Biểu tượng tình đoàn kết anh em hết mực thủy chung Việt Nam-Cuba

Trong bối cảnh Việt Nam và Cuba chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền nam Việt Nam tại Quảng Trị (9/1973 - 9/2023), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ trong những ngày tới sẽ thăm chính thức Cuba theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernándes.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại bờ nam sông Bến Hải vào sáng 15/9/1973. (Ảnh: Tư liệu)

Hai nước cũng hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam (25/9/1963 - 25/9/2023).

Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân tiếp cận những tư liệu quý từ các nhân chứng lịch sử hai nước, ghi nhận tình cảm sâu lắng của người dân Quảng Trị luôn dành tình cảm trân trọng đối với Chủ tịch Fidel Castro kính mến, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền nam Việt Nam.

Ký ức về sự xuất hiện của lãnh tụ Fidel Castro nơi "đất lửa" Quảng Trị, chỉ ít tháng sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết và câu nói bất hủ của Fidel Castro tại Cao điểm 241 Tân Lâm "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" vẫn còn mang tính thời sự, truyền cảm hứng mạnh mẽ về tình cảm cao đẹp, biểu tượng tình đoàn kết anh em gắn bó, hết mực thủy chung của hai dân tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới với thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Chủ tịch Fidel Castro đến Việt Nam, ký ức không bao giờ quên

50 năm trước, vào 2 ngày 14 và 15 tháng 9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng giải phóng miền nam Việt Nam tại Quảng Trị khi đất này còn nồng nặc mùi thuốc súng và đạn bom, nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân, dân Quảng Trị nói riêng cũng như cả nước liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, tiến đến giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Đây là chuyến thăm bí mật nên rất ít người biết đầy đủ chi tiết hoạt động của Fidel Castro tại Việt Nam cũng như Quảng Trị.

Giảm 2 ngày thời gian thăm Việt Nam

José Miguel Miyar Barruecos, bác sĩ riêng của Chủ tịch Cuba Fidel Castro lần đầu tiên vừa công bố những tư liệu quý về chuyến thăm đặc biệt này. Tư liệu được in thành quyển sách song ngữ “Những ghi chép chưa công bố về chuyến đi lịch sử của Fidel đến Việt Nam 1973”.

 

Chủ tịch Cuba Fidel Castro và bà Melba Hermandez, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam (tiền thân của Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam ngày nay) và ông Nguyễn Xuân Phong cán bộ của Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trên chuyên cơ từ Thủ đô Algiers của đất nước Algeria đến Hà Nội năm tháng 9/1973. (Ảnh: Tư liệu)

Sáng ngày 11/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro cùng phái đoàn lên máy bay từ thủ đô Algiers của Algeria để đến thủ đô New Delhi của Ấn Độ sau khi quá cảnh ở Baghdad, Iraq. Vừa lên máy bay, Chủ tịch Fidel Castro đã nói chuyện với đoàn và những người Việt Nam về chuyến đi đến vùng giải phóng miền nam Việt Nam. Vào hồi 4 giờ 1 phút (5 giờ 31 phút giờ Việt Nam) máy bay hạ cánh, ông cùng đoàn đến Dinh Tổng thống nói chuyện ngắn gọn với Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Indira Gandi.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen vừa tặng sách “Những ghi chép chưa công bố về chuyến đi lịch sử của Fidel đến Việt Nam 1973” cũng như tư liệu về quan hệ Việt Nam- Cuba cho đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Vào khoảng 9 giờ 5 phút, trợ lý Orlando Fundora thông báo cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro về cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Chile Sanvador Allende đã bắt đầu. Fidel Castro phân tích tình hình xác định sự kiện này gây nguy hiểm lớn cho phái đoàn nên cần thực hiện các biện pháp đặc biệt. Trước hết, giảm 2 ngày thời gian ở lại thăm Việt Nam; bỏ chặng đi tiếp theo; thay đổi đường về nước…

4 giờ 30 (6 giờ Việt Nam) ngày 12/9/1973, máy bay cất cánh từ sân bay New Delhi của Ấn Độ chở phái đoàn hạ cánh tại sân bay Hà Nội sau 5 giờ 40 phút bay. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Lê Duẩn đón và tiếp Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn từ 6 giờ tối đến 7 giờ 45 phút. Sau đó là buổi tiệc chiêu đãi của Tổng Bí thư Lê Duẩn, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng dự. Bầu không khí tuyệt vời của tình anh em, sự đồng nhất và tình hữu nghị tuyệt vời. Đến 9 giờ tối Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn về nơi nghỉ ngơi.

Sáng ngày 13/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn đến thăm Phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng giải thích cho Fidel Castro từng đồ vật, từng cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự trận trọng và xúc động.

9 giờ 15 phút, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị hội đàm với Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn. 11 giờ 40 phút, hội đàm kết thúc, mọi người ăn trưa, nghỉ ngơi. Đến 14 giờ cùng ngày, hội đàm tiếp tục. 19 giờ 50, phái đoàn ăn tối.

Vào hồi 20 giờ 20 phút, Chủ tịch Fidel Castro cùng phái đoàn đến thăm Bảo tàng Điện Biên Phủ nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến 21 giờ 50, Fidel Castro đến Đại sứ quán Cuba nói chuyện với các nhân viên rồi về nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, lúc 8 giờ 30 ngày 14/9/1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thảo luận với Chủ tịch Fidel Castro về tình hình vùng giải phóng miền nam, có thể gây nguy hiểm cho chuyến đi. Chủ tịch Fidel Castro vẫn quyết định đi.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Chủ tịch Fidel Castro nhất quyết yêu cầu được đi thăm Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để được thăm hỏi và động viên đồng bào, chiến sĩ miền nam. Lúc đầu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam chần chừ vì lo ngại an ninh cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Fidel Castro, lãnh đạo Việt Nam cuối cùng đồng ý.

Sự quan tâm đặc biệt về chuyến đi của Chủ tịch Fidel Castro

Ngày 14/9/1973, đúng 9 giờ, phái đoàn ra sân bay Gia Lâm để vào vùng giải phóng miền Nam tại tỉnh Quảng Trị. Phái đoàn được bảo đảm an ninh đặc biệt. Chủ tịch Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi trong một chiếc ô tô kín cùng những cảnh vệ đặc biệt; một phần của phái đoàn đã rời đi trước trên một chiếc máy bay khác.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ với Chủ tịch Fidel Castro sự quan tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam về chuyến thăm đặc biệt này của Fidel Castro.

Sợ rằng kẻ thù biết được sẽ tìm cách ám sát. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel Castro cùng một số người bước vào chiếc máy bay AN-24 của lực lượng Không quân Việt Nam. Đúng 9 giờ 35 phút máy bay bắt đầu cất cánh từ sân bay Gia Lâm và đến sân bay Đồng Hới vào hồi 10 giờ 50 phút.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm thị xã Đông Hà năm 1973. (Ảnh: Tư liệu)

11 giờ 10 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng cận vệ rời khỏi Đồng Hới trên 2 chiếc xe ô-tô; phần còn lại của phái đoàn đi xe buýt và đúng 2 giờ 50 (14 giờ 50 phút) chiều ngày 14/9/1973 đến thị trấn Hồ Xá của Khu vực Vĩnh Linh. Chúng tôi chứng kiến vô số hố bom và tất cả các cây cầu bị phá hủy. Những người dân có nhà cửa bị mất, sống trong cảnh rất nghèo khổ, nhưng với một nỗ lực to lớn để có được tất cả các cánh đồng được trồng và chăm sóc.

Lãnh đạo Khu vực Vĩnh Linh gồm các đồng chí Trần Đồng, Bí thư Khu ủy; Dương Tốn, Chủ tịch Ủy ban Khu vực Vĩnh Linh; Vũ Kỳ Lân, Chính ủy Khu vực Vĩnh Linh… tiếp phái đoàn.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro tặng ông Trần Đồng hộp xì gà “La Plata” rất đẹp. Ông Trần Đồng tặng Fidel Castro và các thành viên trong đoàn Huy hiệu về Cồn Cỏ và Vĩnh Linh. Sau bữa cơm trưa có phần hơi muộn, chiều hôm đó Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng phái đoàn đi thăm các diện tích trồng sắn của người dân Vĩnh Linh; trò chuyện với Anh hùng lực lượng Vũ trang Lê Văn Ban.

Đêm ấy, đúng lúc 9 giờ 20 phút, ngày 14/9/1972, Chủ tịch Cuba Fidel Castro và đoàn chính thức ngủ lại ở Vĩnh Linh. Phái đoàn được lãnh đạo Khu vực Vĩnh Linh chuẩn bị một nơi lưu trú bí mật với một số cabin bằng gỗ và tre, trong đó được đặt các giường ngủ theo phòng riêng biệt. Fidel Castro ở cabin số 2, là một phòng đơn, rộng rãi với một chiếc giường khung, một phòng khách, cửa ra vào có rèm tre sơn màu, sàn trải chiếu và trang trí đẹp mắt.

Toàn bộ khu lưu trú yên tĩnh, an toàn, sự quan tâm của Khu vực Vĩnh Linh dành cho phái đoàn là sự cẩn thận, không thể tin được.

Bài phát biểu phi thường tại cao điểm 241

Hôm sau, khi trời đang còn chưa sáng, vào hồi 3 giờ 45 phút, Fidel Cartro thức dậy. Đúng 4 giờ 58 phút của ngày 15/9/1973, trời đang ban đêm, Chủ tịch Cuba Fidel Cartro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng rời Vĩnh Linh trên 2 chiếc xe ô-tô theo Quốc lộ 1 để băng qua sông Bến Hải bằng cầu phao.

Đúng 5 giờ 30 phút, phái đoàn chính thức có mặt ở vùng giải phóng miền nam Việt Nam, bờ nam sông Bến Hải.

Đúng 5 giờ 55 phút, phái đoàn đi qua Dốc Miếu, tiếp tục hành trình phái đoàn đi qua địa điểm Quán Ngang của huyện Gio Linh rồi vào Đông Hà, sau đó phái đoàn tiếp tục theo Quốc lộ 9 đến Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đúng thời điểm 7 giờ 15 phút. Lúc ấy rất đông các chiến sĩ giải phóng quân cũng như nhân dân Quảng Trị vui mừng đón đoàn.

Đúng 8 giờ 5 phút tất cả bộ đội, nhân dân và phái đoàn có mặt ở khu đất khá bằng phẳng ở cao điểm 241 chào đón phái đoàn. Những tràng pháo tay chào mừng náo nhiệt vang lên.

Nhân dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro bất chấp mọi nguy hiểm, khó khăn đến thăm hỏi, động viên bộ đội, đồng bào Quảng Trị khi vùng đất này chưa được giải phóng hoàn toàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Trung tướng Trần Nam Trung đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn. (Ảnh: Tư liệu)

8 giờ 15 phút, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam Trung tướng Trần Nam Trung tặng Chủ tịch Fidel Castro chiếc xe M48 của Mỹ vừa bị bắt trước đó.

Tại cao điểm 241, Chủ tịch Cuba Fidel Castro hai tay cầm lá cờ truyền thống của Sư đoàn 304 hô vang: “Các đồng chí hãy cầm lá cờ này tiến vào giải phóng miền Nam”. (Ảnh: Tư liệu)

Đúng 8 giờ 44 phút, Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt đầu bài phát biểu. Bài phát biểu phi thường. Lời phát biểu chí tình, chí nghĩa và giọng nói hùng hồn của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Đồi 241 lúc bấy giờ là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí, sức mạnh cho quân và dân Việt Nam quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chủ tịch Fidel Castro đã nói Nhân dân Cuba đã từng ngày dõi theo cuộc đấu tranh quên mình của Nhân dân Việt Nam. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.

Nhân dân Quảng Trị chào đón phái đoàn của Đảng và Nhà nước Cuba và Việt Nam do Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm cao điểm 241. (Ảnh: Tư liệu)

9 giờ 25 phút sáng 15/9/1973, Fidel Castro kết thúc phát biểu. Chủ tịch Cuba Fidel Castro đi giữa những tràng pháo tay vang lên rền khắp cao điểm 241.

9 giờ 43 phút, phái đoàn rời cao điểm 241.

Tiếp tục hành trình, 9 giờ 55 phút, Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng phái đoàn vào thăm Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, ăn trưa, nói chuyện với các anh hùng. Fidel Castro được tặng nhiều quà lưu niệm như: Súng không giật, AR 15, súng phóng tên lửa cá nhân và súng lục.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sỹ Thản tặng Chủ tịch Cuba Fidel Castro một lá cờ và các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt như hạt tiêu khô, các huy hiệu và nhẫn làm từ vật liệu của những chiếc máy bay quân đội Mỹ bị bắn rơi.

Đúng 12 giờ trưa ngày 15/9/1973, phái đoàn rời Cam Lộ theo hướng về Đông Hà rồi theo Quốc lộ 1 ra Dốc Miếu, dừng lại thăm địa điểm này và đến 13 giờ 40 rời đi. Đến 14 giờ chiều phái đoàn có mặt tại bờ Nam sông Bến Hải.

Đúng 14 giờ 6 phút, phái đoàn dừng lại bờ Bắc sông Bến Hải khi nhìn thấy 3 thanh thiếu niên xã Vĩnh Thành (nay Hiền Thành) đang làm ruộng bên đường thì trúng phải bom mìn nên bị thương, trong đó có một người bị thương nặng ở bụng và không một lời phàn nàn (người bị thương nặng sau đó được xác định là chị Nguyễn Thị Hương-PV).

Chủ tịch Fidel Castro chỉ thị cho bác sĩ riêng lập tức chăm sóc những người bị thương, đưa lên xe ô- tô của bộ phận y tế phái đoàn để các bác sĩ cấp cứu, truyền thuốc rồi chở đến bệnh viện Khu vực Vĩnh Linh phẫu thuật lấy các vết đạn trong người. Hai người còn lại, một cô bé bị đạn vướng vào mặt, mắt, và cổ; còn người con trai bị một vết thương nhẹ.

Đến 15 giờ cùng ngày phái đoàn rời mảnh đất thân thương Quảng Trị để ra tỉnh Quảng Bình. Sau khi về nước, Chủ tịch Cuba Fidel Castro vẫn thường hỏi thăm các thanh niên bị thương được đoàn kịp thời cấp cứu.

Đến Ngư Thủy, Quảng Bình

15 giờ 20 phút ngày 15/9/1973, phái đoàn đến Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thăm đại đội Pháo binh anh hùng. Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi bộ chào các thành viên trong đơn vị. 15 giờ 55 phút hoạt động kết thúc.

17 giờ 47 phút, phái đoàn đến sông Nhật Lệ, rồi đến thành phố Đồng Hới ở lại tại nhà khách. 19 giờ 30 phút Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình tiếp đoàn, ăn tối. 20 giờ 30, Fidel Castro nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, 16/9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro có bài phát biểu trước các đại biểu tỉnh Quảng Bình và đề xuất giúp đỡ tỉnh Quảng Bình quy hoạch thành phố mới Đồng Hới; xây dựng bệnh viện Đồng Hới (sau này bệnh viện có tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba). 9 giờ 29 phút, Fidel Castro kết thúc phát biểu. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đáp lời cảm ơn.

10 giờ 14 phút sáng 16/9/1973, phái đoàn ra sân bay Đồng Hới. Đến 10 giờ 26 phút máy bay chở phái đoàn có số hiệu AN-1094 cất cánh và hạ xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội vào lúc 11 giờ 31 phút. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo đón đoàn mời ăn cơm trưa. Chiều ngày 16/9/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nói chuyện riêng với Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

18 giờ 45 phút ngày 16/9/1973, diễn ra buổi tiệc tối do phái đoàn Cuba mời.

Sáng 17/9/1973, vào lúc 8 giờ 50 phút Chủ tịch Cuba Fidel Castro ký nhật ký về chuyến thăm và nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

9 giờ 20 phút ngày 17/9/1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều người nữa tiễn Chủ tịch Cuba Fidel Castro và phái đoàn ra sân bay Gia Lâm, chia tay.

Đúng 10 giờ 20 phút ngày 17/9/1973, chiếc máy bay mang số hiệu IL-18 của Liên Xô cất cánh chở Chủ tịch Cuba Fidel Castro cùng phái đoàn về nước.

“Chúng tôi rời mảnh đất xinh đẹp, anh hùng. Những cảm xúc chúng tôi trải qua trong những ngày này, tình cảm của mọi người, chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Tình cảm quân dân đoàn kết đồng nhất ấy luôn được thể hiện trong sự đón tiếp, trong sự kính trọng, kính mến đối với vị Tổng tự lệnh của chúng tôi”, José Miguel Miyar Barruecos, bác sĩ riêng của Chủ tịch Cuba Fidel Castro, kết thúc nhật ký về chuyến đi đặc biệt này.

Theo LÂM QUANG HUY, VĂN NGHIỆP CHÚC (lược ghi)/Báo Nhân dân

Theo LÂM QUANG HUY, VĂN NGHIỆP CHÚC (lược ghi)/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều