Về mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật

Thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là một trong các quan hệ lớn phải giải quyết trong thời gian tới. Giải quyết tốt quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế sẽ tạo dựng, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: Đăng Khoa)
1. Dân chủ là sự làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực và trong mọi hoạt động của xã hội. Pháp luật là phương tiện thực hiện dân chủ và là công cụ bảo vệ dân chủ.

Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn chăm lo xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN), dân chủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển đất nước.

Thời gian vừa qua, phát huy dân chủ XHCN được tăng cường. Ý thức về quyền, nghĩa vụ công dân và năng lực làm chủ của nhân dân từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Dân chủ XHCN đã được phát huy, tạo dựng sức mạnh to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành tựu xây dựng và phát huy nền dân chủ XHCN ở nước ta là do Đảng, Nhà nước ta coi trọng việc xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách, quy chế, quy định nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp 2013, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và các văn bản luật đã quy định rõ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; nội dung, hình thức thực hiện dân chủ; quy định việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Pháp luật là phương tiện thực hiện dân chủ và là công cụ bảo vệ dân chủ. Sức sống của pháp luật thể hiện ở những quy định về quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân. Pháp luật quy định vai trò chủ thể của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, trong mọi hoạt động xã hội và bảo đảm vai trò chủ thể của nhân dân trong đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”.

Các văn bản luật đã tạo hành lang pháp lý phát huy dân chủ và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân.

Giữ vững, phát huy dân chủ trước hết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời, nhân dân cần hiểu rõ và thực hiện đúng những quy định của pháp luật trong phát huy dân chủ.

2. Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh là công cụ quan trọng bảo đảm cho nền dân chủ XHCN.

Sự vững mạnh của nhà nước bảo đảm cho quyền lực của nhân dân được bảo vệ và thực thi. Sự yếu kém của nhà nước đồng nghĩa với việc quyền lực của nhân dân bị suy giảm. Phát huy dân chủ đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, một bảo đảm vững chắc cho việc phát huy nền dân chủ XHCN trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong nhà nước pháp quyền XHCN, pháp luật được nhà nước ban hành và là công cụ quan trọng nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội hội nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội và của nhân dân. Dân chủ XHCN là quyền lực thuộc về nhân dân, quyền lực đó chỉ được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và quyền làm chủ của nhân dân.

Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững là nội dung trọng tâm trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và là điều kiện quyết định để bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân.

Pháp luật là một loại hình thiết chế xã hội. Sự vận hành của thiết chế xã hội nói chung, thiết chế pháp luật nói riêng là sự đồng hành của bốn hoạt động cơ bản: ban hành văn bản quy định; hướng dẫn và tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát; khen thưởng, xử phạt. Với tư cách là một thiết chế xã hội, pháp luật phải được thực hiện đúng, đủ, hiệu quả bốn hoạt động đó. Nếu chỉ dừng lại ở việc ban hành pháp luật thì chưa thể là một thiết chế xã hội. Sau khi ban hành luật phải có hoạt động hướng dẫn và tổ chức thực hiện, đồng thời phải tiến hành kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử phạt. Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, xử phạt kịp thời, nghiêm minh sẽ bảo đảm cho pháp luật được thực thi và thực sự là một thiết chế xã hội. Các quy định pháp luật về dân chủ có đầy dủ đến đâu nhưng không hướng dẫn và tổ chức thực hiện; không kiểm tra, giám sát; khen thưởng, xử phạt không kịp thời, nghiêm minh thì pháp luật chỉ tồn tại là những văn bản.

Để phát huy dân chủ thực sự,cùng với xây dựng hệ thống pháp luật là xây dựng nền hành chính nhà nước, nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đángcủa tổ chức, cá nhân;bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Quá trình thực thi công vụ, cán bộ công chức là người đại diện cho Nhà nước, “người của Nhà nước”. Năng lực, phẩm chất, phong cách khi thực hiện công vụ, trong tiếp xúc và giải quyết những khúc mắc của nhân dân của cán bộ, công chức ảnh hưởng rất lớn đền phát huy dân chủ, đến hình ảnh một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân, thái độ và phong cách tôn trọng, bảo vệ quyền hợp pháp của công dân và sự phát triển của đất nước là một nội dung quan trọng trong phát huy dân chủ, đảm bảo cho pháp luật thực sự là một thiết chế xã hội.

Mỗi một hành vi của công dân đúng quy phạm pháp luật sẽ góp phần vào thiết lập, củng cố kỷ cương xã hội, theo đó dân chủ xã hội được phát huy; ngược lại, mỗi một hành vi không đúng quy phạm pháp luật sẽ gia tăng rối loạn xã hội, xã hội không giữ vững được kỷ cương, dân chủ xã hội bị xâm hại. Quá trình thực hiện dân chủ, công dân không thực hiện đúng quy định pháp luật về dân chủ đồng nghĩa với việc đã tự tước đi quyền làm chủ của mình. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân phải đẩy mạnh hoạt động nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, duy trì nghiêm minh kỷ cương pháp luật, đồng thời khắc phục lề thói tùy tiện chấp hành pháp luật về dân chủ trong xã hội, làm cho việc chấp hành đúng quy phạm pháp luật trở thành thói quen, lẽ sống, nếp sống trong mỗi công dân.

3. Tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân phát huy quyền làm chủ và đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá dân chủ của các thế lực thù địch là “hai mặt trận” trong giải quyết quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong tình hình mới.

Sống trong xã hội, hành vi của mỗi người, bao hàm cả lời nói và việc làm đều bị bao bọc, chi phối bởi hệ chuẩn mực xã hội.

Chuẩn mực xã hội là những quy định ngấm ngầm hay công khai, thành văn hay chưa thành văn nhằm áp đặt phương thức ứng xử cho con người ở từng vị trí, địa vị xã hội để bảo đảm trật tự, thống nhất, sự tồn tại của các cộng đồng xã hội. Chuẩn mực xã hội hướng dẫn hành vi xã hội trong giới hạn được và nên làm, không được và không nên làm; là nội dung học hỏi xã hội để hoàn thiện con người xã hội của mỗi người.

Chuẩn mực xã hội đa dạng, phong phú: chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực văn hóa, chuẩn mực pháp luật,…; các quy định, quy ước trong gia đình, dòng họ, làng xã, trong các tổ chức chính trị - xã hội và đất nước. Các quy định của pháp luật là hệ chuẩn mực rường cột chi phối các quy định, quy ước khác trong xã hội.

Sống trong gia đình, mỗi người phải tuân theo những quy định, quy ước của gia đình. Sống trong dòng họ, làng xã, tổ chức chính trị - xã hội, mỗi người phải làm theo các chuẩn mực của các cộng đồng, tổ chức xã hội. Trong phạm vi quốc gia, tất cả công dân phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Nếu ai không tuân theo quy định, quy ước mang tính chuẩn mực tức là đã tự loại mình ra khỏi đời sống xã hội và xã hội sẽ có những hình thức xử lý phù hợp với những hành vi lệch chuẩn mực xã hội, bao hàm cả việc “thải loại” cá nhân đó ra khỏi cộng đồng. Mỗi người chỉ có tự do thực sự nếu nắm bắt và thực hiện đúng các chuẩn mực xã hội trong các quan hệ xã hội, trong hoạt động sống của mình.

Pháp luật có những quy định về nội dung, phương thức thực hành dân chủ; là phương tiện thực hành dân chủ. Quá trình thực hiện quyền dân chủ mỗi công dân cần có những hiểu biết quy định pháp luật để thực hành đúng luật, tránh đi những sai lệch. Pháp luật bảo vệ những công dân thực hành dân chủ đúng quy định của pháp luật về dân chủ và sẽ có những hình thức xử lý phù hợp với những hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật về dân chủ.

Hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội nói chung, sai lệch chuẩn mực pháp luật về dân chủ nói riêng do nhiều nguyên nhân: không hiểu biết luật nên làm sai; hiểu biết luật không tường minh, không đúng nên làm sai và hiểu biết luật nhưng cố tình làm sai. Với những công dân do không hiểu biết hoặc hiểu biết những quy định của luật về dân chủ không đúng, không tường minh nên có những lời nói, việc làm thực hành dân chủ sai lệch thì cần có những cách thức tuyên truyền để công dân hiểu biết đầy đủ, đúng quy định pháp luật về dân chủ, để từ đó mà có những hành vi đúng. Với những người có hiểu biết những quy định pháp luật về dân chủ nhưng cố tình làm sai thì phải có hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật. Phát huy dân chủ phải đi cùng với tăng cường pháp chế, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước(1).

Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và cáctổ chứcchính trị - xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức;động viên nhân dân tham giaphát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hoá; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân.

Những năm vừa qua và những năm tiếp theo, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Một trong những thủ đoạn của chúng là chúng “ngụy dựng” vấn đề dân chủ, lợi dụng sự chưa hoàn chỉnh về chính sách, những hạn chế trong quản lý xã hội để vu cáo nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Nguy hại hơn, các thế lực thù địch ở ngoài nước móc lối với các phân tử thoái hóa, biến chất ở trong nước, kích động và lôi kéo người dân chưa hiểu biết về pháp luật hùa theo luận điệu chống phá của chúng, tạo dựng các xung đột xã hội, làm mất ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Vì thế, trong giải quyết mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật, một mặt cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về dân chủ, vận động, tổ chức cho nhân dân phát huy quyền làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước theo quy định của pháp luật; mặt khác cần coi trọng đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá dân chủ của các thế lực thù địch, của các phần tử thoái hóa ở trong nước đối với đất nước ta.

Tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân phát huy quyền làm chủ và đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá dân chủ của các thế lực thù địch và phần tử thoái hóa, biến chất là hai hoạt động song hành nhau; và nên phải được xem là “hai mặt trận” trong việc giải quyết mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong tình hình mới./.

_______________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 12/10/2020, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo PGS. TS. PHẠM XUÂN HẢO/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều