Đồng chí Lê Quang Đạo - Vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tài năng, đức độ và tâm huyết

(Mặt trận) - Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921- 8/8/2021), chúng ta tưởng nhớ tới một người cộng sản đã hiến dâng trọn đời mình cho lí tưởng của Đảng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội - người “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tấm gương trung với nước, hiếu với dân của đồng chí Lê Quang Đạo sẽ mãi mãi được các thế hệ tôn vinh và học tập.

 Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng Trị năm 1972. Ảnh: TL

Chủ tịch Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta, nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng, nhà lý luận có tên tuổi. Như trong bài viết ngay sau giờ phút Chủ tịch vĩnh biệt mọi người để đi vào cõi vĩnh hằng được đăng trên Báo Nhân dân ngày 20/7 và Báo Đại đoàn kết ngày 30/7/1999: "Tôi có may mắn được biết anh từ lâu, hồi tôi làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhưng thực sự hiểu anh và càng thêm ngưỡng mộ anh từ khi anh về chuyên trách công tác Mặt trận".

Lần đầu tiên tôi được trực tiếp làm việc với anh là những tháng đầu năm 1982 khi Đảng đoàn Mặt trận được Ban Bí thư giao trách nhiệm chuẩn bị Chỉ thị số 17-CT/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới".

Đây là Chỉ thị đầu tiên của Đảng ta đối với sự lãnh đạo công tác Mặt trận sau khi thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc vào đầu năm 1977. Đây cũng là chỉ thị đầu tiên của Ban Bí thư về công tác vận động quần chúng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng với yêu cầu phải thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh: "Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng".

Theo đề nghị của đồng chí Lê Quang Đạo, Ban Chỉ đạo dự thảo chỉ thị gồm các đồng chí: Xuân Thủy - Bí thư Đảng đoàn - Trưởng ban; các đồng chí Hoàng Quốc Việt, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Tiến - thành viên; bộ phận biên tập gồm hầu hết các đồng chí phụ trách các vụ và có khả năng soạn thảo.

Tôi nhớ mãi phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, với nụ cười rất hồn nhiên và giọng nói hết sức chân thành và khiêm nhường, anh bộc bạch: "Được Ban Bí thư phân công thay anh Xuân Thủy phụ trách thêm mảng công tác này (vì lúc đó anh Đạo phụ trách khoa giáo), tôi rất băn khoăn, phần vì phải đảm nhiệm quá nhiều việc, sợ không sâu, không sát, phần vì các đồng chí mà tôi được cộng tác (chứ anh không dùng chữ phụ trách) đã từng là bậc thầy, bậc anh của tôi trong lĩnh vực này trên con đường cách mạng. Tôi rất mong được các anh giúp đỡ. Riêng về dự thảo chỉ thị, tôi thống nhất với đề cương mà anh Xuân Thủy trình bày bao gồm nội dung, độ dài, cấu trúc, cách thức tiến hành, thời gian cần hoàn thành.

Nhân đây, tôi xin trình bày với các anh một vài suy nghĩ của riêng tôi về dự thảo chỉ thị: Phải nói rằng, sau khi thống nhất đất nước, được sự chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy Đảng, hoạt động của Mặt trận đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết Bắc - Nam, vào việc động viên mọi tổ chức, mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền ở miền Nam, tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở những vùng mới được giải phóng, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, khôi phục và phát triển kinh tế, bài trừ các tệ nạn xã hội do đế quốc thực dân và phong kiến để lại. Song theo tôi, nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi nhưng công tác Mặt trận của chúng ta chưa chuyển hướng kịp, chưa chú ý đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng mới giải phóng, trong hoàn cảnh mới là cả nước đang ra sức phấn đấu để tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội; chức năng chủ yếu của Mặt trận lúc này là phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền để tạo nên các phong trào cách mạng của quần chúng từ thấp đến cao, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng mà Đại hội IV của Đảng đã đề ra.

Tiếc rằng, chức năng đó chưa được thực hiện tốt nên hoạt động của Mặt trận chưa khác mấy so với hoạt động của các đoàn thể và ở nhiều nơi hoạt động của Mặt trận còn nặng tính tượng trưng, hình thức.

Nguyên nhân thì có nhiều, song theo tôi nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Qua khảo sát tình hình cho thấy nhiều cấp ủy Đảng chưa nhận thức đúng chức năng, vị trí, vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng.

Sau khi đất nước thống nhất, không ít cấp ủy Đảng, đoàn thể, cơ quan chính quyền coi nhẹ công tác Mặt trận, xem Mặt trận chỉ là tượng trưng, hình thức, mà không thấy tính cấp bách hiện nay trong điều kiện đất nước vừa thống nhất sau hơn 20 năm tạm thời bị chia cắt. Tôi đề nghị các anh dành nhiều thời gian và công sức để phân tích nguyên nhân, nhất là xem xét để kiến nghị với Trung ương những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng".

Đến dự thảo lần 6 vào cuối tháng 5/1982, do phần lớn các anh trong Tổ biên tập được phân công đi nghiên cứu kinh nghiệm công tác Mặt trận ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, để đảm bảo tiến độ, theo đề nghị của đồng chí Lê Quang Đạo, tập thể Đảng đoàn họp và có sự phân công lại. Đồng chí Xuân Thủy chỉ đạo và tôi chấp bút. Đây chính là dịp để tôi có điều kiện được tiếp xúc và làm việc với anh nhiều hơn, phải đọc nhiều hơn, đi thực tế nhiều hơn vì như anh thường căn dặn: "Sách vở cho ta kiến thức, cuộc sống cho ta kinh nghiệm".

Với sự hiểu biết uyên bác của mình, anh đã cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Xuân Thủy, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là những người có công đầu giúp Đảng đổi mới công tác Dân vận - Mặt trận.

Tôi còn nhớ có một lần vào khoảng tháng 8/1982, anh Xuân Thủy gọi tôi đến nhà và bảo: "Tuần sau tập thể Đảng đoàn sẽ xuống Bãi Cháy (Quảng Ninh) để làm việc. Sau đó, anh Đạo lại điện cho tôi báo 3 giờ chiều lên nhà gặp anh để anh trao đổi thêm một số ý kiến vào Dự thảo 9 mà sáng nay chúng tôi vừa trao đổi vì anh bận không thể xuống Bãi Cháy cùng Đảng đoàn. Đúng hẹn, tôi có mặt. Anh Đạo có thói quen thường không vào đề ngay, mà thường bắt đầu bằng một câu chuyện vui nhằm tạo không khí chan hòa giữa chủ và khách. Sau đó anh động viên tôi: "Sáng nay, tôi và anh Xuân Thủy đã xem Dự thảo 9, chất lượng tốt, đã thể hiện được hầu hết ý kiến của các đồng chí trong Đảng đoàn và Ban Dân vận. Nhưng nhiệm vụ của Mặt trận đối với việc động viên nhân dân tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước đề ra viết còn yếu, chưa cụ thể.

Về hướng mở rộng Mặt trận, thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội I Mặt trận Dân tộc thống nhất (2/1977) cho thấy chủ trương: Mặt trận tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là không phù hợp với hoàn cảnh của một đất nước nhiều dân tộc, đa tôn giáo, vừa mới thống nhất sau nhiều năm bị tạm thời chia cắt. Nên chăng, chúng ta thay bằng câu: Mặt trận đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, tán thành chủ nghĩa xã hội.

Về giải pháp, tôi và anh Xuân Thủy đã trao đổi và thống nhất là công tác Mặt trận thời gian tới phải hướng mạnh về cơ sở và làm thế nào để tạo được phong trào cách mạng từ cơ sở, tại địa bàn dân cư.

Về lực lượng, ngoài những lực lượng đã nêu trong dự thảo, cần nhấn mạnh đến lực lượng về hưu tham gia ở cơ sở.

Về sự lãnh đạo của Đảng ở cấp quận, huyện, phường, xã cần phân công đồng chí Thường vụ cấp ủy phụ trách Dân vận - Mặt trận trực tiếp làm Chủ tịch Mặt trận hoặc Bí thư Đảng đoàn".

Tôi hỏi lại:

- Thế còn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc thì sao?

- Sau mấy chục năm chiến tranh, đội ngũ cán bộ già dặn kinh nghiệm vận động quần chúng, có uy tín trong Đảng nay phần đông đã lớn tuổi, nhất là ở cấp tỉnh và cấp Trung ương. Anh nói: Đại hội V của Đảng chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ của Đảng. Vì vậy, đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc, Chủ tịch Mặt trận không nhất thiết phải ở trong Thường vụ cấp ủy, song với uy tín, năng lực và kinh nghiệm của mình, các đồng chí đó làm có khi tốt hơn các đồng chí cấp ủy trẻ. Đây cũng là biện pháp để kết hợp sử dụng cán bộ thuộc các lứa tuổi.

Theo sự chỉ đạo chung của Đảng đoàn, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Quang Đạo và đồng chí Xuân Thủy, dự thảo lần thứ 13 của Chỉ thị được hoàn tất để trình Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Ngày 18/4/1983, Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới" được ban hành, làm cơ sở cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II - "Đại hội có nhiệm vụ xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong hệ thống chuyên chính vô sản và trong cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, để góp phần tích cực và thiết thực hơn nữa vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và bốn mục tiêu mà Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra" như Chủ tịch Hoàng Quốc Việt đã phát biểu trong diễn văn khai mạc Đại hội.

Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII - khóa mở đầu cho sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần đổi mới toàn diện đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra, đầu năm 1993 anh Đạo chuyển hẳn về Mặt trận hoạt động chuyên trách với cương vị Bí thư Đảng đoàn và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 8/1994, anh được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến ngày anh ra đi (24/7/1999).

Có lẽ đây là thời gian anh dành nhiều tâm huyết và trí tuệ nhất cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trong 7 năm làm chuyên trách công tác Mặt trận, giữa anh và tập thể Ban thư ký (sau này chuyển đổi thành Ban Thường trực) chúng tôi có biết bao kỷ niệm. Vui cũng có mà buồn cũng có. Không khí bao trùm là tinh thần đoàn kết nhất trí, làm việc hăng say, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, tất cả vì việc chung. Vì vậy, những năm tháng anh chuyên trách công tác Mặt trận với trọng trách người đứng đầu, Mặt trận đã làm được khá nhiều việc, đặc biệt phải kể đến tham mưu cho Trung ương ban hành Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 17/11/1993 về "Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới" với nội dung chủ yếu là: Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Nghị quyết đi vào cuộc sống đã tạo ra bước ngoặt cho sự tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước, tập hợp thêm lực lượng mới, đặc biệt là những người trước đây từng làm việc dưới chế độ Mỹ - Ngụy và những người Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

Với tư tưởng chỉ đạo là "Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân", ngày 3/5/1995 đồng chí Lê Quang Đạo thay mặt Đoàn Chủ tịch ra Thông tri phát động "Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư". Với động lực là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí ở khu dân cư là đoàn kết.

Cuộc vận động góp phần quan trọng vào việc thực hiện dân chủ trực tiếp, dân chủ tự quản ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, để có cơ sở pháp lý cho Mặt trận thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của mình, với tư cách Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành tâm huyết, trí tuệ và thời gian, huy động kinh nghiệm, chất xám của các thành viên trong Mặt trận, đặc biệt là các đồng chí lão thành cách mạng vào việc xây dựng luật và tuyên truyền, giải thích, vận động các đại biểu Quốc hội ủng hộ và được Quốc hội khóa X thông qua vào kỳ họp thứ 5. Đây là công trình lớn cuối cùng của đồng chí cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân trước lúc đi xa.

Có thể nói những văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước mà Đảng đoàn Mặt trận do anh Đạo trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã đặt cơ sở cho việc tiếp tục mở rộng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Trong bài viết này, tôi muốn kể lại những kỷ niệm được cùng anh soạn thảo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Ngay từ lúc còn làm Chủ tịch Quốc hội, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, anh đã nhiều lần trao đổi với anh em chúng tôi về sự cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh 1991 của Đảng và Hiến pháp 1992, trong đó thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong giai đoạn mới của cách mạng.

Theo anh, trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" hiện nay, muốn đổi mới công tác Mặt trận, nhất thiết phải đổi mới nhận thức về sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác Mặt trận vì đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.

Anh thường gợi ý để anh em chúng tôi suy nghĩ, thu thập thông tin, chuẩn bị những tư liệu cần thiết về đặc điểm, tình hình thế giới, trong nước, đặc biệt là tình hình biến động của các tầng lớp nhân dân sau khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới để khi có điều kiện, được Trung ương cho phép sẽ giúp Trung ương xây dựng dự thảo Nghị quyết trên.

Do tính chất quan trọng của vấn đề được anh "ấp ủ" từ lâu nên khi về chuyên trách công tác Mặt trận, việc đầu tiên anh đưa ra bàn trong hội nghị Đảng đoàn và Ban Thư ký là làm tờ trình Bộ Chính trị cho phép Đảng đoàn cùng Ban Dân vận Trung ương soạn thảo nghị quyết trên.

Được Bộ Chính trị cho phép với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Vũ Oanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trương Mỹ Hoa - Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) phụ trách Dân vận - Mặt trận, Đảng đoàn thành lập Tổ soạn thảo Nghị quyết và phân công đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp phụ trách, tôi giúp việc anh chấp bút.

Kế hoạch làm việc của Tổ được anh đề ra là: Song song với việc nắm lại kết quả tổng kết 10 năm thi hành Chỉ thị 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" và nghiên cứu các văn kiện của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh với đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất, phải đặc biệt coi trọng công tác thực tiễn, hết sức tranh thủ ý kiến của các đồng chí phụ trách Dân vận - Mặt trận ở các địa phương. Anh đặc biệt quan tâm đến việc xin ý kiến các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư các khóa trước, các đồng chí lão thành cách mạng đã từng công tác Dân vận - Mặt trận qua các thời kỳ cách mạng, cán bộ chuyên trách Mặt trận có trình độ lý luận và khả năng tổng kết thực tiễn đã về hưu, các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, người Việt Nam định cư ở nước ngoài...

Đọc lại cuốn sổ tay mà tôi có dịp đi cùng anh ghi chép thời đó cho thấy: Trừ các đồng chí lãnh đạo các tổ chức thành viên, các đồng chí Chủ tịch Mặt trận các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, anh đã gặp và lấy ý kiến cá nhân trên 70 người, trong đó có các đồng chí và các vị: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Đỗ Mười, Tố Hữu, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Tâm, Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Vũ Kỳ (Thư ký Bác Hồ), Trần Bạch Đằng, Ung Ngọc Kỳ, Hai Văn (tức Phan Văn Đáng), Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Oánh (nguyên Phó Thủ tướng thời Nguyễn Văn Thiệu), Bà Phước Đại (nguyên Phó Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn), các giáo sư Phan Đình Diệu, Hoàng Xuân Sính, Lý Chánh Trung...

Chỉ với những việc tôi vừa kể trên cũng cho thấy sự đam mê và tinh thần trách nhiệm của anh đối với việc chuẩn bị dự thảo nghị quyết đến nhường nào.

Qua thời gian được cùng làm việc với anh, nhất là cùng anh chuẩn bị một số văn kiện quan trọng, trong đó có dự thảo Nghị quyết "Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất", tôi càng hiểu sâu về anh.

Tôi khâm phục sự hiểu biết uyên thâm trên nhiều lĩnh vực cũng như khả năng tổng hợp, phân tích và đề xuất vấn đề của anh.

Tôi thấm thía về cách lập luận và phân tích của anh về những diễn biến mới nhất của tình hình thế giới khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và tình hình ở nước ta từ khi đất nước bước vào đổi mới.

Anh nói, Đại hội VI của Đảng đề xướng sự nghiệp đổi mới và nêu rõ: Đổi mới phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Biểu hiện cụ thể của đổi mới tư duy kinh tế là chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần tức là chấp nhận thu nhập khác nhau, mức sống khác nhau, chấp nhận sự biến động về cơ cấu xã hội và giai cấp, chấp nhận sự phân hóa giàu nghèo. Đã có mức sống khác nhau thì suy nghĩ thường không giống nhau. Nước ta lại là nước đa dân tộc, đa tôn giáo và có đông đảo người Việt Nam vì lý do này hay lý do khác đang sinh sống ở nước ngoài...

Trong bối cảnh đó, điểm tương đồng hay mẫu số chung ta cần chọn là gì để tập hợp, đoàn kết tối đa các lực lượng có thể tập hợp đoàn kết được.

Có lúc anh lại trao đổi với chúng tôi về tính quy luật. Anh nói: Chiến tranh có quy luật của chiến tranh; hòa bình có quy luật của hòa bình. Quy luật của chiến tranh là cái tôi phải phục tùng cái ta; cái cục bộ phải phục tùng cái toàn bộ; địa phương phải nhất nhất phục tùng Trung ương. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng là khẩu hiệu, là mục tiêu cao nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc. Công tác tập hợp, đoàn kết, động viên trong thời chiến của Mặt trận lúc đó tuy khó nhưng lại dễ vì ai cũng có lòng yêu nước, ai cũng muốn mình được hoàn toàn độc lập, dân mình được hoàn toàn tự do và "Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó" như đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Trung ương Đảng phát biểu tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, mới có các phong trào "xe chưa qua thì nhà không tiếc", "chiếc gậy Trường Sơn", "đường cầy đảm đang" của các tổ chức thành viên.

Còn ngày nay, trong hòa bình xây dựng, nó cũng có quy luật của nó. Quy luật của hòa bình: Đó là cái tôi, cái ta đan xen nhau cùng tồn tại. Trong cơ chế thị trường, nếu không coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, xây dựng tổ chức và chính sách cho đúng thì nhiều khi cái tôi lấn át cái ta, ngoi lên trên cái ta và đẻ ra nhiều loại tiêu cực xã hội.

Điều mà anh thường quan tâm và lo lắng hơn cả khi đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng. Cần hiểu sự lãnh đạo của Đảng như thế nào cho đúng? Anh rất bất bình trước hiện tượng một số đảng viên có chức, có quyền nhân danh Đảng, nhân danh cấp ủy để làm bậy, nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân, làm giảm uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Theo anh, cần nắm vững nguyên tắc: Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chứ không thay nhân dân làm cách mạng. Đảng lãnh đạo chứ không làm thay. Là người lãnh đạo, Đảng phải thực hiện đúng vai trò tiền phong của mình. Hiện nay, còn có những quan niệm không đúng về sự lãnh đạo của Đảng trong một số cấp ủy. Hiểu sự lãnh đạo như quyền lợi và quyền lực tối cao. Vì vậy, ở nơi này, nơi khác xảy ra mất đoàn kết chỉ vì tranh giành quyền lợi và quyền lực tối cao đó.

Anh nhiều lần khẳng định và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình về quan hệ giữa Đảng với Mặt trận. Theo anh, đây thực chất là mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc. Dân tộc có trước, giai cấp có sau. Dân tộc sản sinh ra giai cấp, giai cấp nằm trong dân tộc để lãnh đạo dân tộc. Vì vậy, Đảng nhất thiết phải đứng trong nhân dân, trong giai cấp, trong Mặt trận để lãnh đạo, chứ không thể đứng ngoài và tuyệt đối không được đứng trên nhân dân, trên giai cấp, trên Mặt trận để lãnh đạo. Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở chỗ gắn bó mật thiết với dân. Tách rời khỏi dân, Đảng sẽ không còn sức mạnh.

Trở lại dự thảo nghị quyết, với cách làm việc thận trọng, nghiêm túc, từng thời gian anh đưa dự thảo văn bản ra thảo luận tại hội nghị Đảng đoàn, Ban Thư ký, xin ý kiến các đồng chí Vũ Oanh, Trương Mỹ Hoa. Chúng tôi chỉnh sửa đến lần thứ 10 thì hoàn chỉnh và gửi trình Bộ Chính trị. Và Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành vào ngày 17/11/1993 đúng dịp kỷ niệm lần thứ 63 Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 - 8/8/2021), tôi ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về anh - vị Thủ trưởng tài năng đức độ và tâm huyết.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều