Chủ tịch Kaysone Phomvihane - Người đặt nền móng cho mối quan hệ son sắt Việt - Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu là những người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam mà sau này đã được các nhà lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng dày công vun đắp và cùng nhau xây dựng.

Đó là mối quan hệ quốc tế mẫu mực, hiếm có, thủy chung, trong sáng, là quy luật tồn tại và phát triển, một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc. Bà Sounthone Xaynhachak, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lào Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đã khẳng định như vậy trong bài nhân kỷ niệm 45 năm Quốc khánh CHDCND Lào (2/12/1975 - 2/12/2020) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kaysone Phomvihane (13/12/1920 - 13/12/2020).

 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Lào, Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào.

Ông Somsavat Lengsavath, nguyên Phó Thủ tướng Lào và từng là thư ký của Chủ tịch Kaysone 27 năm, cho biết: Sinh thời, bác Kaysone thường xuyên căn dặn lý do Lào phải có mối quan hệ vĩ đại với Việt Nam, bởi vì hai nước đều cùng chung một số phận bị đế quốc Pháp đến xâm chiếm. Lào và Việt Nam đều trở thành thuộc địa của Pháp nên bắt buộc phải liên minh với nhau để chống kẻ thù chung, giải phóng đất nước của cả hai nước. Ngay từ đầu, thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cho đến sau này, khi hai đảng đã thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, hai bên đã bàn bạc về sự hợp tác liên minh chiến đấu giữa hai đảng, hai nước để chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Đây là yêu cầu khách quan, rất cần thiết không phải do bị ép buộc phải đoàn kết với nhau. Chính vì vậy, hai nước phải duy trì, bảo vệ mối quan hệ vĩ đại này mãi mãi.

Ông Somsavat Lengsavath hồi tưởng: Bác Kaysone đã căn dặn, sau này mỗi nước đã dành toàn thắng, nước Lào và Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước, nhưng truyền thống này không được quên, phải giữ vững mãi mãi.

Trong các cuốn sách, các bài phát biểu của mình, Chủ tịch Kaysone Phomvihane luôn khẳng định chính sách trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tác chiến tại Lào ngày 21/9/1965, Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Nhìn lại lịch sử 20 năm đấu tranh vừa qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu, hai dân tộc anh em Lào - Việt Nam chúng ta luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi chung của chúng ta. Hai anh em chúng ta đồng cam cộng khổ, hạt gạo chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng khổ có nhau, quan hệ giữa hai dân tộc là quan hệ đặc biệt”.

Chủ tịch Kaysone cũng chính là người đã đề nghị lãnh đạo của Lào đồng ý cho Việt Nam vận chuyển các khí tài qua đất Lào. Ông Somsavat Lengsavath kể lại: Lúc đó, bác Kaysone là Tổng Bí thư đã bàn bạc với Ban lãnh đạo Trung ương về việc cho Việt Nam mượn đất để mở đường Trường Sơn và đã được mọi người hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là lúc đó nước Lào có hai vùng, một vùng là do chính quyền Viêng Chăn kiểm soát, một vùng sát với biên giới Việt Nam là vùng giải phóng do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo. Lúc đó, để địch không vu cáo Mặt trận Lào yêu nước, Chủ tịch Kaysone đã trao đổi rất kỹ với lãnh đạo của đảng để tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng về vấn đề này và sẵn sàng giúp đỡ các đồng chí quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ an toàn cho việc vận chuyển ấy.

Nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavath chia sẻ: Mặc dù biết là dành phần đất này cho Việt Nam sử dụng sẽ bị đế quốc Mỹ phá hoại, nhưng bác Kaysone bảo là mình phải chịu hy sinh, vì tình nghĩa quốc tế, đồng thời cũng vì mình bởi đế quốc Mỹ là kẻ thù chung. Nếu đế quốc Mỹ chiếm được Việt Nam thì cũng chiếm nước Lào. Chính vì vậy, Đảng của Lào, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kaysone đã hoàn toàn nhất trí với chủ trương này. Đây là quyết định thể hiện tình thần yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng, dành phần đất của mình cho Việt Nam sử dụng để giải phóng miền Nam.

Sau khi hai nước Lào và Việt Nam hoàn toàn được giải phóng năm 1975, quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới. Trong bài phát biểu chào mừng Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng12/1976), Chủ tịch Kaysone khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, có nhiều tấm gương sáng về tình cảm quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào và chưa có ở nơi đâu tồn tại mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như mối quan hệ Lào - Việt Nam. Mối quan hệ đó đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, mẫu mực, hiếm có và ngày càng được củng cố, phát triển vững chắc. Chúng tôi nguyện hết sức vun đắp cho tình hữu nghị Lào - Việt Nam ngày một xanh tươi, đời đời bền vững”.

Kế tục sự nghiệp của các nhà lãnh đạo tiền bối, trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tác động không nhỏ đến các nước, trong đó có Lào và Việt Nam, song dưới sự chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng của mỗi nước tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Các nội dung thỏa thuận giữa hai Đảng, hai nước đã được các cấp, các ngành, địa phương của hai bên phối hợp triển khai tích cực, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

Theo Phạm Kiên-Thu Phương / TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều