Nguyên Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Văn Đăng: Bám vào dân mà làm việc Mặt trận

Khi nghe tin nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Văn Đăng qua đời, trong đầu tôi nghĩ tới một bài báo, có lẽ cho đến giờ là bài báo duy nhất trên báo Đại Đoàn kết viết về ông…

Ông bà Trần Văn Đăng những ngày thư nhàn sau khi nghỉ hưu.

Năm 2012, tôi nhắn với một đồng nghiệp khi anh đi công tác Phú Thọ là anh nhớ qua nhà bác Trần Văn Đăng phỏng vấn bác nhé. Nhưng khi ấy thì nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng đã yếu sau khi bị tai biến và không thể phỏng vấn được nữa. Phóng viên khi ấy đã chỉ có thể ngồi hỏi được rất ít chuyện và bài báo “Một thời Mặt trận đam mê” của phóng viên Đơn Thương viết dưới dạng một bài ký chân dung ra đời. Lần đó là lần hiếm hoi ít ỏi ông xuất hiện trên báo Đại Đoàn kết kể từ sau khi nghỉ hưu.

Ông Trần Văn Đăng làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam dưới thời Chủ tịch Lê Quang Đạo và Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, là người có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vai trò và vị thế Mặt trận ở thời kỳ mới. Ông là người được nhiều cán bộ Mặt trận sau này luôn nhắc tới và nhớ rất lâu.

Xuất thân từ một thầy giáo, ông nho nhã, chí tình trong ứng xử.

Năm 2004 ông nhận quyết định nghỉ hưu. Nhiều lần đi công tác cùng các cán bộ Mặt trận, nghe mọi người kể rằng tối trước hôm ông về quê nghỉ hưu, cán bộ xếp hàng dài trước cửa nhà ông để chào và cảm ơn ông, về những gì ông đã giúp họ trong thời gian ông đảm nhận cương vị Tổng Thư ký qua hai đời Chủ tịch Mặt trận.

Nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng cùng sát cánh với cố Chủ tịch Lê Quang Đạo và các lãnh đạo Mặt trận thời đó nhiều ngày mất ăn mất ngủ quyết tâm đưa Luật Mặt trận ra đời. Suốt đời một nỗi niềm “đưa công tác Mặt trận lên một tầm cao mới”, nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng cho đến cuộc nói chuyện cùng phóng viên báo Đại Đoàn kết năm 2012 vẫn gửi gắm nhiều băn khoăn và kỳ vọng, làm sao để dân tin thì mới đoàn kết dân tộc được…

Trước khi làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Trần Văn Đăng là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (hồi ấy chưa tách thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Vốn là một thầy giáo cấp 2, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Chủ tịch huyện Sông Lô, làm chuyên gia ở nước bạn Lào, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy. Lúc làm Chủ tịch huyện Sông Lô (sau này huyện này tách thành 4 huyện) ông từng kể, là thời điểm cực kỳ khó khăn của đất nước huyện hồi ấy có tới 82 xã vùng đất bán sơn địa, dân nghèo, cán bộ nghèo, cây sắn là cây chủ lực.

Cho đến khi ông đã là Bí thư Tỉnh ủy, rời vị trí ấy về Trung ương làm Tổng Thư ký Mặt trận, ông để lại vợ con, về Hà Nội ở nhà công vụ, vợ con ông vẫn phải sống trong khó khăn, vì “thời làm lãnh đạo ở Vĩnh Phú ông chả tơ hào được cái gì” (trích bài báo “Một thời Mặt trận đam mê” đã đăng trên báo Đại Đoàn kết). Không màng tới bất cứ một mưu cầu vật chất nào, khi nghỉ hưu ở Mặt trận, ngay ngày hôm sau ông trở về Phú Thọ sống với vợ con suốt từ đó cho tới khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Đồng nghiệp của chúng tôi kể rằng ngôi nhà ở Thành phố Việt Trì của nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng là ngôi nhà “tứ đại đồng đường” khá lạ. Tất cả các con ông đều ở quây quần xung quanh bố mẹ trong một dãy nhà liên kết với nhau. Ông bà có 7 người con thì 6 người đều công tác ở tỉnh. Chỉ duy nhất có cậu con trai út, ngày ông xuống Trung ương bé quá nên phải mang đi theo. Ở với ông, anh này học, ra trường và là người con duy nhất hiện nay đang ở và làm việc tại Hà Nội.

Trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng chính ở Mặt trận, theo như lời ông nói với phóng viên, mới là quãng thời gian ghi dấu ấn đậm nét và đầy đam mê trong cuộc đời cán bộ của ông. Dù thoạt đầu đó là công việc mới mẻ nhưng việc gì cũng đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất thì cũng đều sẽ thành công.

Tất cả mọi thứ đều từ nhân dân mà ra. Quan điểm làm việc của nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng là bám vào dân, vào tâm tư nguyện vọng của nhân dân mà đề xuất, để tổ chức, để hoàn thiện vai trò, vị thế của Mặt trận. Thời kỳ ông làm Tổng Thư ký là thời điểm ra đời được Nghị quyết liên tịch giữa Mặt trận và các cơ quan Nhà nước, Chính phủ; thời kỳ đưa công tác Mặt trận xuống tận khu dân cư, đề xuất kinh phí cho hoạt động của khu dân cư, khởi xướng cuộc Vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; thời kỳ Mặt trận tham vấn với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những chính sách đổi mới phù hợp với thực tiễn về người Việt Nam ở nước ngoài như việc kiều bào được giữ Quốc tịch Việt Nam... Đặc biệt là ông có đóng góp quan trọng cho việc xây dựng Luật MTTQ Việt Nam 1999.

“Nhân dân luôn là người đúng nhất”, “Đẩy thuyền và lật thuyền cũng là dân”, ông tâm huyết và thuộc nằm lòng những câu này trong cả cuộc đời mình. Cái gì làm đúng và có lợi cho nhân dân thì phải làm, làm bằng được. Cuộc đời làm Mặt trận của ông Trần Văn Đăng có thể gói gọn bằng một quan niệm giản dị như thế và cũng nhờ thế mà ông còn được nhân dân nhớ mãi.

* Người đã đem đến sức sống mới cho công tác Mặt trận

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nguyên là thư ký trong suốt quãng thời gian ông Trần Văn Đăng là Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Khi chúng tôi gọi điện thoại, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đang trên đường về Phú Thọ dự lễ viếng ông Trần Văn Đăng và trong sự tiếc thương, ông Bảo chia sẻ:

Nói về bác Trần Văn Đăng thì có lẽ trước tiên phải nói rằng ông vốn là một nhà giáo vì thế ông cư xử chuẩn mực, nho nhã. Khi làm việc ông tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng cũng đồng thời là một nhà lãnh đạo quyết đoán. Cái gì đã thấy đúng là ông quyết tâm bảo vệ và làm đến cùng.

Khi làm Tổng Thư ký (hồi đó Mặt trận chưa có chức danh Phó Chủ tịch), ông đã tập hợp được các Ủy viên Ban Thường trực, phát huy được thế mạnh của mỗi người để cả Ban Thường trực hồi đó đều có những cống hiến và đóng góp tích cực cho công tác Mặt trận. Nhiều ý tưởng mới mẻ đưa công tác Mặt trận thời kỳ ấy có một sức sống mới.

Ông cùng các vị lãnh đạo Mặt trận xác định linh hồn của công tác Mặt trận chính là ở khu dân cư, Mặt trận đi vào tế bào nhỏ nhất, đơn vị hành chính nhỏ nhất là khu dân cư tức là đi được gần dân, sát dân nhất.

Thời kỳ ông làm Tổng Thư ký ra đời Luật Mặt trận, khởi xướng Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, ra đời Cuộc vận động Ngày vì người nghèo... Tính phản biện của Mặt trận thời kỳ đó cũng được đề cao khi thành lập các Hội đồng tư vấn của Mặt trận thu hút, tập hợp rất nhiều trí thức có danh tiếng của đất nước để tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước.

Nói về nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng thì phải nói về sự liêm khiết, không màng danh lợi của ông. Ông có 7 người con nhưng tất cả đều được giáo dục tử tế, không dựa dẫm vào địa vị của người thân. Các con ông đều làm công việc bình thường, có 2 người con trai làm nghề dạy học. Từ khi ông nghỉ hưu, cả gia đình ông sinh sống quây quần bên nhau rất đầm ấm, con cái hiếu thảo.

Ông đối xử với cấp dưới công bằng khách quan, không phải vì thân thiết với người này mà có ưu ái hơn người khác. Nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng là một người cực kỳ giản dị. Ông thường xuyên đi công tác cơ sở, gần gũi nhân dân nhưng không bao giờ gây phiền hà cho địa phương…

Khi ông Trần Văn Đăng là Tổng Thư ký, ông Nguyễn Túc là Ủy viên Ban Thường trực (vị trí tương đương các Phó Chủ tịch hiện nay). Trên đường trở về từ lễ viếng nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng, ông Nguyễn Túc chia sẻ với phóng viên: “Anh Trần Văn Đăng là một người thẳng thắn, công tâm, chân thành trong ứng xử với mọi người và trong công việc. Với cấp trên, anh thẳng thắn tới mức không ngần ngại bày tỏ chính kiến. Có nhiều việc anh Đăng thấy đúng rồi thì quyết luôn. Được cái thời đó Chủ tịch Lê Quang Đạo hoặc sau này là Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đều hiểu tính anh Đăng, đều vì công việc chung, cái gì có lợi cho công việc, cho nhân dân thì cũng đều ủng hộ.

Anh Đăng là người tuyệt đối không tư lợi. Nghỉ hưu là về quê luôn không còn màng tới một tí danh lợi nào nữa”.

Theo Cẩm Thúy/Báo Đại Đoàn Kết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều