Ngày Biên phòng toàn dân (3/3): Thắm tình quân - dân nơi biên giới

Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 73 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Trong những năm qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người lính mang “quân hàm xanh”, đời sống nhân dân khu vực biên giới được cải thiện đáng kể, góp phần thắt chặt nghĩa tình quân - dân, giữ vững an ninh chính trị khu vực biên giới.
 Lễ bàn giao nhà “mái ấm biên cương” cho gia đình chị Lữ Thị Sót, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN Phát
Những ngôi nhà thắm tình quân - dân

Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có 51 thôn, buôn thuộc 4 xã biên giới của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, với hơn 22.000 nhân khẩu và 25 dân tộc cùng chung sống. Do điều kiện tự nhiên, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Hơn 10 năm qua, với sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt là sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, hàng trăm căn nhà “Mái ấm biên cương” đã được xây dựng và bàn giao cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới để ổn định cuộc sống.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là cái Tết đầu tiên mà gia đình chị Lữ Thị Sót (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được đón trong ngôi nhà mới kiên cố tràn đầy niềm hạnh phúc và lòng biết ơn đối với các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.

Chị Lữ Thị Sót chia sẻ: Năm 2000, gia đình chị rời quê nhà Thanh Hóa vào xã Ia Lốp lập nghiệp. Khi cuộc sống còn bộn bề khó khăn thì người chồng qua đời và chị tảo tần nuôi con nhỏ một mình. Kinh tế khó khăn cũng đồng nghĩa với nhà ở tạm bợ, mùa mưa thì nước dột khắp nhà, mùa khô thì nóng như rang, hai mẹ con chỉ mong ước có một ngôi nhà kiên cố để che nắng, che mưa.

Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Lữ Thị Sót, vào năm 2020 với Chương trình “Mái ấm biên cương”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ gia đình chị Sót 50 triệu đồng để dựng căn nhà kiên cố. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giảm bớt chi phí nhân công, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã bố trí lượng lượng tham gia nhiều ngày công. Cuối cùng, căn nhà được hoàn thành sớm, kịp để bàn giao trước Tết Nguyên đán.

 Cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk thăm hỏi, động viên gia đình chị Lữ Thị Sót, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN Phát
“Tưởng chừng một ngôi nhà kiên cố chỉ là mơ ước của hai mẹ con nhưng mơ ước ấy đã thành sự thật khi được sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng và các nhà hảo tâm. Từ nay, gia đình đã có chỗ ở ổn định và tôi sẽ nỗ lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài, bản thân tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn sự giúp đỡ của cộng đồng, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Bộ đội Biên phòng”, chị Sót xúc động chia sẻ.

Từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí xây dựng 100 căn nhà “Mái ấm biên cương” với tổng giá trị gần 4,6 tỷ đồng. Tính riêng năm 2020, có 7 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 4 xã biên giới đã được trao tặng nhà.

Đại tá Nguyễn Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Những năm qua, Chương trình “mái ấm biên cương” đã góp phần giúp đỡ nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn về nhà ở tại khu vực biên giới ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên vươn lên phát triển kinh tế, gắn bó với biên giới, đồng hành cùng lực lượng bộ đôi biên phòng trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

“Tiếp sức” cho phụ nữ vùng biên

 Lớp “xóa mù chữ” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tại xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN phát
Với phương châm “lấy hạnh phúc của phụ nữ là thước đo chất lượng hoạt động” và quyết tâm “không để phụ nữ nào ở lại phía sau”, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tổ chức đã “tiếp sức” cho nhiều hội viên phụ nữ vùng biên vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Thoa (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Vợ chồng chị Thoa thuộc diện hộ nghèo, cả hai đều không có việc làm ổn định, thiếu đất sản xuất, bản thân chị Thoa cũng thường xuyên đau ốm nền kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Đầu năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ cho gia đình chị Thoa 10 triệu đồng để có vốn làm ăn. Được các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tư vấn, hỗ trợ canh tác, chị Thoa quyết định đầu tư 7 triệu đồng để đào ao nuôi cá, mua giống cá và thức ăn cho cá. Còn lại 3 triệu đồng, chị mua gà, vịt giống thả trong vườn với mong ước từng bước vươn lên phát triển kinh tế, thoát khỏi hộ nghèo.

Chị Hoàng Thị Thoa chia sẻ: Mới đầu, tôi còn bỡ ngỡ về cách chăm sóc vật nuôi sao cho đúng cách, hiệu quả. Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Sêrêpốk thường xuyên đến động viên, thăm hỏi và hướng dẫn tôi về kỹ thuật chăn nuôi. Sau vụ chăn nuôi đầu tiên, trừ chi hết chi phí sản xuất thì gia đình thu lãi được 20 triệu đồng. Chúng tôi lấy số tiền đó để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô với hơn 200 con gà đẻ trứng, mỗi ngày thu từ 15 – 20 quả trứng để bán.

“Từ sự giúp đỡ ban đầu của tổ chức phụ nữ các cấp và Bộ đội Biên phòng, gia đình tôi đã tìm được hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi. Đến nay, kinh tế gia đình đã ổn định và vươn lên thoát nghèo, bản thân vô cùng biết ơn sự giúp đỡ của những người lính biên phòng cùng các cấp hội phụ nữ. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để không phụ sự kỳ vọng của những người đã giúp đỡ mình”, chị Thoa tâm sự.

Trước thực trạng trên địa bàn các xã biên giới nhiều phụ nữ mù chữ, đặc biệt là chị em thuộc các dân tộc thiểu số. Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho 51 học viên, trong đó 40 học viên là nữ. Cùng với dạy học, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn cho các học viên nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với điều kiện địa phương.

 Cán bộ Đội công tác địa bàn, Đồn Biên phòng SêRêPốk hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho gia đình chị Hoàng Thị Thoa, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN Phát
Ngoài ra, để giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình phụ nữ nghèo, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cũng nhận 4 em học sinh làm con nuôi biên phòng và nhận đỡ đầu 42 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 4 xã biên giới. Các đồn biên phòng đã phân công 74 đảng viên phụ trách việc hỗ trợ 334 hộ gia đình phụ nữ đặc biệt khó khăn, tạo động lực cho các gia đình vươn lên trong cuộc sống và hướng đến thoát nghèo. Đến nay, đã có 165 gia đình phụ nữ thoát nghèo từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Theo Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, bằng nhiều hình thức, mô hình, cách làm khác nhau, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vừa qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cũng rà soát các gia đình khó khăn, gia đình chính sách để huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân ở khu vực biên giới vui Xuân, đón Tết trong không khí ấm no, hạnh phúc với phương châm “không để ai bỏ lại phía sau”.

Theo Tuấn Anh - Ngọc Lân (TTXVN)

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều