Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn bó với lợi ích của nhân dân - Cơ sở quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ mới


(Mặt trận) - Công tác dân vận của Đảng trong những năm qua đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là mối quan hệ hai chiều, gắn bó, tương hỗ như một lẽ tự nhiên. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo thì mới có hướng đi đúng đắn và cách mạng mới giành được thắng lợi. Đảng cần Nhân dân để có sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để có năng lực chèo lái con thuyền cách mạng. Quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận, là truyền thống đoàn kết vô cùng quý báu của Đảng ta; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

 Trải qua hơn 90 năm từ ngày thành lập đến nay, mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân luôn được coi trọng, trở thành truyền thống gắn bó máu thịt, đã tạo thành nguồn sức mạnh cả dân tộc để viết nên những trang lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng dựa vào sức mạnh của nhân dân làm sức mạnh và trí tuệ của mình, lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng vì dân mà làm cách mạng nên nhân dân gọi Đảng là “Đảng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Người nói: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Sự thống nhất giữa mục tiêu và lợi ích của Đảng với mục tiêu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân là cơ sở nền tảng vững chắc của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”. Trong các chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức nhân dân; viên chức, quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưỡi cổ dân. Trong chế độ dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Trong bài báo Dân vận (ngày 15/10/1949), khi đề cập vấn đề ai phụ trách dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”. Công tác dân vận là công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ nhân dân đoàn kết thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, gắn bó mật thiết với nhân dân; là sợi dây thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Dân với Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Như vậy, trong mọi thành quả cách mạng của nhân dân có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện lời dạy của Bác “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta” đa số đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đã gương mẫu đi đầu, tận tụy, chân thành, trách nhiệm phục vụ lợi ích của nhân dân đem lại niềm tin của Nhân dân với Đảng; tích cực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại, góp phần quyết định vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước; giữ thanh danh cho Đảng, làm cho mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân tiếp tục gắn bó, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tiên đoán được sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị khi quyền lực mà nhân dân ủy thác đã không được sử dụng một cách hiệu quả và đúng đắn; nhân dân lại không thể kiểm soát nổi tình hình nên một bộ phận cán bộ, đảng viên tự cho mình quyền ban phát chân lý, soi đường, chỉ lối, coi mình biết tất cả. Thực trạng bộ máy cầm quyền của Liên Xô những năm trước khi chế độ Xô viết sụp đổ cho thấy: một khi dân chủ bị hạn chế, bị lợi dụng và chủ nghĩa quan liêu lộng hành trong cơ quan lãnh đạo thì có nghĩa là con đường tiêu vong đã được mở. Sự xa rời nhân dân của bộ máy lãnh đạo và quản lý đất nước đã đẩy nhân dân đến chỗ quay lưng lại với chế độ và sự sụp đổ đã diễn ra nhanh chóng đến mức ngoài sự dự kiến. Quyền lực nếu không được kiểm soát luôn luôn có xu thế bị tha hóa, dẫn tới tình trạng kỷ cương xã hội bị buông lỏng, mở đường cho những hành động vượt quá giới hạn cho phép, trở thành lộng quyền, lạm quyền nhằm mục đích mưu cầu lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung của Đảng, của Nhân dân. Trong một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi tư duy sơ cứng, nên bệnh chủ quan duy ý chí thấm sâu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đứng đầu tổ chức một số bộ, ngành trung ương và một số địa phương, đã tạo thành một căn bệnh khó sửa, đó là căn bệnh “độc quyền chân lý”. Căn bệnh này làm cho một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thường chỉ có thói quen độc thoại mà không quen đối thoại. Chính điều này đã làm cho đội ngũ đảng viên tuy đông mà chưa mạnh, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa thật sự là đội tiên phong chiến đấu và công tác như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, nên để xảy ra tình trạng có nơi, có lúc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ít nhiều có giảm sút và đã được Đảng thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”. Đây là những cảnh báo đối với chúng ta về nguy cơ xa dân, mất chỗ dựa ở dân và đòi hỏi suy nghĩ về việc phải làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận? Phải làm sao cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự gần dân, tin dân, trọng dân, học dân và có trách nhiệm với dân.

Công tác dân vận của Đảng trong hơn 90 năm qua đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là mối quan hệ hai chiều gắn bó, tương hỗ như một lẽ tự nhiên. Nhân dân cần có Đảng lãnh đạo thì mới có hướng đi đúng đắn và cách mạng mới giành được thắng lợi. Đảng cần có Nhân dân để có sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, để có năng lực chèo lái con thuyền cách mạng. Quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân là nguồn sức mạnh vô tận, là truyền thống đoàn kết vô cùng quý báu của Đảng ta; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đã đến lúc Đảng cần nhìn nhận đầy đủ và thấu đáo hơn vấn đề Đảng lãnh đạo bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên và tầm quan trọng đặc biệt của hành động gương mẫu của đảng viên đối với việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì chủ trương, chính sách của Đảng khó có thể trở thành hiện thực, thậm chí bị thực hiện sai, Nhân dân thiếu tin tưởng vào chủ trương, chính sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân sẽ bị suy giảm, bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá.

Ở nước ta, Đảng ta là một đảng cầm quyền duy nhất và lãnh đạo chính quyền và quản lý toàn bộ xã hội. Phần đông cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp là đảng viên. Do đó, mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân chủ yếu thể hiện ở mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân thông qua pháp luật, chính sách, thông qua hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước. Để đề phòng xu hướng lạm dụng quyền lực của nhân dân, nhiệm vụ của công tác dân vận là phải tích cực tham mưu cho Đảng xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị trung thành với lợi ích của Đảng, của Nhân dân, xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, là nền tảng vững chắc của tổ chức, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát và mọi hoạt động của Đảng. Công tác dân vận cần chú trọng vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, huy động nhân dân tham gia phát hiện những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, gây chia rẽ, bè phái, tham nhũng, lãng phí, ức hiếp quần chúng, sách nhiễu nhân dân... để đưa ra khỏi Đảng; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đây là yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ phục vụ nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

Hà Thị Khiết

Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều