độ tinh thần sáng tạo, không lùi bước trước những khó khăn để phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng với yêu cầu cao về phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, xây dựng các giá trị văn hóa, chuẩn mực con người trong thời kỳ mới. 

Nếu như những giá trị cốt lõi của văn hóa được kết tinh qua lịch sử hàng nghìn năm đã làm nên sức mạnh to lớn, giúp dân tộc ta vượt qua được vô vàn khó khăn, thử thách, cả trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thì ngày nay, những giá trị văn hóa ấy đã và đang tạo nên sức mạnh mềm của quốc gia, góp phần tạo ra những đột phá trên nhiều lĩnh vực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Toàn thể dân tộc, trước hết là tầng lớp tinh hoa, các cán bộ cấp chiến lược cần tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ những giá trị ấy.

Việc cán bộ cấp chiến lược duy trì được giá trị của sự kiên trì và ham học hỏi, luôn giữ được nền nếp thường xuyên tự học, thực học, không chùn bước trước những khó khăn, thích nghi linh hoạt với cái mới sẽ tạo nên phẩm chất cần có của người cán bộ và cũng là tấm gương để mọi người noi theo. Chúng ta đều biết, ngày nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tri thức nhân loại tăng trưởng theo cấp số nhân, vì thế, nếu không thường xuyên tự học, không thực học và không kiên trì học tập suốt đời để thu nhận tri thức mới và không ngừng sáng tạo thì mỗi người, nhất là cán bộ cấp chiến lược, sẽ trở nên lạc hậu, rất dễ trở thành người bảo thủ, trì trệ, cản trở phát triển.

Như vậy, tinh thần yêu nước giờ đây đòi hỏi cán bộ cấp chiến lược phải tích cực giữ gìn các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, đồng thời phát huy, nâng tầm giá trị đó phù hợp với thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Những tri thức về văn hóa dân tộc khi được đúc rút, tích lũy, bồi đắp và chuyển hóa thành tình cảm yêu nước chân chính sẽ tạo nên động lực to lớn để mỗi người, trước hết là các cán bộ cấp chiến lược ở những lĩnh vực liên quan, phát huy được năng lực, sức mạnh để tranh thủ được cơ hội, vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên số, xã hội số.

3- Bên cạnh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, trọng danh dự, khoan dung, tính vị tha, trung thực, kính trọng người già, yêu con trẻ, kính trên nhường dưới, quý trọng gia đình... hiện vẫn được đa số nhân dân và các cán bộ cấp chiến lược trân trọng, giữ gìn, thì cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dưới tác động của cơ chế thị trường, do sự cám dỗ của đồng tiền, của lợi ích vật chất, việc tiếp nhận thiếu chọn lọc những sản phẩm du nhập từ nước ngoài vào nước ta (trong đó có không ít sản phẩm trái với thuần phong mỹ tục dân tộc), đã làm một số giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị phai nhạt, thậm chí bị một số người xem nhẹ. Môi trường văn hóa bị “ô nhiễm” bởi các tệ nạn xã hội, bởi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đã bất chấp pháp luật, cố tình làm trái các quy định của Nhà nước, đi ngược lại với đạo lý “đói cho sạch, rách cho thơm” để tham nhũng, trục lợi từ tài sản của Nhà nước, của nhân dân; một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(6); mặt khác, chúng ta cũng “chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”(7). Từ nhận định trên đây, Đại hội nhấn mạnh yêu cầu phải “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(8).

Bởi vậy, cùng với trách nhiệm nêu gương trong việc phát huy giá trị của chủ nghĩa yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc; xả thân vì cộng đồng; ý thức tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, cán bộ cấp chiến lược còn cần nêu gương trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức của dân tộc, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, nếu “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(9).

Bên cạnh đó, người cán bộ cấp chiến lược cần phải có đức tính vị tha, lòng khoan dung đối với người khác, nhất là đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm, nhằm giúp họ tự nhìn nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; cảm hóa họ bằng văn hóa, bằng nhân cách của người lãnh đạo, không gián tiếp đẩy họ sang phía chống đối, qua đó thu phục lòng người, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu cùng bà con các dân tộc tham gia trò chơi dân gian ném còn tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Trung Lương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên _Ảnh: TTXVN 
Ngoài ra, ý thức tiết kiệm, ghét thói xa hoa, phù phiếm; tinh thần lao động siêng năng, cần cù, lòng kiên trì và sự nhẫn nại là những giá trị mà thời nào cũng được dân tộc ta, được những người lãnh đạo quý trọng, gìn giữ, làm gương và giáo dục cho các thế hệ sau. Các đảng viên, cán bộ chân chính cần rèn luyện bản lĩnh để chống lại cám dỗ từ những vinh hoa, phú quý không chính đáng; biết trọng danh dự; tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng và nhân dân đã tin tưởng, giao phó để theo đuổi mục đích riêng của mình.

Trong điều kiện hiện nay, các cán bộ cấp chiến lược không chỉ cần đề cao tinh thần cảnh giác để chống lại sự xâm lược vũ trang, mà còn chống lại cả sự xâm lăng văn hóa; chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, chống lại sự lợi dụng văn hóa để truyền bá lối sống thực dụng, lệch chuẩn, tôn sùng “thần tượng” vô lối, quay lưng lại với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cùng với việc nêu gương, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, lúc này cán bộ cấp chiến lược còn có nhiệm vụ đấu tranh mạnh mẽ, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu đang tác động nhiều mặt, trực tiếp và gián tiếp đến bản sắc văn hóa dân tộc và cản trở sự phát triển của đất nước. Khi mà nền văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, thì trách nhiệm nêu gương và ý thức phát huy các giá trị văn hóa của cán bộ cấp chiến lược càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Như vậy, có thể thấy, lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc nên bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn Việt Nam. Những giá trị văn hóa quý báu đó đã và đang được trao truyền, tiếp nối qua các thế hệ người dân Việt Nam, làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trước những thời cơ và thách thức đặt ra từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những biến đổi phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, để thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thì hơn lúc nào hết, các giá trị làm nên bản sắc văn hóa dân tộc càng cần phải được tiếp nối và phát huy trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ cấp thiết này được đặt ra đối với tất cả các tầng lớp nhân dân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đây cũng chính là lực lượng tiên phong cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, dẫn dắt, nhằm lan tỏa rộng rãi, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Theo GS, TS. NGUYỄN TRỌNG CHUẨN/Tạp chí Cộng sản

------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 22, tr. 775
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 37, tr. 109
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tậpSđd, t. 22, tr. 736
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(6), (7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 95, 85, 42
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều