Những câu chuyện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng của lòng dân

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được biết đến là “linh hồn” của đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ và cả đường Hồ Chí Minh hôm nay, gắn với những câu chuyện đã trở thành giai thoại. Được phong tướng vượt cấp vì những đóng góp lớn lao, hơn hết, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng của lòng dân.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và ông Trần Kỳ Vân (người hàng đầu bên trái) - Ảnh: NVCC
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và ông Trần Kỳ Vân (người hàng đầu bên trái) - Ảnh: NVCC
Tìm thêm nguồn tư liệu về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, chúng tôi đến gặp ông Trần Kỳ Vân, nguyên Thư ký và ông Đỗ Trường Sơn, nguyên lái xe của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đây là những người gắn bó nhất với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Văn phòng Chính phủ khi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng).

Trọn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội

Ông Vân có hơn 10 năm đồng hành với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nay gần 90 tuổi, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm và dành tình cảm sâu sắc, sự khâm phục, kính trọng đối với người thủ trưởng của mình.

"Trung tướng luôn trọn tình, trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội", ông Vân nghẹn ngào mở đầu câu chuyện.

... Chính vì thương xót cùng như dành tình cảm đặc biệt với các đồng đội đã hy sinh, việc đầu tiên mà tướng Đồng Sỹ Nguyên làm sau chiến thắng 1975 là đề xuất xây dựng nghĩa trang làm nơi an nghỉ cho hàng vạn chiến sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vị tướng ấy hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ phần cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày nay được hình thành như thế.

"Khi về làm việc ở Chính phủ với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn tiếp tục cùng các địa phương lo đưa các mộ liệt sĩ từ Lào, Campuchia, giữa rừng núi các nơi để quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Hàng vạn đồng đội đã hy sinh ở cả 63 tỉnh, thành phố đã được đưa về đây. Đó là sự tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trung tướng luôn canh cánh trong lòng về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh...", ông Trần Kỳ Vân chia sẻ.

Trong ký ức của ông Vân, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng hết sức thẳng thắn, trung thực, biết lắng nghe, thương mến đồng chí, đồng đội. Đối với cán bộ Văn phòng Chính phủ, bất kể đó là ai, từ lái xe, bảo vệ hay những người phục vụ, vị tướng luôn quan tâm, hỏi thăm về gia đình, sức khỏe, nguyện vọng cá nhân…

Ông Vân kể: "Trung tướng hay gọi tôi là chú Vân, rồi hỏi thân tình: Chú làm giúp tôi cái này, cái kia, giao nhiệm vụ rồi ông còn hỏi chú thấy có gì khó khăn không? Ngoài công việc thì thủ trưởng cũng quan tâm, hỏi thăm về gia đình. Nhóm có tôi, với anh lái xe, thường được Trung tướng gọi vui là Chi bộ 3 người. Đó là những cảm tình riêng mà tôi còn nhớ mãi".

Ông Trần Kỳ Vân bên những trang hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh: VGP/Hoàng Giang 

Người luôn đứng "đầu sóng ngọn gió"

Trong công việc, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là người tâm huyết, đứng "đầu sóng ngọn gió", làm những việc "nước sôi lửa bỏng" như vấn đề phòng chống lụt bão, trồng rừng, xây dựng cơ bản, thủy lợi, giao thông cũng như quan tâm đến những địa phương khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Những năm được đồng hành với tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Vân đã chứng kiến nhiều lần vị tướng không quản ngại hiểm nguy và đã từng được tôi luyện qua chiến tranh ấy luôn sát dân và gắn bó với nhân dân.

Ông Vân nhớ lại: "Có năm mưa bão lớn ở Cù lao Chàm (Quảng Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã đi từ Hà Nội vào Quảng Nam xuyên đêm, không nghỉ, đồ ăn chẳng có gì ngoài mấy miếng lương khô. Bấy giờ bác Nguyên đã trực tiếp cùng lãnh đạo địa phương sâu sát xuống từng nhà người dân, gặp từng em nhỏ, cụ già để thăm hỏi, truyền đạt ý kiến, tinh thần của Chính phủ, tìm mọi cách đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khắc phục hậu quả của thiên tai và hỗ trợ người dân".

Một trong những chuyến công tác đáng nhớ đó là năm 2001, khi đoàn công tác đi kiểm tra tuyến đường Trường Sơn. Buổi sáng hôm ấy nước lũ đang từ từ dâng lên, đoàn xe phải vượt qua một ngầm tràn. Sau khi xem xét tình hình nước lũ, Trung tướng đã quyết định cho xe của mình đi trước, vượt qua đầu tiên.

"Tôi muốn nói rằng thủ trưởng luôn gương mẫu không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động, không nề hà hiểm nguy, luôn xuống tận nơi, chỉ huy tận chỗ", ông Vân bày tỏ khâm phục.

Trong ký ức của người thư ký, cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên là người có tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành, tư duy làm việc không theo lối mòn mà luôn cải tiến, sáng tạo, có căn cứ thực tiễn. Trung tướng là người đưa ra và chỉ huy trực tiếp nhiều dự án, tuyến giao thông quan trọng. Một số tuyến đường cửa ô được mở rộng của Hà Nội có công lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên…

Nhưng có lẽ tâm nguyện ấp ủ lâu nhất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn là biến đường Trường Sơn trong kháng chiến thành con đường chiến lược xứng tầm trong thời bình.

Gắn bó với đường Trường Sơn trong giai đoạn cam go nhất, hơn ai hết vị tướng hiểu ý nghĩa, tiềm lực to lớn của tuyến đường này trong bảo vệ Tổ quốc. Mong muốn của vị tướng Trường Sơn ngày nào là làm sao hiện đại hóa tuyến đường, làm sao khắc phục được những hạn chế của con đường trong quá khứ, để trong tương lai trở thành con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì lẽ đó, dù đã nghỉ hưu, tuổi cao, sức yếu (74 tuổi), nhưng khi đường Trường Sơn được Chính phủ phê duyệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm Đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường.

Những bước chân không mỏi

Là người may mắn được đồng hành với những bước chân không mỏi của tướng Đồng Sỹ Nguyên khắp mọi miền Tổ quốc, ông Đỗ Trường Sơn, lái xe của tướng Đồng Sỹ Nguyên, chia sẻ bản thân ông và nhiều người không hiểu hết được điều gì đã cho vị tướng già nguồn năng lượng lớn đến vậy để lại xông pha, vượt núi trèo đèo, băng rừng lội suối tìm hướng tuyến ở tuổi "xưa nay hiếm", biến ước mơ của mình và của bao người dân thành hiện thực: Mở một con đường mang tên Hồ Chí Minh nối liền Nam - Bắc.

 Ông Đỗ Trường Sơn thăm hỏi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Ảnh: NVCC

Ông Trường Sơn kể ngày 3/2/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 18/QĐ-TTg đầu tư dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đó là quãng thời gian vất vả nhất và cũng đáng nhớ nhất của "thầy trò" ông.

Tháng nào Trung tướng cũng vào tuyến kiểm tra đôn đốc đúng như tác phong của một vị Tư lệnh. Những chuyến đi thời bình để xây dựng đất nước vẫn vất vả chẳng kém gì những chuyến đi thời chiến năm xưa mà vị tướng đã kinh qua cùng đồng đội của mình.

Những chuyến đi kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày mấy trăm cây số từ sáng sớm đến tối mịt, cơm nước thất thường, tiện chỗ nào thì dừng xe dọc đường ăn xôi hoặc bánh mỳ mang theo hoặc vào lán trại của anh em bộ đội nghỉ qua đêm.

Đường lúc đó rất xấu, có những đoạn chỉ vài cây số nhưng phải đi hết nửa ngày. Đường vừa đào lên thì mưa rừng ập xuống, xe thi công chạy đi chạy lại, biến con đường trở thành một "dòng sông bùn" đỏ quạch. Xe chỉ chạy được số 1, số 2, xe nhích từng tí một, hết quăng bên trái lại quăng bên phải.

"Mỗi lần dừng xe, mấy anh em đều kêu ù tai, còn tôi thì như có ruồi bay trong mắt. Vậy mà mọi người trên xe tuyệt nhiên không thấy vị "Tư lệnh" già có biểu hiện gì về sự mệt mỏi", ông Sơn nhớ lại.

Sau này, được nghe nhiều tâm sự của thủ trưởng, người lái xe mới hiểu được cội nguồn sức mạnh của ông. Đó là tâm huyết với đường Hồ Chí Minh, không khác gì tâm huyết của ông và đồng đội dành cho đường mòn Hồ Chí Minh mấy chục năm trước.

 Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vào năm 2018 - Ảnh: VGP/Kim Liên

Dù chiến tranh đã qua lâu mà dân mình vẫn còn đói khổ thì vị tướng sinh ra giữa lòng dân ấy thấy mình còn mắc nợ nhân dân nhiều quá. Vì thế mà dù tuổi đã cao, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn mang hết sức lực của mình để đẩy nhanh việc mở con đường này, ngoài ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng cho đất nước còn là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào...

 "Khi con đường này được mở, mỗi nải chuối, quả cam hay con gà của người dân đem bán cũng có giá trị hơn, một cô gái người dân tộc thiểu số cũng có thể yêu và kết hôn với một chàng trai dưới xuôi… Đó là những tâm nguyện của thủ trưởng tôi và nó đã trở thành hiện thực", ông Trường Sơn xúc động.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ; sinh ngày 1/3/1923, mất ngày 4/4/2019.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có đóng góp đặc biệt to lớn trong suốt quá trình xây dựng, duy trì thông suốt đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng quân đội, thanh niên xung phong "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", hình thành tuyến đường huyết mạch, chiến lược để vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho các mặt trận phía Nam.

Tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với chiến trường Trường Sơn, với những chiến thắng lịch sử, chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc, giành độc lập dân tộc.

Ông là vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn huyền thoại trong thời gian lâu nhất và là một trong hai vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ta phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Đặc biệt, trong những năm tháng đầy khó khăn thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực, nhất là xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải...

Theo Hoàng Giang - Kim Liên/Báo Điện tử Chính phủ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều