Đồng chí Xuân Thủy với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất

(Mặt trận) - Đồng chí Xuân Thủy là một trong những cán bộ thực hiện xuất sắc đường lối đại đoàn kết dân tộc và chính sách Mặt trận Dân tộc thống nhất của Bác Hồ và của Đảng ta. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Xuân Thủy là tấm gương về một trí tuệ và nhân cách lớn với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Xuân Thủy, Trưởng Phái đoàn Việt Nam đến Điện Elysee, sau cuộc gặp gỡ với Tướng Charles De Gaulle.
ẢNH: TƯ LIỆU 
Cuộc đời hoạt động của đồng chí Xuân Thủy gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất

Đầu năm 1944, sau khi ra tù, đồng chí được Đảng cử về công tác tại Tổng bộ Việt Minh, làm Trưởng ban Tuyên huấn, phụ trách tờ báo Cứu quốc, với cương vị Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Tổng bộ Việt Minh chuyển về Hà Nội, đóng tại 114 Hàng Trống, nay là số 44 Lý Thái Tổ. Đây cũng là tòa soạn Báo Cứu quốc. Đồng chí Xuân Thủy vừa là Ủy viên Thường trực của Tổng bộ Việt Minh, vừa là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của báo.

Chính quyền non trẻ của Nhân dân ta đứng trước những khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”: nạn đói đe dọa sinh mệnh hàng triệu đồng bào, ở miền Bắc, 18 vạn quân Quốc dân Đảng Trung Hoa với danh nghĩa tước vũ khí quân đội Nhật đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam có vũ trang để thực hiện âm mưu đen tối là: “Tiêu diệt Đảng Cộng sản”, “Phá tan Việt Minh”.

Ở miền Nam, quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật lại giúp cho thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 23/9/1945.

Cuộc đấu tranh địch - ta diễn ra gay gắt. Với trách nhiệm Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ Báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, đồng thời làm nhiệm vụ lịch sử là cơ quan ngôn luận hàng ngày của Đảng, của Chính phủ, Báo Cứu quốc đã tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị, vạch trần mọi âm mưu của bọn đế quốc và phản động, cổ vũ đồng bào ta đứng lên đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, chống giặc ngoại xâm, chống giặc đói, giặc dốt, chuẩn bị tư tưởng cho Nhân dân sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với trách nhiệm và quyền hạn của một Ủy viên Thường vụ kiêm Trưởng ban Tuyên huấn của Tổng bộ Việt Minh và Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, phụ trách thông tin, tuyên truyền, báo chí, đồng chí Xuân Thủy là người chủ chốt đứng ra tổ chức lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng - đây được xem như lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của nước ta.

Cùng với trọng trách trên, đồng chí Xuân Thủy đã có công lớn trong việc chỉ đạo thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Đồng chí cũng là người trực tiếp chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam (1955), Đoàn Báo chí kháng chiến (1947) và Hội những người viết báo Việt Nam.

Với Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951 ngay sau Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương (11/2/1951). Đảng tuyên bố ra công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam.

Quán triệt đường lối của Đảng, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt đề ra mục đích:

“Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp phần cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”.

Đại hội cử ra Ủy ban toàn quốc của Mặt trận gồm 63 vị, do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch, đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng ban Thư ký.        

Báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh chuyển thành cơ quan Trung ương của Mặt trận Liên Việt. Báo Cứu quốc của các Kỳ bộ (Nam Bộ) và các Khu bộ Việt Minh chuyển thành cơ quan của Mặt trận Liên Việt cấp tương đương.

Là một lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Liên Việt, đồng chí Xuân Thủy đã góp phần quan trọng tham mưu cho Ủy ban toàn quốc phát động nông dân tham gia thực hiện giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất nhằm động viên khí thế cách mạng của nông dân, tăng cường liên minh công - nông, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Mặt khác, Mặt trận đã ban hành nhiều chính sách, nhiều biện pháp cụ thể để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nhà tư sản, các nhân sĩ dân chủ, nhân sĩ yêu nước, triệt để phân hóa địa chủ giai cấp, ổn định tư tưởng và đoàn kết các địa chủ kháng chiến cùng con em họ đang tham gia công tác ở hậu phương hay ngoài tiền tuyến.

Toàn dân đoàn kết một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.           

Qua 9 năm kháng chiến, đồng chí Xuân Thủy đã đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng và nghệ thuật vận động quần chúng để xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trở thành “một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi, làm thành chiếc áo giáp bền vững của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”1.

Với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược nhưng đều có một mục đích chung là hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.

Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi. Nhiệm vụ mới của cách mạng đòi hỏi phải có một Mặt trận mới, thích hợp, nhằm thu hút mọi tổ chức và cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng.

Sau một thời gian vận động, từ ngày 5 đến ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất đã họp tại Hà Nội, quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Tuyên ngôn, Cương lĩnh và Điều lệ của Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự, bác Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 84 vị, đồng chí Xuân Thủy được bầu làm Tổng Thư ký.

Thi hành Điều lệ và Chương trình hành động do Đại hội đề ra, đồng chí Xuân Thủy với trọng trách Bí thư Đảng đoàn, Tổng Thư ký cùng tập thể Ban Thư ký đã:

- Không ngừng mở rộng tổ chức Mặt trận: Sau Đại hội hơn một năm đã có 32 đảng phái chính trị, đoàn thể và nhiều tổ chức cá nhân yêu nước tự nguyện gia nhập Mặt trận, làm cho Mặt trận trở thành tổ chức chính trị rộng lớn và giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

- Đã có nhiều hình thức, biện pháp vận động Nhân dân tham gia phục hồi, phát triển kinh tế, văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, làm hậu thuẫn vững chắc cho chính quyền dân chủ nhân dân.            

Được sự cổ vũ, động viên của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua nạn đói, phát triển các hình thức vần công, đổi công để khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi, giúp nhau vốn để khôi phục sản xuất, thành lập các đội xung kích diệt dốt...

Chỉ sau 2 năm với các phong trào “Toàn dân tham gia phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, chống đói nghèo” và “chống mù chữ” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, sản lượng nông nghiệp của miền Bắc đã vượt mức trước chiến tranh và đã có 113 nghìn người từ (12 đến 50 tuổi) thoát nạn mù chữ.

Sau 12 năm ở cương vị Tổng Thư ký Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đầu năm 1963, theo quyết định của Bộ Chính trị, đồng chí Xuân Thủy rời Mặt trận sang công tác tại Bộ Ngoại giao, song vẫn là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc trong năm 1972 đã đặt Mỹ - Ngụy trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, tạo điều kiện để Hiệp định Paris về Việt Nam đi vào giai đoạn kết thúc. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được ký kết.

Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy - Trưởng đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Paris về Việt Nam, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.

Tháng 5/1973, đồng chí Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Dân vận, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận.

Đồng chí Xuân Thủy với việc thống nhất các đoàn thể và Mặt trận

Ngày 29/3/1976, Bộ Chính trị ra Nghị quyết thành lập Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, phân công đồng chí Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng Ban, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng làm Phó ban trực tiếp phụ trách công tác Mặt trận.

Với sự tham mưu của Ban Dân vận và Mặt trận, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư ra Chỉ thị về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân và thống nhất Mặt trận, Chỉ thị nêu rõ:

Cùng với việc hoàn thành thống nhất đất nước, Ban Bí thư quyết định việc thống nhất các đoàn thể được tiến hành qua 2 bước:

Bước một, là hợp nhất các Ban Chấp hành. Sau đó, Ban Chấp hành của từng đoàn thể đề ra phương hướng, công tác trong thời gian trước mắt. Bước này cần làm xong trước Đại hội Đảng IV.

Bước hai, sau Đại hội Đảng IV, các đoàn thể sẽ tổ chức Đại hội toàn quốc, thông qua Điều lệ và bầu cơ quan lãnh đạo mới.

Riêng việc thống nhất các tổ chức Mặt trận sẽ tiến hành bằng cách mỗi tổ chức cử ra một số người lập thành Ban trù bị Đại hội thống nhất. Ban trù bị phụ trách việc dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới của Mặt trận và các vấn đề về tổ chức để tiến hành Đại hội sau Kỳ họp Quốc hội tháng 6/1976 và trước Đại hội Đảng lần thứ IV.

Thực hiện Quyết định trên, dưới sự chủ trì của đồng chí Xuân Thủy, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 2 đến ngày 6, Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh lần thứ 22 quyết định thống nhất tổ chức Đoàn trong cả nước giữa Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh thành Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh do đồng chí Vũ Quang làm Bí thư thứ nhất.

Từ ngày 6 đến ngày 6/6, tiến hành Hội nghị thống nhất công đoàn hai miền lấy tên là Tổng Công đoàn Việt Nam do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.           

Từ ngày 10 đến 12/6 diễn ra Hội nghị thống nhất các tổ chức phụ nữ hai miền lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do đồng chí Hà Thị Quế làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thị Định làm Phó Chủ tịch thứ nhất.

Thực hiện Quyết định của Ban Bí thư, Hội nghị liên tịch giữa 3 tổ chức Mặt trận họp phiên họp đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 6/7/1976 gồm 38 đại biểu dưới sự chủ trì của đồng chí Xuân Thủy Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương.

Các ý kiến phát biểu đều nhất trí với chủ trương thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước và nhấn mạnh: cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới, khối đại đoàn kết toàn dân cần được củng cố và mở rộng hơn nữa để làm hậu thuẫn vững chắc cho Nhà nước.

Hội nghị cho ý kiến bước đầu về Dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới và cơ cấu tổ chức lãnh đạo toàn quốc.

Hội nghị trù bị lần thứ hai tiến hành trong ngày 1 và 2/10/1976 tập trung thảo luận Chương trình hành động của Mặt trận.     

Các đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của Mặt trận là phải làm cho toàn dân hiểu rõ nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của Nhân dân ta lúc này là phải tăng cường hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết để xây dựng nền kinh tế mới, chế độ xã hội mới.         

Nhiều đại biểu đề xuất cần đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận theo phương châm: linh hoạt hơn, năng động hơn, sát dân hơn và đặc biệt là làm tốt công tác Mặt trận cơ sở.          

Hội nghị trù bị lần thứ ba diễn ra trong năm ngày từ ngày 24 đến 28/1/1977.

Hội nghị nghe và cho ý kiến lần cuối vào Dự thảo Báo cáo chính trị, Cương lĩnh, Điều lệ, tổ chức, bộ máy... Hội nghị để nhiều thời gian để thảo luận về tên gọi của Mặt trận, tên gọi của tờ báo.

Qua thảo luận, đồng chí Xuân Thủy thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị kết luận:

Hội nghị cũng kiến nghị Đại hội hợp nhất hai tờ báo Cứu Quốc và Giải phóng thành tuần báo Đại đoàn kết.

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến 4/2/1977.

Sau gần nửa thế kỷ từ khi Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng của giai cấp công nhân và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đây là lần thứ hai tiến hành Đại hội Mặt trận toàn quốc, nhưng là lần có đông đủ nhất đại biểu của cả nước, thật sự là cuộc đoàn tụ của đại gia đình dân tộc Việt Nam, là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy hy sinh gian khổ suốt mấy chục năm của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Đại hội đã thông qua Chương trình chính trị, Điều lệ của Mặt trận, thông qua tên gọi mới của Mặt trận là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội nhất trí cử 191 vị vào Ủy ban Trung ương, suy tôn cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 44 vị Ủy viên do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tiến làm Tổng Thư ký. Đồng chí Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương tham gia Đoàn Chủ tịch với tư cách đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam.     

Đại hội ra Lời kêu gọi khẳng định: Hơn 50 năm qua, với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam, với lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân, nhân dân ta đã viết nên những trang sử huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc.

Cùng với thắng lợi của việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, việc thống nhất các đoàn thể và Mặt trận Dân tộc thống nhất thành công là một sự kiện chính trị trọng đại của cả dân tộc ta, không chỉ đánh dấu bước trưởng thành của Mặt trận Dân tộc thống nhất về tổ chức, phương thức hoạt động, mà còn chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước. Thành công của Đại hội lần này mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.   

Thành công của Đại hội càng khẳng định vai trò, vị trí của đồng chí Xuân Thủy, người “đứng mũi chịu sào” thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo Đại hội.

Diễn văn của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày sinh đồng chí Xuân Thủy đã khẳng định:

“Chúng ta có thể khẳng định rằng đồng chí Xuân Thủy là một trong những cán bộ thực hiện xuất sắc nhất đường lối đại đoàn kết dân tộc và chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất của Bác Hồ và của Đảng ta. Suốt 41 năm từ khi ra khỏi nhà tù Sơn La cho đến lúc qua đời, đồng chí liên tục là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận”.

Chú thích:

1. Văn kiện Đảng về Mặt trận Dân tộc thống nhất. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr 198.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều