Mặt trận Việt Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(Mặt trận) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi oanh liệt và nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do có chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh tụ Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo.

Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mới. Cuộc chiến thế giới lần thứ hai ngày càng quyết liệt. Phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa ngày càng mở rộng và dâng cao. Ở trong nước, Nhật và Pháp ra sức đàn áp, vơ vét làm cho nhân dân ta, kể cả tư sản, địa chủ, trí thức cũng phẫn uất và đẩy họ ngả về phe cách mạng.

Thấy rõ hướng chuyển của tình thế, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám để xem xét lại các chính sách của Đảng và nhận định: Cuộc cách mạng trước mắt là Cách mạng Dân tộc giải phóng nên chủ trương gác khẩu hiệu cách mạng thổ địa để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Pháp, Nhật. Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa, “mà trước mắt chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp đó là giải phóng dân tộc”1. Đó không phải là bỏ nhiệm vụ điền địa, cũng không phải là đi lùi lại một bước, “mà chỉ bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước dài hơn”2.

“Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không thực hiện được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”3.

Căn cứ vào tình hình mới, để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chiến thuật vận động cũng phải thay đổi cho thích hợp: “Làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Do đó, Mặt trận Dân tộc phản đế phải đổi thành “cái tên khác cho có tinh thần dân tộc hơn”.

Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.

Hội nghị Trung ương lần thứ tám gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất nhưng vẫn nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất công, tiến tới thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.

Hội nghị quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và làm cờ của Tổ quốc “Khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nghị quyết cũng quy định cụ thể cách tổ chức Việt Minh, cách lãnh đạo Việt Minh, những nội dung về công tác tuyên truyền, công tác đấu tranh và chỉ rõ trong những điều kiện nhất định có thể tiến hành khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.

Về vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng, Nghị quyết nêu rõ: Vì chính sách hiện tại là chính sách cứu quốc cho nên mục đích của các đoàn thể quần chúng cũng nhằm vào việc cứu quốc là chính. Công hội được đổi thành Hội Công nhân cứu quốc. Nông hội là Hội Nông dân cứu quốc, Đoàn Thanh niên phản đế đổi thành Đoàn Thanh niên cứu quốc. Nghị quyết cũng yêu cầu thành lập Hội Quân nhân cứu quốc, Đoàn Nhi đồng cứu vong, Hội Văn hóa cứu quốc, Đoàn Học sinh cứu quốc.

Ngày 6/6/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc công bố thư Kính cáo đồng bào. Người chỉ rõ: “Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho Nhật” và Người kêu gọi “con Lạc cháu Hồng cùng nhau đoàn kết đặt quyền lợi dân tộc cao hơn hết, quyết đánh đổ đế quốc và Việt gian, cứu giống nòi ra khỏi nước sâu, lửa bỏng. Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”.

Qua Kính cáo đồng bào, Nguyễn Ái Quốc khơi dậy truyền thống oanh liệt của các bậc anh hùng cứu quốc tiền bối, hô hào lớp người đương thời tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết đánh đuổi bọn xâm lược.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 và thư Kính cáo đồng bào của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được vận dụng sáng tạo trong Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của Việt Minh. Đây là lần đầu tiên, Mặt trận Dân tộc thống nhất trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, cách thức tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu quốc. Các văn kiện nêu trên của Việt Minh có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp đồng bào “sĩ, công, nông, binh, phúc hào yêu nước, phụ lão thương nòi” tham gia Mặt trận Việt Minh.

Chương trình Việt Minh đáp ứng nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân ta là giành độc lập, tự do vì “một là ích quốc, hai là lợi dân”.

Mười chính sách mà Việt Minh đề ra gồm chính sách chung cho toàn dân tộc và những chính sách cụ thể đáp ứng lợi ích cho từng giai tầng xã hội. “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng sinh tồn... Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật - Pháp để dựng nên nước Việt Nam tự do, độc lập”4.

Sau khi giành được độc lập, Việt Minh chủ trương:

1- Đối với tư sản: Được tự do kinh doanh, được giúp đỡ mở mang các ngành kỹ nghệ cần thiết.

2- Đối với địa chủ: Quyền sở hữu ruộng đất cần được coi trọng; được khai phá đất hoang.

3- Đối với nhà buôn: Được tự do thông thương; sản nghiệp thương mại được pháp luật bênh vực.

4- Đối với thợ thuyền được hưởng Luật Lao động bỏ các giấy giao kèo nô lệ, lập giấy giao kèo chung giữa chủ và thợ; thợ thuyền già có lương hưu trí, cải thiện chế độ học việc.

5- Đối với dân cày: Có đủ ruộng cày; được cứu tế trong những năm mất mùa. Tá điền được giảm địa tô”5.

Do những chính sách đề ra đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân nên được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đi theo. Nhờ đó, Việt Minh phát triển nhanh chóng, mặc dù bị kẻ địch khủng bố gắt gao.

Lúc này, Cao Bằng trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc. Tháng 6/1941 Ban lâm thời Việt Minh Cao Bằng được thành lập, đến cuối năm đã có một số “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn” thu hút hầu hết lực lượng yêu nước vào các đoàn thể cứu quốc.

Ngày 25/1/1942 báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên. Khắp các địa phương trong toàn quốc các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh lần lượt được thành lập. Từ năm 1942, thông qua báo chí, sách khổ nhỏ, áp phích do Việt Minh phát hành và hoạt động của các đội tuyên truyền xung phong đã phát huy mạnh mẽ thanh thế của Việt Minh trong nhân dân, tạo điều kiện mở rộng cơ sở Việt Minh xuống Thái Nguyên và về xuôi.

Cùng với việc chuẩn bị về chính trị và nhân sự, các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu được thành lập và được huấn luyện quân sự.

Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, tháng 2/1943 Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng nhận thấy cần có các biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa để sớm đưa cách mạng nước ta đi tới cao trào.

Hội nghị nhận định, phong trào cứu nước phát triển không đồng đều: Khá mạnh ở nông thôn, nhưng yếu ở thành thị, nhất là ở các thành phố lớn. Ở những địa bàn trọng điểm này, Việt Minh chưa tạo được phong trào đấu tranh yêu nước trong thanh niên học sinh và trí thức. Hội nghị nêu rõ: Mỗi khi có dịp đoàn kết chống áp bức, bóc lột cần thành lập Ủy ban hành động chung nhằm thu hút quần chúng chưa đứng chân trong Mặt trận tham gia. Đi đôi với củng cố và phát triển các tổ chức công, nông, thanh, phụ cần chú ý lôi kéo tư sản, địa chủ, tiểu thương... vào các hình thức tổ chức thích hợp để Mặt trận mang tính chất toàn dân. Mặt trận cần lợi dụng khả năng công khai, nửa công khai để thành lập những tổ chức có tính chất kinh tế, văn hóa, thể dục, thể thao... và cử người vào những tổ chức công khai để cảm hóa quần chúng trong các tổ chức đó.

Hội nghị quyết định lập các Ủy ban công vận, phụ vận ở mỗi xứ. Ban thanh vận ở các thành phố; đẩy mạnh hoạt động của các ban chuyên môn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp.

Hội nghị nhấn mạnh nhiệm vụ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và tiến hành mọi mặt công tác chuẩn bị tiến tới việc Tổng khởi nghĩa.

Từ ngày 25 - 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương họp tại làng Võng La, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên để quyết định những vấn đề cấp bách. Hội nghị chủ trương ra sức phát triển Việt Minh. Hội nghị thông qua “Đề cương văn hóa Việt Nam” để tập hợp các văn nghệ sĩ và trí thức vào Hội Văn hóa cứu quốc - một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Ngày 30/6/1944, Đảng đã giúp một số trí thức yêu nước thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam nhằm tập hợp đông đảo trí thức, sinh viên yêu nước và tư sản dân tộc vào Mặt trận cứu nước. Đảng Dân chủ đã gia nhập Mặt trận Việt Minh.

Tháng 8/1944, Tổng bộ Việt Minh kêu gọi và phát động phong trào “sắm vũ khí đuổi thù chung” phong trào xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Các phong trào trên phát triển mạnh ở vùng núi, trung du song song với phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở đồng bằng, nông thôn và thành thị. Không khí cách mạng sôi sục ở mọi miền của đất nước báo hiệu bão táp cách mạng đang đến gần. Ở một số địa phương, nhất là ở các căn cứ địa, quần chúng nôn nóng mong muốn sớm hành động, song Trung ương nhận định thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi.

Tháng 8/1942, Bác Hồ nhân danh đại biểu Việt Minh đi Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của nước ngoài bị tình báo Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bắt giữ. Sau khi ra tù, Người cùng một số cán bộ của Đảng có nhiều hoạt động làm cho nhà đương cục Trung Hoa thấy rõ Việt Minh là tổ chức yêu nước, có lực lượng mạnh, đoàn kết toàn dân, sát cánh cùng đồng minh chống Nhật, nên họ có thiện cảm và kính trọng.

Tháng 10/1944, Bác Hồ có thư kêu gọi đồng bào ra sức chuẩn bị để họp Toàn quốc đại biểu Đại hội trong năm 1945, đại biểu cho “Tất cả các đảng phái cách mạng và các đoàn thể trong nước bầu cử ra “một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và uy tín trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”, “cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa”.

Trên cơ sở lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, ngày 22/12/1944, Hồ Chủ tịch ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Nhiệm vụ của đội quân đầu tiên này có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang ở các địa phương trưởng thành và phối hợp hành động với nhau theo phương châm: “Chính trị trọng hơn quân sự, dựa vào dân và động viên toàn dân kháng chiến” càng gây thêm thanh thế và ảnh hưởng của Việt Minh lan tỏa rộng khắp toàn dân.

Đêm ngày 9/3/1945, Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nêu rõ: Sự khủng hoảng về chính trị hiện nay đã thúc đẩy những điều kiện khởi nghĩa chín muồi. Kẻ thù của dân tộc ta lúc này là Nhật. Khẩu hiệu hành động của chúng ta hiện nay là “đánh đuổi phát xít Nhật”, phát động phong trào kháng Nhật cứu nước, sẵn sàng chuyển sang hình thức Tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện.

Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương phổ biến đến đâu thì ở đó xuất hiện một cao trào cách mạng. Những cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra đồng thời ở nhiều địa phương, xóa bỏ chính quyền tay sai, lập ra các Ủy ban dân tộc giải phóng trước hết là ở miền núi, trung du và một số tỉnh đồng bằng. Các đội tự vệ chiến đấu và các đội tuyên truyền xung phong hoạt động công khai ngay cả ở các thị xã và thành phố nơi có quân Nhật đóng, kêu gọi đồng bào tham gia Việt Minh, đánh Nhật và trừ Việt gian. Chiến tranh du kích ngày càng được mở rộng với những cuộc phục kích, tập kích nhằm vào quân Nhật, kết hợp với những cuộc khởi nghĩa lập các chiến khu ở nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam giải phóng quân và thành lập Khu giải phóng ngày 4/6/1945.

Khu giải phóng Việt Bắc gồm phần lớn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một số vùng ngoại vi thuộc các tỉnh lân cận.

Việt Minh kêu gọi “phá kho thóc, giải quyết nạn đói”, hàng vạn nông dân vùng lên đấu tranh mạnh mẽ chống phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn. Tại khắp các tỉnh từ miền Trung trở ra, quần chúng hăng hái tham gia các Hội Cứu quốc - thành viên của Mặt trận Việt Minh. Việt Minh kêu gọi những người Pháp thoát khỏi tay Nhật, hợp tác với Việt Minh đánh Nhật. Tháng 7/1945, Việt Minh đã giải phóng cho những người Pháp bị Nhật giam ở Tam Đảo và giúp họ chạy qua biên giới.

Phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, báo hiệu giờ tận số của chủ nghĩa phát xít. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào tiến lên dưới cờ Việt Minh: “Giờ quyết định vận mệnh dân tộc đã điểm, hãy đứng dậy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Thời cuộc chuyển biến mau lẹ, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập lúc 11 giờ đêm ngày 13/8/1945 trước giờ Nhật đầu hàng Đồng minh. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp trong các ngày 13-15/8/1945, tiếp đó, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào trong hai ngày 16 và 17/8. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử Ủy ban giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Cả nước vùng lên giành chính quyền dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa. Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, chính quyền của địch hoàn toàn sụp đổ, các Ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập và ra mắt nhân dân trước các cuộc mít tinh lớn.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu về Hà Nội, chuẩn bị cho việc Chính phủ ra mắt đồng bào trong ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 26/8/1945, Người đề nghị mở rộng thành phần Chính phủ và sớm công bố danh sách Chính phủ. Việc một số đại biểu của Việt Minh như đồng chí Nguyễn Lương Bằng và mấy đồng chí khác tự nguyện rút khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các nhân sĩ yêu nước ngoài Việt Minh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”6. Ngày 30/8/1945, đoàn đại biểu của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Nguyễn Lương Bằng dẫn đầu vào Huế chứng kiến việc vua Bảo Đại thoái vị.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đại biểu Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng đọc lời hiệu triệu đồng bào cả nước.

Trong 15 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến Cách mạng Tháng Tám 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, bị đàn áp, khủng bố tàn bạo, trải qua ba cao trào cách mạng (1930-1931); (1936-1939); (1939-1945) Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh Tổng khởi nghĩa thành công, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã minh chứng đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc, chiến lược đoàn kết dân tộc nêu trong Cương lĩnh đầu tiên là hết sức đúng đắn. Đường lối đó đã được thể nghiệm qua hai cuộc Tổng diễn tập và đi đến những chủ trương đúng đắn và khoa học của Đảng trong những năm 1939-1945, được thể hiện nổi bật trong Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ và 10 Chính sách của Việt Minh.

Đây không chỉ là thắng lợi của đường lối cách mạng, chiến lược đại đoàn kết dân tộc, mà còn là thắng lợi của khoa học và nghệ thuật vận động quần chúng nhân dân, tin dân, dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống, tổ chức tập hợp lực lượng chính trị quần chúng trong Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp khác một cách linh hoạt; phát động quần chúng đấu tranh từ các hình thức thấp đến cao, từ đòi dân sinh, dân chủ đến bãi công, bãi khóa, bãi thị tiến tới mít tinh, biểu tình rồi nổi dậy, khởi nghĩa từng phần đến khởi nghĩa toàn dân.

Điều đó khẳng định, Đảng lãnh đạo cách mạng, song cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Cách mạng chỉ thắng lợi khi có đông đảo nhân dân hưởng ứng.

Điều đó cũng chứng minh câu hỏi: Tại sao chỉ với 5.000 đảng viên cộng sản, nhân dân ta đã giành độc lập trong thời gian rất ngắn và không đổ máu.

Chú thích:

1,2,3. Văn kiện Đảng (1930-1945), Nxb. Sự thật, 1977, tập III, tr196.

4,5.         Văn kiện Đảng (1930-1945), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương Hà Nội, 1977, tr.136 và tr.445.

6.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 6, tr.20.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều