Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về vấn đề dân tộc, tôn giáo

(Mặt trận) - Dân tộc và tôn giáo đều là những vấn đề lớn, cần phải quan tâm giải quyết trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, vấn đề này cũng luôn được bàn đến, có những đánh giá về thực trạng cũng như giải pháp. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng có những điểm mới về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Bài viết phân tích những nội dung về vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Văn kiện này, trên cơ sở đó, chỉ rõ những nội dung cần quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng. Ảnh tư liệu
Vấn đề dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Trước hết, Văn kiện Đại hội XIII vẫn tiếp tục khẳng định các nguyên tắc trong quan hệ dân tộc ở Việt Nam, đó là “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”1. Chúng ta cần thực hiện nguyên tắc tôn trọng giữa các dân tộc ở Việt Nam vì 54 dân tộc ở Việt Nam chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng nên cần phải tôn trọng lợi ích của nhau trong quá trình phát triển, tôn trọng bản sắc văn hóa riêng. Trước đây, văn kiện Đại hội Đảng nói là các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, nhưng hiện nay đặt bình đẳng trước đoàn kết. Điều đó là do bình đẳng chính là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc. Bình đẳng dân tộc là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ở Việt Nam. Chỉ có thực hiện được điều này mới có đoàn kết thực sự giữa các dân tộc ở Việt Nam. Khi còn có sự chênh lệch giữa các dân tộc (chưa thực hiện tốt bình đẳng dân tộc) thì vẫn còn kẽ hở cho các thế lực thù địch để lợi dụng nhằm chia rẽ quan hệ giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số. Do đó, phải quan tâm thực hiện tốt bình đẳng dân tộc, mới có cơ sở thực hiện tốt đoàn kết dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có nhiều đánh giá về thành tựu và hạn chế trong chính sách dân tộc.

Trong đánh giá thành tựu về xây dựng chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian qua, Đảng ta khẳng định: “Hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, phân cấp khá triệt để cho các địa phương tổ chức thực hiện, đã tích hợp một số chính sách, khắc phục một bước tình trạng dàn trải, chồng chéo về chính sách”2. Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 118 chính sách dân tộc hiện còn có hiệu lực đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, như: đầu tư kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, pháp luật, chính trị…

Tuy nhiên, một hạn chế trong chính sách dân tộc được đề cập đến nhiều trong những năm gần đây là chồng chéo, dàn trải thì chúng ta đang dần khắc phục những hạn chế này. Trước đây, chính sách dân tộc chồng chéo về nội dung (cùng một nội dung nhưng ở nhiều chương trình, dự án khác nhau), ví dụ như có 17 chính sách về tín dụng, 6 chính sách về nước sạch…

Chính sách dân tộc còn chồng chéo về địa bàn (ví dụ 80% số xã của Chương trình 30a nằm trong Chương trình 135, 43% xã của Chương trình 135 nằm trong Chương trình 30a). Vì chồng chéo về nội dung, chồng chéo về địa bàn nên sẽ chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, đáng lẽ ra có thể tích hợp với nhau nhưng lại không thể tích hợp với nhau vì chồng chéo về cơ chế quản lý (những chương trình có cùng nội dung, địa bàn nhưng không tích hợp được do những bộ, ngành khác nhau quản lý với những cơ chế quản lý khác nhau, cơ chế thanh quyết toán khác nhau).

Trước tình trạng đó, các bộ, ngành đã cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất đầu mối quản lý, tránh chồng chéo, tích hợp các chương trình có nội dung giống nhau, gần nhau thành những chương trình, dự án lớn. Với những thành tựu trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc thì đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên như Đảng ta khẳng định: “Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện”3.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chính sách dân tộc ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn những hạn chế, việc tổ chức thực hiện còn có những bất cập cộng với điểm xuất phát của các dân tộc thiểu số thấp, nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Về đời sống vật chất, Đảng ta khẳng định “tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất cao, giảm nghèo thiếu bền vững”4. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 là 35,5%, gấp 3,5 lần so với mức chung của cả nước là 10,2%, có 21 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 1/25. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn do khoảng cách từ nhà đến trường, đến các cơ sở y tế còn xa. Do chất lượng của các cơ sở giáo dục, y tế ở vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với ở thành thị. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Vì vậy, trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều bất cập nổi cộm cần phải giải quyết như tỷ lệ bỏ học, tái mù chữ còn cao, việc dạy tiếng dân tộc chưa được chú trọng. Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như di cư tự do, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… chưa được giải quyết hiệu quả. Cùng với đời sống vật chất thì đời sống văn hóa của đồng bào vẫn còn có những khó khăn.

Những định hướng về chính sách dân tộc ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII cũng đã khẳng định tính toàn diện của chính sách dân tộc. Từ thực trạng đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hơn mặt bằng chung, Đảng ta chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, mà trước hết cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Như vậy, chính sách dân tộc ở Việt Nam trước hết là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục căn bản tình trạng chênh lệch phát triển, thu nhập, tạo sự chuyển biến rõ nét trong đời sống của đồng bào. Để nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phải thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện quan điểm mới về giảm nghèo đó là giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm. Trước tình trạng tái nghèo còn cao thì việc giảm nghèo bền vững phải được đặt ra. Giảm nghèo đa chiều thì tiêu chí không chỉ là thu nhập mà còn có nhiều các tiêu chí khác. Giảm nghèo bao trùm nghĩa là ở tất cả mọi người, mọi nơi. Để thực hiện được giảm nghèo đa chiều, bền vững và bao trùm thì phải tăng cường nội lực, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì hết hỗ trợ lại có thể tái nghèo. Chính sách dân tộc ở Việt Nam không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế mà còn hướng tới giải quyết các vấn đề xã hội phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Để đồng bào được hưởng thụ công bằng các thành quả của sự phát triển thì phải công bằng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, tài nguyên, đất đai, giáo dục, y tế). Do đó, các chính sách dân tộc phải tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với các nguồn lực, mà trước hết chính là các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế. Như vậy, chính sách dân tộc còn hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách dân tộc còn hướng đến các vấn đề chính trị như xây dựng đội ngũ cán bộ và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta còn chỉ ra những trọng tâm, lưu ý trong chính sách dân tộc. Để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần bố trí nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển, huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động được nhiều nguồn lực nhưng sử dụng, quản lý không hiệu quả thì các nguồn lực đó cũng không phát huy tốt trên thực tế. Mặc dù nguồn lực huy động từ Nhà nước, xã hội để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, song những nguồn lực đó cũng chỉ phát huy tốt tác dụng khi phát huy được nội lực, vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định một nội dung trọng tâm là: “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”6. Ý chí tự lực tự cường vươn lên, không có tâm lý ỷ lại trông chờ là một điều kiện quan trọng để giảm nghèo bền vững. Muốn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân thì vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng rất quan trọng. Nếu chính sách mang tính hỗ trợ vật chất đơn thuần cho người nghèo như hỗ trợ gạo, cho vay tiền, hỗ trợ tiền điện… thì nhiều người lại không muốn thoát nghèo để được nhận những hỗ trợ này. Vì vậy, chính sách giảm nghèo của chúng ta đã chuyển từ trợ cấp, cho không sang hỗ trợ có điều kiện và hiện nay cần chuyển từ hỗ trợ vật chất sang có những hỗ trợ về cơ chế, chính sách ưu đãi về cơ hội, điều kiện phát triển, như: hỗ trợ đi học, hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làm ra. Điều này sẽ góp phần khơi dậy ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy nội lực để sử dụng có hiệu quả nguồn ngoại lực.

Trong chính sách dân tộc, Đảng ta còn rất chú ý đến tính đặc thù, chú trọng tính đặc thù trong từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đặc thù trong chính sách dân tộc không chỉ trong khâu xây dựng chính sách và trong cả quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Đặc thù không chỉ là khác biệt giữa dân tộc đa số và thiểu số, mà ngay giữa các dân tộc thiểu số cũng có những đặc thù riêng. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng, trung du hay ở miền núi cao, miền biển thì chính sách cũng cần có tính đặc thù riêng. Việc đảm bảo tính đặc thù sẽ làm cho chính sách phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số và được tổ chức thực thi có hiệu quả.

Vấn đề tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

  Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm, chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lê nin về tôn giáo và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo đều khẳng định tôn giáo vẫn tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng khẳng định vai trò quan trọng của tôn giáo trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vì vậy cần được vận dụng vào để chứng minh cho luận điểm này. Khẳng định của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII có những điểm mới trong các văn kiện trước.

Trong các văn kiện trước, Đảng ta chỉ nói là phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo thì trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”7. Nguồn lực ở đây bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần. Nguồn lực tinh thần của các tôn giáo chính là các giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và nguồn lực vật chất của tôn giáo chính là nguồn lực vật chất của các tín đồ, chức sắc tôn giáo được thể hiện trong hoạt động của họ. Nguồn lực vật chất của các tôn giáo thể hiện ở việc các tín đồ và chức sắc tôn giáo thực hiện tốt các đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển. Đường lối, chính sách, pháp luật, các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta đưa ra là để thực hiện các mục tiêu của cách mạng, góp phần phát triển đất nước. Để thực hiện được các chính sách, phong trào hoạt động đó phải có sự tích cực, tham gia của tất cả mọi người dân. Các tín đồ và chức sắc tôn giáo là một lực lượng đông đảo trong xã hội và khi các tín đồ và chức sắc tôn giáo thực hiện nghiêm đường lối, chính sách, các phong trào hoạt động mà Đảng và Nhà nước ta phát động chính là đang đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Các tôn giáo đã huy động một nguồn lực rất lớn cả tài chính, nhân lực từ các tín đồ, chức sắc và xã hội vào giải quyết những vấn đề xã hội của đất nước.

Ngoài ra, việc các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế mà các tín đồ, chức sắc tôn giáo đến tham dự vừa thúc đẩy kinh tế phát triển vừa góp phần giới thiệu về một Việt Nam hòa bình, hữu nghị. Nguồn lực vật chất của tôn giáo đóng góp vào sự phát triển đất nước là rất lớn, bên cạnh đó nguồn lực tinh thần là các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo cũng tác động tích cực đến sự phát triển bền vững đất nước như Đảng ta khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”8. Giáo lý của các tôn giáo khuyên con người phải biết yêu thương những người xung quanh, làm việc thiện,… vừa góp phần củng cố đạo đức truyền thống của dân tộc như nhân ái, đoàn kết, vừa góp phần ngăn chặn những tệ nạn xã hội.

Nội dung của chính sách tôn giáo ở Việt Nam chính là chính sách vận động, tuyên truyền trong đồng bào tôn giáo. Nội dung của công tác vận động đó đã được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”9. Như vậy, chính sách tôn giáo chính là vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo. Các chức sắc, tín đồ trước hết cần tham gia các hoạt động lễ nghi tôn giáo (đẹp Đạo) thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình, nhưng họ cũng là công dân Việt Nam nên cần tích cực tham gia, thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình (tốt Đời). Việc thực hiện các hoạt động tôn giáo của các chức sắc, tín đồ tôn giáo không được trái ngược, đi ngược lại với lợi ích của đất nước và vẫn đảm bảo trách nhiệm công dân của mình. Đồng thời, họ thực hiện tốt trách nhiệm công dân góp phần thuận lợi để thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Muốn vậy, chúng ta cần phải tuyên truyền cho đồng bào hiểu rằng mục tiêu của cách mạng, của dân tộc cũng thống nhất với lợi ích của các tôn giáo là mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, song cũng kiên quyết chống lại các hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vì những mục đích chính trị xấu, tinh thần đó cũng được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật, chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta đã chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch là tìm cách xuyên tạc, vu khống tình hình tôn giáo ở nước ta để nói là chúng ta vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tình hình tôn giáo ổn định, đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính sách vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo. Đảng ta khẳng định, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, đấu tranh chống lại âm mưu này bằng cách thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có Đạo, tạo sự tin tưởng của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước. Đây là cách đấu tranh bằng thực tiễn rất hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta còn đấu tranh trên mặt trận tư tưởng để vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng. Và không chỉ đấu tranh, mà Đảng ta còn khẳng định cần phải “xử lý nghiêm minh” trên cơ sở pháp luật. Pháp luật đã ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời có những chế tài xử lý đối với những kẻ vi phạm quyền tự do đó.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã luôn khẳng định dân tộc và tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, với rất nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua đã khẳng định quan điểm của Đảng về dân tộc, tôn giáo là đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo là góp phần quan trọng tạo sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Vũ Thị Hồng Trang

TS, Học viện Chính trị Khu vực I

Chú thích:

1,6,7,8,9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 1, tr. 50, 170, 171, 272.

2,3,4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, tập 2, tr. 45, 72-73.

5. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Nxb. Thống kê, 2020, tr. 49.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều